50 Năm Bạo Chúa Lên Ngôi (bài #3)


1999.09.30

Lời Giới Thiệu: trong hai ngày vừa qua, chúng tôi trình bầy những dữ kiện lịch sử có liên hệ rất mật thiết với Việt Nam, trong thời gian 50 năm đảng cộng sản Trung Hoa cầm quyền ở Hoa Lục. Hôm nay, trong bài viết mang nhan đề mà chúng tôi xin được đặt là "Hiện Tượng Mao Ít, Mao Nhiều Tại Việt Nam", nhà bỉnh bút Thu Phong, một cựu đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ đưa ra những dữ kiện không thể chối bỏ được về tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao đầy sai lầm nhưng được áp dụng ở Việt Nam trong suốt bao nhiêu năm trời. Có một thời, khi ghét bỏ nhau, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam ưa dùng từ ngữ rất nặng, như "bọn bành trướng bá quyền", "bọn mao-ít", "mối thù truyền kiếp", v.v... để chửi rủa cho hả dạ ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc. Khi đó, họ cố lờ đi cái thời mà chính họ đã trải thảm đỏ rước các vị cố vấn Trung Quốc đến Việt Nam. Đến nhiều lắm, ở các bộ, các ban, các ngành, các đơn vị quan trọng đều có các vị cả. Còn cạnh Trung ương Đảng vàChính phủ, thì có Trưởng đoàn cố vấn, vị cố vấn cao nhất, La Quý Ba, đồng thời lại là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chẳng ai thấy như vậy là chướng cả, mà còn ca ngợi đó là tình hữu nghị quốc tế vô sản. Vì thế, mọi mặt đời sống xã hội của chế độ ở Việt Nam đều rập khuôn như ở Trung Quốc: nào cải cách ruộng đất, nào quản lý hộ khẩu, nào hợp tác hóa, nào cải tạo công thương nghiệp, nào cải tạo trí thức, "đấu đá" văn nghệ sĩ, nào trại tập trung "cải tạo"... Thậm chí đến cả ngôn từ cũng giống nhau. Đang gọi là "viện công tố" phải đổi lại là "viện kiểm sát" y hệt ở Trung Quốc. Cũng có khi thay đổi tí chút, như Trung Quốc gọi là "chỉnh phong", "trại lao cải"... thì Việt Nam gọi là "chỉnh huấn", "trại cải tạo"... để thể hiện "tinh thần độc lập" của "Đảng ta". Sở dĩ có tình trạng bắt chước như vậy vì chủ nghĩa Mao-ít hợp với bản chất của đa số những người lãnh đạo cộng sản chủ chốt ở Việt Nam. Họ mê lắm những luận điểm và thủ đoạn của Mao, như 'súng trường làm nên chính quyền', 'nông thôn bao vây thành thị', 'vừa đánh vừa đàm'... Chẳng thế mà ngay sau khi ký kết Hiệp định Genève về Việt Nam (1954), ở miền Nam, người ta đã ra lệnh chôn súng, giấu quân để "làm nên chính quyền". Chẳng những thế, người ta còn bí mật tiến hành cuộc thẩm nhập cán bộ, quân đội, vũ khí vào miền Nam, chuẩn bị cuộc chiến tranh lớn về sau. Tiếp quản xong miền Bắc, ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam hãnh diện nêu cao vai trò "Việt Nam là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam A". Nghe rất oai! Nhưng không một ai chịu khó nghĩ đến cái giá phải trả cho... "tiền đồn". Cũng có thể có người nghĩ đến, nhưng chẳng thèm đếm xỉa ai phải trả cái giá đó. Đã có Liên Xô, Trung Quốc đem tài nguyên, tiền của, quân trang, quân dụng, súng ống, đạn dược đến xây dựng Việt Nam thành "tiền đồn"! Còn thường dân Việt Nam cả ở hai miền thì không ngờ là về sau, chính họ phải è cổ ra trả giá rất đắt để đất nước "được" làm "tiền đồn"! Trả bằng xương máu, mồ hôi, nước mắt, bằng gần chục triệu mạng người, bằng hàng triệu chiếc khăn tang và nấm mồ hoang, bằng hàng chục triệu thương binh, phế binh, người tàn tật, trẻ mồ côi, bơ vơ, cơ nhỡ, bằng vô số cánh rừng hủy diệt bởi chất độc da cam, bằng sự tàn phá tan hoang của cả một đất nước vốn dĩ nghèo nàn. Hồi cuối thập niên 50, phong trào cộng sản thế giới chia rẽ thành hai phe - Liên Xô và Trung Quốc. Sau Đại hội XX Đảng cộng sản Liên Xô (1956), trước hiểm họa chiến tranh thế giới, ban lãnh đạo Liên Xô chủ trương bảo vệ hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh, đưa ra chính sách cùng tồn tại hòa bình giữa các chế độ khác