Những Chuyện Vượt Biên...


1999.10.09

Lời Giới Thiệu: trong mục "Cái Nhìn Từ Đông Âu" vào một dịp trước, chúng tôi đã giới thiệu với quý vị thính giả đôi nét về sự hình thành của cộng đồng người Việt Nam tại các nước Đông Âu. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ, ngày người dân Đức bị chia thành dân hai nước được sum họp một nhà sau hơn 40 năm phải nhìn với sang nhau qua bức tường ý thức hệ, chương trình kỳ này xin giới thiệu cùng quý vị thính giả tình hình người Việt ta liên quan tới cái ngày đáng nhớ ấy. Bắt đầu từ mùa thu năm 1989, khi những biến cố không có lợi cho các nước Đông Âu bắt đầu xảy ra, thì cũng là sự bắt đầu bước ngoặt trong cuộc đời hàng chục ngàn người Việt đang lao động hay học tập tại đây. Trước tiên chúng tôi xin nói về những người Việt tại Cộng hòa dân chủ Đức. Khi người dân Đông Berlin phẫn nộ đập phá bức tường ngăn đôi thành phố, rồi vượt qua đó để chạy sang phần tây Berlin, thì nhiều người Việt đang làm việc và học tập ở Đông Berlin cũng không bỏ lỡ cơ hội . Những ngày tiếp theo, hầu như ở khắp các địa phương của nước Cộng hòa dân chủ Đức, hàng loạt người Việt bỏ hãng xưởng, nhà máy, đổ về Berlin để vượt tường sang Tây Berlin. Còn hơn là người dân Cộng hoà Dân chủ Đức, nơi mức sống và các quyền con người cao hơn hẳn Việt Nam , người Việt Nam hiểu rằng ở bên kia bức tường là một thế giới ít nhất thì cũng không giống nơi họ đã sống. Từ đó những người Việt tị nạn mới tại Cộng hoà Liên bang Đức được cộng đồng người Việt ở đây đặt cho cái tên kỳ dị là "tường nhân", để phân biệt với những người vượt biển từ Việt Nam, được cả thế giới gọi là "thuyền nhân". Tin tức về những người Việt vượt tường lan nhanh đến các nước Đông Âu khác. Thế là bùng lên một phong trào người Việt bỏ nhà máy, bỏ trường học. Mới đầu diễn ra ở Tiệp Khắc, rồi đến Hungari, Bungari, Nga v.v... Rầm rộ nhất có lẽ là tại Tiệp Khắc, vì Tiệp Khắc là nước có đường biên giới rất dài với Tây Đức, Đông Đức và Áo. Từ những năm chưa xảy ra biến cố Đông Âu, ở Tiệp Khắc cũng đã từng có nhiều người Việt vượt biên sang các nước tư bản, như Đức hay Áo. Vì vậy, đối với nhiều người Việt tại Tiệp Khắc, đây là cơ hội ngàn năm có một. Nhưng vào những năm đó, chỉ những người có chí lớn lắm mới dám liều mạng như thế. Công an Tiệp bắt được giao cho sứ quán đưa về nước là đi tù mút mùa. Ấy là chưa kể ởđơn vị lưu học sinh hoặc đội lao động nào cũng có cán bộ của sứ quán theo dõi. Phần lớn đó là những nghiên cứu sinh lớn tuổi, cán bộ lớn tuổi và họ thường là đảng viên. Những người vượt biên nhiều khi, họ phải nằm thường trực ở nhà bạn bè sát vùng biên giới cả tháng trong dịp nghỉ hè để nghiên cứu đường đi. Có anh đã tính lợi dụng những trận đá bóng hữu nghị giữa hai đội tuyển của hai làng, thuộc hai nước Tiệp Khắc và Áo nằm ở hai bên đường biên giới . Trận nào anh sinh viên Việt Nam cũng đến xem, như một anh chàng mê đá bóng. Rồi anh lân la làm quen với các cầu thủ người Áo. Một lần, khi trận đấu kết thúc, cũng là là lúc trời nhá nhem tối, anh sinh viên kia liền trà trộn vào đám cầu thủ của Áo để lẩn về phía bên kia biên giới. Anh không gặp may:công an biên phòng của Tiệp Khắc đã phát hiện ra anh. Anh bị bắt. Điều gì đã xảy ra sau đó thì quý thính giả có thể hình dung ra. Phe xã hội chủ nghĩa là một thiên đường được canh giữ rất chặt. Họ quyết không cho kẻ nào vượt thoát khỏi cái thiên đường của họ. Nhiều người đã bỏ mạng vì muốn từ bỏ cái thiên đường nọ, trên đường vượt bức tường ô nhục Berlin. Nhân nói tới kỷ niệm của những người vượt biên sau