Quan hệ Kinh tế, Chính trị giữa Trung Quốc và Đài Loan


2001.09.01

Lời giới thiệu: Sự mâu thuẫn ý thức hệ giữa Đài Loan và Hoa lục quá sâu sắc để có thể hàn gắn chỉ bằng quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, nếu quan hệ kinh tế giữa hai bên được tăng cường, thì sẽ giúp giảm bớt nguy cơ đụng độ quân sự. Đó là nội dung một bài bình luận của báo Los Angeles Times ấn bản điện tử mới đây. Nguyễn An tóm lược một số ý chính trong bài sau đây... Đài Loan là một quốc gia độc tài kể từ ngày được thành lập cho tới gần đây, khi Quốc Dân Đảng bị đánh bại, và ông Trần Thủy Biển đắc cử Tổng thống. Tất nhiên sự chuyển hướng đó phải trải qua một quá trình lâu dài, khởi sự từ thời Tổng thống Lý Đăng Huy. Nhưng tấm gương của Đài Loan đã khiến Hoa Lục e ngại, bởi các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh không muốn thấy chuyển biến ấy diễn ra trên lãnh thổ của họ. Tổng thống Trần Thủy Biển từ lâu vẫn được coi là người cổ vũ cho một Đài Loan độc lập, và ông đắc cử cũng có thể là do chủ trương ấy. Nhưng sau một thời gian nắm quyền, dường như ông đã thay đổi, ít nhất cũng ở bên ngoài vì người ta thấy ông không công khai coi độc lập như một mục tiêu phải đạt đến nữa. Hôm Chủ nhật vừa rồi, tổng thống họ Trần còn đi một bước xa hơn, khi chấp nhận rằng việc hủy bỏ hầu hết các lệnh cấm liên quan đến mậu dịch và đầu tư vào Hoa lục sẽ giúp làm dịu tình hình căng thẳng giữa hai bên. Mặc dù nền kinh tế đang trì chậm của Đài loan mới là nguyên nhân chính khiến ông Trần phải quay sang Hoa lục, và khi xích lại gần Bắc Kinh về kinh tế, thì ông Trần chỉ hành đông cho phù hợp với thực tế đang diễn ra thôi, nhưng dẫu sao, thì sự đổi hướng của ông từ cách rời sang thân cận với Bắc Kinh vẫn khiến dư luận lưu ý. Phải nói là từ lâu, doanh giới Đài Loan đã đầu tư vào Hoa lục thông qua ngả Hồng Kông để tránh phạm luật của đảo quốc . Nhưng đề xuất mà ban tham mưu của ông Trần Thủy Biển đưa ra còn đi xa hơn thế nhiều: sau khi ông Trần đã huỷ bỏ giới hạn mức đầu tư 50 triệu đô la vào Hoa lục -mà Đài loan có thể tự ý thực hiện, ban tham mưu còn đề nghị cho các ngân hàng Đài loan được mở chi nhánh tại Hoa lục, và chấp thuận cho doanh giới Hoa lục đầu tư vào đảo quốc. Họ cũng đưa ý kiến là mở rộng hoạt động bưu chính, viễn thông và vận tải trực tiếp giữa hai bên nữa. Tất cả các điều ấy phải được sự đồng ý của Bắc Kinh, và hiện thì Bắc Kinh chưa nói gì. Thật ra thì những điều này tương đối khó thực hiện, vì trước đây, Hoa lục từng lên tiếng rằng sẽ bàn đến bước ấy nếu Đài loan chấp nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa, vốn là điều mà các nhà lãnh đạo đảo quốc hiện nay chưa thể chấp nhận được. Quan hệ với Đài loan là một con dao hai lưỡi đối với Hoa lục. Nếu giới chuyên viên kỹ thuật cao của Đài loan đuợc tận dụng, thì kinh tế Hoa lục sẽ phát triển, và tất nhiên là có lợi, như được thấy tại các tỉnh miền Nam Hoa lục. Nhưng sự phát triển ấy sẽ tạo ra một giai cấp trung lưu, và giai cấp này sẽ đòi hỏi tự do chính trị như diễn biến tại chính Đài loan trong thời gian qua, đưa tới dân chủ như ngày nay. Trong thực tế, thì Đài loan ngày càng thoát khỏi tầm tay Hoa lục. Đảo quốc ngày càng tự tin về khả năng độc lập tự chủ của mình hơn, và đã tăng cường quân lực. Hồi tháng tư, tổng thống Hoa kỳ George W.Bush tuyên bố sẽ bảo vệ Đài Loan với bất cứ giá nào. Cũng trong chiều hướng ấy, ngoại trưởng Colin Powell hồi tháng trước đã ngỏ lời mong muốn Trung quốc chuyển mình, cải tổ để hội nhập cùng các quốc gia và định chế quốc tế, góp phần xây dựng một tương lai thịnh vượng hòa bình và ổn định trên thế giới. Hiện thì cả Hoa lục lẫn Đài loan đều nhận ra rằng nếu tăng cường quan hệ mậu dịch với nhau, thì cả bên đều có lợi. Hoa kỳ và các quốc gia Á châu cũng mong vùng eo biển Đài loan ổn định. Do đó, tổng thống Bush và ngoại trưởng Powell nên khuyến khích Bắc Kinh và Đài Bắc xích lại gần nhau, theo hướng phát triển quan hệ kinh tế như chính hai bên đang thực hiện.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.