Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 1-4-2004)


2004.04.01

Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio

Tuần qua, ban Việt ngữ tiếp tục nhận được từ quý vị một số thư đóng góp hoặc chuyển tin và bài viết. Như nhóm “Hồn Việt” chuyển bài của Việt Thường viết về tình trạng của giới trí thức Việt Nam dưới chế độ cộng sản; như thính giả Đỗ Văn Thông thỉnh thoảng gởi các bài thơ “tức cảnh sinh tình” của ông đến cho chúng tôi.

Thính giả Nguyễn Đình Chương hiện công tác tại Malaysia, e-mail đến ban Việt ngữ cho biết là ông theo dõi chương trình phát thanh của chúng tôi nhưng nghe khó vì vậy, ông hỏi cách truy cập bài để đọc:

“Xin trả lời là ông Chương hãy vào địa chỉ www.rfa.org rồi bấm vào khung Tiếng Việt, ông sẽ thấy trên màn ảnh những thông tin và bài vở mà chúng tôi đã phát trong 20 ngày qua. Các mục chuyên đề và tạp chí thì được lưu trữ lâu hơn nữa.

Nếu muốn xem và nghe các đề mục này thì sau khi khung Tiếng Việt mở ra, ông hãy nhìn sang hai bên, có cột liệt kê nhiều đề mục. Chọn mục nào thì bấm vào khung ghi tên mục đó, bài viết sẽ hiện ra. Muốn nghe, thì quý vị bấm vào hình cái loa.

Về tin từ Malaysia thì thưa ông, hễ có tin liên quan đến người Việt Nam ta thì chúng tôi loan ngay. Nếu có nhiều chi tiết để triển khai thì chúng tôi viết thành bài.

Về nhã ý muốn gởi thông tin về Malaysia cho ban Việt ngữ, chúng tôi xin cám ơn sự đóng góp của ông. Ông đang làm việc trên đất Mã thành ra đưa tin về tình hình cộng đồng người Việt ở đó, nhất là về những công nhân sang lao động, thì thật là tốt.”

Nhân đây, ban Việt ngữ xin thông báo cùng quý thính giả là kể từ Chủ Nhật 28 tháng Ba, do sự đổi mùa ở Hoa Kỳ, chúng tôi có chút thay đổi về các băng phát thanh: là chương trình buổi sáng và buổi tối, tính theo giờ Việt Nam, đều được phát trên 8 tần số thuộc các băng 19, 22, 25 và 31 mét, và các tần số của hai buổi thì lại khác nhau, tuy cùng trong những băng giống nhau.

Qua thư từ nhận được, chúng tôi thấy rõ là người Việt ở nơi nào chăng nữa, vẫn theo dõi sát tình hình trong nước. Lớp trẻ, dù là ra đời sau biến cố 1975, cũng lên tiếng cho biết ý kiến như bạn Lê Hiếu nhận định về nghị quyết mới của chính quyền Hà Nội như sau:

“Hôm qua, cháu đọc tin tức trên mạng, thấy đăng nguyên văn một nghị quyết mới của chính phủ Việt Nam.Nghị quyết này đưa ra nhiều chiêu để dụ Việt Kiều. Họ bây giờ coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một phần không thể tách rời, và nghị quyết này thể hiện truyền thống đại đoàn kết dân tộc. [Họ không nói rõ truyền thống này là của dân tộc, hay là của Đảng.] toàn những lời lẽ ngọt ngào, êm tai.

Tất nhiên, mọi người có sự lựa chọn của riêng mình trước những lời mời gọi này nhưng cháu đọc, cháu thấy đảng Cộng Sản Việt Nam thật dối trá. Từ năm 1975 và suốt thập niên 1980, hàng triệu người Việt đã vượt biển, bao sinh linh thà chết để chạy nạn Cộng Sản.

Ngót 30 năm sau, cái ngày oan nghiệt kia, ai đã quên chưa? cháu may mắn sinh ra sau cuộc nội chiến, nhưng thấy người ta coi Việt Kiều là một phần không thể tách rời thế mà mới đây thôi, có mấy nghệ sĩ Việt Nam kết hôn cùng Việt Kiều, báo chí trong nước xúm vào lên án. Rồi các nghệ sĩ như Đơn Dương, Bằng Kiều và gần đây là Thu Phương, Huy MC ra đi, cũng bị trách là lội ngược dòng. Họ muốn nói đến "Dòng" nào?

Những lời mời chào ngọt ngào trong nghị quyết kia, người có chút lương tri sẽ biết chọn lựa cái gì.

Gần đây, người ta thấy Quốc Hội Việt Nam có những hoạt động có vẻ cởi mở hơn. Thế nhưng, chất lượng thì cũng chỉ là đến thế thôi. Đó vẫn không phải là dân chủ, mà là dân chủ giả tạo. Những quyền tự do cơ bản của thể chế dân chủ như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí không được đảm bảo thì không thể nói rằng có dân chủ được”.

Từ Hàn quốc, thính giả Phạm Anh Đào viết:

“Chúng tôi là thính giả thường xuyên của quý đài, đón nghe hàng ngày trên mạng Internet những tin tức thiết thực và chính xác. Xin cám ơn quý đài rất nhiều … không thiên vị, không đả kích, hoàn toàn trung thực.

Chúng tôi là những người con xa xứ, tha phương cầu thực nơi xứ người. Gần hai vạn người đang sống và làm việc tại Hàn quốc trong số đó, hơn phân nửa là bất hợp pháp.

