Vòng Tròn Định Mệnh


1999.12.06

Lời giới thiệu: Hiện tượng những người trẻ Việt Nam tìm cách đi chệch ra khỏi lối mòn tinh thần tưởng đã thành truyền kiếp nhiều năm qua là một phản ứng xã hội cần ghi nhận. Vứt bỏ những áp chế tinh thần độc đoán, họ mới có thể tự kiến tạo một mô hình tương lai cho thế hệ mình. Nhưng trước đó, họ bị cầm giữ trong một vòng tròn định mệnh, lý tưởng cộng sản mà họ được rao giảng giống như một vòng Kim cô trói chặt tuổi trẻ của họ. Trong mục ỘCái nhìn từ Đông ÂuỢ tuần này, Lê Minh sẽ trình bày cùng qúy vị một cách nhìn của người trong cuộc về vấn đề trên... Bố xỏ nhầm giầy (nghĩa là cộng tác với phe đối địch), nhà không phải diện bần cố nông, hay là dân dinh tê vào thành thời kháng chiến chống Pháp, hay bị xếp vào loại nguỵ quận ngụy quyền thì dẫu có hy sinh đời bố cũng chẳng củng cố được đời con. Sự thực này, ở nước ta từ sau 1945 đã trở thành xưa như chuyện Trung quốc đông dân vậy. Mà người ta vẫn phải sống. Thế cho nên mới có chuyện nghịch tử mà vẫn đáng thương. Bố bị đấu tố bởi con. Bố đi tù nhưng con lại là thanh niên tiên tiến. Tiện nhất là bố mẹ mất và ông con hay bà con tiên tiến kia mạo luôn một lý lịch trong sáng tới ba đời. Những tiểu thuyết của Ngô Ngọc Bội, Dương Thu Hương, những truyện ngắn của Ma Văn Kháng chỉ nói được một mảng rất nhỏ về hiện thực bi hài đó của đất nước mình. Thời chiến tranh thì tiện hơn, hoặc xanh cỏ, hoặc đỏ ngực, con em nhiều gia đình thuộc thành phần có vấn đề cắn ngón tay làm đơn tình nguyện đi bộ đội bằng máu. Nếu hy sinh thì cũng là để mở đường tiến thân cho em mình, rửa mặt cho bố mẹ. Nếu sống sót thì khôn ra có thể bắt đầu một cuộc đời khác. Ở lâu trong sự dối trá, người ta cũng đâm quen với sự dối trá. Không ít người có vấn đề về lý lịch nói trên về sau lại là những phần tử trung kiên nhất trong hàng ngũ cộng sản một cách thành tâm. Qúa trình xã hội hóa con người này đã diễn ra suốt hàng chục năm, và tôi có thể đoan chắc với qúy vị nghe đài rằng phần lớn những người có chữ, có quyền, có tiền, có uy trong nước bây giờ (xin chưa nhắc tới thành phần lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước) đều không xuất thân từ thành phần bần cố ở nông thôn hay buôn thúng bán bưng ở thành thị. Họ là cá đã hóa rồng qua những cuộc thi sinh tử, ví như thi lý lịch. Họ đã phải phấn đấu để khỏi văng ra lề và đã trở thành một cái nan, một cái đinh ốc trong guồng máy xã hội xã hội chủ nghĩa. Những tiêu chuẩn tinh thần, như đạo đức con người mới XHCN, đạo đức cộng sản, lý tưởng cộng sản là điều họ đã tụng niệm và rồi tin. Tôi - người viết- đã từng là một trong số đó. Chuyện phấn đấu trở thành phần tử tiên tiến ở những gia đình vướng mắc về chính trị còn thế thì ở các gia đình mà ông bà bố mẹ một lòng theo Đảng mọi sự giản dị hơn rất nhiều. Con đường duy nhất dẫn vào đời của thanh thiếu niên Việt nam suốt bao nhiêu năm qua là vào Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, vào Đoàn Thanh niên cộng sản, và sau dó phấn đấu vào Đảng, phấn đấu trở thành cán bộ kế cận. Ngày nay, qúa trình vận dộng của nền kinh tế thị trường ít nhiều đã dẫn tới những thay đổi trong quan niệm về giá trị xã hội, sự xét nét lý lịch đối với mỗi cá nhân dường như có được giảm nhẹ. Dù thế, xem sách, báo hàng ngày, ta vẫn dễ dàng nhận thấy đường hướng giáo dục của nhà nước không hề thay đổi. Vẫn là những khẩu hiệu được hô đến mòn cả lưỡi thay cho những bức hoành phi câu đối có thể dạy cho con người bao điều thiết thực và tử tế hơn, vẫn là tượng hay ảnh Bác Hồ kính yêu trấn ở mọi chỗ, mọi nơi trang trọng. Điều đáng nói và cầu nhắc lại là những áp chế tinh thần này không phải chỉ tồn tại trong các bài giảng chính trị đạo đức ở trường, ở lớp, hay trong sự thông tin tuyên truyền nói chung. Định chế tinh thần của hệ tư tưởng chính thống đã chuyển hóa vào trong cách giáo dục của từng gia đình. Tôi có một anh bạn. Bố anh chỉ là một cán bộ làng nhàng ở sở Văn hóa. Thế nhưng, ông cụ lại có một thời là cán bộ ở chiến khu Việt bắc. Hòa bình lập lại, về tiếp quản Thủ đô, ông được tiếp quản luôn ngôi nhà của bố mẹ vợ nằm kề cây đa Nhà bò, là nơi cứ rằm mồng một lại nghi ngút khói hương lễ bái. Ông con, anh bạn tôi, khi đó là sinh viên đại học giao