Đầu Tư Tại Trung Quốc


1999.10.11

Lời Giới Thiệu: sau những lễ lạc chào mừng 50 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, người ta đang trở về với thực tế kinh tế của quốc gia này, khi mà ngạch số đầu tư của nước ngoài tiếp tục sút giảm. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về những nỗi khó khăn của việc đầu tư vào Hoa lục, qua bài nhận định của Nguyễn An Phú: Tuần qua, ông Phạm Thế Duyệt, Ủy viên Thường vụ bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đã thăm Bắc Kinh và có dịp gặp gỡ ông Lý Thụy Hoàn, Ủy viên Thường vụ bộ Chính trị Cộng đảng Trung Hoa. Tân hoa xã của nhà nước Bắc Kinh loan tin là hai người đã trao đổi kinh nghiệm của hai lân bang trong việc dung hợp chủ nghĩa Mác với tình hình thực tế mỗi nước. Là một nhà lý luận thuộc xu hướng thực tiễn, ông Lý Thụy Hòan phát biểu rằng chủ nghĩa Mác có cơ sở khoa học, có đặc tính thực tiễn và vẫn đang trong thời kỳ phát triển, nên không thể bao gồm mọi chân lý của thế giới. Vì vậy, ông khuyến cáo là khi theo đuổi chủ nghĩa Mác, người ta cần có phong cách khoa học, tinh thần truy tìm chân lý qua thực tế, và kết hợp lý luận với thực tế. Đối với nhà đầu tư ở ngoài, lối nói này chưa hẳn là dễ hiểu, và họ có lối suy tính khác trên cơ sở thực tế khác, mà hai nhà lãnh đạo cũng cần xét tới. Thực tế đó chính là thực tế của thế giới toàn cầu hóa ngày hôm nay. Hãy nói về vấn đề gần trước đã. Trung Quốc hiện đang bị suy trầm sản xuất và giảm phát nhưng lãnh đạo Bắc Kinh vẫn biểu dương thành tích là đạt mức tăng trưởng tới 7-8% một năm. Điều này, Hà Nội cũng không làm khác, khi vừa công bố chỉ tiêu tăng trưởng năm nay là gần 5%. Thực tế có lẽ không lạc quan như vậy: trong số tuần trước để kỷ niệm 50 năm lập quốc của nhà nước Bắc Kinh, tờ The Economist nổi tiếng toàn cầu đã nhận định rằng, người ta phải trừ hao số thống kê tăng trưởng của Hoa lục. Như trừ 2% vì thổi phồng thống kê, trừ 1-2% vì chế tạo ra loại hàng chẳng ai thèm mua nên nằm ụ trong kho. Trừ thêm chừng 2-3% trong số tăng trưởng 7-8% vì là kết qủa của gia tăng dân số lao động, số tăng trưởng thực sự có lẽ chẳng còn là bao, và Thủ tướng Chu Dung Cơ phải phát biểu, rằng tình hình quả hết sức ảm đạm. Lý do chính yếu khiến kinh tế Trung Quốc bị suy trầm và hàng hóa gỉam giá mà bán không chạy có thể được thâu tóm vào một vấn đề không thấy nói tới trong kinh điển của Marx. Đó là việc phân phối tài nguyên. Dân Trung Hoa nổi tiếng là tần tiện và có mức tiết kiệm rất cao. Số tiết kiệm của họ không được hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp chuyển hóa vào những ngành sản xuất có lợi nhất. Có tới 45% công ty quốc doanh bị lỗ và đang mất tiền hàng ngày, vì sản xuất loại phẩm vật bán không được, dù đã liên tục phá giá. Tình trạng quản lý kém này khiến các chúng không trả nổi nợ ngân hàng, trước đây được vay dễ dàng. Bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất hiện bị ngộp dưới các khoản nợ xấu và có thể phá sản bất kỳ lúc nào trong thời gian tới. Trong khi đó, sản xuất kinh tế tiếp tục bị suy sụp, dù chính quyền cố gia tăng công chi để tài trợ các hoạt động sản xuất trong mục tiêu mà ở Hà Nội người ta gọi là kích cầu. Biện pháp tăng chi đó khiến ngân sách quốc gia bị thâm hụt nặng và chính phủ phải vay tiền. Một chuyên gia về Trung Quốc của viện Brookings, ông Nicholas Lardy, lượng định rằng 80% công chi là do công trái mà có, chứ nguồn thuế khóa chỉ tài trợ được có 20% thôi. Khi số công trái gia tăng, và sẽ còn gia tăng như hiện nay, lãi suất sẽ tăng và Trung Quốc có thể bị khủng hoảng kinh tế tài chánh rất nguy ngập. Với tình hình đó, Bắc Kinh không thể bỏ qua việc huy động tài nguyên từ bên ngoài. Từ bên ngoài đó, giới đầu tư chẳng có thành kiến gì về thể chế chính trị của Hoa lục, họ chỉ nghĩ tới nhiệm vụ kiếm lời cho cổ đông hay thân chủ hoặc bản thân. Và họ còn có thiện cảm với thị trường Hoa lục vì hai yếu tố đáng kể nhất. Đó là sức tiết kiệm rất mạnh của dân chúng, và thứ hai là khả năng kiểm soát được đà gia tăng dân số để đạt mức tăng trưởng cao. Nhưng, họ cũng còn để ý tới ách tắc kia, là vấn đề sung dụng tài nguyên nói ở trên. Doanh giới nghĩ tới mức lời của tư bản tài chánh họ đem vào trong khi Bắc Kinh lại nghĩ đến việc lấy tiền tài trợ doanh nghiệp nhà nước trong các dự án có mức lời rất thấp, hoặc chỉ để các doanh nghiệp này khỏi sụp đổ. Đối với giới đầu tư cái khó tại Hoa lục là các doanh nghiệp này không thể phá sản, vì nhà nước không muốn nhân công bị sa thải, thất nghiệp gia tăng. Khi tài nguyên xứ sở được thu hút vào ngân hàng của nhà nước để tài trợ các công ty của nhà nước, trong những dự án ít giá trị kinh tế; khi nhà nước phải vay mượn trong và ngoài nước để tài trợ các dự án đầu tư của khu vực công, những dự án thiết kế cẩu thả, thực hiện bê bối, loại dự án mà thủ tướng Chu Dung Cơ gọi là tầu hủ vì èo uột đáng nghi, vấn đề chính tại Hoa lục là việc sử dụng tài nguyên không đúng nơi đúng phép. Chẳng những vậy, các doanh nghiệp nhà nước còn được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh của khu vực nước ngoài, và điều đó mới thành vấn đề cho giới đầu tư. Những chậm trễ nội bộ về việc thông qua hồ sơ xin gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO xuất phát một phần từ phản ứng chống đối của các doanh nghiệp này, vì chúng sợ bị mất ưu thế và phải cạnh tranh với nước ngoài. Trong khi đó, một số công ty quốc tế từng vào kinh doanh tại Trung Quốc đã báo cáo riêng, là mức thu hoạch không được khả quan như trù tính khi trước. Chúng gặp rất nhiều trở ngại vì luật lệ không phân minh, thiếu bất nhất và tham nhũng tràn lan mọi nơi gây nhiều phí tổn chẳng ai dự tính nổi. Sau chừng năm bảy năm lạc quan đi vào Hoa lục như một thị trường hơn 1 tỷ 200 triệu dân, các doanh nghiệp quốc tế bắt đầu nghĩ lại về thị trường đó. Mức sống dân cư có tăng thì cũng vẫn còn 850 triệu người đang sống tại thôn quê và chẳng có tiền tiêu. Lợi tức bình quân đầu người tại Hoa lục chỉ ở gần 4000 đô la tính theo lối lạc quan nhất, tức là bằng dân cư tại Jamaica hay Latvia, vốn còn là hai xứ chậm tiến chưa phát triển. Và đối với kinh tế Mỹ, thị trường Hoa lục chiếm chưa tới 2% tổng số xuất cảng của Hoa Kỳ. Trung Quốc là xứ nghèo, mua hàng của Mỹ chưa bằng xứ Bỉ nhỏ xíu tại Âu Châu, mà lại còn dựng hàng rào quan thuế rất cao để bảo vệ hàng nội địa của họ. Cho nên, trong khi chủ tịch Giang Trạch Dân niềm nở tiếp doanh gia quốc tế ở Hội nghị do báo Fortune tổ chức tại Thượng Hải và nói về triển vọng kiếm lời tại Hoa lục, ông lờ đi sự việc là 70% các văn phòng tại đây còn vắng khách. Và trong khi lãnh đạo Bắc Kinh cố trấn an doanh giới, một cuộc khảo sát mới đây cho biết là chỉ có 28% giới cầm đầu các doanh nghiệp Mỹ có sức tăng trưởng mạnh nhất mới đánh giá thị trường Hoa lục là quan trọng. Những người khác đã kín đáo triẹảt thoái dần khỏi vùng đất bất trắc này, mà chẳng luận bàn gì về chủ nghĩa Mác, theo bất cứ màu sắc nào, ở nơi đâu./.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.