Hậu quả Kinh tế của Bầu cử Hoa Kỳ
2004.07.08
Bốn tháng nữa là Hoa Kỳ có bầu cử, kết quả sẽ ảnh hưởng ra sao đến kinh tế các nước, đặc biệt là Đông Á và Việt Nam? Diễn đàn Kinh tế trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về câu hỏi này, trong mục chuyên đề hàng tuần do Thy Nga thực hiện.
Bấm vào đây để nghe tiết mục này Rightclick to download this audio
Hỏi: Kinh tế Hoa Kỳ là đầu máy kinh tế của nhiều quốc gia, nhất là trong vùng Đông Á. Vì vậy, bầu cử tại Mỹ vào tháng 11 này sẽ ảnh hưởng ra sao đến kinh tế các nước khác?
Đáp: Trước hết, dù sức sản xuất của kinh tế Hoa Kỳ chỉ bằng cỡ một phần tư của sản lượng toàn cầu, Hoa Kỳ đóng góp đến 60% vào tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới. Vì vậy, nền kinh tế đó tất nhiên có ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Một thí dụ nhỏ là khi thống kê về thất nghiệp tại Mỹ được công bố hôm Thứ Sáu là qua Thứ Hai, các thị trường chứng khoán Á châu đã sụt giá vì mối lo là kinh tế Mỹ không tăng trưởng đủ mạnh để kéo các nền kinh tế khác lên.
Đó là về đại lược. Kể từ đầu năm tới, chính trị Mỹ có thay đổi lớn vì cuộc bầu cử nên tất nhiên sẽ chi phối kinh tế các nước. Nhưng ảnh hưởng của cuộc bầu cử với kinh tế thế giới thể hiện khá rắc rối vì một số lý do phức tạp.
Hỏi: Nếu vậy, để mở đầu, xin ông trình bày những lý do ấy, trước khi ta đi vào chi tiết.
Đáp: Tôi xin được liệt kê ba loại lý do. Thứ nhất, trên đại thể thì có ba loại vấn đề đang đe dọa kinh tế Đông Á, nên vụ bầu cử có thể tác động qua ba vấn đề ấy. Thứ hai, mỗi quốc gia lại tiếp cận với kinh tế Hoa Kỳ theo một cách, càng gắn bó thì càng bị ảnh hưởng mạnh, và mỗi quốc gia lại có những vấn đề riêng, nên bị hậu quả đậm nhạt khác nhau. Thứ ba, Hoa Kỳ có bầu cử hàng loạt chức vụ dân cử, quan trọng nhất là Tổng thống, Nghị sĩ Dân biểu và Thống đốc tiểu bang, trong khi dư luận cứ chỉ chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống.
Hỏi: Ta sẽ đi từ đại thể vào đến trường hợp Hoa Kỳ, như vậy ba loại vấn đề ấy là gì?
Đáp: Thế giới vừa trải qua thời kỳ suy trầm nhẹ, nhưng đáng ngại là khi cả ba nền kinh tế đầu máy của thế giới là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên hiệp Âu châu đều bị suy trầm cùng lúc, vào các năm 2001 đến 2003. Khi đó, mối lo của các nước, kể cả Trung Quốc, là bị nạn giảm phát như Nhật đã bị trong 10 năm liền. Tình hình giờ đã khả quan hơn vì kinh tế Mỹ, Nhật, Âu đều đã phục hồi cùng lúc. Qua năm tới, các nước sẽ phải chú ý đến một vấn đề trái ngược, là nạn lạm phát mà nhiều nước Đông Á đã bắt đầu gặp, nhất là Trung Quốc và Việt Nam.
Thứ hai, vì Hoa Kỳ bị hai loại thiếu hụt song hành là bội chi ngân sách và nhập siêu ngoại thương, đồng Mỹ kim đã sụt giá kể từ năm 2002 và tuột đến mức thấp nhất từ năm năm nay vào tháng Hai vừa rồi. Tình trạng đó có thể kết thúc, tức là Mỹ kim đứng giá hoặc sẽ tăng và điều đó sẽ ảnh hưởng mạnh đến các nước khác.
Thứ ba là sau khi Hoa Kỳ bị suy trầm rồi bị khủng bố năm 2001, ngân hàng trung ương Mỹ đã hạ lãi suất liên tục để phòng ngừa suy thoái hoặc khủng hoảng. Giờ đây, với viễn ảnh lạm phát tái xuất hiện vì kinh tế Mỹ đã phục hồi, giai đoạn lãi suất thấp và tiền rẻ sẽ chấm dứt vào năm tới, khi ngân hàng trung ương nâng lãi suất tuần qua và sẽ còn tăng nữa trong năm tới. Từ nay, cả ba loại vấn đề này sẽ tác động mạnh vào kinh tế Đông Á, nhất là các nước vay mượn nhiều khi tiền Mỹ rẻ. Đó là ta chưa kể tới nguy cơ dầu thô tăng giá vì khủng bố. Tổng kết thì đà tăng trưởng Đông Á có thể giảm mà lạm phát lại tăng.
