Giờ Cáo Chung, Ngày Khải Hoàn


1999.10.02

Lời Giới Thiệu: Sau gần nửa thế kỷ bị chia cắt bởi bức tường ý thức hệ - bức tường Bá Linh - ngày 3.10.90 nước Đức đã được thống nhất. Hôm nay, nhân kỷ niệm 9 năm sự kiện lịch sử này, mục "Cái nhìn từ Đông Âu" xin gửi đến quý vị bài viết "Giờ cáo chung, ngày khải hoàn" của tác giả Minh Đăng. Tác giả là người đã tận mắt chứng kiến diễn biến của sự kiện này từ mùa thu năm 1989 cho đến khi nước Đức hoàn toàn thống nhất, ngày 3.10.90. Mười năm về trước, ngày thứ bẩy, mồng 7 tháng Mười năm 1989 là ngày Quốc khánh 40 năm nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Sáng hôm ấy, cũng như mọi năm, một cuộc duyệt binh và diễu hành quần chúng mừng Quốc khánh đã được tổ chức trọng thể trên Đại lộ Các Mác ở Đông Berlin. Song, khó có ai trong số những người chứng kiến cuộc duyệt binh và diễu hành hôm ấy ngờ được rằng, đó là cuộc duyệt binh và tuần hành quần chúng cuối cùng ở nước này. Cũng khó có ai dám ngờ, họ đã một lần chót nhìn thấy các vị đứng đầu nhà nước CHDC Đức, Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungari, Bungari và Rumani sát cánh nhau như thế trên lễ đài. Cảnh duyệt binh diễu hành nhân Ngày Quốc khánh trước đây, dù ở Berlin, Moskva hay Hà Nội cũng vậy, năm nào cũng như năm nào. Hình ảnh các chú lính vô hồn, sắp hàng, ưỡn ngực diễu đi trước, với đại bác, xe tăng, tên lửa nối theo sau nhằm biểu dương sức mạnh; và các khối dân thường, thanh thiếu niên, công nông lão phụ, hớn hở cờ hoa, khẩu hiệu đi sau cùng nhằm biểu thị lòng trung thành với lãnh đạo Đảng và Chính phủ thường đứng già nua, uể oải, thờ ơ trên lễ đài...sẽ không bao giờ diễn ra nữa ở châu Âu tự do. Ngày Lễ Quốc khánh 40 năm nước CHDC Đức ấy đã đi vào lịch sử, không những như là ngày cáo chung của nhà nước do đảng Xã hội Chủ nghĩa thống nhất Đức độc quyền lãnh đạo này mà thôi, đó cũng là ngày đánh dấu giờ tận thế của cả Liên Xô lẫn hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và khối quân sự Warschawa do Liên Xô đứng đầu. Đúng một năm sau, ngày mồng 3 tháng 10 năm 1990, cả triệu dân chúng hồ hởi, nườm nượp kéo tới trước quảng trường Nhà Quốc hội Đức ở Berlin mừng Ngày hội Thống nhất đất nước. Đây là ngày khải hoàn của nhân dân vô địch đứng lên làm cách mạng. Lịch sử có thể tính giờ cuộc cách mạng này từ mùa hè năm 1989, khi hàng ngàn dân chúng CHDC Đức vượt biên, bỏ nước ra đi, từ ngày bức tường ngăn chia Đông Tây Berlin bị chọc thủng, từ ngày diễn ra cuộc biểu tình tuần hành đầu tiên vào chiều tối thứ hai ở Lep-gic , hay từ ngày nhân dân CHDC Đức lần đầu tiên được bầu cử tự do và dân chủ đã thẳng tay tước đoạt độc quyền lãnh đạo nhà nước của đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức... Song lịch sử cũng có thể lùi xa hơn nữa, bắt đầu tính giờ cuộc cách mạng này từ các cuộc khởi nghĩa năm 1948 hay năm 1968 ở Tiệp Khắc, từ năm 1953 hay 1961 ở Đông Berlin, năm 1956 ở Hungari hay năm 1980 ở Ba Lan... Chính các sự kiện này đã cho thấy, Đảng Cộng sản Liên Xô cùng các đảng đàn