Trung Quốc xiết chặt sự kiểm soát giới truyền thông


2004.10.01

Nhà cầm quyền Trung Quốc mới đây vừa bắt giữ một nhà báo giúp việc cho văn phòng của nhật báo New York Times tại Bắc Kinh. Sự kiện những chế độ Cộng Sản gây khó khăn cho giới truyền thông không phải là chuyện mới lạ.

By line: Trần Sơn Nam

Tuy nhiên sự việc xẩy ra vào lúc đang có một số tin đồn về những chuyện lục đục trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc trước khi ông Giang Trạch Dân chính thức không còn là Chủ Tịch Quân Ủy Hội Trung Ương nữa làm cho giới quan sát quốc tế đặt câu hỏi là rồi đây sau khi đã thâu tóm đủ mọi quyền hành trong tay, liệu ông Hồ Cẩm Đào có tiến mạnh hơn trước trên đường cải cách không? Đài Á Châu Tự Do trao đổi ý kiến với ông Trần Sơn Nam về những sự kiện mới này.

Hỏi: Thưa ông Trần Sơn Nam, sự kiện nhà cầm quyền Trung Quốc bắt giữ một nhà báo giúp việc cho văn phòng của nhật báo New York Times ở Bắc Kinh có tầm quan trọng như thế nào, khi Bộ Ngoại Giao Mỹ và Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo đều lên tiếng can thiệp với Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ?

Đáp: Thưa, từ trước đến nay, ai cũng rõ là giới truyền thông thường gặp khó khăn khi phải hành nghề tại những nước độc tài, Cộng Sản hay không Cộng Sản. Và đây cũng là nguyên nhân tại sao nhũng chế độ này thường hay bị dư luận quốc tế chỉ trích về mặt nhân quyền hay thiếu tự do báo chí. Riêng trong trường hợp mới đây của nhà báo giúp việc cho tờ New York Times, ông Zhao Yan, bị bắt giữ ngày 17 tháng 9 vừa qua, thì theo nhà cầm quyền Bắc Kinh ông này bị tình nghi là đã tiết lộ "bí mật quốc gia".

Sở dĩ có lời cáo buộc này là 10 ngày trước đó, ngày 7 tháng 9, tờ báo đã đưa tin là ông Giang Trạch Dân có thể sẽ thôi không còn giữ chức Chủ Tịch Quân Ủy Hội Trung Ương nữa. Tin này là một tin vô cùng quan trọng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc vì gần đây người ta đã được nghe nhiều tin đồn về những sự lục đục trong hàng ngũ lãnh đạo về vấn đề này.

Nếu có sự nhậy cảm đặc biệt từ phía nhà cầm quyền được thể hiện qua việc bắt giữ nhà báo thì đó cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên người ta chỉ lấy làm lạ là tại sao tin này lại là một "bí mật quốc gia" trong khi chỉ vài ngày sau sự chuyển quyền êm ả giữa hai ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã được ca tụng như một điều tích cực.

Hỏi: Thưa ông, Bộ Ngoai Giao Trung Quốc đã có lời giải thích nào về những chuyện đã xẩy ra trong việc bắt giữ người của New York Times?

Đáp: Trước hết người ta ghi nhận là báo New York Times đã can thiệp cùng một lúc với tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại Giao Mỹ và Bộ Ngoại Giao Trung Quốc. Sau đó thì có lời tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Adam Ereli, hôm thứ hai vừa qua. Ông Ereli nói lên sự quan tâm của Mỹ về việc ông Zhao Yan bị bắt giam và lo ngại về ảnh hưởng của sự việc đối với những nhà báo khác.

Tiếp đến là một bức thư của Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo được gửi thẳng đến Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào để yêu cầu nhà cầm quyền Bắc Kinh trả lại tự do cho ông Zhao Yan. Để trả lời những sự can thiệp trên đây, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã giải thích như sau: " Ông Zhao Yan là một công dân với quốc tịch Trung Hoa, như vậy rõ ràng đây là một vấn đề của chúng tôi và người ngoài không có lý do gì để can thiệp vào việc này"

Hỏi: Ông nghĩ sao về một vài luồng dư luận cho rằng việc bắt giữ nhà báo mới đây là dấu hiệu của một đường hướng mới của Bắc Kinh muốn xiết chặt sự kiểm soát việc bàn thảo công khai những vấn đề có liên hệ gần xa đến nhà cầm quyền ? Phải chăng đây là một thái độ cứng dắn về mặt chính trị nội bộ?

