Bong bóng Trung Quốc


2006.05.02

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Ngày 27 tháng Tư tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bất ngờ nâng lãi suất nhằm hạ nhiệt nền kinh tế vẫn tăng trưởng quá mạnh. Quyết định ấy lập tức đánh sụt giá thương phẩm thế giới và khiến dư luận quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề tàng ẩn trong kinh tế Hoa lục. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về các vấn đề này, đối chiếu với hoàn cảnh của Việt Nam. Tiết mục chuyên đề này sẽ do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý thính giả.

BankChina150.jpg

Giảm tiết tín dụng

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trên diễn đàn này ông đã nhiều lần nói đến yêu cầu hạ nhiệt kinh tế Trung Quốc để hạ cánh an toàn, vậy mà tuần qua, Ngân hàng Trung Quốc đã bất ngờ nâng lãi suất. Đề nghị là trong chương trình kỳ này chúng ta cùng tìm hiểu vì sao họ lại có quyết định ấy và hậu quả sẽ ra sao, để có thể rút ra bài học cho Việt Nam. Câu hỏi đầu tiên là vì sao việc hãm đà tăng trưởng lại không thành?

Đáp: Đây là một bất ngờ cho chính lãnh đạo Trung Quốc vì họ đã đề ra việc hạ nhiệt kinh tế từ đầu năm kia và tháng 10 năm 2004 đã một lần nâng lãi suất ngân hàng mà không đạt kết quả. Sau kỳ họp tháng Ba của Quốc hội, còn đề ra cho năm năm tới chỉ tiêu tăng trưởng là 7,5%, thấp hơn bình quân của cả chục năm qua là 9,5%. Vậy mà thống kê kinh tế lại cho thấy đà tăng trưởng của Quý I quy ra toàn năm lại lên tới 10,2%, do lượng tín dụng cấp phát quá lớn đã đẩy mức đầu tư lên quá cao.

Vì vậy ngân hàng trung ương Trung Quốc mới quyết định nâng lãi suất lên 27 điểm là 0,27% để giảm số tín dụng cho kinh tế hầu tránh tình trạng nóng máy họ e ngại từ hai năm nay. Tuy nhiên tôi trộm nghĩ rằng biện pháp này cũng khó đạt kết quả vì không nhắm vào cốt lõi của vấn đề và việc hạ cánh an toàn sẽ càng ít hy vọng hơn trong bối cảnh của những đổi thay lớn lao về chính sách.

Hỏi: Ông cho rằng việc tiết giảm tín dụng chưa giải quyết được cốt lõi vấn đề thì vấn đề nằm ở đâu?

Đáp: Tín dụng chỉ là cái ngọn, vấn đề có gốc rễ sâu xa hơn. Nếu họ nhìn thấy từ vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á mươi năm trước thì khả dĩ còn tránh nổi, huống hồ kinh tế Hoa lục còn bị nhiều tệ nạn khác. Đầu tiên là loại vấn đề đặc thù Đông Á. Sách lược xuất cảng tối đa với chính sách ngoại hối nhằm ghìm giá đồng bạc để bán hàng cho rẻ đã dẫn tới việc tích lũy hiện kim quá nhiều trong hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, các ngân hàng rộng tay cho vay – nhất là cho vay để mua đất khiến đất đai lên giá mà lạm phát về địa ốc càng tăng, trị giá đất đai càng lên khiến lượng tín dụng dồn vào đất đai càng nhiều. Thứ ba, lãi suất quy định quá thấp để kích thích sản xuất đã gây ra nạn đầu cơ, nhất là đầu cơ địa ốc, và vì e sợ lạm phát do đất đai lên giá, người dân càng muốn mua sắm cho sớm để tránh nạn mất giá đồng bạc, cuối cùng thì đà tiêu thụ ấy càng đẩy vật giá lên cao.

Hỏi: Đó cũng là loại vấn đề cốt lõi như của các nước Đông Á bị khủng hoảng, thế còn các vấn đề đặc thù của Trung Quốc thì sao?

Đáp: Nếp sinh hoạt bất an từ mấy chục năm nay, từ thời cách mạng đến giờ, khiến dân chúng Hoa lục có mức tiết kiệm rất cao và tiền tiết kiệm ấy trút vào hệ thống ngân hàng, tạo ra một lượng hiện kim cực lớn cho phép các ngân hàng vốn nhà nước có thể cho vay mà bất kể tới rủi ro vì tựa lưng vào nhà nước. Thứ hai, so với các nước Đông Á, kể cả Nhật Bản vào hai chục năm trước, đầu tư vào khu vực chế biến, vào loại dự án “tầu hủ”, nói theo nguyên Tổng lý Quốc vụ viện Chu dung Cơ, có mức lời thấp và ngày càng thấp.

Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến cũng của nhà nước mới dồn tiền qua đất đai địa ốc. Đã thế, vì đất đai lại do đảng và nhà nước thực tế quy hoạch và quản lý nên ngành gia cư địa ốc càng phát triển nhanh. Nhìn trên bề mặt, ta tưởng rằng đấy là sự trù phú, trong thực chất, Trung Quốc đã thổi lên một trái bóng đầu cơ địa ốc có thể vỡ. Huồng hồ, và đây là vấn đề thứ tư của Trung Quốc, mọi người đều chờ đợi là hối suất đồng Nhân dân tệ sẽ có ngày phải nâng cao nên càng đầu cơ mạnh về ngoại hối, và khối hiện kim của các ngân hàng càng nhiều.

Vì ngần ấy lý do thuộc về sách lược và cơ chế, dù nhà nước Bắc Kinh muốn hãm đà tăng trưởng và dồn phương tiện vào ưu tiên xã hội hay nông thôn, kết quả vẫn sẽ khó đạt và có khi bị bể bóng.

Mâu thuẫn về chính sách

Hỏi: Trong khi đó thì, như ông vừa nói, lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc lại mới đổi thay lớn về chính sách kinh tế xã hội. Hai sự việc ấy, một là điều tiết bộ máy kinh tế vĩ mô để hạ cánh an toàn, hai là điều hướng kinh tế qua ưu tiên khác, có mâu thuẫn không, và sẽ gây ra những vấn đề gì?

Đáp: Tôi không nghĩ rằng lãnh đạo Bắc Kinh không nhìn ra vấn đề ấy, họ có mức độ am hiểu kinh tế rất cao sau một thế hệ đổi mới, nhưng vấn đề có khi vượt khỏi khả năng giải quyết của họ. Một cách ngắn gọn thì trái bóng địa ốc khiến nhà cửa đất đai lên giá vù vù trong khi sách lược hiện đại hóa và đô thị hóa dưới quyền lãnh đạo của đảng để xuất khẩu tối đa đã khiến nông dân vẫn nghèo mà còn như bị mất đất. Chúng ta có thể gặp một vụ khủng hoảng tài chính vì bể bóng đầu cơ đi cùng động loạn xã hội vì nông dân bất mãn và tiền tiết kiệm của dân bị tiêu tán trong hệ thống ngân hàng.

Chính là vì muốn tránh nguy cơ ấy, thế hệ lãnh đạo mới bèn dồn ưu tiên về nông thôn và các tỉnh nghèo nằm sâu trong lục địa mà chưa hưởng lợi ích gì của thị trường quốc tế. Nhưng ưu tiên ấy lại gặp cản trở từ chính các đảng viên đã làm giàu nhờ sách lược xuất khẩu và giao tiếp với quốc tế.

Hỏi: Ông có thể minh họa phần nào hai nguy cơ vừa nói không, nạn đầu cơ địa ốc và nạn nông dân bất mãn?

Đáp: Vì áp lực dân số và hiện tượng đô thị hóa, việc xây cất gia cư đã không đáp ứng nổi yêu cầu dù đã tăng đến hơn 20% một năm trong năm năm qua. Thứ hai, vì triển vọng tăng trưởng sản xuất để xuất khẩu, người ta xây rất nhiều nhà máy và cơ xưởng ráp chế bằng cách trưng thu đất đai mà không có bồi thường thỏa đáng.

Đã vậy, giới đầu tư quốc tế cũng hồ hởi theo những báo cáo lạc quan nên trút tiền vào các tỉnh duyên hải Hoa lục hay các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến. Hậu quả chung cuộc là giá địa ốc đang vượt xa lợi tức bình quân của các hộ gia đình. Tại Bắc Kinh hay Thượng Hải, hệ số ấy lên tới 13 lần, cao gấp đôi các thành phố lớn của thế giới.

Trong khi ấy, nông dân không thấy mức sống mình có cải thiện sau những lạc quan sau 10 năm đầu của thời mở cửa mà còn thấy đất chuyên dùng của mình bị cướp. Họ biểu tình khiếu nại từ nhiều năm nay mà không được đáp ứng nên bạo động ngày một nhiều hơn, khiến đảng phải chuyển hướng ưu tiên để giải tỏa bất mãn, thì lại gặp sự bất mãn và chống đối của nhiều cấp đảng viên.

Điều đáng chú ý nhất là ngay sau hội nghị tháng Ba của Diễn đàn Quốc tế triệu tập tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh để trình bày với các chuyên gia quốc tế quyết tâm cải cách hầu tiến tới một nền tăng trưởng có phẩm chất hài hòa hơn thì dư luận thế giới lại nhìn thấy những bất toàn trong hệ thống điều tiết vĩ mô của kinh tế Trung Quốc.

