Kinh tế Trung Quốc trên đà củng cố


2000.10.30

Lời giới thiệu: Qua hai kỳ liên tiếp, mục Diễn đàn Kinh tế đã phân tách một số nguyên do khiến kinh tế Nam Hàn và Đài Loan có thể bị giao động trong thời gian tới. Kỳ này, chúng ta sẽ theo dõi bài nhận định về tình hình kinh tế Trung Quốc, với kết luận trái ngược. Trong vùng Đông Á, kinh tế Hoa lục đang có triển vọng rất lớn, mà điều đó chưa chắc đã có lợi cho Việt Nam... Sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 20 ngày trước của đảng Cộng sản Trung Quốc, dư luận nghe nói về hướng phát triển kinh tế Hoa lục nhưng lại quan tâm nhiều hơn tới nỗi ưu lo chính trị của Bắc Kinh do vụ đột biến tại Liên bang Nam Tư và những tranh chấp ngầm trên thượng tầng lãnh đạo. Dù vậy, giới quan sát kinh tế vẫn theo dõi tình hình Hoa lục và cho là, ngược với hoàn cảnh của Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan, kinh tế Trung Quốc đang có chiều hướng tăng trưởng khá tốt đẹp. Một số nhà nghiên cứu lượng định rằng tính cho toàn năm nay, kinh tế xứ này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khả quan là hơn 8% một năm, cao hơn dự đoán đầu năm. Sự kiện này đáng được lưu ý vì là lần đầu từ bảy năm nay mà họ đạt mức tăng trưởng cao hơn năm trước. Mấy năm trước, đà tăng trưởng đã mỗi năm một kém và còn bị giảm phát mất hai năm liền. Cho nên, người ta có thể kết luận rằng kinh tế Trung Quốc đang ra khỏi chu kỳ suy trầm. Về sức tăng trưởng này, giới nghiên cứu kinh tế chú ý tới ba yếu tố đáng kể. Điểm đáng chú ý đầu tiên là sự tăng trưởng cho toàn năm có động lực đa diện hơn. Như vào quý đầu của năm nay, đầu máy sản xuất chủ yếu lấy sức đẩy từ xuất khẩu, chiếm tới gần 90% của mức gia tăng Tổng sản lượng GDP. Tới quý ba vừa rồi thì xuất cảng chỉ còn đóng góp có hơn 50% của đà gia tăng đó thôi. Nghĩa là kinh tế Hoa lục tăng trưởng mạnh hơn nhờ sức năng động của thị trường nội địa thay vì nhờ xuất khẩu. Dân chúng bắt đầu tiêu xài nhiều hơn, bộ máy sản xuất nhờ đó lấy trớn hoạt động mạnh hơn. Tính tới tháng Chín vừa qua, sản lượng công nghiệp của 12 tháng liền đã tăng 13%. Như vậy, sau hai năm bị giảm phát, tức là hàng bán không được dù đã hạ giá, kinh tế Hoa lục đang có trớn tăng trưởng mạnh, và giá cả đã hết sụt. Hiện tượng tăng trưởng này còn đáng chú ý ở yếu tố thứ hai là vai trò của đầu tư nước ngoài. Trước đó ba năm liền, do hiệu ứng khủng hoảng châu Á lẫn sự hoài nghi của quốc tế về thực tâm cải cách của Trung Quốc, ngạch số đầu tư quốc tế sút giảm liên tục. Thế rồi, việc Bắc Kinh ký kết Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ vào tháng 11 trước và viễn ảnh Trung Quốc sẽ sớm gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO khiến doanh giới quốc tế ngoảnh lại. Họ không muốn lỡ cơ hội tranh thủ một thị trường đông dân nhất thế giới, nên trở về bỏ vốn đầu tư vào Hoa lục. Từ ba tháng nay, số dự án cam kết được phê duyệt đã tăng đột ngột tới khoảng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Cho nên, mặc dù do ảnh hưởng khủng hoảng Á châu mấy năm trước số đầu tư được thực sự tháo khoán vẫn còn thấp, số dự án khởi công năm tới sẽ còn tăng. Nhiều giới kinh tế cho là năm tới, đầu tư nước ngoài vào Hoa lục sẽ thêm đến 10 tỷ đô la, tạo ra một lực đẩy đáng kể cho bộ máy sản xuất. Điều đáng chú ý thứ ba về hy vọng tăng trưởng kinh tế Hoa lục, là dù Bắc Kinh tiếp tục cai trị với bàn tay sắt và tiêu diệt mọi mầm đối kháng chính trị, họ thực sự có tiến hành cải tổ kinh tế, một cách sâu rộng và mạnh mẽ hơn. Trước hết là, sau khi Thủ tướng Chu Dung Cơ đề ra kế hoạch vào năm kia, họ thực sự bắt tay vào cải cách doanh nghiệp và cổ phần hóa các công ty quốc doanh. Khi họ nói là làm, dù gặp sự chống đối từ nhiều phía, việc cổ phần hóa đó, tức là bán tài sản nhà nước trong các xí nghiệp quốc doanh cho tư nhân tham gia làm chủ và quản lý, chính phủ đã thu về được 20 tỷ để dùng vào việc khác. Ngạch số này còn có thể tăng vào năm tới. Điều đáng lưu ý hơn nữa là cùng với việc tư nhân hóa này, chính quyền Bắc Kinh còn nghiên cứu kế hoạch an sinh xã hội để phần nào giải trừ những hậu quả xấu về xã hội của chương trình đó. Chỉ vài tháng nữa thì Ban cải cách sẽ công bố kế hoạch này. Song song với việc cổ phần hóa và lập quỹ xã hội để cưu mang công nhân viên chức bị sa thải từ khu vực quốc doanh, lãnh đạo Bắc Kinh còn có tham vọng cải tổ hệ thống hưu bổng trên toàn quốc, và nay mai họ có thể cho phép các công ty tài chánh nước ngoài tham gia kinh doanh trong thị trường tiết kiệm của Hoa lục. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đẩy mạnh cải tổ ngân hàng, với các công ty gọi là "quản lý tài sản" được lập ra để thanh lý các khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước trong sổ sách của bốn ngân hàng quốc doanh. Đáng kể hơn cả là việc nhà cầm quyền Hoa lục ráo riết chuẩn bị thành lập thị trường chứng phiếu không qua quầy, tương tự như thị trường Nasdaq của Hoa Kỳ, ở tại Thẩm Quyến, vào đầu năm tới. Thị trường này mua bán cổ phiếu và hối phiếu ở ngoài sở giao dịch nhằm chủ yếu giúp các tiểu doanh thương dễ dàng huy động vốn. Rút kinh nghiệm từ sự phát triển của thị trường Nasdaq và sức mạnh của các công ty kỹ thuật trong hình thái gọi là "kinh tế mới", lãnh đạo Bắc Kinh muốn học phương pháp này để khuếch trương các công ty loại trung bình, trong nền kinh tế tri thức. Giới nghiên cứu để ý tới nỗ lực này, do Chủ tịch Giang Trạch Dân xướng xuất hồi giữa năm. Trong ba loại yếu tố then chốt của hiện tượng tăng trưởng ngoạn mục tại Trung Quốc, tức là thứ nhất tính chất đa diện của đầu máy phát triển, thứ hai, vai trò của đầu tư quốc tế, và thứ ba, nỗ lực cải tổ cơ chế kinh tế, thì chính yếu tố thứ ba mới bảo đảm sức tăng trưởng vững bền. Nếu nhớ lại những khó khăn và ê chề của Thủ tướng Chu Dung Cơ, trong và sau chuyến thăm viếng Hoa Kỳ hồi tháng Tư năm ngoái, đến nỗi ông dọa từ chức vào hồi tháng Sáu, thì việc đẩy mạnh cải cách vừa qua cho thấy trình độ trưởng thành và thực tiễn của lãnh đạo Bắc Kinh. Họ có đôi chút do dự và lo sợ, nhưng sau đó đã biết nuốt tự ái và kiên trì đẩy mạnh việc cải tổ cơ chế kinh tế. Nhờ vậy, họ mới thuyết phục nhau là nên ký Hiệp định Thương mại với Mỹ và sau đó thuyết phục được thế giới về thực tâm cải cách của họ. Qua những kỳ trước, chúng ta có nói tới nguy cơ khủng hoảng, một lần nữa, của các nền kinh tế Á châu. Kinh tế Trung Quốc cũng khó tránh nổi hậu quả, dù đã chuyển hướng kinh tế để tìm sức đẩy trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, dù có bị hậu quả, Hoa lục sẽ không bị nặng như các láng giềng. Một phần vì kinh tế Trung Quốc không lệ thuộc nhiều vào dầu khí như các xứ kia; một phần nữa là vì cơ cấu xuất khẩu vẫn còn thiên vào loại hàng tiêu dùng, là loại hàng mà số cầu ít bị hiệu ứng của khủng hoảng. Mặc dù vậy, mọi sự đều chẳng hoàn hảo vì việc thanh lý các khoản lỗ lã của ngân hàng có thể sẽ cao hơn dự phóng ban đầu. Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc loan báo, rằng các khoản nợ ngân hàng coi như mất đứt, và phải được thanh lý trong sổ sách, sẽ vượt mức dự chi trước và lên tới 300 tỷ đô la, tức là đến 30% tổng sản lượng GDP của một năm. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài thì e rằng con số thực tế sẽ còn cao hơn, tới 50% tổng sản lượng. Đây là cái giá đắt đỏ để thanh toán những sai lầm của thời bao cấp. Khi tổng kết lại về triển vọng kinh tế Hoa lục, ở giữa một khu vực mà sự bất trắc kinh tế ngày càng nổi rõ, người ta có thể thấy Bắc Kinh đã dám cải tổ, và trước tiên khôn ngoan thay đổi tư duy của họ về mức tăng trưởng. Họ chú ý tới phẩm nhiều hơn lượng, tức là coi trọng chất lượng vừng bền của sự tăng trưởng hơn là chỉ đạt kết quả biểu kiến ở con số. Khi xét tới đặc tính này và so với trường hợp Việt Nam, ta có thể thấy là lãnh đạo Hà Nội không có tầm nhìn xa như vậy, thiếu bản lãnh để dám thúc đẩy cải tổ giữa cơn sóng gió Á châu và chẳng có tinh thần chủ động để ký Hiệp định Thương mại với Mỹ trước đàn anh Bắc Kinh. Cho nên nếu kinh tế Á châu lâm sóng gió trong thời gian tới, Việt Nam sẽ bị hậu quả nặng hơn. Ở bên dưới một cường quốc vừa có thế vừa có lực, lại sớm gia nhập tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO vào năm tới để thu hút vốn đầu tư của quốc tế, Việt Nam quả là có một tương lai bất trắc, về cả kinh tế lẫn chính trị.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.