Những nguyên nhân của vụ Đài Loan (Causes of the Taiwan crisis)


1999.07.20

Lời Giới Thiệu: Cách đây 10 ngày, tổng thống Lý Đăng Huy của Đài Loan gân chấn động dư luận khi tuyến bố là sau khi ban hành Hiến pháp mới năm 1991, và trước ác ý của Bắc Kinh muốn cô lập Đài Loan trên trường quốc tế, Đài Loan sẽ xét lại lập trường của mình về quan điểm chỉ có một nước Trung Hoa. Ông muốn là từ nay, đối thoại giữa Trung Quốc và Đài Loan phải là đối thoại giữa hai nước, hoặc ít nhất là hai nước có quy chế đặc biệt. Việc Đài Loan công bố lập trường mới như vậy đã mở ra một cuộc khủng hoảng tại Châu Á với hậu quả chưa ai lường được. Tuần qua, các thị trường chứng khoán Á Châu đã sụt giá cùng với những tin do báo chí thân Bắc Kinh tại Hong Kong loan tải về vụ thao diễn quân sự tại tỉnh Phúc Kiến đối diện với Đài Loan. Vì sao vụ khủng hoảng đã xảy ra là đề tài sẽ được Diễn đàn Kinh tế tổng lược kỳ này, qua bài nhận định của Nguyễn An Phú sau đây: Đài Loan là hải đảo cách lãnh thổ Trung Quốc hơn 160 cây số, và bị nhà Thanh nhượng cho Nhật Bản sau khi thua trận chiến Hoa-Nhật năm 1895. Sau Thế chiến II, khi Nhật bị đồng minh đánh bại, đảo này mặc nhiên trở về Trung Quốc, nhưng khi Tưởng Giới Thạch thua Trung Hoa Cộng sản đảng, ông rút tàn binh về đây để dựng lại Trung Hoa Dân Quốc. Năm 1951, Nhật ký Hiệp ước San Francisco và trao trả Đài Loan cho Trung Hoa Dân Quốc. Trong khi đó chế độ cộng sản được lập tại Hoa lục vẫn coi đảo này là lãnh thổ của mình, coi Đài Bắc là ngụy quyền ly khai. Sau năm 1952, Bắc Kinh nhiều lần đòi thôn tính Đài Loan và pháo kích vào hai đảo nhỏ Kim Môn Mã Tổ của Đài Loan để uy hiếp mà không thành. Kể từ đầu thập niên 80, khi Trung Quốc cải cách theo đường lối Đặng Tiểu Bình thì Đài Loan đã cải tổ theo hướng dân chủ và cởi mở hơn nhờ Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch. Kể từ 1992, Đài Loan đã thành cường quốc kinh tế, có khả năng phòng vệ hiện đại và tiến đến chế độ dân chủ hơn hẳn mọi nước Châu Á. Vấn đề Đài Loan sở dĩ thành ngòi nổ tại Á Châu kể từ hai thời điểm, chủ yếu là năm 1971 và gần đây hơn, năm 1996 khi dân Đài Loan đi bầu tự do. Năm 1971, Hoa Kỳ nối lại quan hệ với Bắc Kinh và từ đó công nhận nguyên tắc chỉ có một nước Trung Hoa do Bắc Kinh đại diện, nhưng yêu cầu là việc thống nhất Đài Loan nên được tiến hành ôn hoà qua thương thảo. Sau đó Đài Loan mất ghế thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc, phải nhường chỗ cho Bắc Kinh trên mọi diễn đàn quốc tế, và các nước lần lượt công nhận Bắc Kinh và đoạn giao với Đài Bắc. Nhưng Đài Loan đã cải cách phát triển và trở thành một sức mạnh kinh tế và quân sự đáng kể, trong khi dân chúng cũng có tự do và dân chủ, để lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, được bầu ra lãnh đạo. Vì không muốn Đài Loan có quyền tự chủ đến mức đó, tháng Ba năm 96, Bắc Kinh mở cuộc thao diễn quân sự và bắn hỏa tiễn ngoài khơi để uy hiếp vậy mà không cản nổi dân chúng đi bầu rất đông. Ông Lý Đăng Huy đã được trực tiếp bầu lên tổng thống từ tháng Ba năm đó. Vì vụ thao diễn quân sự này đe dọa an ninh trên biển Đông, Nhật và Mỹụ lập tức ra tuyên bố chung về an ninh và quyết định thảo luận về những cam kết quân sự mở rộng để bảo vệ tự do giao lưu trên biển Đông. Kết quả là thỏa ước liên phòng mở rộng giữa đôi bên vừa được Quốc hội Nhật đồng ý tháng trước. Đây có thể là động lực xa của vụ khủng hoảng Đài Loan ngày nay, vì dù