Thời Sự Trong Tuần (Dec. 11, 1999)


1999.12.10

Lời giới thiệu: Trong tuần tới, Nhóm Tư vấn của Ngân hàng Thế giới sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị viện trợ hàng năm cho Việt Nam. Hội nghị năm nay được triệu tập tại Hà Nội trong hai ngày 14 và 15, và quy tụ mấy chục quốc gia lẫn cơ quan viện trợ quốc tế để thảo luận cùng giới hữu trách kinh tế Hà Nội việc cấp phát và sử dụng viện trợ cho Việt Nam. Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ có dịp trở lại hội nghị viện trợ này. Nhưng, thời sự trong tuần hôm nay Võ Thành Văn sẽ có bài nhận định riêng về nội dung của hai bản phúc trình kinh tế mà Ngân hàng Thế giới đã soạn thảo cho hội nghị.... Từ nhiều năm nay, khi Nhóm Tư vấn Ngân hàng Thế giới phối hợp triệu tập hội nghị các quốc gia và tổ chức viện trợ cho Việt Nam để đàm phán về chương trình viện trợ, thì Ngân hàng Thế giới lại công bố phúc trình tổng hợp về tình hình kinh tế Việt Nam. Phúc trình đó vừa đánh giá kết quả vừa lượng định về yêu cầu cải cách đồng thời nêu lên một số khuyến nghị cho cả các cơ quan cấp viện lẫn chính quyền Việt Nam. Năm ngoái, tại Paris, bản Phúc trình tên bằng Anh ngữ là "Vươn kịp tầm thử thách" đã đưa ra một số dự báo có tính chất cảnh cáo Việt Nam về nhu cầu cải cách, và được Hà Nội dịch ra "Vượt lên thử thách" mà không muốn dân đọc. Trong suốt một năm 1999, chính quyền Việt Nam đã không thi hành những đề nghị đó. Ngoài ngạch số đó, các nước viện trợ còn cấp thêm 500 triệu phụ trội có thể sử dụng ngay để bổ trợ một số biện pháp cải cách tài chánh, mậu dịch và hối đoái, tức là ngoại hối, hầu ngăn ngừa hậu quả tai hại của khủng hoảng kinh tế trong vùng Đông Á. Ngân khoản phụ trội đó vẫn còn nguyên chưa được sử dụng vì Việt Nam không tiến hành bất cứ một biện pháp cải cách nào đã công bố. Và trong số viện trợ hơn hai tỷ của quốc tế, có 800 triệu đô la do Ngân hàng Thế giới viện trợ thì mới chỉ xài có 300. Nói trên đại thể, Việt Nam là một trong những xứ nghèo nhất, có viện trợ thì lại sử dụng với tốc độ thấp nhất trong các nước cầu viện, và đó là một thiệt hại cho dân chúng. Năm nay, Ngân hàng Thế giới sửa soạn công bố một phúc trình mới, dưới tiêu đề "Sửa soạn cất cánh" như một câu hỏi, và tiểu tựa là "Việt Nam có thể tham gia trọn vẹn vào việc phục hồi của khu vực Đông Á như thế nào". Đi cùng bản phúc trình có tính chánh sách này là báo cáo về nạn nghèo đói tại Việt Nam, dưới tựa đề là "Tấn công nghèo đói", trong đó, các chuyên gia quốc tế đã khai thác kết quả cuộc khảo sát năm 1998 về tình trạng nghèo đói của Việt Nam. Bản phúc trình thứ hai này có giá trị như một tài liệu tham khảo quý báu vì trình bày những dữ kiện thực tế của nạn nghèo đói. Nhìn toàn cảnh thì ta thấy rằng Ngân hàng Thế giới, các cơ quan viện trợ và tổ chức ngoài chính phủ, gọi là NGO, đều quan tâm tới mức sống quá thấp của dân cư và gợi ý về một số biện pháp cải cách kinh tế cấp bách. Trên cơ sở đó, các nhà cấp viện mới quyết định về việc viện trợ nhiều hay ít, và dùng để làm gì. Nhìn lại quá khứ, năm 92-93, Việt Nam đã được quốc tế viện trợ cho dự án khảo sát mức sống dân cư, cuộc khảo sát khoa học và khách quan đầu tiên. Kết quả cho thấy hoàn cảnh khá nghèo túng của người dân nói chung, và tình trạng bần cùng của một tỷ lệ dân cứ rất cao là 58% dân số. Theo định nghĩa của quốc tế, mức bần cùng đó có thể đo lường bằng các tiêu chuẩn khác nhau, nên có thể xê xích