Nạn đói và Nguy cơ Tụt hậu tại Việt Nam


1999.03.11

Mấy ngày trước, thông tấn xã Reuters đã thuật lại tin báo chí Việt Nam, rằng gần một triệu rưởi người dân hiện lâm vào nạn đói. Ngay sau đó, tại hội nghị về công tác tư tưởng văn hóa của đảng, giới lãnh đạo về lý luận của đảng lại nhắc tới bốn nguy cơ của chế độ, trong đó có nguy cơ tụt hậu. Và dư luận bên ngoài thì để ý tới việc nhà cầm quyền mở chiến dịch hăm dọa và đàn áp đối lập, với cao điểm và khởi điểm là việc bắt giữ giáo sư Nguyễn Thanh Giang, một nhà khoa học và trí thức tiến bộ của đất nước. Trong mục Việt Nam, Nhìn từ bên ngoài, tác giả Trần Sơn Nam sẽ tìm hiểu về hậu quả của các vấn đề có vẻ như ít liên hệ ở trên đây. Theo tin của thông tấn xã Reuters thuật lại tin báo chí trong nước từ mấy ngày qua thì gần một triệu rưởi người ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam hiện đang bị lâm vào cảnh đói. Chính thức thì tình trạng này xảy ra là do nạn hạn hán kéo dài cùng với thiên tai bão lụt năm ngoái. Tại tỉnh Quảng Trị chẳng hạn, mùa màng bị thiệt hại lên tới 90%, do đó một phần tư dân chúng đang ở trong tình trạng khó khăn. Tại tỉnh Quảng Bình, số người thiếu ăn lên tới gần hai trăm ngàn, và tại tỉnh Sơn La ỏ miền Bắc, hàng chục ngàn người bị nạn đói đe dọaẦ Tin về nạn đói này, một phần nào, đã làm cho các quan sát viên quốc tế ngạc nhiên không ít. Vì như ai cũng biết, Việt Nam hiện là nước xuất cảng nhiều gạo thứ nhì trên thế giới, với tổng số xuất khẩu trên thị trường quốc tế lên tới gần bốn triệu tấn. Vậy thì tại sao có nạn đói, dầu chỉ là ở một vài địa phương? Ngoại trừ tỉnh Sơn La với đường xá hẻo lánh, thì tại Quảng Bình và Quảng Trị ở ngay bờ biển miền Trung, vốn có quốc lộ 1 chạy ngang, nhà nước Việt Nam làm sao không tải được gạo tới để ngăn chặn nạn đói? Sự thực thì đây là hậu quả của chính sách mà nhà nước đã áp dụng trong những năm qua để thu mua và xuất cảng lúa gạo. Trước hết người ta được biết là cho đến nay, ngoài độc quyền nhập cảng phân bón cho nhà nông, các công ty thuộc quyền kiểm soát của Đảng và Nhà Nước nắm hết việc thu mua để xuất cảng gạo ra thị trường quốc tế. Tùy thời điểm ký hợp đồng xuất cảng, các công ty mới bắt đầu thu mua qua các cơ sở tay chân của chúng. Nhưng vì tổ chức cồng kềnh, thiếu hữu hiệu và tham nhũng, nên việc thu mua đó không ăn nhịp với nhu cầu của thị trường và vụ mùa trong nước. Do đó mà nông dân có khi phải chịu thiệt và bán lúa dưới giá thành, và nhà nước có thể đáp ứng được nhu cầu xuất cảng nhưng lại để người dân chịu đói. Trong một nước gạo có thừa để xuất cảng mà để xẩy ra nạn đói thì đó quả là điều bất thường. Nhưng bất thường hơn nữa là sự lựa chọn đường lối của nhà cầm quyền trong lúc này. Các quan sát viên quốc tế theo dõi tình hình ở Việt Nam cho rằng trong thời gian gần đây thì giữa hai hướng đi, một là đẩy mạnh cải cách để tháo gỡ nền kinh tế trì trệ hiện nay, và hai là cố duy trì sự ổn định chính trị ở trong nước, thì nhà cầm quyền đã chọn ổn định là ưu tiên tối thượng. Để đưa ra tỉ dụ điển hình về sự lựa chọn đó, một kinh tế gia phụ trách về những vấn đề có liên hệ tới Việt Nam tại Ngân Hàng Phát triển Á Châu (ADB), là ông Alesandro Pio, đã nhận xét tại buổi họp báo ngày 4 tháng 3 vừa qua, rằng "mối liên hệ đan chồng giữa doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng ở Việt Nam là một trái bom nổ chậm.Ợ Trong vấn đề này, nhà cầm quyền Hà Nội rõ ràng đã chọn giải pháp tránh né cải tổ để cố duy trì ổn định chính trị: Lý do là bốn ngân hàng thương mại quốc doanh đã cấp phát tới 80% tổng số tín dụng toàn quốc và 75% số tín dụng đó lại được dành cho các xí nghiệp quốc doanh thua lỗ. Kết quả thì tất cả chỉ là một hình thức bao cấp, tức là một gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Cho nên, trên nguyên tắc, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước phải là một ưu tiên cần giải quyết, nhưng đối với nhà cầm quyền thì đây chỉ là ưu tiên thứ yếu, và ổn định mới là ưu tiên tối thượng, do đó, họ mới có thái độ trì hoãn kéo dài. Cùng ủng hộ nhận xét trên của ông Alesandro Pio, có ông Jean-Pierre Verbiest, giám đốc thường trú của ADB ở Việt Nam. Ông này nhận định là nếu không đẩy mạnh cải cách thì Việt Nam sẽ khó tránh được nguy cơ tụt hậu. Các nước láng giềng xung quanh trong năm qua đã trải qua giai đoạn phải nuốt liều thuốc đắng của việc cải cách, nên sẽ vững mạnh hơn và sớm hơn Việt Nam. Sự lựa chọn nào cũng có cái giá phải trả: nhà cầm quyền Hà Nội thường nói đến nguy cơ tụt hậu, nhưng ôm lấy ổn định giả tạo và nhất thời, rồi lỡ dịp may có thể tránh được nguy cơ này, thì cái giá Việt Nam phải trả chắc sẽ không phải là nhỏ trong tương lai. Trên đây là một vài suy luận trong lĩnh vực kinh tế. Nếu nhìn vào lĩnh vực chính trị, thì tình trạng lại càng thêm phức tạp. Từ đầu năm nay, nhà cầm quyền đã có những biện pháp cứng rắn để đối phó với phong trào phản kháng ở trong nước. Quyết định khai trừ tướng Trần Độ ra khỏi đảng Cộng Sản dường như đã là dấu hiệu đầu tiên của thái độ mới. Nay người ta lại thấy nhà khoa học Nguyễn Thanh Giang bị bắt và nhiều người chống đối khác bị đe dọa. Cũng như trong lĩnh vực kinh tế, trong lĩnh vực chính trị, nhà cầm quyền đã chọn con đường ổn định. Nhận định về sự lựa chọn này, các quan sát viên quốc tế nghĩ là ổn định cũng có nhiều hình thái. Ổn định mà không giải quyết dứt khoát vấn đề căn bản thì chỉ là sự trì hoãn, với hậu quả là những khó khăn sẽ ngày càng chồng chất và nguy cơ tụt hậu ngày càng sâu đậm. Và nạn đói tại một vài địa phương hiện nay chỉ là một dấu hiệu của những vấn đề xã hội trầm trọng về sau này./. Trần Sơn Nam

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.