nhau. Họ khuyên ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam nên theo đường lối hòa bình để thống nhất đất nước. Đa số trong ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam cho rằng Đảng cộng sản Liên Xô sợ chiến tranh, theo chủ nghĩa xét lại, còn họ là cách mạng triệt để, kiên quyết theo tư tưởng Mao Trạch Đông, lấy "súng trường làm nên chính quyền", nhất mực chuẩn bị cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Hồi đó, trong đảng cộng sản Việt Nam thật ra không hoàn toàn nhất trí. Không ít cán bộ đảng viên tán thành những luận điểm mới của Liên Xô, còn các "lãnh tụ" bảo thủ, như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ... thì nhất quyết theo Mao. Khi đã nắm được đa số, họ triệu tập hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 (cuối năm 1963) ra nghị quyết lái hẳn Đảng Việt Nam "đi theo con đường Trung Quốc, cả về đối ngoại lẫn đối nội", như lời Trường Chinh đã nói tại hội nghị cán bộ cao cấp hồi đầu năm 1964. Từ đó, người ta đã mở ra một cuộc thanh trừng, đàn áp khốc liệt các cán bộ đảng viên và cả người ngoài Đảng có ý kiến bất đồng, để củng cố quyền lực và rảnh tay lao vào cuộc phiêu lưu quân sự ở miền Nam. Cuộc thanh trừng đó lên cao điểm hồi năm 1967, khi Duẩn - Thọ ra lệnh giam cầm, tù đày, tra tấn, hành hạ hàng loạt cán bộ cao cấp và trung cấp, từ ủy viên Trung ương đảng, tướng tá, bộ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng, tổng cục trưởng, phó bí thư thành ủy, phó chủ tịch ủy ban hành chính thành phố, nhà báo, nhà văn, đến nhiều đảng viên thường... Nhiều người bị tù 6-9 năm, có người bị tù đày đến 20 năm, như Hoàng Minh Chính. Nhiều người chết trong tù ngục, như Phạm Viết, Phạm Kỳ Vân; có người bị "đột tử", như Dương Bạch Mai; nhiều người chết trong thời gian giam giữ tại gia, như Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Vịnh, Lê Liêm; có người chết sau khi bị tù và quản chế, như Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, Trần Minh Việt... Tất cả những người này đều bị buộc tội "xét lại - chống Đảng", "gián điệp cho nước ngoài", "âm mưu bạo loạn". Vụ án ấy kéo dài đã trên 30 năm rồi, hàng ngàn lá đơn kêu oan của cán bộ đảng viên gửi đến các cơ quan đảng và nhà nước đều "được" đáp lại bằng một sự im lặng dễ sợ, thậm chí bằng những cuộc trừng phạt tiếp theo, cuộc sau nặng nề hơn cuộc trước, như trường hợp Hoàng Minh Chính! Điều kỳ lạ là vụ án đó xảy ra khi những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng đi theo Mao, thế mà đến khi họ đã quay lại chửi bới Mao, mà vụ án đầy oan khuất đó vẫn giữ nguyên. Và kỳ lạ hơn nữa, là khi chính những người trước đây đã từng giúp Bộ chính trị tiến hành điều tra xét xử, như ông Nguyễn Trung Thành, Lê Hồng Hà, nay nhận thấy là việc xét xử là sai lầm, phi pháp, đã viết thư đề nghị Trung ương đảng minh oan cho người vô tội, thì chính họ lại bị Đảng trừng trị, khai trừ, buộc tội vớ vẩn rồi đưa vào tù. Cho đến nay, ai cũng thấy vụ án đó sai lầm, là tội ác lớn chưa từng thấy của Đảng đối với hàng trăm nạn nhân và gia đình của họ, thế mà những người lãnh đạo cộng sản hiện nay vẫn nhắm mắt bịt tai, ngoan cố từ chối xét lại. Hóa ra là dù không còn công nhiên chạy theo Mao như xưa nữa, hoặc có khi lại đánh nhau bằng súng đạn với những kẻ thừa kế Mao, nhưng những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn cứ tiếp tục đi theo con đường của Mao. Mọi người còn nhớ, sau khi đã chửi Mao hết lời, Đảng cộng sản Việt Nam lại vẫn tiến hành cuộc cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, vẫn tổ chức đánh tư sản mại bản, theo đúng khuôn mẫu của Mao gây biết bao tổn hại lớn cho dân ta, vì chủ nghĩa Mao-ít khi đã nhập vào máu, hóa thành "Mao-nhiều"!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.