Tiến trình dân chủ Á Châu qua cơn thử thách


2004.03.26

Bấm vào đây để nghe bài bình luận này
Rightclick to download this audio

Trào lưu dân chủ đã bước được những bước dài trong hai thập niên gần đây, đặc biệt là ở Á Châu. Ở hầu hết các quốc gia Á Châu, ít nhất là trên nguyên tắc, người dân có quyền đi bầu để chọn người đại diện cho mình.

Bầu cử không nhất thiết có nghĩa là dân chủ vì dân chủ chỉ có thể có được nếu người dân được thực sự tự do đi bầu, và luật lệ phải công bằng và được mọi người tôn trọng, nhưng đó cũng là những bước khởi đầu cho dân chủ. Tiến trình dân chủ phải trải qua nhiều giai đoạn thử thách, đặc biệt tại những nước mới thực nghiệm dân chủ.

Trường hợp này là trường hợp bầu cử tại một số quốc gia Á Châu như người ta đã thấy ở Đài Loan và Malaysia cuối tuần vừa qua, cùng với cuộc khủng hoảng chính trị đang làm tê liệt nền chính trị Nam Hàn. Trần Sơn Nam hôm nay có bài nhận định sau đây về những diễn biến mới này.

Ở vào thời đại toàn cầu hoá ngày nay và thế kỷ 21, với trào lưu dân chủ lan rộng ở khắp mọi nơi, không nhà cầm quyền nào dám phủ nhận quyền đi bầu của người dân. Vấn đề còn lại chỉ là người dân có được tự do chọn lựa người đại diện cho mình không, và rồi sự lựa chọn của người dân có được tôn trọng không? Về phương diện này hai cuộc bầu cử tại Đài Loan và Malaysia cuối tuần vừa qua cho thấy rằng thực nghiệm dân chủ không phải là chuyện đơn giản.

Trong trường hợp của Malaysia thì kết quả tương đối khá gọn gàng. Mặc dầu những người thua cuộc than phiền về một vài sự kiện họ cho là gian lận, và yêu cầu người trưởng ban tổ chức bầu cử phải từ chức, kết quả cho thấy là đảng của tân Thủ Tướng Abdullah Badawi đã toàn thắng, chiếm gần hết số ghế tại Quốc Hội mới. Thực ra giới quan sát quốc tế cũng không ngạc nhiên về kết quả này.

Cuộc bầu cử ở Malaysia đã thể hiện được sự chuyển quyền từ thế hệ của cựu Thủ Tướng Mahathir Mohammad nay đã về hưu sang thế hệ của một lớp người trẻ hơn, với người đại diện là ông Abdullah Badawi mà chính ông Mahathir đã chọn lựa. Ông Mahathir là người tuy có khuynh hướng độc đoán nhưng được coi là đã có công tạo bầu không khí ổn định để Malaysia có cơ hội phát triển trong hai thập niên qua.

Malaysia là một cựu thuộc địa của Anh Quốc mới được độc lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, nền dân chủ tại đây còn bị nhiều giới hạn, tuy nhiên trong cuộc bầu cử này người ta ghi nhận là những thành phần ôn hòa của đảng cầm quyền đã chiếm đa số tuyệt đối trong khi những thành phần thuộc phe Hồi Giáo cực đoan thất bại gần như hoàn toàn. Và đây có thể là dấu hiệu của một nền dân chủ với những bước đầu đáng khuyến khích.

So sánh với cuộc bầu cử tương đối yên lành này của Malaysia thì cuộc bầu cử cũng vào cuối tuần vừa qua ở Đài Loan, quả thực sôi nổi khác hẳn, vì nhiều nguyên do.

Đài Loan đã trở thành một đảo quốc từ năm 1949, sau khi nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch bị Cộng Sản đánh bại ở lục địa và phải chạy sang Đài Loan, nhưng cho đến nay vẫn bị nhà cầm quyền Cộng Sản Hoa Lục coi như một tỉnh thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Ngoài ra,nền dân chủ cũng chỉ đến với đảo quốc này mới có 4 năm nay sau khi đảng cầm quyền Quốc Dân Đảng thất cử, phải nhường chỗ cho đảng đối lập và ông Trần Thủy Biển được bầu làm Tổng Thống.

Ông Trần Thủy Biển bị nhà cầm quyền Hoa Lục đả kích kịch liệt vì ông và đảng của ông tỏ ra có khuynh hướng muốn Đài Loan trở thành một nước độc lập, điều mà nhà cầm quyền Hoa Lục tuyên bố không chấp nhận và dành quyền dùng võ lực nếu cần để hoàn thành việc thống nhất với Hoa Lục.

4 năm qua là cả một bầu không khí căng thẳng giữa hai bên, đến nay ông Trần Thủy Biển lại ra ứng cử lần thứ 2. Không những thế, ông lại bầy ra một cuộc trưng cầu dân ý, hỏi ý kiến người dân về hai điều: một là Đài Loan có cần phải võ trang thêm để chống lại với gần 500 hỏa tiễn của Hoa Lục không ở bờ biển Phúc Kiến phía bên kia không, và hai là Đài Loan có nên nối lại mối quan hệ thông thường với Hoa Lục không.

