Lời giới thiệu: Trong tuần qua, ngày nào trang nhất của tờ Nhân Dân, cơ quan chính thức của đảng Cộng Sản Việt Nam, cũng có hình của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chụp chung với các nhân vật Pháp hay Ý. Từ trước đến nay ông mới chỉ có dịp đi thăm các nước Cộng Sản và nay là lần đầu ông được hai nước không cộng sản ở Âu Châu là Pháp và Ý mời viếng thăm với tư cách Tổng bí thư. Có lẽ vì vậy mà chuyến Tây du lần này của ông, dầu thiếu thực chất và chỉ có tính phô trương, đã được báo nhà đặc biệt đề cao nhằm tạo thêm uy tín cho ông vào dịp Đảng đang sửa soạn Đại Hội 9 vào đầu năm tới. Để tìm hiểu bầu không khí sửa soạn này ở trong nước, khi ông Tổng bí thư xuất ngoại, mục "Việt Nam, Nhìn từ bên ngoài" có bài nhận định sau đây của Trần Sơn Nam...Trên chuyến bay từ Ý trở về Việt Nam sau chuyến công du Tây Âu, và qua một bài phỏng vấn dành riêng cho báo Nhân Dân, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu rằng chuyến viếng thăm rất tốt đẹp của ông là một thắng lợi của chính sách ngoại giao mở rộng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ông tỏ vẻ hài lòng vì "đã được mời và đón tiếp theo nghi thức cao nhất". Về phương diện này thì quả thực chuyến đi của ông cũng có thể được kể là một thắng lợi. Mặc dầu chỉ là Tổng bí thư của một đảng cầm quyền ông đã được Tổng thống Pháp và Ý đón tiếp. Người ta có thể không được rõ hậu ý của hai nước khi dành cho ông sự đón tiếp long trọng này, tuy nhiên vì có tính phô trương hơn là thực chất, chuyến viếng thăm này được nhận như làm tăng uy tín của ông ở bên trong hơn là đem lại kết quả cụ thể cho Việt Nam. Mà có lẽ ông cũng chỉ cần điều này hơn cả khi giới lãnh đạo Đảng đang sửa soạn sắp xếp nhân sự cho Đại Hội 9 sang năm.Thực ra, quan sát quốc tế thường theo dõi vấn đề Việt Nam tin là hơn bao giờ hết, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cần nắm vững được Bộ Chính Trị vì cho hiện ông chưa hoàn toàn làm chủ được tình thế sau khi được bầu lên cách đây hai năm rưỡi. Hơn thế nữa vào kỳ Đại Hội tới, đảng sẽ phải đối phó với tình trạng không khác gì khúc quanh năm 1986. Sau khi dậm chân tại chỗ ở ngã ba đường từ hơn ba năm nay vì không có hướng đi dứt khoát, và nửa muốn đổi mới, nửa lo sợ lại mất dần đặc quyền đặc lợi, đảng Cộng sản Việ Nam hiện không thể trì hoãn được mãi quyết định hệ trọng về đường lối. Do đó, càng đến gần ngày Đại Hội các khuynh hướng trong Đảng càng phải quyết liệt bảo vệ quan điểm của mình. Trong bối cảnh đó, ông Tổng bí thư phải là người có đủ uy tín thì mới vượt được lên trên những tranh chấp đe ăthuyết phục mọi người giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ đảng và đưa ra một hướng đi dứt khoát.Cụ thể thì ở trong nước lúc này người ta đang đặt ra nhiều câu hỏi như: Thứ nhất, "có nên theo kinh nghiệm của đàn anh Trung Quốc mà mở rộng thêm về kinh tế không? Thứ nhì, bây giờ Mỹ đã dành cho Trung Quốc quy chế mậu dịch bình thường và thường trực thì ta có cần thúc đẩy việc ký kết bản hiệp định thương mại với Mỹ không? Thứ ba, phải cải tổ doanh nghiệp nhà nước tới mức nào trong khi các cơ sở này kiểm soát tới 94% ngành điện, 97% kỹ nghệ than đá, 59% kỹ nghệ xi măng? Và sau hết có nên nâng đỡ khu vực tư như lời khuyến cáo của các định chế quốc tế không?Trả lời những câu hỏi đại loại như trên cũng có nghĩa là đã chọn một hướng đi cần thiết cho tương lai, nhưng cho đến nay người ta chỉ thấy lời tuyên bố nước đôi của nhà cầm quyền. Đối với báo chí nước ngoài thì ông Tổng bí thư nói chủ trương của Việt Nam là đẩy mạnh đổi mới, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, để bao gồm thêm khu vực tư doanh. Nhưng nói với nước ngoài thì vậy, chứ khi nói với cán bộ trong nước ông lại nhấn mạnh rằng cách mạng Việt Nam phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhìn cách khác, để cố giữ lại niềm tin của giới đầu tư ngoại quốc, nhà cầm quyền hứa đủ mọi điều, nhưng thực tế thì chưa dám bỏ đường lối cũ và cố kéo dài hiện trạng cho đến Đại Hội tới, với hy vọng rằng mâu thuẫn nội tại trong giới lãnh đạo sẽ được giải quyết trong một sự đồng thuận nào đó. Theo dư luận chung thì ảnh hưởng của phe bảo thủ còn mạnh, dầu trong ngoài đảng, ai cũng rõ là từ nhiều năm nay người dân đã hết tin vào ý thức hệ nữa và chế độ chỉ có thể dựa vào thành quả kinh tế nếu có để biện minh cho quyền lãnh đạo chuyên chế của mình. Còn trong trường hợp không may mà kinh tế suy sụp và xã hội xáo trộn thì chế độ lại càng chẳng còn lý do chính thống nào để tồn tại nữa. Từ nay cho đến Đại Hội 9 thời gian còn gần cả một năm, Hội Nghị Trung Ương Đảng chắc sẽ còn phải họp một vài lần, nhưng nếu chỉ nhìn vào nghị quyết của các Hội nghị trung ương đã qua, đặc biệt là nghị quyết tháng Tư mới đây, thì đảng chưa có ý định thay đổi chính sách kinh tế, chính trị và xã hội. Thực ra thì trong một chế độ bưng bít, thiếu trong sáng, và quyền lực chính trị gắn liền với quyền lợi kinh tế, thì người dân và báo chí khó lòng tìm hiểu được những ngoắt nghéo trong bóng tối của nội bộ đảng. Người ta càng khó hiểu hơn nữa, khi lời nói của giới lãnh đạo không đi đôi với việc làm, hoặc đi ngược hẳn lại với thực tế trước mắt mà mọi người ai cũng nhìn thấy. Điều đó đã xảy ra trong thực tế.Tại một buổi họp của các cán bộ cao cấp trước khi lên đường đi Âu Châu, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lớn tiếng ca ngợi đảng, rằng "đảng ta là đạo đức là văn minh". Trong khi đó, cả nước ai cũng hiểu được là chỉ có các cán bộ đảng mới được độc quyền tham nhũng, một tệ nạn mà trong một bài phỏng vấn của báo chí Pháp chính ông đã gọi là "nguy cơ và giặc nội xâm". Nếu đảng đã đạo đức thì làm gì còn nguy cơ và giặc nội xâm? Câu hỏi này, báo chí Tây Âu lịch sự không nhắc tới, nhưng nó là câu hỏi của mọi người Việt Nam...