Kinh Tế Nhật Bắt Đầu Hồi Phục Chưa?


1999.06.13

Lời Giới Thiệu: Tuần này, Nhóm Tư vấn Ngân hàng Thế giới sẽ lại quy tụ 22 nước cấp viện và 17 cơ quan viện trợ quốc tế tới họp tại Hải Phòng để xét duyệt kết quả sử dụng viện trợ và cải tổ của Việt Nam. Những hội nghị như vậy đã hết làm dư luận quan tâm vì Hà Nội sẽ lại hứa hẹn cải tổ rồi viện cớ trì hoãn. Tuần qua, tin từ Âu châu cho thấy kinh tế Đức vừa thoát nguy cơ suy thoái trong đường tơ kẽ tóc và đây là tin đáng mừng vì nước Đức suy thoái sẽ kéo sụp đồng Euro của Âu châu và gây giao động tài chánh cho các nước khác. Nhưng, tuần qua, biến cố kinh tế đáng chú ý nhất là thống kê sản xuất Nhật cho thấy một đà tăng trưởng cao bất ngờ, lần đầu sau hai năm liền suy sụp. Liệu kinh tế Nhật có đang trườn mình ra khỏi 10 năm khủng hoảng không, mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu đề tài này qua bài nhận định sau đây của Nguyễn An Phú. Thủ tướng Obuchi Keizo có thể thoải mái phó hội với nguyên thủ của nhóm G-8 vì ông hết bị họ phàn nàn là không đưa kinh tế ra khỏi suy thoái để còn cứu giúp các nền kinh tế khác. Lý do là kinh tế Nhật đã có một mức tăng trưởng cao bất ngờ trong quý một vừa rồi. Nhưng, liệu kinh tế Nhật đã thực sự phục hồi hay không thì lại là vấn đề khác, mà ta sẽ tìm hiểu sau đây... Tuần trước, tổ hợp quốc tế về thông tin kinh doanh Bloomberg đã khảo sát ý kiến của 28 kinh tế gia độc lập về triển vọng kinh tế Nhật. Các nhà kinh tế đều dự đoán là trong tam cá nguyệt đầu của năm nay, kinh tế Nhật giỏi lắm sẽ tăng trưởng chừng 0,1%. Thực tế là họ đã dự đoán trật, với sai số làm dư luận ngạc nhiên. Hôm Thứ Năm, Cơ quan Kế hoạch Kinh tế Nhật thông báo thống kê sản xuất, với mức tăng trưởng của quý một là 1,9%, tức là cao gần gấp 20 lần dự đoán của các kinh tế gia. Quy ra toàn năm, thì kinh tế Nhật có thể đã tăng trưởng tới 7,9%. Bên dưới đà tăng trưởng lớn lao quá bất ngờ đó, người ta được biết là trong quý một, số tiêu thụ đã tăng 1,2%, công chi tăng 10,3% và động lực của đà tăng trưởng đó là đầu tư tư nhân tăng 2,5%. Một vài dư luận Nhật nghi ngờ sự khả tín của các thống kê này, vì cho là cơ quan kế hoạch Nhật đã ngụy tạo thống kê để tránh cho thủ tướng Obuchi khỏi bị lúng túng tại thượng đỉnh G8 tới đây. Dù it ai tin giả thuyết cạo sửa thống kê, người ta có thấy vài xu hướng vẫn đầy bất lợi cho kinh tế Nhật. Thí dụ như trong tháng Tư, đơn đặt hàng thiết bị của tư doanh đã sụt 14% so với trước, hoặc trong tháng Năm, một chỉ dấu về sự lạc quan và đà tiêu thụ của công chúng là số bán xe hơi mới đã sụt 10%, và tín dụng ngân hàng giảm 5,4%, tính theo toàn năm. Trong cả quý một, chỉ số bán lẻ đã sụt 0,5% và thất nghiệp hiện ở mức kỷ lục 4,8% sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Nhìn trên toàn cảnh như vậy, người ta thấy rằng đầu tư và tiêu thụ của tư nhân thực sự chưa bắt trớn hồi phục. Những tiến bộ mới có cũng chỉ xuất phát từ nỗ lực gia tăng công chi, tức là chính phủ bơm tiền vào kinh tế, và từ tình trạng quá sức bết bát của kinh tế vào cuối năm ngoái. Vấn đề vì vậy mới quy vào việc lượng định xem giải pháp tăng chi để thoát cơn suy thoái đó có công hiệu hay không. Về câu hỏi này, người ta có hai hướng trả lời. Những người lạc quan thì tin rằng được tiếp máu liên