Doanh thương EU hy vọng gì ở thị trường Việt Nam?


2004.11.30

Thời gian gần đây, sau khi Liên Hiệp Âu châu (EU) mở rộng ra thành 25 thành viên, những buôn bán giao thương giữa EU với Việt Nam ngày càng gia tăng cường và mở rộng. Vậy doanh thương các quốc gia Liên Hiệp Âu Châu chờ đợi và hi vọng gì ở thị trường cũng như nơi chính phủ Việt Nam? Ðể giải đáp câu hỏi này ông Preben Hjiolund, Chủ tịch Phòng Thương Mại Liên Hiệp Âu Châu (EUROCHAM) đã dành cho Ban Việt Ngữ - Ðài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn.

By line: Phạm Việt Hùng

Việt Hùng: Thưa ông Preben Hjiorlund, theo ông giữa Việt Nam - EU có những mối quan tâm nào chung?

Preben Hjiorlund: Tất nhiên là với Ủy ban và các cơ sở thương mại Âu châu, chúng tôi có cùng mối quan tâm, đó là đẩy mạnh việc phát triển hợp tác giữa EU và Việt Nam.

Việt Hùng: Thị trường Việt Nam quan trọng như thế nào với các quốc gia EU?

Thị trường Việt Nam đối với EU có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu quí vị theo dõi những chỉ số thương mại thì sẽ thấy giao thương ngày càng tăng, nhất là một vài năm gần đây.

Preben Hjiorlund: Thị trường Việt Nam đối với EU có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu quí vị theo dõi những chỉ số thương mại thì sẽ thấy giao thương ngày càng tăng, nhất là một vài năm gần đây. Ðầu tư cũng tăng lên rất nhiều. Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm của các quốc gia trong EU với Việt Nam ngày càng tăng, nhất là trong những kế hoạch phát triển của họ. Hơn nữa ngày nay EU đã mở rộng thành 25 quốc gia vì vậy sự hợp tác giữa EU và Việt Nam theo đánh giá sẽ rất khả quan.

Việt Hùng: Khi đầu tư vào Việt Nam, vấn đề nào là vấn đề trở ngại nhất với các nhà đầu tư EU?

Preben Hjiorlund: Có một vài vấn đề nhưng vấn đề lớn nhất đối với các nhà đầu tư EU là người Việt Nam thích tiêu đồng đô la Mỹ hơn. Hầu hết các khoản thanh toán, các giao dịch đều được hoán chuyển tính theo đô la. Ðiều này làm cho các doanh thương EU không vui cho lắm. Tất nhiên chúng tôi cũng khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp của 25 quốc gia EU cũng như các doanh nghiệp Việt Nam nên xử dụng và ưu tiên đồng Euro nhiều hơn để các hợp tác kinh tế giữa hai bên được phát triển và tỷ giá hối đoái sẽ không còn là một trở ngại.

Việt Hùng: Nhưng hiện nay đồng đô la Mỹ đang xuống thấp, việc buôn bán tính theo hối đoái này có lợi hơn chứ, ông nghĩ sao?

Preben Hjiorlund: Thế nhưng cũng chính vì thế mà các mặt hàng xuất khẩu từ EU bây giờ lên giá tới hơn 30 % so với hàng nhập bằng đô la. Nhưng ở đây, khoan vội nói đến sức cạnh tranh của Hoa Kỳ. Tất nhiên không phải bất cứ giao thương nào cũng phải kí kết bằng đô la, nhưng hơn 50 % các doanh nghiệp EU cảm nhận thấy điều này.

Việt Hùng: Theo kinh nghiệm của ông ngoài những điều ông vừa nói còn những khó khăn nào khác nữa khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam?

Chúng tôi gặp phải hàng loạt các cản trở như nào là thủ tục quan thuế, luật lệ, hàng loạt các chính sách không rõ ràng, hơn nữa chính sách chung cũng không đồng bộ, tùy từng nơi khác nhau, như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Ðà Nẵng lại khác nhau.

Preben Hjiorlund: Về khó khăn thì trong đầu tư buôn bán thì đều là khó khăn chung thôi. Chúng tôi cũng gặp phải hàng loạt các cản trở như nào là thủ tục quan thuế, luật lệ, hàng loạt các chính sách không rõ ràng, hơn nữa chính sách chung cũng không đồng bộ, tùy từng nơi khác nhau, như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Ðà Nẵng lại khác nhau.

Rồi việc thực hiện luật cũng lại là cả một vấn đề. Một số khoản thuế má cũng như dịch vụ tại Việt Nam thì cao hơn so với các quốc gia trong vùng như Malaysia, Thái Lan hay Trung Quốc rất nhiều. Ðó là những khó khăn mà chúng tôi còn ngần ngại khi tính chuyện đầu tư tại đây. Hay như thông tin liên lạc cũng rất đắt. Thế nhưng dù vậy thì những năm gần đây chúng tôi cũng nhìn thấy những thay đổi khá đáng kể và tình hình ngày càng trở nên khả quan hơn.

Việt Hùng: Ông đánh giá về luật thương mại của Việt Nam ra sao, có rõ ràng với các doanh nghiệp EU không?

