Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 29-7-2004)


2004.07.29

Kỳ trước, trong số thư thính giả mà chúng tôi trích đọc, có e-mail của bạn T.P. nói rằng mở trang web RFA rất khó. Ngay hôm sau thì ban Việt ngữ nhận được e-mail của một thính giả khác, có lẽ cũng ở trong nước, viết như sau.

Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Rightclick to download this audio

“Có gì khó khăn đâu? Ngày nào, tôi cũng mở WWW.RFA.ORG đâu có trở ngại gì. Gõ WWW.RFA.ORG rồi Enter là ra ngay. Thỉnh thoảng, tôi cũng gặp trường hợp này: Gõ WWW.RFA.ORG, Enter thì không vào được. Sau đó, tôi nhập địa chỉ trên vào ô Search, công cụ tìm kiếm của Yahoo, rồi Enter thì mới ra được; hoặc gõ địa chỉ vào ô Search của các công cụ tìm kiếm khác cũng được, thao tác này mất thời gian nhưng làm nhiều cũng quen.

Còn bạn nào muốn nghe nhiều radio tiếng Việt qua Internet thì mở www.vietfun.com rồi từ trang này, có thể link trực tiếp tới các đài khác như RFA, BBC, VOA, IRA, đài Úc, đài Pháp, đài Đức,...

Tôi cũng đã từng nghe radio bằng chiếc radio Trung quốc nhưng rất khó nghe, dù rằng máy thu cỡ hiện đại. Do đó, chỉ có cách là đài RFA phải phát làn sóng cực mạnh, mới có thể rõ được.”

Những điều chỉ dẫn của ông T.V.Đ. chắc sẽ giúp được cho các quý vị khác còn gặp trở ngại trong việc mở trang web RFA và nghe chương trình Việt ngữ đài chúng tôi. Cám ơn ông nhiều.

Nhân đây, chúng tôi xin nhắn với các quý vị nào còn bị khó khăn như vậy, là để vượt tường lửa, hãy e-mail đăng ký nhận Newsletter (bản tin hàng ngày). Trong bản này, chúng tôi có hướng dẫn với những cách lựa chọn khác nhau để vào trang web xem và nghe chương trình. Nếu như quý vị mở được trang web của chúng tôi thì có một cách khác nữa để đăng ký Newsletter, là bấm vào “Danh mục List Serv.” nơi cột bên trái.

Với các vị hỏi là muốn nghe lại chương trình nào đó đã phát thì làm thế nào? Xin trả lời là sau khi mở khung “Tiếng Việt”, hãy bấm vào ô “Kho lưu trữ” nơi cột bên trái. Còn ở cột bên phải thì chúng tôi liệt kê các mục chuyên đề để quý vị chọn nghe.

Tuần rồi, nhân viên kỹ thuật ban Việt ngữ cũng e-mail lại cho các thính giả yêu cầu chỉ dẫn; và họ cho biết là đã truy cập được rồi.

Trong các thư vượt “đường trường xa” tới đài chúng tôi trong tuần qua, có lá thư của H.K. ở Cần Thơ.

“Em theo dõi chương trình đã mấy năm nay rồi. Chỗ em ở khó theo dõi thường xuyên được. Không biết tại máy radio của em, hay tại sóng yếu. Có hôm nghe rất rõ, có khi lại không nghe được.

Em muốn theo dõi trên trang điện toán của đài nhưng không biết địa chỉ vì nghe trên đài đọc, em ghi không kịp …” Trước tiên là về chuyện nghe radio, bạn hãy thử các băng tần khác xem sao. Trong mỗi chương trình, chúng tôi đều có đọc, nhưng tiện đây, xin nhắc lại là:

- chương trình buổi sáng phát thanh trên 8 tần số thuộc các băng 19, 22, 25 và 31 mét;

- chương trình buổi tối thì phát trên 8 tần số khác nhưng vẫn trong các băng 19, 22, 25 và 31 mét.

Bạn thử các băng tần khác nhau nhé, hãy kiên nhẫn thêm nữa. Chúc K. may mắn trong việc bắt sóng.

Về địa chỉ trang web của chúng tôi mà bạn ghi không kịp thì đó là www.rfa.org Và e-mail là vietnamese@www.rfa.org

Bạn nói là sử dụng máy vi tính còn kém, nhưng ngại hỏi tại các điểm truy cập nên yêu cầu chúng tôi hướng dẫn các chương trình chuyên sâu.

Xin trả lời H.K. là chương trình của đài RFA chưa có khoản dạy về Internet cũng như về Anh ngữ. Thy Nga bàn với K. như thế này nhé: thời buổi này, bạn không nên e dè; và hãy dành thêm nhiều thời giờ cho việc học máy vi tính, cần lắm đó. Đến học tập tại các điểm truy cập, khi mà bị khúc mắc gì thì cứ hỏi nhân viên, hoặc là hỏi những người ngồi bên, xin họ chỉ cho một chút. Hay là hỏi trong vòng bạn bè, thế nào mà chả có người rành hơn về Internet.

Theo Thy Nga thì thực tập tại chỗ, và hỏi ngay khi có điều gì thắc mắc, là cách hay nhất để học về máy móc.

Một lá thư khác vượt đường trường thế nào mà rách cả. Nhân viên bưu điện phải bỏ vào bao ny-lông, đến với đài chúng tôi trong tình trạng đó.

Điều đáng nói là người viết thư này ở Phoenix, là một thành phố mạn Tây Nam nước Mỹ. Tên ghi ngoài phong bì và trong thư thì bị mất một phần lớn, chỉ thấy họ là Trần, tên thì còn có mỗi chữ N.

