Hội nghị Trung ương 13 chưa quyết định được thành phần nhân sự lãnh đạo (phần 1)


2006.01.26

Hoàng Thanh Phong & Việt Long, RFA

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam kỳ 13 đã kết thúc hôm thứ tư 18/1. Theo báo cáo của ông Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, thì hội nghị đã đạt được mục tiêu cơ bản là chuẩn bị được danh sách nhân sự cho Đại hội Đảng họp vào tháng 5 hay tháng 6 năm nay. Chúng tôi tìm hiểu thêm về sự kiện này qua cuộc phỏng vấn ông Hoàng Thanh Phong, một người đang làm việc về kinh tế ở Việt Nam, quan tâm đến thời cuộc và thông thạo tin tức.

VoVanKiet200.jpg
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (giữa) và các cố vấn Ban Chấp hành trung ương đảng CSVN. AFP PHOTO

Việt Long: Xin ông cho biết về thành quả của hội nghị?

Hoàng Thanh Phong: Hội nghị kết thúc với một không khí rất nặng nề bao trùm vì sau tám ngày làm việc căng thẳng thì hầu như các mục tiêu cơ bản là đưa ra được một danh sách chính thức các ứng cử viên cho các vị trí then chốt nhất cho bộ máy chính trị đã không được hoàn thành, khác với điều mà ông Tổng Bí Thư vừa nói. Kỳ họp có nội dung chính là đánh giá về công tác cán bộ và thảo luận về nhân sự, đồng thời cũng có thảo luận về sự thành lập một bộ mới là Bộ An ninh, tách từ Bộ Công an hiện nay ra, thưa ông.

Một điều khá đặc biệt là trước khi Hội nghi họp thì Ban tổ chức Trung ương đã yêu cầu tất cả các thành viên dự họp không được ghi chép và sử dụng bất cứ phương tiện liên lạc điện thoại trong suốt thời gian họp. Cơ quan an ninh cũng đã đặt rất nhiều máy phát sóng xung quanh khu vực họp để bảo đảm không có bất cứ làn sóng điện tử nào được phát lọt ra từ các phòng họp.

Việt Long: Như vậy có vấn đề nào đặc biệt nhạy cảm nào được thảo luận trong hội nghị không, thưa ông?

Hoàng Thanh Phong: Trước hết là ông Nông Đức Mạnh trên cương vị vừa là Tổng bí thư Đảng, vừa là Tư lệnh tối cao cuả quân đội, đã dành rất nhiều thời gian để yêu cầu các thành viên hội nghị phải tập trung thời gian để thảo luận về sự tuân thủ nội quy và kỷ luật của Đảng. Bất cứ ai có ý kiến đánh giá người khác thì đều phải có bằng chứng xác đáng, theo đúng quy chế chính thức.

Chính yêu cầu đó của ông Mạnh, cộng với một chỉ thị của Bộ Chính trị về việc không được nêu ra những vấn đề mà các Hội nghị đảng trước đây đã có kết luận thì đã không cho phép bất cứ ai được nêu lại các vấn đề như vụ TC2 hay T4.

Việt Long: Thế phần thảo luận về nhân sự là trọng điểm của kỳ họp thì đã diễn tiến ra sao, thưa ông?

Hoàng Thanh Phong: Mặc dù có thảo luận về thành phần bộ chính trị, nhưng Hội nghị 13 đã không đi đến kết luận cuối cùng về việc sẽ lựa chọn ai trong số 14 thành viên hiện nay sẽ được tiếp tục tái ứng cử trong đại hội 10 tới đây.

Cho đến khi kết thúc hội nghị, thì qua hai vòng bình chọn, mới chỉ sơ bộ kết luận là sẽ có một nửa trong số uỷ viên bộ chính trị sẽ tiếp tục ở lại trong bộ chính trị khoá 10, đó là các ông: Nông đức Mạnh (66), Nguyễn tấn Dũng (57), Nguyễn Phú Trọng (63), Nguyễn minh Triết (64), Lê hồng Anh (57), Trương tấn Sang và Trần đình Hoan (67).

Riêng ông Phan Diễn (69) thì theo tiêu chuẩn về tuổi thì đã quá cao nhưng vẫn được giới thiệu tiếp tục trên tinh thần bảo đảm sự kế thừa của đảng. Ông Sang thì còn bị phê bình về sự thiếu tín nhiệm trong vị trí Trưởng Ban kinh tế của Trung Ương Đảng mà ông đã làm trong bốn năm vừa qua.

