Nguyên nhân của nạn thất nghiệp tại Âu Châu


1999.04.26

Trong tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thường được gọi tắt là IMF, đã công bố bản phúc trình bán niên về Viễn ảnh Kinh tế Thế giới, gồm hơn 200 trang trong bốn chương, trình bày công phu về những bài toán nóng bỏng của kinh tế thế giới. Đặc biệt là bản phúc trình đã dành chương bốn để tìm hiểu về nguyên nhân và giải pháp cho nạn thất nghiệp kinh niên tại Âu Châu. Diễn đàn Kinh tế xin đề cập tới vấn đề thất nghiệp đó, qua bài phân tách sau đây của Nguyễn An Phu để chúng ta cùng suy ngẫm về bài toán thất nghiệp tại Châu Á và riêng Việt Nam... Tại Âu Châu, thất nghiệp không là một vấn đề mới, hoặc xuất phát từ lý do nhất thời của chu kỳ kinh doanh bị trũng mà là hiện tượng xảy ra từ một phần tư thế kỷ. Từ tỷ lệ 4% của dân số lao động vào năm 1975, mười năm sau, thất nghiệp tại Âu Châu đã tăng vọt tới 10% và hiện ở khoảng 12% mà chưa có chiều hướng sút giảm. Đi vào chi tiết, người ta còn thấy rằng từ 1970 đến nay, khu vực tư doanh hầu như không tạo thêm việc làm mới, trong khi đó, số nhân dụng trong tư doanh tại Hoa Kỳ đã tăng 70% vào cùng một thời kỳ. Nói về hậu quả, nạn thất nghiệp xúc phạm nhân phẩm của những ai có sức lao động mà không có việc làm. Thất nghiệp còn là một thiệt hại kinh tế vì gây thất thâu về sản xuất cho quốc gia, về lợi tức cho quốc dân, lẫn về thuế vụ cho nhà nước, và còn làm các xứ công nghiệp Âu Châu bị tốn kém về trợ cấp xã hội nên không thể đảm đương một trách nhiệm tài chánh lớn lao hơn với các các nước nghèo hiện đang bị khủng hoảng kinh tế. Nhưng, lý do nào làm cho kinh tế Âu Châu nói chung và tư doanh nói riêng không tuyển thêm nhân công, để thất nghiệp vẫn luôn luôn ở mức đáng ngại như vậy? Vì xảy ra quá lâu với mức độ quá cao, thất nghiệp tại Âu Châu là đề tài được nhiều tổ chức quốc tế lẫn các nhà nghiên cứu quan tâm theo dõi. Một cách giản lược thì đa số đã nói tới hai lý do khách quan và chủ quan. Loại lý do thứ nhất, có vẻ khách quan, là các nền kinh tế Âu Châu bị hiệu ứng liên tục của ba biến động tai hại, là sự sút giảm năng suất, sự biến dịch của tỷ giá mậu dịch và nạn lãi suất gia tăng. Lý do này có thỏa mãn tự ái của nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu, nhưng không hẳn xác đáng vì các nền kinh tế Mỹ hay Nhật cũng bị ảnh hưởng của các biến động đó mà không bị thất nghiệp nặng như vậy. Loại lý do thứ hai là sự sơ cứng của hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị Âu Châu. Đây là lý do căb bản nhất, thường được nhiều nơi nêu ra với hàm ý là Châu Âu bị ảnh hưởng quá nặng của lề lối kinh tế thiên tả, quá chú ý tới mục tiêu xã hội mà xao lãng mục tiêu phát triển, đâm ra xây dựng một cơ chế lao động cứng ngắc với quá nhiều đặc quyền đặc lợi, làm các xí nghiệp không thể phát triển cạnh tranh và tuyển thêm người. Giới kinh tế ưa so sánh tình hình nhân dụng của Mỹ, với tỷ lệ thất nghiệp ở khoảng trên 4% và Âu Châu với tỷ lệ thất nghiệp cao gấp ba, trong cùng cơ chế kinh tế thị trường đã phát triển, để làm nổi bật nguyên do chủ quan của nạn thất nghiệp Âu Châu. Nguyên do đó là sự sơ cứng trong cơ chế lao động và xã hội Âu Tây. Ở đây, ta không nói tới trường hợp của Nhật, hiện bị suy thoái sau bảy năm suy trầm và bị thất nghiệp cao nhất từ mấy chục năm