Nữ quyền trong bối cảnh xã hội hiện nay


2001.01.30

(Trang Phụ Nữ 31-01-2001) Lời giới thiệu: Hồi tuần trước, Ánh Chân đã cống hiến quý vị và các bạn bài viết thứ 4 xoay quanh vấn đề phụ nữ và môi trường công ăn việc làm trong loạt chương trình nói về đời sống và địa vị của phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới từ Âu sang Á bước sang thế kỷ thứ 21. Hôm nay, Ánh Chân xin được trình bày cùng quý vị và các bạn bài viết thứ 5 và cũng là bài cuối trong loạt chương trình này, đề cập đến nữ quyền trong bối cảnh xã hội hiện nay trên toàn cầu... Hội nghị quốc tế về phụ nữ tại Bắc Kinh năm 1995 ghi nhận một điều quan trọng là các quyền của nữ giới vẫn chưa được tôn trọng và bảo vệ đúng mức trong thế kỷ thứ 20. Ngoài ra, chương trình hành động của hội nghị này cũng nhấn mạnh đến điểm là nữ quyền là một phần thiết thực của nhân quyền trên khắp toàn thế giới. Hơn thế, sự bình đẵng giữa nam và nữ sẽ mang lại nhiều ảnh hưởng tốt đẹp cho sinh hoạt trong xã hội nói chung. Dù vậy, trên thực tế tại nhiều quốc gia phụ nữ vẫn tiếp tục là nạn nhân của các hình thức bạo động khác khau, nhưng thường ít khi được biết đến hoặc được báo cáo đầy đủ. Hình thức bạo động phổ biến nhất mà đa số phụ nữ là nạn nhân đó là nạn bạo hành trong gia đình bao gồm hành động đánh đập, cưỡng ép tình dục, la mắng, chửi rủa do chính người phối ngẫu hoặc người nam giới mà phụ nữ chung sống gây ra. Thậm chí có một số phụ nữ bị chồng hoặc người chung sống với họ giết chết, đặc biệt trong trường hợp người phụ nữ muốn tìm cách đoạn tuyệt bằng cách tránh né hoặc bằng con đường pháp lý. Từ nhiều thập niên, rất khó có thể biết được những dữ kiện và con số về nạn bạo hành trong gia đình tại hầu hết các quốc gia đang phát triển. Chỉ trong thập niên 90 vừa qua, một số cơ quan quốc tế và các tổ chức không thuộc chính phủ mới bắt đầu thực hiện những cuộc khảo sát và nghiên cứu về tình trạng bạo hành trong gia đình đối với phụ nữ. Các tài liệu được phổ biến từ những công trình nghiên cứu và khảo sát cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị hành hung trong gia đình cao nhất tập trung ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á, thậm chí lên tới 58% tại một số nơi. Ngoài nạn bạo hành trong gia đình, phụ nữ và các em bé gái còn là nạn nhân của tình trạng hãm hiếp và tấn công tình dục. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp hãm hiếp và tấn công tình dục không được báo cáo đầy đủ cho nên các số liệu có được thường không chính xác so với tầm mức nghiêm trọng của vấn đề trên thức tế. Đa số phụ nữ hoặc em bé gái bị hãm hiếp hoặc tấn công tình dục thường cố che dấu vấn đề vì sợ những hậu quả, vì cảm thấy xấu hộ, làm tổn hại danh dự gia đình hoặc sợ bị trả thù. Ngoài hai hình thức bạo hành vừa nêu trên, một bản phúc trình nói về những hình thức bạo động nhắm vào phụ nữ trong năm 2000 vừa qua được đệ trình lên Cao Ủy Nhân Quyền LHQ có đề cập đến nạn buôn bán phụ nữ và khai thác trong kỷ nghệ maĩ dâm, hoặc bóc lột sức lao động của phụ nữ dưới nhiều hình thức khác nhau. Hồi năm ngoái, kết quả một cuộc nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy mỗi năm có khoảng 50 ngàn phụ nữ và trẻ em bị bán sang Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp. Một bản báo cáo của tổ chức Di Dân Quốc Tế tức IOM ước tính có khoảng 50 ngàn phụ nữ từ Cộng Hòa Dominique bị khai thác tình dục trong kỷ nghệ mãi dâm tại một số nước Tây Âu, và Châu Mỹ Latinh. Mặt khác, tổ chức IOM cho biết con số phụ nữ từ Trung và Đông Âu bị buôn sang Tây Âu đã gia tăng đáng kể trong thập niên 90 vừa qua. Trong khi đó, tổ chức có tên là Liên minh Á Châu chống lại tệ nạn buôn ngươi ước tính có khoảng 200 ngàn phụ nữ Bangladesh bị buôn sang nước láng giềng Pakistan trong thời gian 10 năm qua, tức trung bình mỗi tháng từ 200 đến 400 phụ nữ. Hiện nay, tại Thái Lan được biết có khoảng 20 đến 30 ngàn phụ nữ Miến Điện