hai nước đồng ý với Bắc Kinh về nguyên tắc một nước Trung Hoa, họ không muốn Bắc Kinh dùng võ lực thống nhất Đài Loan và gây loạn trên Đông hải. Bắc Kinh thì coi thỏa ước này mặc nhiên bảo vệ Đài Loan và xen lấn vào vấn đề nội bộ của họ. Đài Loan cũng muốn trắc nghiệm xem hai đại cường Nhật-Mỹ sẽ xử lý ra sao khi Bắc Kinh nhất quyết thống nhất, kể cả bằng võ lực như các cấp chính quyền Hoa lục đã tuyên bố từ vài năm nay. Ngoài yếu tố an ninh Mỹ-Nhật, thiện chí Bắc Kinh cũng là một mối ngờ. Ngày 26 tháng Sáu, Quốc hội Hoa lục bác bỏ phán quyết của Toà chung thẩm Hong Kong về quy chế di dân từ Hoa lục qua đặc khu hành chánh này. Khi tiếp thu Hong Kong hai năm trước, Bắc Kinh hứa hẹn nguyên tắc một quốc gia hai chế độ, và coi đây là mẫu mực của kế hoạch thống nhất với Đài Loan. Khi họ phản bác thẩm quyền luật lệ của Hong Kong thì Đài Loan hết tin tưởng là họ sẽ tôn trọng quyền tự trị của đặc khu này như đã hứa. Đã vậy, trên mọi diễn đàn quốc tế, Bắc Kinh còn mạnh mẽ can thiệp và hăm dọa bất cứ quốc gia nào muốn cải thiện quan hệ với Đài Loan. Việc chính phủ Papua New Guinea hay Montenegro muốn bang giao với Đài Bắc và bị Bắc Kinh phản ứng là điều làm dân Đài Loan công phẫn. Họ lập ra chế độ dân chủ và phát triển hơn hẳn Hoa lục mà chẳng được coi là công dân có chủ quyền, và làm gì cũng bị Bắc Kinh áp lực và đe dọa. Dù chưa hẳn là muốn độc lập, dân Đài Loan vẫn ủng hộ mạnh mẽ quyết định của tổng thống Lý Đăng Huy, với tỷ lệ 56%, so với có 22% không đồng ý. Ngoài các lý do vừa nói, nội tình Trung Quốc cũng có yếu tố giải thích quyết định có vẻ thách thức của Đài Loan. Đó là kinh tế Hoa lục đang suy thoái nặng và các khuynh hướng cải cách đang mất dần ảnh hưởng, nên kinh tế và xã hội Tbị nguy cơ động loạn mạnh hơn. Tranh chấp nội bộ có thể làm Bắc Kinh bị tê liệt, và trước mắt, khủng hoảng kinh tế tại đây càng làm nổi bật hơn vai trò kinh tế của Đài Loan tại Hoa lục. Hoặc trực tiếp hoặc qua các cơ sở từ Hong Kong, Đài Loan có góp phần phát triển kinh tế Hoa lục, với ngạch số mậu dịch tăng hơn 550% kể từ năm 87, và xuất cảng tới gần 25% vào Hoa lục. Đài Loan biết rằng Bắc Kinh rất cần tới sức yểm trợ lớn lao của mình cho nền kinh tế Hoa lục đang suy sụp, nên sẽ chẳng dám có quyết định mang tính phiêu lưu mạo hiểm về quân sự trong thời gian tới đây. Sau cùng, vấn đề Đài Loan sở dĩ thành đầu mối tranh chấp vì 30 năm trước, Hoa Kỳ đã bỏ Đài Loan để tạo thế hữu nghị với Bắc Kinh, nhằm giúp Hoa lục phát triển và trở nên văn minh hơn. Do các biến cố vừa xảy ra trong quan hệ Mỹ- Hoa, sự hữu nghị đó có lẽ đã chấm dứt với Bắc Kinh trở về lập trường chống Mỹ trong mọi việc lớn nhỏ, và dư luận Mỹ sẽ nghi ngờ thiện chí hòa bình của Bắc Kinh. Điều đó sẽ tác động vào đối sách của Hoa Kỳ và gây tranh luận trong vụ bầu cử tổng thống vừa thực tế phát động. Có lẽ yếu tố trên cũng khiến Đài Loan mở trận tiến công vào cả chính trường Mỹ lẫn chính quyền Hoa lục. Vì vấn đề quá phức tạp này không mấy ai tin là khủng hoảng sẽ mau kết thúc. Dù sao, năm 1996, khi Bắc Kinh đe dọa Đài Loan, đảo quốc này bị mất 15 trong gần 100 tỷ đô la dự trữ vì thị trường hốt hoảng. Lần này, Đài Loan đã gây lại được số vốn cũ và sẵn sàng chịu đựng những uy hiếp cân não của Bắc Kinh trên nhiều mặt trận một lúc. Nhưng, liệu Bắc Kinh có đủ linh động và kiên nhẫn đối phó hay không thì chưa ai rõ./. Nguyễn An Phú

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.