Hỏi: Bước qua tình hình các nước thì sự thể sẽ ra sao?
Đáp: Nói chung, các nước Đông Á nhất là Trung Quốc đều chú trọng đến việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đông Á có lợi khi tiền Mỹ sụt giá và họ để cho đồng bạc quốc gia tuột theo hầu dễ xuất khẩu. Thí dụ như khi Nhật can thiệp vào thị trường hối đoái để ghìm giá đồng Yen so với tiền Mỹ. Hoặc nổi bật hơn là việc Trung Quốc giàng giá đồng Nhân dân tệ của họ vào đồng Mỹ kim theo một tỷ giá nhất định. Tiền Mỹ sụt thì hàng Trung Quốc vẫn thành rẻ hơn, dễ bán hơn.
Đi vào chi tiết thì Nhật bị hiệu ứng nhẹ hơn vì thay đổi tại Mỹ, chứ Trung Quốc sẽ bị nặng vì kinh tế đang nóng máy và cần hạ nhiệt. Một biến động từ Mỹ sẽ tác động xấu vào Trung Quốc và từ đó lan ra các nước khác. Một điều khác là các nước Đông Á đều vừa có bầu cử, gần nhất là Indonesia vào hôm qua, trước đó là Philippines, Malaysia, Đài Loan và Nam Hàn. Trừ Malaysia, ngần ấy cuộc bầu cử đều gây tranh cãi khi đếm phiếu, và các chính quyền mới đang bị thách đố về cả kinh tế lẫn xã hội và chính trị, nhất là trường hợp của ba nước Đông Nam Á. Vì vậy, năm 2005 tới đây sẽ hứa hẹn nhiều bất ổn, chưa nói gì đến chuyện bầu cử tại Mỹ. Việt Nam không là ngoại lệ dù chính quyền vẫn đưa ra chỉ tiêu hay tín hiệu lạc quan như thông lệ.
Hỏi: Bây giờ, ta mới đi vào cuộc bầu cử này, nó sẽ ảnh hưởng ra sao?
Đáp: Đối với bên ngoài, có lẽ bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ sẽ có tác động mạnh hơn cả. Bên trong, thực ra Tổng thống và Hành pháp không có toàn quyền về kinh tế mà chỉ chi phối được hai trong ba lãnh vực là thuế khóa và mậu dịch, lãnh vực thứ ba và tín dụng và tiền tệ thì thuộc thẩm quyền ngân hàng trung ương, là định chế độc lập. Tại Quốc hội, phe nào chiếm đa số thì sẽ ảnh hưởng được ngân sách, thuế khóa, mậu dịch và cả những luật lệ về kinh doanh hay ngoại thương. Vì vậy, từ bên ngoài, người ta cũng cần quan tâm đến kết quả bầu cử Quốc hội nữa, là điều nhiều khi các nước không để ý lắm.
Hỏi: Như vậy, sự khác biệt về chủ trương của các phe tranh cử là như thế nào?
Đáp: Về đại lược, đa số đảng viên Cộng hòa chú trọng đến tăng trưởng sản xuất và có xu hướng đề cao tự do kinh tế nên giới hạn sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt kinh tế. Đa số muốn tự do mậu dịch, giảm thuế, giản lược bộ máy hành chánh công quyền và mở rộng giao thương với các nước khác. Ngược lại, đa số đảng viên Dân chủ thì coi trọng công bằng xã hội, muốn chính quyền tăng chi và can thiệp vào kinh tế vì mục tiêu xã hội đó.
Họ chống giảm thuế, nhất là cho thành phần có tiền, và hạn chế tự do mậu dịch để bảo vệ công ăn việc làm cho dân Mỹ, có khi là với lý do bảo vệ môi sinh và điều kiện lao động của các nước nghèo. Riêng năm nay, sau khi kinh tế suy trầm và có khi vì cả lý do mị dân, xu hướng bảo vệ mậu dịch đang lên mạnh, nên phe Cộng hòa bị áp lực rất mạnh. Sinh hoạt chính đảng tại Mỹ còn có đặc điểm là các đảng viên bỏ phiếu theo quyền lợi thiết thực của cử tri hơn là theo ý thức hệ hay kỷ luật đảng, nên phe bên này có thể bỏ phiếu cho một đề luật do bên kia đưa ra, điển hình là vấn đề tự do mậu dịch hay không.
