Viện Trợ và Cải Cách


1999.12.14

Lời giới thiệu: Hôm nay, Ngân hàng Thế giới tổ chức hội nghị quốc tế hàng năm về viện trợ cho Việt Nam, qua một cơ chế gọi là nhóm Tư vấn Ngân hàng Thế giới. Trước khi hội nghị nhóm họp, người ta đã được nghe giới đầu tư nước ngoài than phiền về sự trì trệ cải tổ của chính quyền Hà Nội, và nguồn tin đầu tiên từ Hội nghị cho biết là số tiền viện trợ cho Việt Nam vào năm tới sẽ giảm 45% cũng vì Hà Nội không tiến hành cải cách như đã hứa. Mục Diễn đàn Kinh tế hôm nay xin tìm hiểu về sự việc này qua bài nhận định của Nguyễn An Phú... Như lệ thường từ vài năm nay, cứ đến giữa tháng 12 hàng năm là các quốc gia hay cơ quan viện trợ lại họp hội nghị để duyệt xét việc viện trợ cho Việt Nam cho tài khóa tới. Cũng theo thông lệ đó, thì từ cuối tháng 10 trở đi, chính quyền Hà Nội bắt đầu nói tới quyết tâm đổi mới và hứa hẹn một số biện pháp cải cách mà họ đã được yêu cầu nhưng cứ lần lữa không tiến hành. Mục tiêu cũng chỉ để là tác động vào hội nghị về viện trợ do Ngân hàng Quốc tế phối hợp tổ chức qua một cơ chế điều hợp gọi là Nhóm Tư vấn Ngân hàng Thế giới để xin được viện trợ nhiều hơn. Năm nay, sự thể cũng chẳng khác, khi thủ tướng Phan Văn Khải báo cáo trước Quốc hội khóa mùa Thu vừa qua tình hình kinh tế với một số nhận định có vẻ tiến bộ về vai trò của tư doanh và một số hứa hẹn cải cách mà chưa chắc ông có thẩm quyền tiến hành vì bộ Chính trị ở trên ông không muốn. Nhưng, năm nay tình hình đã có khác từ phía các nguồn cấp viện. Họ không muốn tung tiền viện trợ cho Hà Nội để lại ăn bánh vẽ về cải cách. Cho nên, năm nay, Việt Nam sẽ chỉ nhận được một tỷ rưỡi viện trợ thay vì hai tỷ bảy như năm ngoái, một sự sút giảm tới 45%... Đầu tiên, chúng ta hãy nói về quy tắc và ngạch số viện trợ, để thấy rõ các vấn đề của Việt Nam. Khi viện trợ cho một nước nghèo, các nguồn cấp viện không đưa tiền mặt để tự ý muốn dùng gì thì dùng. Muốn có tiền thì họ phải tiến hành một số thủ tục để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội đã được đồng ý, và thực hiện dự án đến đâu thì tiền viện trợ tháo khoán đến đó. Sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ chế độ cấm vận kinh tế, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới phối hợp và vận động viện trợ cho Việt Nam, nhưng Hà Nội không biết cải tiến thủ tục và thực hiện dự án nên tỷ lệ tháo khoán vẫn còn rất rất thấp, khoảng gần một tỷ so với nhu cầu của cả nền kinh tế là hai tỷ rưỡi đô la một năm. Kể từ năm 1993, khi được Ngân hàng Thế giới tái tục viện trợ và nhất là từ năm 1996 trở đi, Việt Nam tổng cộng đã nhận được hơn 13 tỷ viện trợ phát triển của mấy chục quốc gia hay cơ quan viện trợ quốc tế, và cho tới nay chưa xài hết phân nửa vì không biết làm dự án, không biết thủ tục xin giải ngân tháo khoán. Năm 1998, tại Hội nghị của Nhóm Tư vấn của Ngân hàng Thế giới tại Tokyo, Hà Nội được viện trợ tổng cộng hai tỷ tư. Năm ngoái, họỉ được viện trợ hai tỷ bảy, trong đó có hai tỷ hai là viện trợ phát triển và viện trợ đặc biệt là 500 triệu đô la có thể giải ngân gấp để yểm trợ việc cải cách mậu dịch và tài chánh hầu ngăn ngừa ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế Đông Á. Hà Nội vẫn chẳng xài hết số hai tỷ hai đó và không làm gì để có thể xin giải ngân số 500 triệu phụ nói trên. Trong số hai tỷ hai này, có 800 triệu đô la của Ngân hàng Thế giới thì Hà Nội mới chỉ xài hết có 500 triệu. Vậy mà năm nay, họ vẫn lại hứa hẹn sẽ cải cách để xin thêm viện trợ, và sau khi ký kết thỏa ước viện trợ thì, chứng nào tật nấy, sẽ lại đình hoãn việc cần kíp cho kinh tế và chỉ làm những gì có lợi cho đảng và nhà nước mà thôi. Ngày hôm qua, trong hội nghị bên lề, với một số đại diện doanh giới quốc tế tại Việt Nam, bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã được nghe một số