Việt Nam và WTO


2004.07.28

Sau bốn ngày thăm viếng và làm việc tại Hà Nội, Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã rời Việt Nam ngày Chủ Nhật vừa qua và cho biết là Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Thy Nga có cuộc trao đổi sau đây với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về những vấn đề liên hệ đến việc Việt Nam gia nhập WTO trong mục chuyên đề hàng tuần Diễn đàn Kinh tế.

Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio

Hỏi: Thưa ông, hôm Thứ Bảy vừa qua, Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ là bà Josette Sheeran Shiner đã tuyên bố tại Hà Nội là thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO tùy thuộc ở Việt Nam và sau khi chứng kiến một số nỗ lực giải tỏa mậu dịch vừa qua của Hà Nội, bà cho biết Hoa Kỳ đã đề nghị trợ giúp về kỹ thuật để Việt Nam sớm đạt mục tiêu này. Ông nghĩ sao về lập trường của Hoa Kỳ trong việc đó?

Đáp: Trước hết, đây là một tin vui cho Việt Nam, nhưng cần đặt vào một bối cảnh rộng lớn về quyền lợi và khả năng của Việt Nam. Tổ chức Thương mại hay Mậu dịch Thế giới mà người ta hay gọi tắt theo Anh ngữ là WTO, quy tụ 147 hội viên tự nguyện trao đổi tự do về ngoại thương, không hạn ngạch và với quan thuế biểu thấp.

Sau khi tiến hành đổi mới, Việt Nam đã đệ nạp đơn xin gia nhập tổ chức này từ năm 1995 và khởi sự đàm phán với WTO từ năm 2002, với hy vọng hội nhập vào câu lạc bộ các nước tự do mậu dịch vào đầu năm tới. Thời điểm này rất quan trọng vì WTO sẽ bãi bỏ mọi hạn ngạch giữa các hội viên kể từ mùng một Tháng Giêng năm 2005. Nếu không kịp gia nhập, Việt Nam sẽ gặp bất lợi vì mình vẫn bị chế độ hạn ngạch đó. Lập trường của Mỹ là một điều thuận lợi cho Việt Nam trong chiều hướng đó.

Hỏi: Vì sao sự ủng hộ của Hoa Kỳ lại quan trọng như vậy?

Đáp: Theo quy định của WTO, việc gia nhập phải được mọi hội viên đồng ý sau khi được cơ chế quản trị tổ chức này tại Genève cứu xét. Trong thực tế thì, thứ nhất sau các vòng đàm phán của Việt Nam với WTO, nếu có một hội viên nào còn hồ nghi do dự và đòi ký một thỏa ước thương mại song phương với mình trước khi Việt Nam gia nhập thì Việt Nam cũng phải chấp hành. Việt Nam đã ký một thỏa ước thương mại như vậy với Hoa Kỳ năm 2000 và thỏa ước được áp dụng từ ngày 10 tháng 12 năm 2001. Là một thị trường lớn coi trọng tự do mậu dịch, nếu Mỹ ủng hộ thì điều đó có sức thuyết phục cao đối với các nước khác. Nhìn lại thì người ta mới thấy tầm quan trọng của thương ước Mỹ-Việt ký kết năm 2000, mà ở nhà gọi là Hiệp định Thương mại Song phương.

Hỏi: Như vậy, Hiệp định đó là bước đầu cho Việt Nam hội nhập vào kinh tế thế giới?

Đáp: Vâng, Việt Nam đề nghị ký kết với Mỹ từ năm 1996, một năm sau khi đôi bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao, mà sau hơn chục vòng đàm phán mãi đến năm 1999 mới thông qua và giờ cuối Hà Nội lại không chịu ký. Kểà từ khi áp dụng, từ đầu năm 2002 trở đi, trao đổi giữa hai nước tăng hơn gấp đôi và Việt Nam được xuất siêu trong quan hệ mậu dịch với Mỹ.

