Những xác chết chưa chôn


2000.08.14

Lời giới thiệu: Tuần qua, Việt Tấn Xã trong nước cho biết là do chương trình cải cách doanh nghiệp, số công ty quốc doanh từ 5.740 đơn vị sẽ được giảm còn có 2.756 đơn vị. Việc đó khiến khoảng 200.000 công nhân viên sẽ bị sa thải và đòi hỏi một ngân khoản chừng 143 triệu đô la để tìm việc làm mới cho họ. Đây là một quyết định không dễ dàng mà cần thiết, nếu Việt Nam thực sự muốn tiến hành đổi mới và chấn chỉnh lại cơ cấu sản xuất cho lành mạnh và hữu hiệu hơn. Diễn đàn Kinh tế sẽ phân tách vấn đề này, qua thí dụ của Nguyễn An Phú về trường hợp Trung Quốc và Nhật Bản... Joseph Schumpeter, một kinh tế gia và nhà lý luận cự phách của kinh tế tư bản có nói tới một ý niệm lạ, có khi là tàn khốc, của kinh tế thị trường, đó là "sự sáng tạo của hủy diệt". Những người Mác-xít chân chính thì có thể nghĩ tới ý niệm xóa và xây của tiến trình cải tạo. Nhưng, ở đây, trong nền kinh tế thị trường, việc cải tạo quả là có tạo ra cái mới sau khi cải cái cũẦ Ta có thể nhớ tới ý niệm này khi nghĩ đến việc Việt Nam đã từng có 12.000 công ty quốc doanh vào đầu thập niên 90, nay chỉ còn một nửa, và nếu việc cải cách doanh nghiệp được tiến hành nghiêm túc, trong năm nay sẽ mất thêm 800 đơn vị quốc doanh, và chỉ tiêu sẽ chỉ còn là hơn 2.700 đơn vị mà thôi. Trong suốt giai đoạn đó, cái gì đã xảy ra cho nền kinh tế của xứ này? Câu trả lời là kinh tế tăng trưởng mạnh hơn thời kỳ mà nhà cầm quyền đòi tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Cho nên, việc tinh giản hệ thống sản xuất quốc doanh, để chỉ còn giữ lại những đơn vị thực sự cần thiết và có hiệu suất kinh doanh chính là tiến trình hủy diệt có sáng tạo. Chỉ khi nào những xí nghiệp thua lỗ bị đóng cửa thì thị trường mới có chỗ cho các xí nghiệp lành mạnh hơn thành hình. Và càng tiến mạnh trong việc cải tổ và chấn chỉnh đó, người ta càng mau kiện toàn cơ cấu sản xuất của nền kinh tế quốc dân. Dĩ nhiên, như trong mọi cuộc đổi thay, thể nào cũng có người thua kẻ được, người chống người thuận. Nhưng, nhìn trên đại thể vĩ mô, thì đó là điều cần thiết. Vả lại, ngay từ năm 1994 về sau, các định chế viện trợ quốc tế đều ý thức được nhu cầu vừa cải tổ vừa hàn gắn những đổ vỡ xã hội do việc cải tổ gây ra, nên đã viện trợ cho Việt Nam những ngân khoản cần thiết để mở ra cơ hội lao động mới cho người bị sa thải từ khu vực quốc doanh mục nát ra. Cùng với các khoản viện trợ của quốc tế, chương trình gọi là "Tăng cường cải tổ cấu trúc kinh tế" của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là IMF đã dự trù 500 triệu đô la giải ngân sớm cho năm 1999 và 700 triệu cho năm 2000 này, nếu Việt Nam cải cách như đã được quốc tế đề nghị và Hà Nội đã hứa thi hành. Cho nên, việc tiết giảm số doanh nghiệp tới phân nửa không là điều bất thường, và nhu cầu 143 triệu đô la để tái phối trí nguồn nhân lực bị sa thải cũng chẳng là một khoản bội chi của ngân sách chính phủ. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm, mà nếu giới lãnh đạo Hà Nội lại do dự trì hoãn như mấy năm qua, thì họ nên nhìn sang các lân bang để tìm hiểu về hậu quả. Từ ít lâu nay, dư luận Á châu đã nói về những doanh nghiệp mà họ gọi là "xác chết chưa chôn". Tiêu biểu nhất thì có các doanh nghiệp Nhật Bản và các công ty đầu tư tài chánh của Trung Quốc, gọi là Quỹ Tín thác Quốc tế và Công ty Đầu tư, gọi tắt theo Anh ngữ là ITICs. Nhằm mục tiêu huy động vốn từ thị trường nước ngoài, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã lập ra các quỹ nói trên, nhưng 240 đơn vị này đều theo nhau tuột dốc. Năm 1998, Thủ tướng Chu Dung Cơ phải trấn an dư luận tư bản quốc tế bằng cách khuyến cáo chính quyền tỉnh Quảng Đông để cho quỹ đầu tư ITIC của tỉnh phá sản. Sau đó, Bắc Kinh cũng thông báo là các công ty thua lỗ khác cũng sẽ phải được chấn chỉnh, sát nhập, hoặc nếu không thể cứu vãn thì cho giải thể. Tới