Vài ý Nghĩ Nhân Ngày Thành Lập QĐND Việt Nam


1999.12.19

Lời giới thiệu: Còn chưa đầy hai tháng nữa chúng ta sẽ bước sang năm 2000. Thế giới rộng lớn và không phải chỗ nào cũng bình an đang nóng lòng đón chờ năm trọng đại này tới, với rất nhiều hy vọng và mong mỏi. Và đang làm tất cả để đến với năm 2000. Thế còn đất nước ta. Có một điều không mới sẽ lại được tiến hành trong khoảng thời gian này. Đấy là kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 22.12. Nhân sự kiện này, trong chương trình "Cái Nhìn Từ Đông ÂuỢ hôm nay, chúng tôi xin gửi tới các bạn những nghĩ suy của Vũ Song Lê - một người Việt từng sinh ra, lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa và nay đang sống tại Đức Quốc... Nước Đức và dân tộc Đức hoàn toàn xứng đáng với tính từ vĩ đại. Tuy nhiên, có một trang lịch sử mà mỗi người Đức có lương tri đều hổ thẹn khi phải nhìn lại. Trang lịch sử kể về đại chiến thế giới lần thứ hai do bọn phát xít gây ra. Là dân tộc gây chiến, người Đức phải chịu sự nguyền rủa của mọi dân tộc liên quan tới cuộc chiến này, vì hậu qủa kinh hoàng của nó. Đó không phải chỉ là những tổn thất về người và tài vật, đó còn là sự hình thành hai khối cộng sản và không cộng sản trên thế giới, là sự thiết lập hai khối quân sự Nato và Vacxava, là bạo loạn giành tự do và trấn áp thẳng tay trong các nước thuộc khối Vacxava, tập trung quanh liên bang xô viết một thời. Và, là dân tộc bại trận, nước Đức phải chịu sự phỉ báng của toàn nhân lọại. Dù thế, người Đức không tìm cách dán tịt lại hoặc xé bỏ trang lịch sử hổ nhục này. Sau chiến tranh, họ đã xây dựng lại đất nước trên đống hoang tàn và đã trở thành cường quốc. Họ đã tìm mọi cơ hội để xin được các dân tộc khác tha thứ. Cựu thủ tướng Đức Willi Brand đã qùy gối xin lỗi cả dân tộc Ba lan khi tới thăm nước này. Và đó không phải là hành động duy nhất của các vị lãnh đạo cao nhất ở đất nước Đúc. Chế độ phát xít bị phế bỏ và nước Đức ngày nay có quyền tự hào về chế độ dân chủ họ đã thiết lập từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến giờ. Thiết chế xã hội đó không cho phép các phần tử quốc xã làm hại dân tộc mình và các dân tộc khác. Không những thế, cho tới tận bây giờ, người ta vẫn không ngừng truy đuổi, đưa ra tòa truy tố những tội phạm chiến tranh thời đó. Song song với hành vi chính trị này, nước Đức có một chế độ đền bù thích đáng cho những người lính đã từng bị buộc phải chiến đấu trong quân đội phát xít và bị thương tật trong cuộc chiến khi đó. Quân đội chuyên nghiệp Đức đã tham gia chỉ vào những cuộc chiến nhằm tái lập hòa bình, bảo vệ con người. Điều đó chứng tỏ rằng nước Đức biết chịu trách nhiệm trước qúa khứ. Biết nhìn qúa khứ như một bài học lịch sử, nhục nhã, cay đắng, nhưng không thể chối bỏ. Thế còn Việt Nam? Sau gần hai nhăm năm đất nước thu về một mối, chúng ta không thể đi tìm nguyên nhân của đói nghèo, bất công, của tệ trạng xã hội từ những cuộc chiến tranh đã qua. Không dân tộc nào có thể sửa chữa lịch sử, nhưng có thể viết những trang mới đẹp đẽ hơn. Chúng ta đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội, để toàn dân tộc có thể yêu thương nhau lại, như là phải thế giữa những nạn nhân lịch sử một thời. Chúng ta đã lý giải sai bản chất của mối quan hệ giữa những quốc gia, khư