Việt Long: Thế trong số các vị sẽ tiếp tục ở lại thì có dự kiến ai sẽ làm Tổng bí thư hay chưa?

Hoàng Thanh Phong: Vị trí trung tâm quyền lực là Tổng Bí Thư thì nhiều đại biểu tiếp tục giới thiệu ông Nông đức Mạnh, tuy nhiên nhiều bậc đại biểu lão thành lại có ý kiến đóng góp là ông Mạnh đã không đủ năng lực lãnh đạo, đặc biệt trong nhiệm kỳ vừa qua đã nhiều lần thiếu quyết đoán trong các quyết định quan trọng, trên thực tế thì ông Mạnh đã phải thường xuyên tham khảo ý kiến của ông Phan Diễn và một số uỷ viên bộ chính trị khác, cho nên vai trò người lãnh đạo ra quyết định tối cao đã khá mờ nhạt.

Để vượt qua vấn đề này, thì nhiều đại biểu phía nam đã đề cử ông Nguyễn Minh Triết, với ý kiến đánh giá là ông Triết có khả năng quyết đoán cao, dám đưa ra quyết định độc lập, và thành tích trong việc lãnh đạo trung tâm kinh tế lớn là TP HCM đã là một lợi thế lớn cho ông Triết. Ông Mạnh cũng có ý muốn xin rút để chuyển sang vị trí là chủ tịch nước, thay cho ông Trần đức Lương sẽ về hưu.

Việt Long: Như vậy các ý kiến về việc ông Mạnh tham khảo ông Phan Diễn phải chăng có hàm ý đề cử ông Phan Diễn? Và Hội nghị 13 đã có quyết định nào về nhân sự cấp cao nhất hay chưa?

Hoàng Thanh Phong: Không phải là ông Phan Diễn được đề cử. Hội nghị không có kết luận về nhân sự, vì một lý do rất đặc biệt. Và ông Mạnh đã yêu cầu để vấn đề nhân sự cho Hội nghị 14 quyết định. Trước đây thì hội nghị 13 này được xem như có thể là hội nghị cuối cùng trước khi họp Đại Hội 10.

Việt Long: Lý do đặc biệt là gì thưa ông?

Hoàng Thanh Phong: Đó là sự quan tâm của phía Mỹ đến việc lựa chọn nhân sự của bộ máy lãnh đạo của Đảng. Ngay lúc vừa họp thì có chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Christopher Hill đến Hà Nội ngày 12/1. Đến ngày 16 lại có thêm đoàn của các Nghị sĩ Mỹ đến thăm Hà Nội – đây là đoàn đông nhất của các dân biểu Mỹ đến VN kể từ khi hai nước có quan hệ ngoại giao hơn 10 năm trước đây.

Tôi được biết trong các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, thì phía Mỹ đã công khai bày tỏ ý kiến muốn thấy VN sẽ lựa chọn cho bộ máy lãnh đạo tương lai các nhân vật có khả năng xây dựng một mối quan hệ Việt Mỹ tích cực hơn từ nay trở đi, và đó chính là điều kiện quan trọng để Mỹ có thể ủng hộ cho VN gia nhập WTO sớm. Tôi cũng biết là danh sách nhân sự đáng lẽ được công bố trong hội nghị 13 nhưng đã bị đình lại để thay đổi, rồi phải tổ chức hội nghị 14 để giải quyết.

Việt Long: Vâng thưa ông.

Vừa rồi là phần đầu trong cuộc trao đổi giữa Việt Long và ông Hoàng Thanh Phong về nội dung hội nghị trung ương Đảng kỳ 13. Mời quý vị nghe tiếp trong lần sau. Câu hỏi kế tíêp là chuyến đi của các dân biểu Mỹ đã được dự trù từ lâu rồi, liệu có liên quan gì đến hội nghị 13 này không? Mong quý thính giả đón nghe câu trả lời của ông Hoàng Thanh Phong.

Ông Phong là một người làm việc về kinh tế ở Việt Nam, quan tâm đến thời cuộc và thông thạo tin tức. Những thông tin và ý kiến trong cuộc phỏng vấn không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.