Khai Thông Ách Tắc Kinh Tế Qua Hội Nghị 8


1999.11.03

Lời giới thiệu: Ngày hôm nay, trong khi bão lụt đang hoành hành tại các tỉnh miền Trung, Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu đi vào Hội nghị, kỳ thứ tám của khóa Tám. Đây là một hội nghị khá đặc biệt vì tiến hành có vài tháng sau Hội nghị bảy, và được thông báo là sẽ để thảo luận về đường hướng kinh tế. Trong dịp này, Võ Thành Văn sẽ nói về những bài toán kinh tế mà nhà cầm quyền Hà Nội đang phải đối phó và thử đề ra một số giải pháp khai thông... Trong khi thiên tai bão lụt hoành hành suốt một dọc các tỉnh miền Trung, Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ trải qua nhiều tranh luận sóng gió trong Hội nghị kỳ tám, được khởi sự vào ngày hôm nay tại Hà Nội. Bước vào Hội nghị, các Trung ương Ủy viên đều được biết rằng tình hình kinh tế trước mắt sẽ không mấy sáng sủa và nhiều ách tắc phải cần được khai thông. Liệu họ có đủ viễn kiến và đảm lược để lấy những quyết định thực tiễn cần thiết hay không, thì chưa ai có thể biết. Nhưng, người dân trong nước cần biết sự thật về tình hình và viễn ảnh kinh tế của nước nhà. Kinh tế Việt Nam đang bị suy trầm, tức là mức tăng trưởng ngày một thấp hơn. Một dấu hiệu rõ nhất của tình trạng đó là nạn giảm phát, tức là hàng họ ế ẩm bán không được dù đã hạ giá. Sau khi đã bị lạm phát 700% mươi năm về trước, một số người lầm tưởng rằng giá cả không tăng mà sụt là chỉ dấu tốt. Thực ra, giảm phát còn nguy hại hơn là lạm phát, vì làm thất nghiệp tăng, kinh doanh lỗ lã và các ngân hàng lẫn cơ sở sản xuất dễ bị phá sản. Để đối phó, chính quyền đã áp dụng biện pháp cố hữu là hạ giá một số mặt hàng nhu yếu và cắt giảm lãi suất để kích thích tiêu thụ và đẩy mạnh sản xuất. Điều mà người ta cần biết là những biện pháp kích thích số cầu nói trên - hay gọi là "kích cầu" - biện pháp đó cũng công hiệu như đẩy một sợi dây mềm oặt, khiến nó chẳng nhúch nhích nổi, đừng nói tới kết quả là đẩy mạnh sản xuất. Đó là về hiện trạng kinh tế ngày nay. Về mặt cơ cấu, kinh tế Việt Nam bị nhiều thất quân bình lệch lạc, với khu vực tư doanh bị chèn ép nên chưa bung hết tiềm lực và tạo thêm việc làm, trong khi quốc doanh vẫn được bảo vệ và ngân hàng vẫn được chỉ thị tài trợ các dự án kém giá trị về kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam chưa tận lực khai thác hết lợi thế của thị trường xuất cảng vì chế độ bảo hộ mậu dịch để bảo vệ cơ sở quốc doanh. Chính là phản ứng bảo vệ đó mới khiến cho Hiệp định Thương mại thỏa thuận từ cuối tháng Bảy với Hoa Kỳ vẫn chưa được ký kết trong tháng Chín, và chưa có hy vọng được ký nay mai. Hội nghị kỳ bảy đã thảo luận về hồ sơ này mà chưa đạt nhất trí, Hội nghị Tám có khá hơn không thì chưa ai rõ. Tuy nhiên, người dân thì cần biết, rằng đảng và nhà nước càng thu hẹp tầm kiểm soát và chánh sách bảo vệ quốc doanh, thì kinh tế càng tăng trưởng mạnh, việc đầu tư càng có hiệu năng và về dài, kinh tế xã hội sẽ phát triển mạnh hơn, như trào lưu phổ biến trên toàn thế giới đã chứng minh. Người dân cũng cần biết là đảng và nhà nước lại e sợ trào lưu đó, vì sợ mất đặc quyền đặc lợi của mình, nên đang là thế lực ngăn cản sức phát triển của quốc dân. Ngoài ra, người dân còn biết là một thế lực khác cũng góp phần đáng kể vào việc trì hoãn cải cách tại Việt Nam, đó là nhà cầm quyền Bắc Kinh. Trung Quốc không muốn Việt Nam đổi mới quá nhanh, và nhanh hơn tốc độ của họ. Trung Quốc cũng không muốn Việt Nam hội nhập quá sớm vào luồng giao lưu kinh tế của thế giới, để gia nhập hệ thống mậu dịch tự do của thế giới, hoặc được hưởng quy chế mậu dịch tự do của Hoa Kỳ khi ký kết Hiệp định Thương mại với Mỹ. Chính là sức ép kín đáo đó của Bắc Kinh đã khiến nhà cầm quyền Việt Nam không dám lấy những quyết định giải tỏa cần thiết cho nước nhà. Mươi năm về trước, Việt Nam đã khai mở một con đường mới, qua kế hoạch đổi mới kinh tế. Từ vài năm nay, kinh tế Việt Nam đã trưởng thành để bước lên một đợt đổi mới cơ bản và dứt khoát hơn. Nhưng nhà cầm quyền Hà Nội đã do dự và trì hoãn việc cải cách đó, nên kinh tế mới rơi vào một chu kỳ trũng mà chưa thấy lối ra. Hội nghi kỳ tám này có dám đề cập thẳng tới những thách đố đó chăng thì chưa ai rõ. Nhưng, qua kết quả của Hội nghị, người dân có thể biết là đảng có thực quyền lãnh đạo hay không, và Trung ương đảng có lòng yêu nước và óc thực tiễn hay không. Giới quan sát quốc tế không mấy lạc quan về câu trả lời, và cho rằng ngoài một vài thay đổi nhân sự có tính chất trang sức, đảng vẫn duy trì đường lối cũ, như họ sẽ ngoan ngoãn xác nhận với thủ tướng Chu Dung Cơ của Bắc Kinh, sau khi Hội nghị Trung ương bế mạc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.