Tin tức mà đài Á Châu Tự Do đem đến cho chúng tôi là những điều bổ ích và thiết thực nhất … những thông tin cập nhật mà chúng tôi thường đón nghe … một cửa sổ nhìn ra bên ngoài thế giới văn minh, tự do và dân chủ … luôn bênh vực cho những cái phải và cái đúng, những lẽ sống đời thường trong mỗi người dân hướng tới tự do.”

Trong khi đó, cũng có thư nói về tình hình trong nước với các ý kiến trái nguợc, như e-mail sau đây của ông Quan Phan - mà chúng tôi xin đọc nguyên văn.

“Qua những lời trao đổi trên đài Á Châu Tự Do, tôi được nghe các quý vị nói chuyện, trao đổi, và có khi được xem những bài báo nói về tình hình nhân quyền, xã hội, đời sống tại Việt Nam, tôi nhận thấy rằng nhiều khi, chua hiểu hết vấn đề nhân quyền là gì cả!

Nói đến tôn giáo, tôi đã có lần về thăm quê hương, chính mắt nhìn thấy chùa chiền, nhà thờ của các tôn giáo vẫn được cử hành hàng ngày, người đi xem lễ, tụng kinh vẫn nườm nượp ấy thôi! còn thì vấn đề bắt bớ, giam cầm thì ai phạm luật lệ thì vẫn phải bị xử.

“Nhập gia tùy tục" chúng ta không nên lấy luật lệ phương tây để nói Việt Nam làm theo khuôn mẫu được: vì rằng luật pháp của một quốc gia phải dựa trên phong tục, tập quán và nền kinh tế nữa.

Vụ ông Nguyễn Cao Kỳ về nước, tôi hoàn toàn đồng ý với ông ta vì bởi lẽ : Chúng ta đã trải qua cuộc chiến tranh kéo dài hằng chục năm để rồi chẳng được ích lợi gì. Truyền thống dân tộc Việt Nam là hiếu hòa , thích hoà bình hơn chiến tranh và thử hỏi nếu chiến tranh thì liệu mấy ông " Việt Kiều" đang sống sung túc nơi xứ người có dám về để đánh nhau hay không? Ai ủng hộ họ?

Trao đổi với thính giả Phạm Anh Đào, chúng tôi xin nhắc lại là chỉ thông tin và nêu ý kiến từ nhiều nơi dựa trên những tiêu chuẩn nhân quyền và quyền công dân theo quan điểm của quốc tế, mà Nhà Nước Việt Nam đã cam kết tôn trọng, không phải là luật lệ phuơng tây hay phuơng đông. Về tự do tôn giáo, thính giả Anh Đào có quyền nhận định theo ý riêng, nhưng chúng tôi thường nói đến tự do tôn giáo cho mọi người dân, và đề cập đến những sự can thiệp của chính quyền vào tôn giáo mà chỉ những nạn nhân mới phải chịu đựng, còn những người khác thuận theo Nhà Nước thì không hề nhận thấy. Chuyện ông Nguyễn Cao Kỳ thì chúng tôi đã thông tin đầy đủ, nhận xét là quyền của thính giả.

Ngoài ra, cũng có một số thư góp ý xây dựng, nói về từ ngữ mà chúng tôi sử dụng trong chương trình phát thanh. Vấn đề “chữ nghĩa” thì khá phức tạp, cần phải xét từng điểm một, mà thời lượng cho mục Thư Tín thì giới hạn, nên chúng tôi đã trao đổi ý kiến trực tiếp với người gởi thư. Cám ơn sự quan tâm của quý thính giả, chúng tôi xin đón nhận tất cả những ý kiến mà quý vị nêu ra, để chương trình ngày càng tốt đẹp.

Về các mục chuyên đề thì từ Na-Uy, thính giả Đỗ Tiến Minh gởi e-mail đến kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, người phụ trách Diễn Đàn Kinh Tế. Trong thư, bạn Minh nói về những nhận xét khi về thăm Việt Nam.

Thư kết thúc với câu: “Rất mong bác nghiên cứu thêm về những vụ việc dùng quyền lực để độc quyền kinh doanh, và tìm ra phương pháp nào đó để diệt trừ vấn nạn này. Người dân trong nước cũng muốn được nghe lắm và ngày nay, có rất nhiều người ở trong nước nghe đài RFA.”

Bạn Minh thân mến, Thy Nga đã chuyển e-mail này đến kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa để ông trả lời bạn.

Về mục “Đời sống người Việt khắp nơi” thì có các vị thính giả viết đến, ngỏ ý muốn tiếp tay với những công cuộc thiện nguyện trong nước mà Thanh Trúc nêu lên.

Thanh Trúc gởi lời cám ơn quý vị đã theo dõi mục này. Những lúc tường thuật về các chương trình vô vụ lợi đang được tiến hành để cứu giúp những người kém may mắn, Thanh Trúc không khỏi cảm thấy xúc động, và thấy rằng mặc dù trên thế giới ngày nay quá nhiều sự đảo điên nhưng tình người vẫn tồn tại và thể hiện rõ qua những công cuộc đó.

Một lần nữa, xin chân thành cám ơn sự quan tâm của quý vị để giúp đỡ các đồng bào trong hoàn cảnh khó khăn.

Đến đây, mục Thư Tín xin tạm dừng, Thy Nga cùng toàn ban Việt ngữ chào tạm biệt quý thính giả, và mong nhận được nhiều thư hơn nữa của quý vị và các bạn nghe đài.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.