cuộc cách mạng dân chủ Đông Âu, chúng tôi muốn nhắc lại một sự kiện mà sứ quán Việt Nam tại Tiệp Khắc coi là kinh hoàng. Chuyện nàyxảy ra vào năm 1982. Đó là một cuộc vượt biên tập thể của một nhóm sinh viên thuộc trường đại học Tổng hợp Praha cùng với vài người thuộc khối hợp tác lao động. Một nhóm đã sang được nước Áo, họ viết thư về cho những anh em còn lại, hướng dẫn đường đi bước lại. Họ đã quá cả tin và dại dột trong phương pháp báo tin bằng thư từ này. Sau khi biết tin có nhóm người đã đào thoát, sứ quán Việt Nam tại Tiệp đã liên kết rất chặt chẽ với công an Tiệp. Công an Tiệp chặn thư từ, sao chụp xong, rồi họ trả lại bưu điện. Những bức thư kia vẫn đến đúng địa chỉ của nó, chỉ muộn hơn thường lệ vài ngày. Thế rồi từ hôm đó, công an mật của Tiệp Khắc hàng ngày theo dõi những người mà họ nghi ngờ sẽ vượt biên. Họ đã chụp được những tấm hình những người nhận thư, và cả những tấm hình nhóm vượt biên bàn chuyện đại sự ở những quán bia... Ít ngày sau, tất cả những người này đều phải cho tay vào còng số 8 và nhận những chiếc vé máy bay về nước. Ở trong nước, họ phải ngồi bóc lịch bao lâu thì chẳng ai biết được. Người chịu oan uổng nhất là những cô bạn gái của những người xấu số. Họ cũng bị trục xuất về nước. Lý do: các cô có thể biết được hành động các của bạn trai nhưng đã không can ngăn và không làm công việc của chỉ điểm viên là báo cáo với sứ quán. Những người trước kia đã từng có quan hệ bạn bè hay sống gần với những người vượt biên cũng bị sứ quán gọi lên hăm dọa nhiều lần. Còn một sự kiện hi hữu nữa trong chuyện vượt biên từ Tiệp Khắc. Nhân chuyến đi thực địa, một đoàn sinh viên khoa điạ chất của trường đại học Tổng hợp Praha đã phát hiện một đường hầm xuyên qua biên giới giữa Tiệp Khắc và Tây Đức. Không biết nó được đào từ bao giờ và đã có bao nhiêu người chui qua đó. Người ta chỉ biết là khi phát hiện ra, đường hầm này đã mòn nhẵn. Chúng tôi cũng không biết có người Việt nào đã sử dụng đường hầm này. Trong những ngày đầu tiên có cơ hội vượt thoát, hầu hết người Việt ở các nước Đông Âu trở nên lơ là đối với mọi công việc hàng ngày, dù họ là sinh viên hay người lao động. Trong đám công nhân đi lao động xuất khẩu, thay vì nói chuyện về những đề tài thường lệ như tiền lương, tiền thưởng, hàng hoá, mua bán... người ta chỉ xôn xao về chuyện đi hay ở. Đâu đâu cũng gặp những cuộc chuyện trò, đại loại như: bao giờ đi, sang Đức hay sang Áo, đã có cầu chưa, tức là đã có người dẫn đường chưa, giá cả bao nhiêu v.v.??? Những cuộc chuyện trò như thế ban đầu còn ở dạng thầm thì, bí mật, vì ai cũng sợ đến tai đội trưởng, cán bộ vùng, các vị đảng viên, rồi sợ nhất là đến tai sứ quán. Nhưng ở nhiều nơi, người ta công khai bàn tán, có những đội trưởng còn khuyến khích, hướng dẫn anh em đi, thậm chí còn đưa người của mình đi. Những người bạn Tiệp cũng khuyến khích các bạn đồng nghiệp người Việt ra đi, nhất là trong lúc ở Tiệp cũng bắt đầu có những xáo trộn về xã hội và sản xuất. Nhiều nhà máy đóng cửa. Người ta cắt giảm biên chế, sa thải công nhân. Hàng hóa làm ra không bán được sang các nước xã hội chủ nghĩa khác. Vì ở đó cũng đang lâm vào tình trạng khốn đốn vì những cuộc đình công biểu tình của nhân dân đòi tự do. Người Việt ta hối hả đóng thùng, gửi gấp những món hàng đã mua sẵn về Việt Nam, để ra đi. Nhiều người bán rẻ hoặc cho không những người chưa đi đồ dùng trong nhà. Người ta xem lịch chọn ngày tốt để lên đường. Đến thời điểm này, sự rã đám về tinh thần nảy ra cả trong nội bộ các lực lượng bảo vệ các quốc gia xã hội chủ nghĩa. Ở những vùng có biên giới với Đông Đức, một số đồn biên phòng được gỡ bỏ. Thỉnh thoảng cũng còn có những xe công an biên phòng lởn vởn. Nhưng đám công an này chỉ canh gác cho có lệ, và những người hăng hái trong bọn họ phát hiện ra một cách kiếm tiền dễ dàng: đó là ăn hối lộ của những người vượt biên. Có một số người bị bắt nhưng là do không đủ tiền đút lót. Họ bị giam ít bữa, rồi được thả ra nhờ số tiền hối lộ còm cõi. Sau đó họ lại tiếp tục tìm đường vượt thoát, cuối cùng rồi cũng lọt. Khó khăn hơn cả là những người ra đi từ Nga, Bungari hay Hungari. Họ phải thuê người dẫn sang Tiệp Khắc, hay Ban Lan, rồi từ đó lại phải tìm đường dây dẫn tiếp sang Cộng hoà Liên bang Đức, Áo, Hà Lan hay Pháp. Nhưng cho dù có gian nan đến mấy, so với những người đồng hương đã phải liều mạng ra đi trên những con thuyền nhỏ bé trước sóng gió của đại dương và nạn hải tặc thì những người ra từ Đông Âu vẫn còn may mắn chán. Thời điểm đầu, cái đích của người Việt ta là vượt qua bức tường Berlin. Ít lâu sau, nhiều người muốn sớm được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân ở sứ sở tự do trên toàn lãnh thổ Tây Đức. Thế là người Việt ta bắt đầu tìm cách vượt qua hàng rào ngăn đôi hai miền Đông - Tây nước Đức, lúc đó nó vẫn chưa chính thức được gỡ bỏ. Những ngày đầu đến với xã hội phương Tây, người Việt ta ngạc nhiên nhất là thấy nó sao mà giống cái thiên đường mà những người cộng sản hứa hẹn. Ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân lên phần Tây của nước Đức, những người vượt biên từ các nước Đông Âu đã được sự giúp dỡ ân cần của những người đồng hương đã sống lâu ở đây, đa số là thuyền nhân Ở một số nơi, mỗi buổi chiều, sau giờ tan tầm, có nhiều người đem xe ra chờ sẵn ở nhà ga xe lửa, thấy người Á châu nào có vẻ ngây ngô nhà quê là họ ra bắt chuyện. Nếu đúng là dân Đông Âu mới đến là họ làm quen, chở về nhà chơi ít ngày rồi dẫn vào nơi làm thủ tục nhập trại. Những ngày sau đó, họ đến thăm những người đồng hương mới với những món quà nho nhỏ, như: thùng mỳ tôm, ít rau xanh châu Á, hay những bộ quần áo cũ còn dùng được. Ở trong trại tị nạn những ngày đầu, người ta cũng phát quần áo cho những người mới đến, cho họ ăn uống, tất nhiên là toàn những món lạ khẩu vị. Biết đồng bào mình không quen với những món ăn lạ, có người còn đến tận trại tị nạn đón đồng hương về nhà chơi, mời ăn những món Việt Nam cho đỡ nhớ. Nhiều người xúc động trước thịnh tình của đồng bào nói rằng chưa bao giờ họ được hưởng một tình cảm ấm áp nơi đất khách quê người như ở đây. Sau này, khi chơi thân với nhau, người ta được biết thêm, những người có tấm lòng vàng này đều là những người từ nhỏ thờ Phật hay kính Chúa. Dường như tôn giáo, bất kể Phật giáo hay Thiên Chúa giáo, đều là mảnh đất tốt cho những tình cảm nhân bản, mà đảng cộng sản không thể nào gây dựng nổi trên đất đai mà họ thống trị. Cuộc vượt biên trên đường bộ của số đồng bào ta ở các nước cộng sản Đông Âu đã diễn ra như thế. Đoạn kết của nó, đáng tiếc, không tốt đẹp như những người vượt thoát mong muốn. Sợ hãi làn sóng di dân mới từ Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà Liên bang Đức đã ký kết với nhà cầm quyền Hà Nội một hiệp ước hồi hương. Theo hiệp ước này, hầu hết những người đã chạy đến với cái mà họ thường nghĩ là "thế giới tự do" sẽ phải hồi hương. Sự kiện này đang là mố lo lắng lớn cho đại đa số những Việt đến Đức từ sau cuộc cách mạng dân chủ Đông Âu. Nhưng về đề tài này chúng tôi xin kể vào một kỳ sau./.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.