nay, là hơn 4%, một tỷ lệ gần bằng Mỹ mà vẫn kém Châu Âu rất xa. Đi vào vấn đề cơ chế này, ta có thể nói là thị trường lao động Âu Châu không vận hành một cách bình hòa và tự do, mà bị lệch lạc vì lắm quy định nhằm bảo vệ công nhân một cách quá đáng, với hậu quả phương hại cho công nhân. Vì sao lại có mâu thuẫn này là điều mà nhà cầm quyền Hà Nội nên biết, để hiểu và nếu có thể để tránh. Tại Âu Châu, việc thương thảo về lương bổng được quy định chặt chẽ trong khuôn khổ tập thể, nhằm bảo vệ quyền lợi công nhân. Do đó, lương cao bổng hậu đã ăn vào doanh lợi của xí nghiệp làm các cơ sở sản xuất kém sức cạnh tranh, khó bành trướng. Về dài, khi lương cao hơn năng suất, thì cả nền kinh tế bị ảnh hưởng suy sụp. Ngoài khung thương thảo lương bổng đó, các nước Âu Châu còn có một loạt luật lệ và quy định phức tạp để bảo vệ việc làm của nhân viên và giới hạn khả năng bố trí lao động của các xí nghiệp theo những biến đổi của tình hình thị trường. Vì việc làm được bảo vệ như vậy, và vì quyết định sa thải thành khó khăn, các xí nghiệp đều sợ tuyển thêm người. Đây là lý do chính giải thích vì sao mà tại một số nước, ngành duy nhất có tuyển nhân viên là khu vực nhà nước. Âu Châu có quá nhiều công chức mà lại ít người sản suất cũng vì cơ chế luật lệ nói trên. Sau cùng, các quốc gia này còn có một chánh sách xã hội hào phóng và chế độ trợ cấp thất nghiệp dồi dào. Do sản xuất ít nên lợi tức ít, mà phải giành quá nhiều phương tiện cho mục tiêu xã hội đó, các doanh nghiệp Âu Châu mới kém sức cạnh tranh, sợ tuyển thêm người, và ngân sách quốc gia mới bị ngộp dưới các khoản chi tiêu xã hội quá nặng. Đặc quyền xã hội và phúc lợi thất nghiệp còn cản trở ý chí tiến thân để tìm việc làm, và có khi tạo ra tinh thần ỷ lại nơi công nhân. Dân chúng Âu Châu có thể có tinh thần tập thể và hợp quần cao hơn người dân Hoa Kỳ, và đa số sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ các chính đảng thuộc phe tả, với khẩu hiệu bảo vệ giới lao động, hoặc đùm bọc nhau khi đói khi no. Nhưng, mặt trái của tinh thần san xẻ đó là nạn thất nghiệp cao và sự tê liệt của các doanh nghiệp trong địa hạt nhân dụng, vì các công ty mà tuyển thêm người là phải trả lương cao, bổng hậu, trợ cấp dồi dào và khó có thể tái phối trí việc làm hoặc cắt giảm nhân công để chấn chỉnh tình hình lỗ lã. Khi kiểm lại tình hình thất nghiệp tại Âu Châu, và dựa trên những nhận định khách quan của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, người ta có thể hiểu vì sao mà tháng trước đây, giới đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã đặt vấn đề với chính phủ Hà Nội. Họ muốn có cơ chế lao động tự do hơn, với quyền thương thảo về lương bổng và tuyển dụng hay sa thải linh động hơn, nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước Việt Nam. Người ta không nên đơn giản lý luận rằng như vậy, doanh giới muốn rộng quyền bóc lột công nhân Việt Nam. Ngược lại, nếu nhìn vào hiện trạng thất nghiệp tại Âu Châu và sự kiện là hai năm qua, các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam chẳng tuyển thêm người, ta có thể thấy ngay cái giá rất đắt của chế độ bảo vệ công nhân. Đắt nhất cho thành phần công nhân bị thất nghiệp, sau đó là cho toàn nền kinh tế quốc dân... Nguyễn An Phú

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.