cuối tháng trước, đến lượt quỹ ITIC của tỉnh Hải Nam không trả được nợ và bị đe dọa phá sản, và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đới Tương Long cũng tái khẳng định là nếu không cứu được thì đành cho tan. Nhưng, sau đó nhà cầm quyền không nêu rõ thủ tục hay điều lệ khánh tận, trong khi nguồn tin từ Hoa lục cho biết là trong số 14 đơn vị đang suy sụp, có 11 đơn vị sẽ phải thay đổi, nhưng ba đơn vị sẽ được bảo vệ tới cùng. Vấn đề ở đây là thị trường quốc tế không biết rõ về thực tâm hay quyết tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc ra sao. Chính là thái độ dứt khoát nửa vời đó mới khiến dư luận nghi ngại. Rằng việc cải cách chỉ được tiến hành cầm chừng, và một số đơn vị đặc biệt, dù mắc nợ lưu cữu từ mấy năm nay, vẫn được chính quyền bơm tiền vào để khỏi chết. Như những cái xác hết còn vận động, các doanh nghiệp đó chỉ hiện hữu trên giấy tờ, nhờ tiền thuế của dân, và điều đó làm giới đầu tư quốc tế càng dè dặt khi nói tới việc châm tiền vào thị trường Trung Quốc. Tình trạng đó cũng xảy ra tại Nhật Bản với một số doanh nghiệp chìm trong nợ, lỗ vốn hàng ngày và chẳng thể phục hồi vì quản lý quá tồi, mà được bơm tiền cứu sống một cách giả tạo. Trường hợp tiêu biểu đang được các thị trường nói tới là tập đoàn xây cất Kumagai Gumi. Y như hệ thống phân phối Sogo mới phá sản, tập đoàn này nhờ có quan hệ tốt với chính quyền nên được bảo bọc kỹ, dù mắc nợ cả chục tỷ đô la và hết khả năng kinh doanh mà vẫn chưa được khai báo khánh tận. Trong khi chờ đợi, các ngân hàng được yêu cầu tiếp tục châm tiền cho công ty thanh lý các khoản nợ đáo hạn mà chưa rõ tương lai ra sao. Công ty Kumagai Gumi không là thí dụ duy nhất; bên cạnh, tập đoàn xây cất Hazama cũng là hiện tượng xác chết chưa chôn. Hiện tượng đó làm người ta chú ý tới các ngân hàng đang châm tiền như dưỡng khí vào mấy cái xác khô này. Chẳng hạn như trong năm qua, tập đoàn Kumagai đã vay thêm một tỷ ba trăm triệu đô la của ngân hàng, mà chẳng thấy một hy vọng chấn chỉnh hay cải tổ gì. Những trường hợp trì hoãn nói trên chẳng những không giải quyết được vấn đề sản xuất và lao động mà còn chồng chất nợ nần của hệ thống ngân hàng hoặc đục khoét thêm vào công quỹ quốc gia. Các ngân hàng bị dìm sâu dưới các khoản nợ khó đòi và chẳng sinh lời thì không thể làm tròn nhiệm vụ tài trợ tín dụng, mà cũng sẽ lại trì hoãn việc cải tổ, nên lãi đơn sanh lãi kép, tương lai cuối cùng vẫn chỉ là sự phá sản dây chuyền. Nếu nhà nước e sợ tai họa đó mà tung tiền trợ cấp để khỏi có ngày tính sổ phá sản, thì đến lượt công quỹ thâm thủng, ngân sách bội chi, tiền thuế của dân bị lãng phí. Muốn có tiền tài trợ, người ta sẽ lại phải vay tiền của dân bằng cách phát hành công trái phiếu. Lãi suất vì đó sẽ tăng, gây cản trở sản xuất cho toàn nền kinh tế. Tức là gây họa lây cho các doanh nghiệp khác. Có tổng kết tình hình như vậy, ta mới thấy toàn bộ kích thước của vấn đề. Đó là nếu vì mục tiêu thiển cận và cục bộ, nhằm bảo vệ một số cơ sở bất lực, hoặc tránh bị mang tiếng là sa thải nhân viên, người ta duy trì những xác khô hết giá trị kinh tế bằng công quỹ hoặc tiền ký thác ngân hàng, và mặc nhiên gieo họa cho các khu vực khác, hoặc cho toàn nền kinh tế. Đây cũng là sự bất công về xã hội và chính trị mà nhiều nhà lãnh đạo không nhìn ra, hoặc không dám công nhận. Tình hình của Việt Nam dù sao chưa nghiêm trọng như các thí dụ Trung Quốc hay Nhật Bản, và số công nhân viên chức trong gần 6.000 doanh nghiệp nhà nước thực ra cũng chỉ có gần hai triệu người so với dân số lao động thì cũng còn thấp. Cho nên, nếu đã có quyết tâm đổi mới, và tự xưng là xã hội chủ nghĩa, nhà cầm quyền Việt Nam không nên tạo ra bất công bằng cách duy trì những xác chết chưa chôn đó trong khu vực quốc doanh mà phải tiến hành cải cách doanh nghiệp cho dứt khoát hơn./.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.