Preben Hjiorlund: Theo tôi, luật thì rõ ràng nhưng việc thực hiện luật ở Việt Nam không phải lúc nào cũng được như ý. Nếu mà đem so việc thi hành luật kinh doanh ở Việt Nam với Malaysia, Indonesia hay Thái Lan thì cũng thấy khác nhau nhiều lắm. Những quốc gia này tuy vậy cũng có nhiều vấn đề trong việc thi hành luật, ra luật là một chuyện nhưng thực tế lại là chuyện khác.

Tất nhiên chúng tôi cũng muốn là luật pháp nên rõ ràng hơn nữa vì chúng tôi muốn đẩy Việt Nam lên vị trí cao hơn để thu hút được thêm nhiều và đảm bảo được đầu tư cũng như công việc kinh doanh.

Việt Hùng: Một đề tài tế nhị nữa, đó là tham nhũng. Tham nhũng có phải là một trở ngại cho việc kinh doanh tại Việt Nam đối với các nhà đầu tư EU hay không thưa ông?

Tham nhũng tại Việt Nam là một vấn nạn lớn cũng như hầu hết các quốc gia trong vùng. Chúng tôi mong muốn chính phủ điều chỉnh những chính sách một các có hệ thống...

Preben Hjiorlund: Tham nhũng tại Việt Nam là một vấn nạn lớn cũng như hầu hết các quốc gia trong vùng. Chúng tôi mong muốn chính phủ điều chỉnh những chính sách một các có hệ thống. Chúng ta không thể nói là nó sẽ được tiêu trừ trong vòng vài năm nữa nhưng chúng tôi chỉcó thể công nhận rằng chính phủ Việt Nam đã nhìn vấn đề một cách thẳng thắn hơn. Họ đang cố gắng làm cái gì đó, tìm ra những phương pháp để giải quyết tình trạng. Nếu mà hỏi là có phải là vấn đề ngày nay không thì câu trả lời là đúng thế nhưng chúng tôi hi vọng trong tương lai tình hình sẽ tốt hơn.

Việt Hùng: Hiện đang sống tại Việt Nam, chắc ông cũng nhận thấy là người Việt thích kinh doanh nhỏ và tư thương. Ðiều này thuận lợi hay không thuận lợi với các doanh thương EU?

Preben Hjiorlund: Kinh doanh ở đây rất tốt. Từ khi có luật đầu tư chúng tôi ghi nhận có thêm 300 ngàn các cuộc trao đổi thương mại. Chúng tôi có điều kiện dễ dàng để tìm công trình đầu tư cũng như bạn hàng doanh nghiệp. Chúng tôi có những cộng sự trong kinh doanh. Các cơ sở kinh tế tư nhân khá phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm. Chúng tôi hi vọng sự phát triển này ngày càng cao hơn nữa. Một trong những khả quan nữa là hiện luật đầu tư vẫn đang tiếp tục được đưa ra bàn thảo để phù hợp với khuôn mẫu quốc tế. Ðiều này sẽ giúp cho Việt Nam nhảy vọt trong phát triển về kinh tế quốc nội và trở thành một trong số ít các quốc gia trong vùng có luật lệ đồng bộ.

Việt Hùng: Trong buổi nói chuyện gần đây của phó Thủ tướng Vũ Khoan với các doanh nghiệp và đại diện Liên Hiệp Âu Châu, ông ghi nhận phản ứng từ các nhà đầu tư EU như thế nào thưa ông?

Preben Hjiorlund: Phản ứng từ phía doanh nghiệp rất tích cực. Ông Vũ Khoan đã tỏ ý cho thấy chính phủ Việt Nam muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với EU. Chính phủ Việt Nam cũng đánh giá cao những đầu tư và thương mại từ phía EU. Ông Vũ Khoan cũng thay mặt chính phủ nói, Việt Nam sẵn sàng bảo đảm và giúp đỡ các doanh nghiệp tiếp tục những công việc đầu tư và kinh doanh đang phát triển trong những năm gần đây giữa Việt Nam và các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu.

Việt Hùng: Triển vọng trong vòng vài năm tới, ông nhìn việc các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu đầu từ vào Việt Nam sẽ tăng hay không?

Preben Hjiorlund: Ðiều chắc chắn tôi có thể khẳng định là đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng, thế nhưng chúng tôi cũng muốn thấy có những đầu tư nào đó từ phía Việt Nam vào các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu. Chúng tôi hi vọng trong vòng vài năm tới mức đầu tư của cả hai bên sẽ được nâng lên hơn nhiều.

Việt Hùng: Câu hỏi cuối trước khi chấm dứt cuộc nói chuyện, thưa ông, Việt Nam đến nay vẫn là một quốc gia theo đuổi chủ nghĩa cộng sản, liệu có trở ngại nào trong việc đầu tư làm ăn hay không?

Preben Hjiorlund: Không hẳn thế, không phải thế. Những công ty mà chúng tôi hợp tác thì đều là những công ty tư nhân cả. Chúng tôi không quan tâm đến tư tưởng cộng sản và trong thương trường kinh doanh thì chính trị là một vấn đề tránh tranh luận.

Việt Hùng: Vâng xin cám ơn ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.