em khác ở Đông Âu, khi đã ra tay đàn áp nhân dân mình bằng quân sự một cách trắng trợn và dã man, khi đã cất công vây hãm, kìm kẹp nhân dân mình bằng hệ thống công an mật vụ, họ cũng từng bước để tuột khỏi tay họ ngọn cờ nhân đạo, tự do, dân chủ, hòa bình, tiến bộ ... từng nức lòng thiên hạ nhiều năm sau Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917 cũng như sau Chiến tranh Vệ quốc chiến thắng chủ nghĩa phát-xít năm 1945. Và tất nhiên, ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh! Nguời đứng ra đỡ lấy ngọc cờ tự do, bình đẳng, bác ái từng tung bay 200 năm trước trên bầu trời Paris ấy không phải là ai khác mà chính là nhân dân lao động. Và, một khi nhân dân đã đứng dậy đấu tranh cho tự do thì bao giờ nhân dân cũng vô địch. Đó là một chân lý bất diệt của lịch sử! Kể cả ngày cáo chung nước CHDC Đức (ngày 7. 10. 1989), lẫn ngày Thống nhất Đông Tây Đức ( ngày 3. 10. 1990) đều là những bằng chứng hùng hồn trong vô vàn bằng chứng khác cho chân lý ấy. Sự trớ trêu của cuộc sống là ở chỗ, nhiều người suốt đời rêu rao do dân, vì dân của dân để chiếm độc quyền đại diện cho chân lý và lương tâm thời đại lại chậm hiểu ra chân lý đó. Ông Nguyễn Văn Linh, vị khách 10 năm xưa được mời từ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang đứng xế hẳn ở một góc lễ đài trên Đại lộ Các Mác, lấp ló lẫn lộn giữa vô số nguyên thủ vô danh thuộc nhiều nước A' Phi nhược tiểu khác, cũng là người chậm hiểu. Bởi chậm hiểu, cho nên, ngay sau buổi lễ này, ông vẫn còn nằng nặc xin gặp bằng được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbatschow để khoe và báo cáo về một số thành tích nông nghiệp mới mẻ vừa đạt được ở quê nhà, xem đó như một đóng góp của các đồng chí Việt Nam vào sự nghiệp glasnost và perestroika chung mà ông Gorbatschow đang chủ trương. Cũng vì chậm hiểu, cho nên, chẳng bao lâu sau, ông và các đồng chí của ông quay ra đổ tội ông Gorbatshcow phản bội, ông Honecker hữu khuynh, ông Krenz cơ hội.v.v., làm như thể chính các ông này, chứ không phải hàng triệu triệu nhân dân xuống đường, đã đạp đổ nhà nước CHDC Đức, vốn là tiền đồn bất khả xâm phạm của phe xã hội chủ nghĩa hùng cường. Cũng thật là chậm hiểu, những người sau 10 năm CHDC Đức cáo chung, Đông Âu xã hội chủ nghĩa tận thế, vẫn đang nhỏ nước mắt thương hại nhân dân các nước này dại dột dấn thân vào nanh vuốt của chủ nghĩa tư bản thối nát, rãy chết, quân phiệt... để chịu cảnh thất nghiệp hàng loạt, bất công ngang trái, đồi bại tinh thần, suy vong văn hóa. Nhân ngày Quốc khánh CHDC Đức mười năm về trước tại Đông Berlin, ông Gorbatschow đã từng nói câu nói lịch sử mà nguyên văn là: < ; > ; . Tinh thần câu nói từ miệng vị chính khách lỗi lạc ở giai đoạn cuối thế kỷ 20 ấy đã đúng, đang đúng và sẽ còn đúng mãi, ở mọi miền trên thế giới. Và cố nhiên, những ai không hiểu hay chậm hiểu chân lý lịch sử về sức mạnh vô địch của nhân dân bao giờ cũng là người chậm chân vậy! Minh Đăng, Berlin 3. 10. 1999

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.