Trong thư, thính giả trẻ này nói là từng e-mail đến chúng tôi nhưng lần này, thử gởi thư xem sao. Các hộp thư địa chỉ mà chúng tôi cung cấp là tại Hồng Kông và Tokyo thành ra N. gởi qua Nhật Bản.

Thế là thư đi một vòng, từ Mỹ sang xứ hoa anh đào rồi trở lại Mỹ, và không hiểu làm sao mà bị rách thế này. Xin trích đọc thư của bạn:

“RFA là một chương trình truyền thông mà em nghĩ là không thể thiếu được cho mọi lớp người Việt ở khắp nơi, trong cũng như ngoài nước. RFA phổ biến rất sâu rộng về tin tức và thời sự về đất nước Việt Nam chứ không thờ ơ như những chương trình truyền thông khác. Ngoài ra, RFA còn lưu trữ các thông tin quan trọng và rộng rãi cho các độc giả hay thính giả nào không theo dõi thường xuyên được.”

Xin cám ơn lời khen tặng của bạn. Lần tới mà N. viết cho chúng tôi, có lẽ là cứ e-mail cho tiện và nhanh, bạn nhỉ. Thời đại Internet mà!

Cũng trong kỳ trước, chúng tôi lập lại rằng ban Việt ngữ đài RFA hoan nghênh mọi thư từ cho biết quan điểm để rộng đường dư luận. Chỉ các thư hoặc e-mail nào với lời lẽ cực đoan, thậm chí thóa mạ thì chúng tôi mới xin miễn nói đến. Ngày sau đó, thì nhận được e-mail của ông N.B. từ Việt Nam viết như sau:

“Hôm nay, tôi truy cập vào mục Trao Đổi Thư Tín với Thính Giả, tôi cảm thấy vui khi thấy mail của mình được bạn đọc tới. Thiệt tình, lúc đầu, tôi đâu có nghĩ đến chuyện này …”

Kế đến, ông nói là thông cảm với chúng tôi khi nhận phải các thư chống đối: "Tôi không thể chấp nhận tư tưởng nào tự coi mình là tuyệt đối mà những tư tưởng khác là thù nghịch … Dù rằng có sự khác biệt về tư tưởng chính trị nhưng đất nước Việt Nam đâu chỉ dành cho một nhóm người nào đó, với tư tưởng nào đó, mà buộc người dân, hoặc người khác phải nghĩ theo mình!”

Lá e-mail này mang tựa đề là “Bày tỏ”, xin cám ơn ông N.B. về sự cảm mến mà ông dành cho chúng tôi. Nhận được thư bày tỏ thông cảm với công việc của mình, anh em chúng tôi như được khích lệ thêm lên, cám ơn ông nhiều.

E-mail của ông Trần Thắng vào ngày 24 tháng Bảy, viết như sau: "Tôi mới được định cư ở Mỹ. Tôi cảm thấy thoải mái khi sống ở đây hai tháng nay rồi. Tôi nghe đài Á Châu Tự Do một cách rõ ràng, không bị yếu hay bị phá sóng như ở Việt Nam nữa. Hôm nay, tôi tình cờ nghe là ca sĩ Thu Phương mở cuộc họp báo ở Nam California nhưng không xem được chi tiết. Mong đài phỏng vấn Thu Phương để đồng bào trong và ngoài nước biết phản ứng của cô khi được sống ở Mỹ như thế nào …”

Trước tiên, anh em chúng tôi tại đài có lời mừng ông đã tới Hoa Kỳ định cư, và thoải mái ở đây. Mong rằng ông sẽ nhanh chóng thích nghi với cuộc sống trên đất Mỹ. Về chuyện ca sĩ Thu Phương công bố quyết định ở lại Mỹ sống và ca hát, thì anh Phạm Điền trong ban chúng tôi đã phỏng vấn Thu Phương, bài này được phát vào sáng ngày 24 (tính theo giờ Việt Nam là vào chương trình buổi tối cùng ngày) chắc ông bị lỡ không nghe đó thôi.

Hôm sau nữa thì trong tạp chí “Âm nhạc cuối tuần” Thy Nga cũng phát lại một phần cuộc phỏng vấn Thu Phương, cộng với bài phỏng vấn một người bạn thân thiết với cô ca sĩ này, kèm theo là vài bài cô hát. Ông có thể vào trang web của chúng tôi để nghe lại các chương trình đó. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được e-mail của ông V.H. từ trong nước cho biết về nạn cảnh sát giao thông bóc lột người dân;bài của bạn Kiều Hưng viết về người Việt ở Đức; bạn Nguyễn Phong thì chuyển bản tin của VietCatholic viết về buổi văn nghệ do cộng đồng người Việt ở Boston tổ chức để đánh dấu 50 năm Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước. Kèm theo là một số hình ảnh về cuộc di cư năm 1954 do Linh Muc Trần Nghị sưu tầm, để ban Việt ngữ chúng tôi giữ làm tài liệu.

Những hình ảnh này thật là quý. Ảnh chụp rất sống động, đã nửa thế kỷ rồi nhưng người xem không khỏi xúc động vì sự việc như sống lại trước mắt vậy. Cám ơn bạn Nguyễn Phong, và các bạn kia nữa, cùng các nhóm hoạt động, vẫn thường chuyển bài vở và thông tin để đóng góp với chúng tôi tại đài.

Thư đã dài, Thy Nga cùng toàn ban Việt ngữ xin chào tạm biệt và mong đón nhận nhiều thư hơn nữa của quý vị.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.