Nhưng văn kiện này chỉ có giá trị trong vòng bốn năm, nên Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ phải thương thuyết lại, sau khi duyệt xét kết quả áp dụng. Việc kiểm điểm và đàm phán giữa đôi bên sẽ khởi sự vào tháng 10 này. Chúng ta phải đặt lời tuyên bố đầy khích lệ của đại diện Hoa Kỳ vào bối cảnh đó. Nghĩa là Mỹụ đang khuyến khích Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách để kịp gia nhập WTO, nhất là từ khi đại diện tổ chức này tỏ vẻ dè dặt, vào trung tuần tháng trước, rằng Việt Nam sẽ không kịp vào WTO đúng thời hạn đề ra, là đầu năm tới. Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam về kỹ thuật nếu được yêu cầu, để Việt Nam hoàn tất được những điều kiện của WTO. Điều này khiến ta lại nhớ đến lời phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Hà Nội gần hai tháng trước: ông Raymond Burghardt bày tỏ ý kiến là muốn Việt Nam sớm gia nhập WTO.

Hỏi: Nhưng điều đó cũng khiến ta nhớ tới lời phát biểu của phái đoàn Thương mại Liên hiệp Âu châu trong vòng đàm phán vừa qua tại Hà Nội?

Đáp: Vâng, sau khi đặt chân tới Việt Nam, cũng với rất nhiều thiện chí và cảm tình, đại diện của Liên Âu đã phát biểu trước khi ra về là Việt Nam có thể không kịp gia nhập theo thời hạn mà có khi phải đợi đến cuối năm tới. Sau những tin xấu đó từ phía WTO và Liên Âu, Việt Nam cho biết là sẽ cố gắng để gia nhập “càng sớm càng hay”. Nghĩa là chỉ tiêu 2005 đã thành một mục tiêu di động và bị đẩy xa hơn vào tương lai, thậm chí cho đến giữa năm sau nữa, nghĩa là giữa năm 2006. Trong khi đó, tình hình kinh tế của Việt Nam vào năm tới sẽ còn gặp .nhiều thách đố, từ cả bên trong lẫn bên ngoài và có thể bị hiện tượng xin tạm gọi là “trì phát”, đà tăng trưởng thì bị trì trệ, suy trầm, mà lạm phát vẫn gia tăng, là hiện tượng “stagflation”, theo thuật ngữ kinh tế.

Hỏi: Trước đây, ông từng bày tỏ sự bi quan đó và cho rằng đấy là bất lợi cho Việt Nam.

Đáp: Vâng, thời điểm 2005 là một bản lề, là bước ngoặt quan trọng vì từ đó các hội viên WTO sẽ giao dịch với nhau theo tinh thần tự do, còn nằm ngoài WTO là bị cạnh tranh nặng hơn. Lý do đáng buồn là Việt Nam không kịp giải tỏa nhiều hạn chế về mậu dịch và đầu tư, nhất là trong khu vực dịch vụ, và vì chính quyền Việt nam vẫn muốn bảo vệ khu vực quốc doanh, với chủ trương dùng doanh nghiệp nhà nước làm xương sống cho nền kinh tế họ gọi là theo cơ chế thị trường nhưng với định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngoài ra, còn phải nói đến một điều nhạy cảm mà ít người chú ý. Khi làm ăn buôn bán với thế giới văn minh, người ta phải có sổ sách minh bạch, được kiểm toán hẳn hoi, bởi các công ty giám định kế toán độc lập. Đi gần đến thời hạn gia nhập WTO, Việt Nam mới thấy sổ sách của các doanh nghiệp nhà nước là không đáng tin. Đào sâu hơn mới thấy ra những ổ tham nhũng bên dưới. Hàng loạt những vụ tai tiếng hay tham ô đang bùng nổ, như trong khu vực xăng dầu hay thủy sản, chính là hậu quả của nạn kế toán lem nhem đó. Trong hiện trạng, mỗi khu vực kinh doanh lại thuộc vùng ảnh hưởng của một phe có chức có quyền ở trên, phe này bị tố thì phe kia cũng bị và không ai bảo vệ được ai nữa. Đấy là hậu quả của cơ chế kinh tế và chính trị thiếu trong sáng tại Việt Nam. Việc gia nhập WTO bị trở ngại chính là vì chủ trương chính trị của giới lãnh đạo và sự thiệt hại kinh tế ấy, người dân phải hứng chịu.