thông, một lần trong một cuộc tỷ thí cờ với bố, chẳng hiểu ngứa miệng thế nào lại quay ra cười với chúng tôi, trân trọng giới thiệu: Cụ ông nhà mình nhiều thành tích lắm. "Thành tích lớn nhất là chạy việt dã suốt mấy chục năm từ Cây đa Tân trào về cây đa Nhà bò". Ngoài sự hình dung của chúng tôi, ông bố, chỉ mơí mấy phút trước còn cười rất độ lượng khi ông con say cờ, đi được một nước đẹp, lỡ miệng hét "Mày chết này". Lúc này cụ vùng dậy xáng cho con một bạt tai nổ đom đóm mắt. Rồi ông ngồi kể tội con: nào xem báo Nhân dân thì không bao giờ đọc bài Xã luận, nào vô kỷ luật tí nữa không được vào Đoàn, không được thi đại học. " Mày tưởng ra làm thằng kỹ sư là hơn bố mẹ mày à? Ra trường mà không cố lấy cái đối tượng Đảng thì đời tàn con ạ?". Cụ bà phân bua thay cho chồng: "Các anh các chị nhìn cây chỉ thấy củi. Thằng này nhà tôi suốt ngày chỉ mang những chuyện tiêu cực ra cười. Nhưng đó chỉ là hiện tượng, đâu phải bản chất xã hội ta". Tôi không biết bố mẹ thằng bạn tôi bây giờ còn nghĩ thế không. Nhưng mười năm trước, khi thằng bạn tôi bỏ công trường sông Đà về vạ vật kiếm sống ở Hà Nội thì nó rất khổ vì sự ca cẩm của bố mẹ. Sống tại nước ngoài, chúng ta hay đọc được những lời tiên đoán tương lai của nước nhà nghe như thật. Mà bao giờ cũng là Đảng Cộng sản đổ tới nơi. Tôi cũng tin và mong một tương lai đất nước mình không còn sự lãnh đạo của Đảng để tiến thẳng lên ấm no hạnh phúc. Không có ấm no hạnh phúc làm điều kiện đảm bảo thì mấy chữ tự do độc lập chỉ là trò xiếc chữ. Thế nhưng tôi biết rằng cuộc đấu tranh để tẩy trừ ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản trong từng đơn vị xã hội nhỏ nhất ở Việt Nam chẳng dễ dàng và nhanh chóng. Hãy cứ bắt mạch tâm trạng con người ở Việt nam trong những thời điểm lịch sử trọng đại, chí ít từ sau 1975 , thí dụ như ở các kỳ đại hội Đảng toàn quốc thì thấy rõ. Ai cũng khấp khởi mừng, ai cũng khấp khởi hy vọng rằng mọi sự sẽ đổi nhanh chóng. Bác tôi, một đời theo Đảng, về hưu với đồng lương ba đồng ba cọc, trả lại nhà cơ quan về quê với vợ, khi đọc nghị quyết đại hội đảng lần thứ bảy mừng rỡ tuyên bố:" Lần này thì bọn cơ hội tham nhũng sẽ bị nhổ tận gốc. Nghị quyết mà được triển khai thi hành là đời sống sẽ khá lắm. Chắc phải bằng hồi đầu những năm sáu mươi". Rồi cụ nhân đà phấn khởi kể cho con cháu nghe, rằng hồi đó chợ Hôm ở Hà Nội nửa đêm còn mở, rằng muốn ăn gì cũng có, rằng mọi thứ rẻ như bèo so với đồng lương. Con cháu cười lăn cười bò. Ông anh tôi tức tối bảo: "Cụ làm cách mạng thế nào để con cháu ngồi ước bao giờ cho tới ngày xưa của cụ. Đời thủa nào các cụ lại trao cho con cháu một tương lai kì quặc thế không biết. Tương lai là qúa khứ." Bác tôi tỉnh khô trả lời: " Không có chúng ông theo đảng làm CM, chúng mày đừng có nói chuyện ngồi đó mà cãi lý". Một đôi chuyện ngẫu nhiên nhớ lại đã đủ cho chúng ta thấy rằng những định chế tinh thần một thủa đã phát huy ảnh hưởng thế nào đến cách nghĩ cách sống của nhiều thế hệ người Việt Nam. Dù có nghĩ khác, dù có ngờ vực con đường lên CNXH mà Đảng bác đã vạch ra thì giới trẻ vẫn không thể sống khác. Vẫn phải đi đúng những bước đó, vẫn phải phấn đấu theo chân Bác để tồn tại và thăng tiến. Và qúa trình đó đã làm mai một khả năng độc lập suy nghĩ cũng như nhân cách của không ít người. Hay nói khác đi, định chế tinh thần được báo đăng đài nói ở nước ta đã tạo thành một vòng tròn định mệnh giam giữ con người. Nó giống như một vòng Kim cô trên đầu Tôn Ngộ Không thắt giữ trí tuệ tâm hồn tuổi trẻ Việt Nam. Người ta có thể không tin, nhưng đành mang nó để có thể đi tới một cái đích nào đó trong đời. Những sự cựa quậy về kinh tế ở Việt nam thời gian qua đã là yếu tố xúc tác dẫn tới sự tạo thành một tâm trạng xã hội mới, được biểu hiện rõ rệt ở giới già, mà trong đó có rất nhiều người đã theo Đảng cộng sản vì yêu nước, vẫn đang day dứt vì hiện tình đất nước, và ở giới trẻ, là giới đang tìm cách dứt mình khỏi ràng buộc qúa khứ. Đấy là điều mà chế độ, dù không muốn nhưng cũng khó lòng ngăn chặn, đặc biệt ở vào thơì bùng nổ thông tin này. Điều đó thật đáng mừng. Liệu chúng ta có tận dụng được cơ hội này để viết những trang sử mới cho thế kỷ mới...

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.