Indonesia trong tình trạng phân hóa và khủng hoảng


2001.05.31

Lời giới thiệu: Kể từ ngày chế độ độc tài của tướng Suharto sụp đổ năm 1998 và tiếp theo một thời kỳ chuyển tiếp, ông Abdurrahman Wahid được bầu lên làm Tổng Thống hồi tháng 10, 1999, chưa bao giờ Indonesia lại phải trải qua một cuộc khủng hoảng khó khăn và nguy hiểm như hiện nay. Hội Đồng Đại Diện Nhân Dân (Peoples Representatives Council), được coi như Hạ Viện, sau hai lần khiển trách ông Wahid về tham nhũng và bất lực, đã bỏ phiếu triệu tập một phiên họp đặc biệt của Quốc Hội để quyết định truất phế ông, trong khi đó thì một số người ủng hộ ông xuống đường biểu tình đòi ông phải giải tán Quốc Hội. Tình trạng rối ren, bất trắc hiện nay có thể đưa tới sự tan rã của Indonesia. Mục ỘViệt Nam, Nhìn từ bên ngoàiỢ hôm nay có bài nhận định sau đây của Trần Sơn Nam... Indonesia đi về đâu? Đó là câu hỏi mà giới quan sát quốc tế đang đặt ra lúc này sau khi Hạ Viện Indonesia cách đây hai hôm đã bỏ phiếu chấp thuận việc triệu tập một phiên họp đặc biệt của Quốc Hội để tiến tới việc truất phế Tổng Thống Abdurrahman Wahid. Quyết nghị này của Hạ Viện Indonesia không làm ai ngạc nhiên vì thực ra đây chỉ là hậu quả của một tình trạng chính trị bất ổn kéo dài từ nhiều tháng nay đang trở thành một khủng hoảng trầm trọng đe dọa tương lai của dân tộc Indonesia. Indonesia là một quốc gia hải đảo có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng Đông Nam Á, gồm có gần 210 triệu dân thuộc nhiều sắc tộc, trải rộng trên hơn 13 ngàn hòn đảo. Tương đối có ổn định dưới thời thống trị hơn 30 năm của Tổng Thống Suharto, Indonesia bắt đầu gặp khó khăn vào giữa năm 1997 cùng một lúc với cuộc khủng hoảng đe dọa nền kinh tế đang lên của hầu hết các nước trong vùng. Cuộc khủng hoảng này đã lần lần đưa đến nhữnng cuộc cuộc biểu tình bạo động đẫm máu do giới sinh viên Indonesia cầm đầu, rồi đến sự sụp đổ của chế độ độc tài Suharto. Tiếp đến là một giai đoạn chuyển tiếp nửa loạn nửa yên trong hơn một năm dưới sự lãnh đạo của một nhân vật thuộc chế độ cũ là ông Phó Tổng Thống Habibie và sau đó là một cuộc bầu cử tương đối dân chủ trong vòng trật tự, từ đó ông Wahid được bầu lên làm Tổng Thống và bà Megawati Sukarnoputri được bầu lên làm Phó Tổng Thống. Vào thời điểm đó dư luận quốc tế và người dân Indonesia hy vọng rằng ông Wahid sẽ đem lại dân chủ ổn định và đồng thời cũng phục hồi lại nền kinh tế. Nhưng trong thời gia 19 tháng vừa qua, từ thất vọng này qua thất vọng khác, người ta mất dần tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông Wahid. Trước hết là nền kinh tế suy sụp, đồng Rupiah lần lầm bị mất giá, nạn thất nghiệp gia tăng và niềm tin của các tổ chức quốc tế cấp viện cũng dần dần tiêu tan. Rồi lại đến những vụ tai tiếng về tham nhũng mà ông Wahid chưa lần nào giải thích một cách rõ ràng để thuyết phúc dư luận ông là người trong sạch. Và sau chót ông Wahid lại còn bị chỉ trích là đã nhiều lần tuyên bố bừa bãi, tiền hậu bất nhất, làm mất uy tín của chức vụ Tổng Thống, hơ nữ ông lại còn dùng thủ đoạn để chia rẽ các đối thủ chính trị, triệt hạ ảnh hưởng của quân đội, kể cả việc công khai nói xấu bà Sukarnoputri, người đã từng giúp ông từ ngày đầu. Rút cuộc lại, lúc này ông như người bị cô lập, trơ trọi không trông cậy được vào ai nữa. Về vụ tai tiếng là tham nhũng hay dung túng tham nhũng, ông Wahid đã hai lần bị Hạ Viện cho điều tra và khiển trách. Nhưng do thái độ khinh thường ông tạo bất mãn tại Hạ Viện, cho tới mức nay những lời khiển trách về tham nhũng đã biến thành những khiến trách nặng nề, rộng lớn hơn. Theo đại đa số Hạ Viện thì ông đã bất lực không giải quyết được vấn đề kinh tế, không những thế còn tạo thêm mâu thuẫn có thể đưa tới sự tan rã, nguy hiểm cho sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia. Trong cuộc bỏ phiếu mấy ngày vừa qua về quyết nghị triệu tập một phiên họp đặc biệt của Quốc Hội để xét xử ông trong những ngày tháng tới đã có tới 7 nhóm trong số tất cả 10 nhóm, với gần như đa số tuyệt đối 365 người chấp thuận nghị quyết này và chỉ có 4 người ủng hộ ông Wahid và trống lại nghị quyết này. Trớ trêu hơn cả là trong khi Hạ Viện được bầu lên qua một thể thức dân chủ lần đầu tiên sau những năm dưới chế độ độc tài Suharto đang bỏ phiếu chống ông thì ông lại phải nhờ đến những đám biểu tình ngoài đường phố để giữ lấy địa vị. Diễn hình nhất là có đến vài ngàn người từ những vùng vẫn ủng hộ ông ở miền Java kéo về thủ đô Jakarta để làm áp lực đối với Hạ Viện và yêu cầu ông ban hành tình trạng khẩn trương và có cớ giải tán Quốc Hội, mặc dầu chính những người thân cận của ông và nhiều Bộ Trưởng trong chính phủ khuyên can ông đừng mang ra áp dụng. Thực ra thì giới quân nhân đã nói rõ cho ông biết là họ sẽ không tuân theo mệnh lệnh của ông nếu trường hợp này xẩy ra. Liệu ông Wahid có thực sự muốn tìm một giải pháp dung hòa cho tình trạng bế tắc lúc này không ? Liệu ông có chịu từ chức để nhường chỗ cho bà Phó Tổng Thống Sukarnoputri để lối thoát có một bộ mặt hợp hiến không ? Hay là ông chọn giải pháp đường cùng, hoặc ngồi lì ở lại, hoặc giải tán Quốc Hội rồi đưa đến sự tan rã của cả quốc gia Indonesia? Lúc này chưa ai được rõ nhưng thực tế trước mắt là xã hội Indonesia đang ở trong một tình trạng phân hóa và khủng hoảng cùng cực, nguy hiểm không những cho tương lai của dân tộc Indonesia mà còn nguy hiểm cho cả sự ổn định của tất cả những nước trong vùng...

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.