khư ôm lấy niềm tự hào độc lập được hiểu một cách vừa cố chấp,(xét trong quan hệ với các nước phát triển thuộc khối không cộng sản, vừa thiếu nguyên tắc (xét trong quan hệ với Liên xô cũ và Trung quốc, từ hàng chục năm nay). Và hậu qủa: Không có ai ngoài nước có thể viết bản cáo trạng chế độ hay hơn chính những người đang sống trong chế độ đó. Theo dõi báo chí trong nước, người đọc thật sự hoang mang trước viễn ảnh của Việt Nam. Tình trạng đói nghèo của nhân dân, ngay ở vùng chiến khu Việt Bắc, căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống Pháp, quê hương Cách mạng, nơi khai sinh quân đội nhân dân Việt nam đương đại đã làm bàng hoàng những người một đời tin theo lý tưởng cộng sản. Tham nhũng, trộm cướp, ma túy... là đề tài nuôi sống báo chí trong nước. Cụm từ phồn vinh giả tạo được chính quyền cộng sản miền Bắc dùng phỉ báng chính quyền cộng hòa miền Nam trước 1975 nay hoàn toàn có thể dùng để chỉ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời mở cửa. Các nhà lãnh đạo Đảng hô hoán về nguyên nhân và nguy cơ của các tệ trạng đó, và được báo chí nhà nước khuếch trương. Theo đó, người dân thiểu học chỉ biết đất nước đói nghèo, bất ổn là do âm mưu của các thế lực quốc tế đen tối nhằm ngăn chặn Việt Nam mở mặt với thế giới, là do bọn tham nhũng, là do v...v... Nhân dân có thể chỉ biết như thế, nhưng nhân dân nhìn thấy hàng ngày thực trạng cuộc sống xa lạ với viễn ảnh mà Đảng đã vạch ra. Ngày 22. 12 đang tới gần, chắc chắn trên truyền hình, sẽ có nhiều chương trình đặc biệt dành để nói về quân đội nhân dân anh hùng. Trên báo Nhân dân, Quân đội nhân dân cũng thế. Một vài tấm gương cựu chiến binh anh hùng dũng cảm thời đang tại ngũ sẽ được đăng kèm với những tin nơi này nơi kia các cựu chiến binh thành công trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo ở gia đình. Những hồi ký chiến trường cũng sẽ dược đăng. Và có thể một vài địa phương sẽ cón tổ chức họp mặt cựu chiến binh, mời những người lính cũ một bữa cơm đền ơn đáp nghĩa để .... cho nhà báo được mời tới có đề tài mà viết ca tụng thành tích quan tâm sâu sát của các chức sắc địa phương. Nhưng sẽ có bao nhiêu phần trăm cựu chiến binh có thì giờ rảnh rỗi để thư thái ngồi nhâm nhi những lời tụng ca mình và lớp người như mình. Họ làm gì? Kết thúc chương trình hôm nay, chúng tôi xin mời qúy vị thính giả nghe đôi dòng nhật ký thơ của một sinh viên trẻ viết cách nay đã gần 10 năm. Trước mặt anh hai sọt to cà chua Vỏ mỏng căng như má tròn con trẻ Trời đã chiều rồi Mùa xuân Mưa Áo lính cũ không ngăn nổi gió Đường về xa qúa Cánh bãi bên sông gió lùa Bát cơm của con của mẹ Trông vào mấy qủa cà chua Người lính cũ đứng âm thầm trong mưa, Chiều xuân Mưa giăng mờ phố xá Anh không rao không mời Bên anh cũng bán rau một cô gái trẻ Bên anh cũng bán rau một bà cụ già Sau lưng họ là đống rác Lùa từ ngõ chợ lùa ra Phố xá nườm nượp người xe Không ai để tâm Đầu ngõ chợ có một người lính cũ Đang mong bán từng qủa cà cuối vụ. Thực tế đất nước mười năm xưa, khi nhìn vào cuộc sống của những người dân bình thường như thế vẫn là thực tế của bây giờ. Tại sao? Câu hỏi đó mỗi người đều cần phải tự đặt ra cho mình. Xin hẹn gặp lại qúy vị trong chương trình kế tiếp.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.