Ngành đầu tư địa ốc tuột dốc tại Việt Nam (The stilted property market in Vietnam)


1999.06.20

Lời Giới Thiệu: Mới ngày nào đây, thị trường Việt Nam đã được giới đầu tư Châu Á coi là cõi tiên để làm tiền. Và theo sát quy cách Á Châu, họ liền nghĩ tới lãnh vực địa ốc là nơi làm tiền nhanh hơn cả, miễn là có mối quan hệ tốt với giới chức hữu trách. Cho nên, các cao ốc khách sạn và sân golf được thiết kế và thi công nườm nượp, làm giá đất tăng vọng cùng nạn cường hào ác bá, và gây bao khốn khổ cho người dân. Thế rồi, như thủy triều rút vào buổi hoàng hôn, giới đầu tư quốc tế đã tỉnh giấc đầu tư tại Việt Nam và bỏ của chạy lấy người. Những dự án dở dang còn lại thì tiêu điều chờ dịp mới, chưa rõ bao giờ sẽ có. Diễn đàn Kinh tế kỳ này xin lược thuật những tin tức kinh doanh tổng hợp, về ngành đầu tư địa ốc tại Việt Nam qua bài giới thiệu của Nguyễn An Phú. Có thời không xa mà Hồ Tây đã thoáng vẻ văn minh toàn cầu hóa Á Châu, với nhà cửa xây lên san sát theo mẫu mã Singapore hay Bangkok. Và cũng mới đây thôi, dân Hà thành nghe bàn tán về dự án phát triển khu Bắc Thăng Long, như thủ đô hiện đại của Việt Nam vào thế kỷ tới, với tháp chọc trời ở trên, sân golf xanh mắt ở dưới. Vì triển vọng tươi sáng đó, người ta cướp đất của dân để đẩy cả nước tới chỗ hiện đại hóa. Còn tiền bồi thường về việc giãn dân và giải phóng mặt bằng thì không ra khỏi các văn phòng phê duyệt dự án. Ngành địa ốc quả đã có giây phút huy hoàng và dân quê phải biểu tình với côn quang gậy gộc để bảo vệ quyền lợi trong phút huy hoàng đó. Thế rồi, Hồ Tây vắng khách như cõi tha ma, và các tháp chọc trời xây dở đã chọc giận người dân, vì để lại kiến trúc lở lói chưa hoàn tất, trong khi doanh nhân lũ lượt tháo lui như thủy triều xuống. Các dự án khách sạn, cao ốc văn phòng đều bị đình đọng, nếu chưa khởi công thì bị hủy. Dù sao, Hà Nội cũng chỉ bị cảnh trâu chậm uống nước đục và gặp hạn hán thì khát trước, chứ trong Nam, tình hình có lẽ không đến nỗi nào. Tuần qua, tin tức quốc tế cho thấy là tình hình Sàigòn cũng bắt đầu bi đát. Sau đây là vài thí dụ tiêu biểu nhất. Tập đoàn thép Posco của Hàn Quốc là chaebol lớn, có công ty Thiết kế và Xây dựng Posco đã liên doanh với Công ty thép Việt Nam, một doanh nghiệp nhà nước có tầm cỡ. Họ liên doanh để đầu tư không vào ngành thép và vào địa ốc, và hùn nhau hơn 90 triệu để lập cao ốc văn phòng Diamond Plaza, trên đường Lê Duẩn, tức là đại lộ Thống Nhất cũ. Cao ốc 20 tầng này dự trù là viên ngọc của thành phố, và sau khi khai trương vào tháng Năm vừa rồi, đã có khách thuê là nhiều công ty tên tuổi và cả lãnh sự quán Mỹ. Nhưng, ngoài sự việc Posco đã bị suy sụp ngay tại quê nhà, cao ốc Diamond Plaza của họ chỉ có một phút huy hoàng khi thai trương, chứ khách hàng đã lần lượt cắt giảm hay thu hẹp diện tích thuê mướn để bớt lỗ lã. Và trừ ngoại lệ Diamond Plaza đó, các cao ốc hay khách sạn khác ở Sàigon đều, nói như dân Sàigon, không chết cũng bị thương. Bị thương đầu tiên là Công ty Du lịch Thành phố, tức là Saigontourist, đã hụt chân với ba dự án dở dang. Dự án số một là khách sạn năm sao 300 phòng trên đại lộ Nguyễn Huệ có kinh phí hơn 60 triệu đô la, liên doanh thực hiện với công ty trách nhiệm hữu hạn Nhật là Florette Investment. Phía Nhật vừa thông báo rút lui, để lại một đồ án rất đẹp mà chẳng ai dám nhảy