Lao động 35 giờ


2004.07.20

Hôm Thứ Sáu tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã khuyến cáo Pháp là Luật lao động 35 giờ một tuần là một gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Kết luận của IMF lập tức hâm nóng một vấn đề đang gây tranh luận tại cả Pháp lẫn Đức. Diễn đàn Kinh tế kỳ này xin tìm hiểu về vấn đề ấy qua cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong mục chuyên đề do Thy Nga thực hiện sau đây.

Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio

Hỏi: Thưa ông, tuần qua, IMF đã kết luận là Luật lao động 35 giờ một tuần tại Pháp là gánh nặng cho ngân sách quốc gia và khuyến cáo là Pháp nên cắt đứt những liên hệ xấu giữa thị trường lao động và ngân sách. Dư luận Âu châu theo dõi rất sát vụ này, khi quy chế lao động Pháp đang gây trở ngại cho đà tăng trưởng kinh tế của Pháp. Xin ông trình bày cho thính giả biết bối cảnh của sự việc, trước khi ta tìm hiểu sâu xa hơn...

Đáp: Xin nói ngay rằng vụ này cũng đang tác động vào dư luận Đức, là quốc gia có vấn đề tương tự và gặp áp lực rất mạnh của các doanh nghiệp. Đầu đuôi là khi liên minh cánh tả cầm quyền tại Pháp, trong các năm 2000-2002, đảng Xã hội đã thành công trong việc thông qua một đạo luật theo đó giờ lao động pháp định là 39 giờ một tuần được giảm xuống còn 35 giờ, mà không giảm lương. Mục tiêu được trình bày khi đó là để góp phần giải quyết nạn thất nghiệp, vì mỗi người làm ít đi bốn tiếng một tuần thì sẽ nhường đuợc thời gian lao động cho người khác. Bây giờ, Pháp bắt đầu thấy hậu quả tệ hại của việc đó.

Hỏi: Nghĩa là chính sách đó không đem đến kết quả trông đợi mà còn gây thêm vấn đề?

Đáp: Đầu đuôi có thể là một khái niệm văn hóa hay xã hội lạc quan về nhân bản mà bi quan về kinh tế. Họ nghĩ đến quyền lợi kinh tế như một cái bánh, người này ăn nhiều người kia sẽ ăn ít, và tinh thần liên đới về văn hóa đòi hỏi mọi người cùng chia sẻ cái bánh đó, cụ thể là chia sẻ giờ lao động, để nhiều người cùng có việc làm. Hậu quả xảy ra trái ngược. Pháp và Đức theo quan niệm đó hiện đang có mức thất nghiệp vào loại cao nhất Âu châu mà sản xuất sa sút, ngân sách bị bội chi, và trong khi công nhân xứ khác làm việc thêm để cải thiện mức sống thì tại hai xứ đó người ta làm việc ít hơn, kinh tế trì trệ hơn.

Hỏi: Nguyên nhân vì sao một sáng kiến đầy thiện chí lại dẫn tới kết quả kinh tế tệ hại đó? Đáp: Điều đáng nói là người đề xướng việc ấy là cựu Thủ tướng Lionel Jospin, trước đó là một giáo sư kinh tế. Quyết định ấy khiến giới kinh tế nhiều nơi hoài nghi về sự sáng suốt của giới lãnh đạo kinh tế Pháp, nhưng nó lại được nhiều người hưởng ứng vì thực chất họ thấy có lợi cho họ, dù bất lợi cho cả xã hội. Thiện chí gọi là “liên đới” này thực ra che giấu một phản ứng tiêu cực, thậm chí ích kỷ, và bây giờ người ta đang phải trả giá cho việc đó. Lý do là ai cũng muốn làm ít mà hưởng nhiều thì cái bánh chung nó nhỏ đi.

Hỏi: Sự thể xoay chuyển thế nào để đưa tới hậu quả này?