chút đỉnh từ nước này qua nước khác. Nhưng gần 60% dân chúng mà phải sống dưới mức bần cùng, thí dụ như có số tiêu thụ nhiệt lượng trung bình là 2100 kcalori một ngày, là một tỷ lệ quá lớn. Những vùng địa phương có tỷ lệ bần cùng cao nhất là các tỉnh Thượng du miền Bắc, và Cao nguyên Trung phần cùng miền Bắc Trung phần. Và có tới 90% giới bần cùng tại Việt Nam là dân cư ở nông thôn. Năm 1998, Việt Nam lại được tài trợ một dự án khảo sát mới, với kết quả được Ngân hàng Thế giới đem ra phân tách trong bản báo cáo họ sẽ công bố tại Hà Nội trong vài ngày tới. Theo kết quả khảo sát này, thì đối chiếu với tình hình dân sinh của các năm 1992-1993, ngày nay, tỷ lệ bần cùng của Việt Nam đã giảm, ở khoảng gần 40%. Tuy nhiên, những đặc tính căn bản của nạn nghèo khổ thì vẫn còn như xưa. Tuyệt đại đa số người nghèo là sống ở nông thôn, nghèo nhất vẫn là dân cư ở vùng Tây nguyên, miền Bắc Trung phần và Cao nguyên Trung phần, và những người coi như vừa mới vượt lên khỏi mức bần cùng thì căn bản vẫn còn là thành phần nghèo. Cho nên, điều đáng lo ngại là những thành quả mong manh đó cũng không bền, nếu kinh tế sụt đà tăng trưởng, như các chuyên gia quốc tế đã tiên báo. Chỉ cần xứ sở bị vài khó khăn kinh tế gần xa là họ lại lọt sổ vào thành phần bần cùng. Nói cách khác, mấy năm qua, tình hình có cải thiện mà vẫn chưa đủ để bốc Việt Nam ra khỏi hoàn cảnh nghèo đói kinh niên. Bên dưới các con số trựu tượng đó, người ta còn thấy một loạt vấn đề khác, như trẻ em sinh ra bị còi vì suy dinh dưỡng, thiếu điều kiện y tế giáo dục sơ đẳng và gia đình thường lục đục kém vui, phụ nữ bị chèn ép ức hiếp, và tệ đoan xã hội lại dễ nảy sinh, gây thêm bệnh tật, và băng hoại đạo lý. Nhận định của Ngân hàng Thế giới là nếu Hà Nội không đẩy mạnh thêm việc cải cách thì đà tăng trưởng vào năm tới sẽ bị khựng và chỉ còn là 3,5% là cùng. Con số trừu tượng đó là một sự thật rất bi đát ở bên dưới. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng trung bình cao gấp đôi số đó. Và nếu trừ bớt ảnh hưởng của sai trệch thống kê, của đà gia tăng dân số là 2%, và của cả những báo cáo hoang tưởng, thì tỷ lệ tăng trưởng chỉ có 3,5% là đồng nghĩa với sự tụt dốc mức sống. Và số người vừa ngoi lên khỏi mức bần cùng sẽ lại tụt về hoàn cảnh bi đát thời trước. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Thế giới mới khuyến cáo là Việt Nam phải đẩy mạnh việc cải tổ kinh tế, theo như họ đã khuyến cáo từ năm này qua năm kia, và Hà Nội đã hứa hết năm này tới năm nọ nhưng lại trì hoãn thực hiện. Trong tháng trước, nhân khóa họp Quốc hội, Thủ tướng Phan Văn Khải như đã dự trù trước những khuyến cáo này tại Hội nghị viện trợ, nên đã nói vài điều nghe rất thuận tai. Như sẽ cải cách kinh tế ra khỏi chế độ bao cấp, sẽ giải phóng cho thành phần tư doanh được nhiều quyền tự do hơn và sẽ chấn chỉnh để cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, v.v... Nếu theo dõi kỹ tình hình, người ta thấy ông nói y hệt như vào mùa Thu năm ngoái trước khi Nhóm Tư vấn về viện trợ bắt đầu hội họp tại Paris. Sau đó, ông không làm được điều đã hứa hẹn, và nguy cơ tụt hậu vẫn xảy ra. Lần này, đầu tư nước ngoài sút giảm nhiều hơn và khiếm ngạch ngân sách gia tăng nhiều hơn năm ngoái, nên người ta chưa rõ là bao nhiêu phần trăm dân chúng sẽ lại tuột dốc vào cõi bần cùng, trước sự dửng dưng của nhà cầm quyền...

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.