Đáp: Tôi không nghĩ như vậy vì việc bắt giữ một nhà báo dù với lý do chính đáng hay không chính đáng là đương sự đã tiết lộ "bí mật quốc gia" dầu sao cũng chỉ có tính cách cục bộ. Hơn nữa, thế nào là "bí mật quốc gia" chỉ là định nghĩa tùy tiện của nhà cầm quyền đương thời. Thực ra, lúc này ông Giang Trạch Dân đã về nghỉ hưu, không còn giữ một chức vụ chính thức nào nữa, chính trị nội bộ Trung Quốc đã bước sang một giai đoạn mới, do đó mà một vấn đề cao hơn, rộng lớn hơn đang được giới quan sát quốc tế đặt ra.

Nay ông Hồ Cẩm Đào đã nắm trọn quyền trong tay về cả ba mặt, Đảng, Nhà Nước và Quân Đội, liệu thế hệ thứ tư của Trung Quốc (kể từ ngày đảng Cộng Sản lên cầm quyền năm 1949) có mang lại cho người dân trong nước và thế giới bên ngoài điều gì mới lạ không?

Hỏi: Ông Hồ Cẩm Đào và Thủ Tướng Ôn Gia bảo cho đến nay vẫn được tiếng là những nhân vật thuộc khuynh hướng tiến bộ, nhưng dường như hai ông vẫn còn phải kiêng nể ảnh hưởng kìm hãm của ông Giang Trạch Dân, luồng dư luận này có đúng không ?

Đáp: Về phương diện này thì như tôi đã trình bầy trên đây, trước ngày có tin chính thức về ông Giang Trạch Dân về nghỉ hưu, người ta đã được nghe nhiều tin đồn về sự tranh chấp trong nội bộ hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc.

Ông Giang Trạch Dân đã chính thức không giữ một chức vụ nào, nhưng người ta cũng nhắc lại là trước đây, trong một thời gian khá dài (ngay cả đến khi có vụ Thiên An Môn) ông Đặng Tiểu Bình cũng ở trong trường hợp như ông Giang Trạch Dân, mặc dầu như vậy ảnh hưởng của ông vẫn còn bao trùm trong mọi lãnh vực.

Hơn nữa, hiện nay trong số 9 nhân vật của Ủy Ban Thường Trực Bộ Chính Trị thì người ta cũng đếm được 5 người là do ông Giang Trạch Dân để lại (hàng đầu là ông Tăng Khánh Hồng giữ chức Phó Chủ Tịch Nhà Nước).

Trong hoàn cảnh này và trong bối cảnh của những vấn đề lớn mà trong thời gian tới, giới lãnh đạo Trung Quốc phải giải quyết để đáp lại sự trông chờ của người dân trong nước và thế giới bên ngoài, chủ trương và thái độ của hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sẽ ngả về chiều hướng thận trọng nhiều hơn là mạnh dạn.

Về mặt nội bộ thì cũng sẽ có những cải cách chính trị nhưng chỉ là ở cấp địa phương thấp và nếu có bầu bán ở cấp các thành phố hay ở cấp cao hơn thì cũng phải chờ đến thập niên tới. Trong khi đó thì những vấn đề cấp bách hơn về mặt kinh tế vẫn luôn luôn đòi hỏi sự chú ý ưu tiên của nhà cầm quyền. Còn đối với thế giới bên ngoài thì cũng vậy, Bắc Kinh sẽ giữ thái dộ ôn hòa của một chính sách ngoại giao tương đối đã bước sang một giai đoạn tự tin và trưởng thành để giữ uy tín cho đến ngày có thế Vận Hội năm 2008 và Hội Chợ Quốc Tế năm 2010 ( ngoại trừ những chuyện có thể xẩy ra bất ngờ trong vấn đề Đài Loan).

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.