Đáp: Khi đảng Xã hội chiếm đa số trong Quốc hội Pháp, họ tiến hành cải cách với đạo luật 35 giờ, và hứa hẹn nhờ đó sẽ tạo thêm 450.000 việc làm. Nếu làm thêm ngoài số giờ pháp định ấy thì phải ăn lương phụ trội, là thêm 25%, và nếu làm hơn 44 giờ một tuần thì thêm 50%. Đồng thời, đạo luật đó cũng quy định thể thức làm việc gọi là linh động hơn, cho phép viên chức cấp điều hành được đổi lương thành ngày nghỉ phép dài hơn.

Rốt cuộc thì Pháp vẫn đang có mức thất nghiệp gần 10%, gấp đôi mức thất nghiệp của Anh. Hoa Kỳ hiện có tỷ lệ thất nghiệp là 5,6% mà làm Tổng thống Bush có khi bị thất cử. Lý do chính là công nhân lẫn doanh nghiệp đều phải tính toán để thích ứng với quy định mới, và lối tính toán này dẫn tới hậu quả bất ngờ. Tôi xin được đơn cử một vài thí dụ. Các hãng xưởng lớn bị luật lệ lao động ràng buộc chặt chẽ hơn thì xoay trở bằng cách quy định giờ làm việc linh động để tránh nạn trả lương phụ trội, thí dụ như làm cuối tuần, làm ca đêm, để một tuần làm việc ngắn hơn, hoặc vẫn quy định một tuần bảy ngày, mỗi ngày giờ lao động lại xẻ vụn, rất ngắn. Hậu quả là nhân viên chểnh mảng và đạt năng suất kém.

Viện thống kê INSEE của Pháp tính ra là năng suất đã giảm 5%, tức là thay vì lương tăng theo nâng suất thì vì mức lương cố định dẫn tới sút giảm năng suất. Ở các hãng nhỏ hơn, chính sách lao động ấy dẫn tới nhiều tính toán rất phản kinh tế mà hợp lý, thí dụ như không muốn thăng chức vì sợ mất quyền lợi cụ thể là thêm ngày nghỉ phép ăn lương.

Thị trường lao động Pháp vì vậy có hai loại công nhân viên. Thợ thuyền thì không thấy mức sống được cải thiện, vì lương bổng được quy định sẵn trong nhiều năm, ngược lại, cấp điều hành trung lưu thì làm việc ít hơn, nghỉ phép dài hơn, doanh nghiệp thì tránh tuyển dụng nhân viên toàn thời mà thuê người làm bán thời, ăn lương theo hợp đồng ngắn hạn. Kết luận cho gọn là khi làm 35 giờ mà vẫn ăn lương 39 giờ thì ai đó phải trả bốn giờ phụ trội này. Nền kinh tế Pháp đang phải trả giá cho sự chọn lựa ấy, vì vậy IMF mới cảnh báo.

Hỏi: Thế còn mục tiêu tạo thêm 450.000 công việc lúc ban đầu?

Đáp: Thì như trong các chế độ bao cấp, khu vực nhà nước có thể tuyển thêm công chức và Pháp đã làm như vậy, nay đang trả giá cho quyết định ấy. Nói chung thì khi gánh nặng về phúc lợi lao động và xã hội gia tăng, việc sa thải trở nên khó khăn, tiếng là để bảo vệ quyền lợi công nhân, các doanh nghiệp tất nhiên ngần ngại tuyển người và đi vào quy chế bán thời gian, gây bất ổn cho việc làm, trong khi ngân sách quốc gia phải bù lỗ cho cái khoản gọi là liên đới lao động này. Khi chính sách ban hành, kinh tế Pháp đang ở trong chu kỳ tăng trưởng cao, giờ đây tình hình đổi khác nên đa số dân Pháp thấy là luật 35 giờ này cuối cùng không có lợi cho lắm. Chính quyền Pháp đang gặp áp lực phải sửa đổi.

Hỏi: Tình hình giờ đây sẽ xoay chuyển ra sao?

Đáp: Chúng ta đang có một lúc rất nhiều yếu tố tác động. Thứ nhất, vì chính sách lao động ấy, doanh nghiệp Pháp cạnh tranh thua sút và giới đầu tư tìm cách dời cơ sở qua các nước Đông Âu cũ, nay là hội viên mới của Liên hiệp Âu châu.