Ông Trần Thủy Biển đã là một cái gai trước mắt Hoa Lục, nay lại còn thêm cuộc trưng cầu dân ý mà Hoa Lục coi là một hình thức ngụy tạo để tiến tới độc lập, trong khi Quốc Dân Đảng Trung Hoa lại tỏ ra thụận thảo hơn với Bắc Kinh và được Bắc Kinh ủng hộ, tuy chưa ai tin rằng họ thực sự muốn Đài Loan thống nhất với Trung Quốc. Quốc Dân Đảng vẫn còn uy thế lớn ở Đài Loan, và trước cuộc tuyển cử giới quan sát cho là có nhiều triển vọng thắng cử để dành lại chính quyền.

Tình trạng đó là một nguyên do khiến cuộc bầu cử trở nên sôi nổi. Thêm vào đó lại còn một diễn biến bất ngờ. Một ngày trước cuộc bầu cử, thứ 6 vừa qua, cả Tổng Thống Trần Thủy Biển và Phó Tổng Thống Annette Lu đều bị thương nhẹ trong một cuộc mưu sát. Vụ này gây chấn động, và ngày hôm sau, không hiểu có phải nhờ thế không, mà ứng cử viên của Quốc Dân Đảng, ông Lien Chiến, thua súyt soát ông Trần Thủy Biển trong cuộc bầu cử.

Sự kiện sự chênh lệch số phiếu về phía ông Trần Thủy Biển chỉ có trên dưới 30 ngàn phiếu, tức là chỉ có 0,2 % nếu đem so với số 13 triệu người đi bầu, và sự kiện cho đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm vụ mưu sát ai, tất cả đã tạo một bầu không khí nghi hoặc về kết quả của cuộc bầu cử. Phe thất cử xuống đường biểu tình đòi kiểm lại phiếu để nếu cần tổ chức bầu cử lại. Ông Trần Thụy Biển trước tình thế này cũng buộc lòng phải chấp nhận kiểm phiếu lại, nhưng vì nền dân chủ còn mới quá nên không có điều khoản nào quy định được sẽ kiểm phiếu ra sao.

Do đó mà ai sẽ làm Tổng Thống còn tùy thuộc vào sự phán xét của Tòa Án Tối Cao của Đài Loan, điều mà chưa biết bao giờ mới có. Trong tình trạng chờ đợi bất ổn định hiện nay, nếu có điểm tích cực nào về cuộc bầu cử thì chỉ là kết quả cuộc cuộc trưng cầu dân ý. Vì không hội đủ phiếu thuận hay nghịch của 50 % tổng số cử tri, cuộc trưng cầu dân ý được coi như hủy bỏ.

Nhà cầm quyền Hoa Lục không còn lý do chống đối nữa, tình trạng căng thẳng trở nên lắng dịu và hiểm họa chiến tranh có thể lôi kéo cả Mỹ vào cuộc cũng vì thế mà nguội dần. Nói tóm lại, nếu cuộc bầu cử ở Đài Loan là một bước tiến thì trên con đường dài của tiến trình dân chủ tại đây, những khúc mắc trong những ngày bầu cử là một thử thách cho người dân và chính giới Đài Loan.

Và nói đến thử thách thì người ta cũng phải đề cập tới tình hình chính trị ở Nam Hàn lúc này. Tại đây, cũng như ở Đài Loan, nền dân chủ cũng mới chớm nở có vài năm từ ngày ông Kim Đại Trung, một người cả đời vào tù ra khám, tranh đấu cho dân chủ trong hàng ngũ độc lập, được bầu lên làm Tổng Thống. Được bầu lên thay ông năm ngoái là một luật sư trẻ tuổi, ông Roh Moo-Hyun. Người ta tưởng như thế là dân chủ đã có đà. Không ngờ là mới đây vì một chuyện nhỏ, ông Roh bị hai đảng đối lập bỏ phiếu bãi nhiệm.

Tất cả chỉ vì ông không chịu xin lỗi sau khi đã có lời tuyên bố ủng hộ những người trong đảng của ông trong cuộc bầu cử lập pháp vào giữa tháng tới, điều mà theo thể lệ bầu cử của Nam Hàn ông không có quyền. Hiện nay, ông Roh mới thực sự chỉ bị ngưng chức và chờ đợi sự phán xét của Tòa An Tối Cao, nhưng cũng như trong trường hợp của Đài Loan, Nam Hàn bỗng nhiên bị lâm vào một tình trạng bất ổn, phương hại đến nền kinh tế của Nam Hàn đang gặp khó khăn, trong khi Nam Hàn vẫn còn phải đối phó với những đe dọa từ phía chế độ Cộng Sản miền Bắc.

Malaysia mang tiếng có nền chính trị độc đoán, thì lại có được một cuộc bầu cử tương đối yên lành, nhưng Đài Loan và Nam Hàn được tiếng dân chủ hơn, lại chưa được cái may này. Những người yêu chuộng dân chủ mong rằng những thử thách mà nền dân chủ ở Đài Loan và Nam Hàn đang phải trải qua chỉ là những cơn sốt vỡ da để trở thành vững chắc hơn trong tương lai.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.