Viễn cảnh Trung Quốc

Hỏi: Câu hỏi cuối về chuyện Trung Quốc trước khi ta chuyển qua đề mục Việt Nam học được gì từ kinh nghiệm ấy. Theo như phân tách của ông, tình hình Trung Quốc có thể biến chuyển ra sao?

Đáp: Thực ra, không ai có thể biết tình hình sẽ xoay chuyển ra sao và trước mắt thì còn phải đợi hai biến cố lớn là Đại hội đảng vào cuối năm tới và Thế vận hội Bắc Kinh vào năm 2008, là khi Trung Quốc ra sức biểu dương khí thế sau mấy trăm năm lụn bại và cảm thấy như bị thế giới uy hiếp, coi thường.

Nếu nhìn vào viễn ảnh dài theo kinh nghiệm từ lịch sử Trung Quốc thì xứ này sẽ gặp lại nan đề muôn thuở, là bài toán lưỡng nan, hai mặt cùng khó, giữa yêu cầu phát triển và ổn định. Muốn phát triển thì phải phân quyền và cởi mở nhưng lại sợ họa phiên trấn, muốn ổn định bên trong thì xứ sở lại lụn bại không phát triển được.

Nhìn theo thế kỷ 21, bài toán ấy là phát triển theo lối hướng ngoại thì gặp sự bất mãn của nông dân và các địa phương nằm trong. Muốn ổn định bằng cách dành ưu tiên cho nông thôn thì lại gặp sự bất mãn của các tỉnh và thành phần dân chúng đã giao tiếp với thế giới bên ngoài, có khi xứ sở lại vỡ đôi, là chuyện vẫn có thể xảy ra.

Hỏi: Chẳng lẽ giới lãnh đạo xứ này lại không thấy điều ấy hay sao? Dù sao, đây cũng là nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất và lãnh đạo lại xuất phát từ một cuộc cách mạng của nông dân mà ra?

Đáp: Từ 10 năm trước, giới trí thức trong đảng đã nói đến chuyện hợp tan trị loạn ấy rồi. Nhưng, họ không giải quyết nổi bài toán sinh tử về ý thức hệ và bài toán then chốt về cơ chế. Đó là phải dân chủ hóa và tìm ra một thể chế liên bang để phát triển trong hài hòa. Nông dân có làm cách mạng rồi, ngồi trên ngai lại hành xử như bạo chúa, và còn tham ô hơn, cũng là chuyện ngàn đời của Trung Quốc.

Thứ hai, nói về thành tích tăng trưởng của một xứ đông dân nhất thế giới thì ta nên thấy một đà tăng trưởng kém hiệu năng. Vì mặc cảm thua kém từ mấy trăm năm nay, nhiều người tại Bắc Kinh có khi lại tin vào lời tuyên truyền của mình. Trung Quốc đóng góp chừng gần 5% cho tổng sản lượng GDP của thế giới, nhưng để đạt kết quả ấy, họ tiêu thụ 12% năng lượng thế giới, 15% nước ngọt, 25 đến 27% lượng thép và nhôm của thế giới và hơn 40% lượng xi măng của thế giới.

Vì vậy, các thương phẩm ấy mới lên giá trên toàn cầu làm người ta nói đến sức nặng của kinh tế Trung Quốc. Nhưng là một sức nặng ít hiệu năng và không bền. Việc dồn tiền vào trong chưa thấy có kết quả thì hệ thống ngân hàng có thể sẽ sụp dưới một núi nợ trị giá đến 60% tổng sản lượng GDP. Cho nên, tôi không mấy lạc quan về chuyện của nước lân bang này! Vì họ có loạn là mình cũng khó yên thân…

Bài học cho Việt Nam

Hỏi: Câu hỏi cuối, ông nghĩ sao về những bài học cho Việt Nam vì Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về ý thức hệ và sách lược như Trung Quốc?

Đáp: Việt Nam có khá nhiều chứng tật kinh tế xã hội và chính trị như Trung Quốc. Nhưng, tôi nghĩ là sau kỳ họp Quốc hội Bắc Kinh và hội nghị của Diễn đàn Phát triển Trung Quốc hồi tháng Ba, nhiều chuyên gia tại Việt Nam cũng đã thấy vấn đề và càng thấy vấn đề từ vụ PMU18 tại Hà Nội.

Họ có nói đến việc giải tỏa bớt sự ôm đồm bao biện của nhà nước trong đầu tư, cải cách doanh nghiệp nhà nước và nhất là phải giải phóng tư doanh để kịp thời trau dồi khả năng cạnh tranh.

Nhưng, tiếng nói của họ không vào tới Trung ương đảng. Và sau khóa 10 vừa rồi, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa thấy ra yêu cầu thay đổi nên có nói về nguy cơ của Trung Quốc vẫn là quá sớm. Hoặc là quá trễ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.