lời phàn nàn, y như mọi năm và không thể hứa hẹn gì thêm trước những lời phê bình được tới tấp đưa ra. Điều duy nhất thành thật mà bộ trưởng Trần Xuân Giá có thể nói, đó là Việt Nam sẽ tiến hành cải cách, nhưng theo với tốc độ của mình, để bảo đảm sự ổn định của xã hội. Tốc độ đó, không phải bộ Kế hoạch và Đầu tư hay cả thủ tướng chính phủ đề ra. Tốc độ đó là do bộ Chính trị đề ra, và có thể nói gọn là càng chậm càng hay. Lý do là bộ Chính trị không coi phát triển kinh tế là một ưu tiên mà coi việc bảo vệ quyền lực của đảng mới là ưu tiên, nên không muốn đẩy mạnh cải cách như các viên chức trong chính phủ đề nghị. Việc Phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc bị lột chức, cựu thống đốc Cao Sĩ Kiêm bị phê bình rồi Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Thái Nguyên bị bắt giữ đã là tín hiệu cho thấy rằng các phần tử thủ cựu trong bộ Chính trị đang kịch liệt tác động vào tiến trình quyết định để triệt hạ tư thế của những người trong chính phủ, chung quanh ông Phan Văn Khải và một số chuyên viên cao cấp về kinh tế. Họ mở chiến dịch tác động nhằm thứ nhất tê liệt hóa mọi sáng kiến hay đề nghị của những người thực tế tiếp cận với sinh hoạt kinh tế và thế giới bên ngoài, là các nhân viên chính phủ; và thứ hai là chỉ đưa vào nghị trình thảo luận của các Hội nghị Trung ương hay Đại hội đảng khóa Chín năm kia nhưng gì có lợi cho họ. Kết cuộc thì phe thủ cựu đang kiểm soát đường lối chánh sách kinh tế, và nói với thế giới bên ngoài rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới, nhưng đổi mới theo phương thức của mình, có khi là dậm chân tại chỗ và ngăn cản mọi nỗ lực cải cách cần thiết. Trong khung cảnh đó, người ta hiểu vì sao cộng đồng các nguồn cấp viện của thế giới mới bắt đầu nhìn nhận ra thực tế: Chính quyền Hà Nội không muốn tiến hành đổi mới và thực hiện việc cải cách cho mục tiêu phát triển, mà chỉ muốn có một chút đổi thay tạm đủ để khỏi bị khủng hoảng, trong khi vẫn chặt chẽ kiểm soát mọi quyết định chính trị và kinh tế, dù lạc hậu và nguy hiểm. Không ai có thể giúp một quốc gia cải tiến nếu chính quốc gia đó không muốn. Vì vậy, ngân khoản viện trợ năm nay sẽ chỉ còn là một tỷ rưỡi, trong đó phần viện trợ của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ còn là 500 triệu thay vì 800 triệu như năm ngoái... Câu hỏi cuối mà mọi người Việt đều tự đặt ra cho mình, là tình hình kinh tế sẽ ra sao khi đầu tư nước ngoài bị sút giảm nặng nề từ hai năm qua, nay viện trợ cũng lại khan hiếm hơn trước... Để chuẩn bị cho Hội nghị viện trợ đang được họp tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã công bố kết quả khảo sát về mức sống dân cư năm 1998, với kết luận là tình hình có cải tiến một chút từ 5 năm qua nhưng vẫn chưa đủ và mức sống người dân có thể sẽ lại sa sút nếu Việt Nam không thúc đẩy cải cách mau hơn. Một cách cụ thể thì nếu không có cải cách, năm tới đây đà tăng trưởng sẽ chỉ còn là 3,5% và năm sau nữa sẽ sụt xuống 3% . Tỷ lệ tăng trưởng này là thấp nhất từ 10 năm qua và là tỷ lệ nguy kịch về cả mặt kinh tế lẫn xã hội và chính trị. Khi đà sản xuất suy giảm cùng đầu tư và ngoại viện thì ngân sách quốc gia sẽ không thu đủ thuế để giải quyết nhu cầu đầu tư về dài và cứu trợ xã hội ngay trước mắt. Sản xuất tăng chậm thì không đủ đáp ứng đà gia tăng dân số và nhu cầu xóa đói giảm nghèo. Cho nên, nếu đà tăng trưởng bị sụt, những người đang ở vào tình trạng nghèo đói hiện nay sẽ lại tụt xuống dưới mức bần cùng. Và nhà cầm quyền Hà Nội phải chịu trách nhiệm về tình trạng đáng tiếc này, và vì muốn có ổn định nên không tiến hành đổi mới, họ sẽ chẳng có ổn định mà có khi sẽ gặp lọan ngay từ trong nội bộ nổ ra, vì nhiều đảng viên đã thấy rõ sự thể và đang đòi hỏi cải cách mạnh mẽ hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.