Thứ hai, dù luật này bất lợi cho kinh tế và không giải quyết được nạn thất nghiệp như dự tính, chính quyền và doanh nghiệp vẫn gặp sức ép rất mạnh của các công đoàn nếu muốn cải cách, nhất là các công đoàn lớn, xưa nay là thành trì của đảng Cộng sản Pháp.

Thứ ba, một số công nhân viên chức Pháp nay đã hiểu và đồng ý tăng giờ làm việc từ 35 lên 36 giờ một tuần mà không tăng lương để xí nghiệp khỏi dời hãng xưởng qua xứ khác. Thứ tư, và đây là trường hợp riêng của Pháp, Tổng trưởng Kinh tế Nicolas Sarkozy là người được lòng quần chúng, có khi còn hơn Tổng thống Jacques Chirac, và ông bày tỏ ý chí sẽ tiến hành cải cách lao động để vừa nâng cao lợi tức cho công nhân vừa giảm bớt khiếm hụt ngân sách.

So với nước Đức, là nơi gặp áp lực cải cách lớn hơn từ các doanh nghiệp, với khả năng cưỡng chống yếu hơn của công đoàn, thì Pháp còn do dự chưa dám công khai thảo luận về việc này. Nhưng, nhờ sức ép rất lớn từ Đức, chính giới Pháp có khi sẽ thêm quyết tâm là điều ông Sarkozy đã nhấn mạnh, khi phê phán là giới chính trị tại Pháp thiếu ý chí cải cách. Tôi thiển nghĩ rằng động lực kinh tế đã có, còn lại là sự khéo léo về chính trị để đạt kết quả là đảo ngược một chính sách sai lầm đã qua.

Hỏi: Nếu tổng kết bài học kinh tế của vấn đề lao động này, ông sẽ tóm lược ra sao?

Tôi thiển nghĩ là trên bình diện kinh tế, lao động cũng là một món hàng trên thị trường và tuân theo quy luật cung cầu. Khi người ta, như chính quyền hay công đoàn, can thiệp vào thị trường đó một cách duy ý chí, vì những mục tiêu có thể cao đẹp về tinh thần, quy luật cung cầu dẫn tới phản ứng tiêu cực. Người ta đã thấy tại hầu hết mọi quốc gia là khi chính quyền quy định càng cứng ngắc về chế độ bảo hiểm thất nghiệp hay phúc lợi xã hội cho công nhân viên thì tỷ lệ thất nghiệp và lãng công lại càng cao. Một thí dụ khác cũng dễ gây tranh luận là mức lương tối thiểu, như biện pháp can thiệp vào quy luật cung cầu, thường gây phản tác dụng là làm cho việc làm thêm khan hiếm vì đắt đỏ hơn. Không phải ngẫu nhiên mà các nước có chế độ bảo hộ lao động càng cao thì càng bị thất nghiệp nặng.

Hỏi: Ông kết luận thế nào về trường hợp Việt Nam?

Trả lời câu hỏi này, tôi xin được nhắc đến lời phát biểu cách đây hơn hai chục năm của một người ở trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam sau khi qua thăm nước Pháp lần đầu. Ông ta nói rằng giao cấp công nhân Pháp đã tranh đấu thành công để dù nghỉ việc vẫn lĩnh đến hơn 70% lương cũ và chẳng cần kiếm việc thêm mà người nào cũng đi ô tô con. Đấy là một quan niệm có thể giải thích khá rõ những khó khăn kinh tế liên tục của Pháp và của các nước có giới lãnh đạo thiếu am hiểu về kinh tế mà muốn lấy lòng công nhân bằng những chính sách có hại về dài.

Pháp đang gặp vấn đề đó, Đức cũng vậy. Việt Nam nay đã đổi mới, nhưng vẫn bị di sản rất nặng của quan niệm đấu tranh giai cấp và bi quan về sự thể kinh tế, nên vẫn nghĩ tới phần hơn của mình cho một cái bánh kinh tế có kích thước cố định thay vì nghĩ đến việc gia tăng kích thước của cái bánh. Thực tế thì chế độ này gây thiệt hại nhiều hơn cho giới lao động, như tình hình của Pháp đang chứng minh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.