hành nghề mãi dâm. Đứng trước tình trạng này, trong những năm gần đây, một số chính phủ cũng như các tổ chức không thuộc chính phủ đã tìm cách giúp đỡ cho nạn nhân của tình trạng buôn người qua các chương trìng giúp đỡ, chăm sóc y tế, nơi ăn chốn ở, cố vấn tâm thần. Bên cạnh đó, một số quốc gia đã tung ra các chương trình giáo dục quần chúng ý thức về nữ quyền, chống lại những hành vị bạo động nhắm vào phụ nữ . Dù vậy, nhưng đến nay theo lời các chuyên gia thì tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện, và phụ nữ trong nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục bị ngược đãi và chịu nhiều bất công. Thưa quý vị và các bạn, trong phần sau cùng của bài viết về nữ quyền ngày hôm nay, Ánh Chân xin được dành để nói về phụ nữ và sinh hoạt chính trị, và sự hiện diện của phụ nữ trong các tổ chức quốc tế. Hiện nay, các số liệu được phổ biến công khai cho thấy 585 trên 871 đảng phái chính trị trong 80 quốc gia trên thế giới không có phụ nữ nắm giữ các chức vụ then chốt. Điều này có nghĩa là nếu không có sự đại diện của nữ giới trong các chức vụ then chốt thì nữ giới rất khó có thể tạo ảnh hưởng và tác động đến chính sách và đường lối của đảng, hoặc khó có thể nắm giữ các chức vụ cấp bộ trưởng nếu như đảng phái chính trị đó thắng cử và lên nắm chính quyền. Mặt khác, sự chênh lệch giữa hai phái nam và nữ trong ngành lập pháp tại nhiều quốc gia cũng rất đáng kể. Trên toàn thế giới, phụ nữ chiếm tỷ lệ trung bình là 9% trong cuối thập niên 80 và tăng lên đến 11% vào năm 1999. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ có chân trong ngành lập pháp được ghi nhận là cao nhất tại các quốc gia kỹ nghệ tiên tiến. Các con số của năm 99 cho thấy phụ nữ chiếm 21% ghế quốc hội trong các quốc gia Tây Âu, và 18% ghế quốc hội trong các quốc gia tiên tiên không thuộc Âu Châu. Thụy Điển là nước có tỷ lệ phụ nữ cao nhất trong ngành lập pháp với 43%. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ phụ nữ chỉ chiếm 13% tại quốc hội và tại Nhật Bản là 5%. Ngoài ra, từ trước đến nay chỉ có 17 quốc gia trên thế giới bầu chọn phụ nữ làm nguyên thủ quốc gia. Và Argentina là nước đầu tiên bầu một phụ nữ lên làm tổng thống. Sri Lanka là nước đầu tiên có một nữ thủ tướng vào năm 60, từ đó trở đi có 22 quốc gia trên thế giới có nữ thủ tướng. Dù vậy, trong nhiều quốc gia con số phụ nữ đứng đầu các bộ trong nội các vẫn còn rất ít. Trong năm 98 chỉ có 8% phụ nữ nắm giữ chức bộ trưởng trên toàn cầu, so với 6% năm 94. Ngoài ra các số liệu của năm 98 cho thấy không có một phụ nữ nào nắm giữ chức bộ trưởng trong 45 quốc gia trên thế giới, so với 59 quốc gia vào năm 94. Trong khi đó, Thụy Điển vẫn là trường hợp ngoại lệ và là quốc gia duy nhất trên thế giới với số phụ nữ nắm giữ chức bộ trưởng trong chính phủ xứ này cao hơn nam giới trong năm 99. Tại Á Châu và khu vực Bắc Phi, phụ nữ chỉ chiếm ít hơn 5% các chức vụ bộ trưởng nội các chính phủ trong năm 98. Ngoài các chính phủ trên thế giới, thì trong các tổ chức và cơ quan LHQ con số nhân viên phái nữ làm việc cho tổ chức này ngày càng gia tăng, chiếm gần 40% tổng số nhân viên trong năm 99. Dù vậy tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các chức vụ cao cấp có thẩm quyền quyết định trong các tổ chức của LHQ vẫn thấp, chỉ chiếm có 20% trong năm 99. Như quý vị và các bạn theo dõi câu chuyện trên đây đã rỏ vào thời điểm cuối thế kỷ thứ 20 bước sang thế kỷ thứ 21, phụ nữ vẫn chưa được bình đẳng với nam giới trên nhiều phương diện giáo dục, y tế, công ăn việc làm, từ trong gia đình ra đến bên ngoài xã hội. Và cho đến khi nào nữ quyền là một phần gắn liền với nhân quyền vẫn chưa được tôn trọng đúng nghĩa thì phụ nữ vẫn tiếp tục là nạn nhân của sự bất công và ngược đãi. Yếu tố này sẽ gây cản trở cho việc cải thiện vai trò và địa vị của nữ giới ở khắp nơi trên toàn cầu. Ánh Chân

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.