vào tiếp tục. Dự án số hai, giá 40 triệu, do Saigontourist liên doanh với công ty Malaysia là Metroplex, là một cao ốc văn phòng xây cuối đường Hai Bà Trưng nhìn xuống bến Bạch Đằng. Metroplex vừa cho Saigontourist biết là họ sẽ hoãn một năm, để tính lại. Dự án số ba, cũng tại đường Lê Duẩn xui xẻo là liên doanh giữa Saigontourist với đối tác Đại Hàn để xậy dựng một khách sạn và chung cư cao cấp 21 tầng, trị giá 230 triệu đô la, có tên là Asiana Plaza. Khu đất thi công đã được giải phóng từ hơn một năm mà từ đó, dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Cho nên Saigontourist đang ôm mối thương tâm với ba dự án dang dở... Ra khỏi phạm vi Saigontourist, tình hình chẳng khá hơn cho các dự án khác. Cạnh đường Tự do và gần Quốc hội cũ, dự án khách sạn năm sao Park Hyatt Saigon Hotel do liên doanh giữa Xí nghiệp Xây dựng phía Việt Nam và hai tập đoàn Malaysia và Hong Kong tưng bừng thi công, đã trù tính khai trương vào đầu năm 1998. Thế rồi mọi việc bất chợt đình chỉ từ 18 tháng nay, vì nhà đầu tư thiếu 40 triệu đắp thêm cho dự án gần 60 triệu này. Nền móng đã xong, mà dự án Hyatt vẫn quạnh hiu chờ đó. Khách sạn Marriot gần đó cũng dự trù khánh thành vào đầu năm 1998, mà giờ đây vẫn dang dở. Dự án này lên tới 80 triệu đô la, và ban quản lý vừa thông báo sẽ hoãn thêm năm nữa. Hầu hết các nhà nghiên cứu về đầu tư đều tiên đoán, rằng lạc quan lắm thì phải chờ một năm nữa, kỹ nghệ du lịch hạng sang mới có thể biết là sẽ hồi sinh hay suy sụp luôn. Trong khi chờ đợi, các dự án loại khách sạn năm sao như vậy vẫn cứ để không. Nhân công vì vậy mới ế việc và mất việc... Bước qua ngành xây dựng cao ốc văn phòng hoặc trung tâm thương mại thì mối thương tâm lớn nhất vẫn là cao ốc 33 tầng trên bộ Công chánh cũ, gọi là Saigon Trade Center. Đây là tòa nhà cao nhất nước, và xây xong từ lâu mà vẫn chỉ cho thuê được chừng 1/3 diện tích tổng cộng là 40 ngàn mét vuông, dù đã hạ giá. Khi thấy sóng gió Á Châu nổi lên, nhiều nhà đầu tư biết rằng doanh gia sẽ không còn tấp nập lui tới nữa, và văn phòng cho thuê cũng sẽ giảm, nên cố tu bổ lại các văn phòng cho thuê thành thương xá. Đây cũng là giải pháp cho cao ốc Southern Fortune Building của liên doanh Nhật-Việt, hoặc cao ốc Saigon Centre Building trên đại lộ Lê Lợi, một liên doanh giữa Việt Nam và Singapore... Nhưng, tiền đâu để tu bổ, và chắc gì là thương xá sẽ có khách, khi mà sức mua và sản lượng kinh tế Việt Nam đều sút giảm trông thấy, trong thời gian qua? Cho nên, cao ốc Ocean Plaza trên tầng trên đường Tự Do đã quyết định tạm hoãn tới sang năm mới khai trương... Kiểm điểm lại tình hình, nếu Saigon mà còn ế ẩm như vậy, thì các nơi khác ra sao? Từ nhiều năm liền, số xi măng tiêu thụ tại Saigon tăng chừng 18% một năm đều, trong khi tại Hà Nội chỉ tăng có 2%, nghĩa là nhiều nơi khác còn giảm chứ không tăng. Bây giờ, đến Sàigon mà còn dãy dụa vì nạn địa ốc mất giá và đầu tư tháo chạy, thì tình hình nơi khác đã nguy kịch hơn nhiều. Nguy kịch nhất là dường như nhà cầm quyền lại chưa biết như vậy, vì đã bịt mắt hệ thống thông tin của báo chí. Đây là lý do khiến họ vẫn coi thường lời báo động và khuyến cáo của quốc tế, Cho tới khi họ biết, có lẽ tình hình đã vuột khỏi tầm tay của mọi người. Chúng ta gọi đó là khủng hoảng./.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.