tục như vậy, sơ sơ là 750 tỷ đô la vào các công trình xây dựng hạ tầng chẳng hạn, cũng đã bắt trớn phục hồi. Thành phần lạc quan đó dựa vào một số dữ kiện sau đây. Thứ nhất, cùng với nỗ lực chấn chỉnh hệ thống ngân hàng, cải tổ doanh nghiệp bị lỗ lã, chính phủ vừa dự tính tạo thêm 75 vạn việc làm mới, nên cuối cùng, dân cư sẽ thấy lạc quan hơn về tương lai nên sẽ chi tiêu nhiều hơn. Thứ hai, chính phủ có giải tỏa một số cấm đoán để nâng cao khả năng cạnh tranh của các tổ hợp Nhật Bản. Thứ ba, biện pháp giảm thuế để khích lệ dân chúng mua nhà và doanh nghiệp xây nhà sẽ bắt đầu công hiệu từ năm nay. Thứ tư, một số công ty bắt đầu có lời sẽ mạnh dạn tính đến việc đầu tư cho lâu dài, và điều đó càng giúp kinh tế sớm phục hồi. Và sau cùng, liên minh cầm quyền vừa kết nạp được sự ủng hộ của đảng Tân Công minh nên có tư thế mạnh hơn để chủ động đối phó trên mặt trận kinh tế. Ngược với những lý luận lạc quan đó, một số nhà kinh tế không tin rằng giải pháp chính phủ bơm tiền như vậy đã có hiệu quả. Trước tiên, nhìn vào một số dự án xây dựng quy mô của chính phủ ở nhiều tỉnh, người ta thấy dân cư ở các địa phương không mấy hài lòng với lề lối quy hoạch của chính phủ. Họ đã nêu vấn đề, và nhắc tới một trong những nguyên do khiến Nhật bị khủng hoảng chính là vì sự bao biện ôm đồm của chính phủ. Theo họ, phi trường nơi này hay đập thủy điện nơi kia đang tái diễn lại chế độ cũ, với những tệ đoan móc ngoặc của viên chức công quyền với doanh giới. Thứ nữa, khi tài trợ các dự án này bằng công khố, chính quyền trung ương lẫn địa phương đều phải phát hành công trái với lãi suất cao để vay tiền dân. Điều đó sẽ làm công khố bị hao hụt vì trả nợ tiền lời. Thứ ba, nhìn trên tổng thể, chính phủ Nhật hiện vay mượn dân quá nhiều, ngang bằng với chính phủ Ý và sẽ mắc nợ nhiều nhất nhóm G-7 vào năm tới. Thứ tư, giới kinh tế và kinh doanh đã tính nhẩm, rằng nếu các doanh nghiệp Nhật muốn thực sự chấn chỉnh thì sẽ còn phải cắt giảm nhân công nhiều hơn, và từ mức kỷ lục 4,8% hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật sẽ tăng lên tới gần 10% trong một vài năm tới... Tương lai vốn không được viết sẵn và chưa ai có thể biết trước là Nhật có ra khỏi suy thoái hay không, sau một tam cá nguyệt đầu tiên có vẻ ngoạn mục như vậy. Nhưng, những lý luận nêu trên đây đều đưa ta tới một kết luận, rằng sự dè dặt vẫn là cần thiết. Thị trường chứng khoán Nhật dường như đã hiểu như vậy trong những ngày cuối tuần qua. Trong khi chờ đợi, người ta cũng chẳng nên quên rằng giải pháp bơm tiền phát triển các dự án đầu tư của khu vực công mà Nhật Bản thi hành cũng là giải pháp Trung Quốc đang thử nghiệm, với kết quả được đa số các nhà kinh tế quốc tế dự đoán với sự hoài nghi hơn là lạc quan. Tổng kết lại, 5 nước Châu Á bị khủng hoảng năm kia, là Thái Lan, Đại Hàn, Philippines, Malaysia và cả Indonesia, có thể đang trườn mình ra khỏi suy thoái. Nhưng trường hợp của Nhật Bản và Trung Quốc chưa chắc đã được lạc quan như vậy. Còn Việt Nam thì hầu hết đều tiên đoán là năm nay sẽ còn suy sụp hơn năm ngoái, và biện pháp phát hành công trái hồi tháng trước sẽ chỉ là hạt muối bỏ biển để kỷ niệm ngày sinh của ông Hồ Chí Minh mà thôi./. Nguyễn An Phú

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.