Hỏi: Nhưng, việc Việt Nam hội nhập vào luồng trao đổi của thế giới và gia nhập WTO vẫn là một điều tất yếu, cần thiết và không tránh được?

Đáp: Tôi mong vậy, nhưng vẫn nghĩ rằng vấn đề không thu gọn vào ngoại thương và giao dịch buôn bán với thế giới, mà nằm trong tư duy và cách xử lý của người cầm quyền. Ví dụ như sau khi gia nhập WTO, Việt Nam còn gặp nhiều vấn đề tranh tụng trong tổ chức này vì đấy là một diễn đàn giải quyết những mâu thuẫn về mậu dịch giữa các hội viên với nhau mà mâu thuẫn thì khi nào cũng còn.

Chẳng hạn như sau khi ký kết Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn còn gặp trở ngại về việc xuất khẩu cá da trơn hay tôm vào thị trường Mỹ và phía Hoa Kỳ vẫn cho rằng Việt Nam chưa có một nền kinh tế thị trường đích thực. Việc gia nhập WTO là điều cần thiết và có lợi, nhưng cũng tạo ra nhiều thách đố mới cho nhà cầm quyền, nếu họ không tự giác và tự sửa đổi, thay vì chỉ phản ứng, và rất chậm, mỗi khi gặp áp lực và thoái thác không được.

Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, nhìn trong một viễn ảnh dài hơn, trong mối giao dịch với thế giới bên ngoài thì Việt Nam nên xử trí thế nào về mặt kinh tế?

Đáp: Đây là một vấn đề trường kỳ nhưng phải thấy ngay trước mặt. Sau khi đổi mới kinh tế, Việt Nam tưởng là mình đã cải cách. Thực tế thì chỉ mới từ bỏ chủ trương lạc hậu thời trước là tập trung quản lý trong một chế độ bao cấp đầy tốn kém cho người dân, và đi theo chủ trương tưởng là đã hiện đại của các nước lân bang trong vùng Đông Á. Nay Việt Nam tự hào là đã có quyền tự chủ, có nền độc lập và có một chế độ kinh tế nằm trong vòng ảnh hưởng của chính quyền, giữa một vùng thịnh vượng của Đông Á.

Nhưng, nếu nhìn xa hơn, người ta thấy là lạc quan lắm, Việt Nam cũng mới chỉ lập lại kinh nghiệm Đông Á, là thắt lưng buộc bụng, cố gắng tiết kiệm để xuất khẩu tối đa với giá rất rẻ bằng chế độ hội đoái và lương bổng. Kết quả là sự chuyển dịch lợi tức từ các vùng nghèo khổ chậm tiến vào khu vực tiếp giáp với bên ngoài, và chuyển dịch lợi tức từ nước nghèo qua nước giàu.

Trong sự chuyển dịch đó, các thành phần có quyền hay có tiền thì hưởng lợi nhiều, nhờ chủ nghĩa tư bản thân tộc (crony capitalism) nhờ ảnh hưởng chính trị, và tiền tài thu được thì lại chuyển ngược về Mỹ hay các nước giàu có khác. Chủ quyền thực tế về kinh tế vì vậy vẫn nằm ngoài tầm quyết định của người dân và khu vực tư doanh. Cho nên, cùng với việc hội nhập vào luồng trao đổi của thế giới, Việt Nam nên nhìn xa hơn; trước tiên là nhìn vào trong, vào một chiến lược phát triển hài hòa hơn giữa các địa phương và nhắm vào sự tăng trưởng của thị trường nội địa, vào sức tiêu thụ, tức là lợi tức, của người dân. Đây là một vấn đề phức tạp và lâu dài mà sau này ta sẽ còn có dịp đề cập tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.