Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và phong trào Du ca Việt Nam


2004.05.25

Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Righclick to download this audio

Vào năm 1966, khi chiến tranh ngày càng dữ dội, một phong trào văn nghệ đã ra đời tại miền Nam Việt Nam với mục đích tác động tinh thần quần chúng để cùng ý thức về tình hình đất nước - đó là phong trào Du Ca Việt Nam do Nguyễn Đức Quang và Đinh Gia Lập đề xướng.

Hai anh chủ trương là văn nghệ phải làm sao để người nghe hưởng ứng với người hát, để nhập cuộc chứ không phải là chỉ thụ động nghe mà thôi. Người du ca gây tinh thần cộng đồng qua những ý tưởng gởi gấm trong các bài hát, và bằng chính việc làm của mình.

Trưởng xưởng Du Ca do nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang điều hành. Đến năm 1972 thì được thay thế bởi Ngô Mạnh Thu, tức nhạc sĩ Trần Tú.

Các đoàn, các toán của phong trào đã đi khắp miền Nam khi đó, ca diễn trong những trường học, ngoài sân cỏ, trên sân khấu, hay sinh hoạt cùng với các đoàn thể Hướng Đạo, Thanh Sinh Công, và Gia Đình Phật Tử.

Các loại nhạc mà du ca viên xử dụng để đến với quần chúng là Thanh niên ca, Thiếu nhi ca, Sinh hoạt ca, Nhận thức ca, Sử ca, Dân ca, những bài hát ngợi ca tình thương yêu của con người, và chia xẻ ưu tư về thời cuộc nước nhà.

“Lìa nhau”… (audio clip)

Sau biến cố lịch sử 1975, nhiều thành viên trong phong trào Du Ca ra hải ngoại tìm tự do, đa số định cư ở California, Hoa Kỳ. Thy Nga đã điện đến quận Cam hỏi thăm nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang về hiện tình phong trào Du Ca, và được anh cho biết như sau: (audio clip)

Hầu như tất cả những tờ báo lớn tại California đều do các trưởng phong trào Du Ca trong đó có Nguyễn Đức Quang, điều hành.

“Tiếng hát tự do”… (audio clip) Hồi đó, nhạc bản của Nguyễn Đức Quang đều in bằng ronéo một cách sơ sài, truyền tay nhau hát. Tới năm 1995 thì Ngô Mạnh Thu và Nguyễn Thiện Cơ trong nhóm Đồng Vọng của phong trào mới có dịp gom lại, và in thành tuyển tập “Dưới Ánh Mặt Trời” gồm 9 tập nhạc là:

- Chuyện chúng mình: thời kỳ đầu sáng tác của Nguyễn Đức Quang với khoảng 50 khúc tình ca tuổi học trò ở Đà Lạt;

- Trầm ca: 10 bài chất chứa suy tư về thời cuộc như “Tiếng hát tự do” Thy Nga đã gởi đến quý thính giả ở phần trước, “Nỗi buồn nhược tiểu”, “Người anh Vĩnh Bình”, “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” và “Chiều qua Tuy Hòa”

“Chiều qua Tuy Hòa”… (audio clip)

- Tập thứ ba là Những bài ca khai phá với trên 40 khúc hát cộng đồng cho sinh hoạt thanh thiếu niên;

- Tập thứ tư mang tên là Cần nhau với 12 tình khúc được biết đến nhiều như các bản “Cần nhau”, “Như mây trên cao”, “Vì tôi là linh mục” và “Bên kia sông”

“Bên kia sông”… (audio clip)

Bài “Bên kia sông” Nguyễn Đức Quang phổ theo mấy câu thơ của Nguyễn Ngọc Thạch ghi lại một chuyện tình của ông này. (audio clip)

Nguyễn Đức Quang đã chọn cái tên “Bên kia sông” nhạc phẩm phổ biến của mình làm đề tựa cho cuốn CD thực hiện vào năm ngoái, 2003 gồm 12 tình khúc: sáu bài viết trước 1975, sáu bài kia viết vào năm 2003.

“Bên kia sông”… (audio clip)

Chàng thanh niên thầm thì bên tai người yêu những lời hứa hẹn đẹp đẽ cho nên rất nhiều người thích bài “Bên kia sông” và ca khúc này hay được chọn để hát trong những tiệc cưới.

Đó cũng là đề tài của tập nhạc thứ 5 mang tên “Lời nguyện cầu hạnh phúc” với 18 ca khúc cho dịp cưới;

- Tập thứ 6 trong tuyển tập “Dưới ánh mặt trời” là Khúc nhạc thanh xuân với khoảng 40 bài sinh hoạt thanh niên quốc tế, gồm nhiều bài hát cho nhân quyền, tự do;

- Hương đồng quê với gần hai trăm khúc nhạc đồng quê trên thế giới, chuyển sang lời Việt;

- Phúc ca mùa lễ với 25 bài đồng dao quốc tế mừng Giáng Sinh;

- Ruồi và kên kên gồm 11 ca khúc bi phẫn về tình trạng chính trị và xã hội ở hai miền đất nước Việt Nam - viết vào cuối thập niên 1960.

Vào mùa hè năm nay, Nguyễn Đức Quang cho biết sẽ ra mắt album “Về đây nhé” gồm từ 12 đến 15 ca khúc mới do anh viết trong hai năm nay.

“Hy vọng đã vươn lên”… (audio clip)

Trong âm thanh ca khúc “Hy vọng đã vươn lên” do tác giả Nguyễn Đức Quang trình bày, Thy Nga xin chào tạm biệt quý thính giả và các bạn. “Hy vọng đã vươn lên”… (audio clip)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.