Hỏi: Còn về cuộc bầu cử tổng thống, hai xu hướng hiện nay là những gì?
Đáp: Tổng thống George W. Bush coi an ninh và nguy cơ khủng bố là ưu tiên, còn về kinh tế, ông chủ trương tự do mậu dịch dù gặp sức ép rất mạnh của đảng Dân chủ và các nhóm quyền lợi trong xã hội, đầu tiên là các nghiệp đoàn. Ông bị mang tiếng là nhượng bộ khi ra biện pháp bảo vệ ngành thép vào năm kia nên cố chấn chỉnh lại. Thí dụ như ông đang cưỡng chống đề nghị của các dân biểu là tiếp tục duy trì hạn ngạch nhập khẩu dệt sợi và áo quần. Ông cũng cố bênh vực việc các doanh nghiệp Mỹ đặt làm gia công ở nước ngoài, gọi là outsourcing, dù việc đó bị đảng Dân chủ kết án là làm dân Mỹ mất việc, vốn là điều không đúng về cả kinh tế lẫn thống kê, nhưng vẫn ăn khách trong dư luận và trong đảng Dân chủ và có thể làm ông thất cử ở một số tiểu bang.
Hỏi: Còn về lập trường của ứng cử viên kia, Nghị sĩ John Kerry?
Đáp: Ông Kerry là người thuộc cánh tả của phe tả, mà những người thiên tả gọi là “cấp tiến”. Khi tranh cử, họ có sự chủ quan duy ý chí thông thường của cánh tả, nhưng càng gần quyền lực thì càng thực tế nên chuyển dịch vào phía giữa theo xu hướng ôn hòa hơn. Ông Kerry cũng có một ban tham mưu kinh tế là những người có kinh nghiệm thực tế, và đã từng cầm quyền và phải lấy quyết định thời Tổng thống Bill Clinton, nên họ giúp ông sửa lại lập trường kinh tế cho bớt cực đoan, cụ thể là bớt mùi đấu tranh giai cấp.
Một khác biệt tiêu biểu giữa hai ông Bush và Kerry là cách giải quyết nạn thâm thủng ngân sách quá lớn hiện nay. Ông Bush chủ trương duy trì quyết định giảm thuế, với lý luận là giảm thuế giúp cho dân chúng làm ăn và đầu tư dễ dàng hơn, kinh tế tăng trưởng thì lợi tức gia tăng nên cũng giúp cho chính quyền thu thuế được nhiều hơn để giảm bội chi. Ông Kerry cũng hứa là sẽ cắt mức bội chi xuống phân nửa trong vòng năm năm như ông Bush, nhưng là người luôn luôn có xu hướng tăng thuế, ông đề nghị tăng thuế thành phần trung lưu, những người có lợi tức hơn 20 vạn Mỹ kim một năm trở lên, và thu hồi biện pháp giảm thuế thặng dư tư bản mà chính quyền Bush đã ban hành trước đây. Nhưng khác biệt lớn nhất giữa hai người chính là mậu dịch, là kinh tế đối ngoại.
Hỏi: Nghĩa là một bên chủ trương mậu dịch tự do một bên muốn bảo hộ mậu dịch?
Đáp: Họ không nói đến bảo hộ mậu dịch nhưng “mậu dịch công bằng” để tránh phản tác dụng về chính trị. Ông Kerry đòi xét lại tất cả các hiệp định thương mại song phương, kể cả Thỏa ước Tự do mậu dịch Bắc Mỹ, gọi tắt là NAFTA, mà ông đã ủng hộ trước đây. Ông cũng đòi trừng phạt các doanh nghiệp đặt làm gia công ở nước ngoài, thí dụ như may mặc quần áo tại Việt Nam để bán ngược về Mỹ. Đã có lúc ông gọi loại doanh gia đó là “phản quốc”.
Nếu ông Kerry thắng cử và đảng Dân chủ chiếm đa số ở Quốc hội, quan hệ kinh tế với các nước tất nhiên sẽ gặp sóng gió, nhất là các nước đã chọn sách lược xuất cảng vào thị trường Mỹ làm đầu máy phát triển. Người ta có thể thấy ra điều này nếu theo dõi sự thăng trầm của các thị trường chứng khoán Đông Á trước những tin tức về bầu cử tại Hoa Kỳ, gần nhất là về nhân vật sẽ đứng chung liên danh với Nghị sĩ John Kerry là người ôn hòa hay thiên tả về kinh tế, bảo hộ về mậu dịch.