Đã đến lúc Á Châu phải cải cách


2000.12.18

Lời giới thiệu: Tuần qua, tổ chức hợp doanh với tạp chí chuyên đề The Economist vừa công bố báo cáo hàng năm về rủi ro đầu tư tại 93 nước đang phát triển, với lượng định tổng quát, rằng nếu vào năm 2000, rủi ro kinh tế tài chánh có giảm thì qua năm tới một số quốc gia sẽ gặp rủi ro chính trị cao hơn. Thực ra, và nhất là tại Á Châu, hai loại rủi ro đó có quan hệ gắn bó và nếu không thực sự đẩy mạnh cải cách kinh tế, khu vực này sẽ gặp rủi ro lớn vào năm tới, Diễn đàn Kinh tế xin giải thích vì sao, qua bài phân tách của Nguyễn An Phú... Năm nay, báo cáo của The Economist Intelligence Unit về Rủi ro tại các thị trường đang phát triển có đưa ra một hình ảnh có thể gọi là thuộc loại Ộtranh tối tranh sángỢ. Đây là công ty chuyên doanh về thông tin kinh tế nằm trong hệ thống xuất bản tuần báo The Economist nổi danh thế giới từ hơn trăm năm nay. Phúc trình năm nay của họ tổng kết việc khảo sát 93 thị trường đang phát triển với một nhận định tương đối lạc quan. Đó là so với năm ngoái, năm nay chỉ có 16 quốc gia là bị rủi ro cao hơn. Có ba lý do chủ yếu của sự cải thiện tương đối này là: thứ nhất, giá dầu thô tăng cao có đem lại nhiều lợi ích hơn cho các nước xuất khẩu dầu hỏa, về cả thu nhập ngân sách lẫn ngoại tệ; thứ hai, các nền kinh tế Mỹ, Nhật và Âu Châu đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, nên nhập cảng nhiều hơn từ các nước nghèo; thứ ba là, dù chưa đều hòa, luồng tư bản đầu tư vào các nước nghèo này đã có gia tăng chút đỉnh. Tuy nhiên, và đây là phần bi quan của dự đoán, dù tình hình kinh tế năm 2000 này khả quan hơn năm ngoái thì qua năm tới, có nhiều quốc gia hơn sẽ lại gặp rủi ro về chính trị. Thí dụ như cách đây một năm, The Economist Intelligence Unit lượng định rằng có 16 quốc gia đang gặp rủi ro chính trị đáng quan tâm, năm nay, con số rủi ro này là 21 quốc gia. Nói tới rủi ro chính trị, hầu như mọi người đều nghĩ tới tình hình bất ổn tại Á Châu. Quả vậy, nếu tình hình Đông Âu tương đối yên bình, hoặc Mỹ Châu La Tinh có một số điểm đáng quan tâm, thì chính tình hình Á Châu mới thực sự đáng lo ngại vì những gì đang xảy ra từ Philippines tới Indonesia hay Thái Lan và cả Đài Loan lẫn Nam Hàn. The Economist Intelligence Unit vì vậy mới liệt kê Á Châu là nơi có những rủi ro cơ bản nhất. Tình hình Á Châu có mầm mống sôi động đến nỗi như Trung Quốc kia, vốn đã có khá nhiều nguy cơ động loạn xã hội và lại bị chuỗi bom nổ chậm của nạn tham ô trong chính quyền, còn được coi là tương đối ổn định hơn cả. Tùy theo cách nhìn, người ta có thể cho rằng những gì đang xảy ra tại Philippines hay Indonesia, Thái Lan, thậm chí Đài Loan hay Nam Hàn là tiến trình tự nhiên và khó khăn của việc xây dựng dân chủ, để có một hệ thống chính trị có trách nhiệm công khai và minh bạch hơn trước quốc dân. Nhưng, thực tế thì sự vận hành dân chủ tại các quốc gia nói trên nhất thời đưa tới xáo trộn trong xã hội với ảnh hưởng lan rộng sang kinh tế và rủi ro chính trị quả là sẽ dẫn tới rủi ro kinh tế. Đây là yếu tố giải thích vì sao mà từ đầu năm nay, các thị trường chứng khoán và ngoại hối của một số quốc gia trong vùng bị tuột giá một cách đáng ngại. Nạn dầu thô tăng giá, cuộc khủng hoảng tại Trung Đông và sự suy sụp của ngành công nghệ tín học tại Hoa Kỳ và cả những ách tắc hậu bầu cử tại Hoa Kỳ càng khiến cho tình hình kinh tế tại Châu Á gặp thêm bất trắc đáng ngại. Tuy nhiên, và đây mới là vấn đề đáng nói nhất, cho dù các nước Á Châu có tránh được khủng hoảng chính trị trong thời gian tới, những vấn đề kinh tế nguyên thủy của các nước này vẫn đòi hỏi một nỗ lực cải tổ triệt để hơn. Chúng ta hãy duyệt lại tình hình kinh tế trong khu vực để thấy ra điều đó. Một cách đại lược, các nước Á Châu đều từng có một giai đoạn tăng trưởng cao, khiến giá cả địa ốc và cổ phiếu tăng rất mạnh trong mấy năm cuối thập niên 80, và khi trái bóng đầu tư đó đã xẹp, như tại Nhật từ năm 1989, rất nhiều doanh nghiệp vỡ nợ, ngân hàng bị lún sâu trong các khoản nơ khó đòi và sẽ mất luôn. Kinh tế Nhật bị khủng hoảng trước tiên kể từ đó và 10 năm sau vẫn chưa hồi phục sau khi đã mất toi 1.300 ngàn tỷ đồng Yen, tương đương với sản lượng nội địa GDP của hai năm rưỡi. Nhưng, vào thời điểm đó, hiện tượng tự do chuyển vận tư bản vừa được toàn cầu hóa từ năm 1990, khiến tư bản ngoài Á Châu đã trút về đây, dưới hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Nguồn tài trợ đó mới lại thổi lên một trái bóng đầu tư thứ nhì tại Á Châu ngoài Nhật, cho tới khi trái bóng này bị bể trong vụ khủng hoảng năm 1997. Khi trái bóng này bị xẹp, trị giá tăng vọt một cách giả tạo của các cơ sở kinh doanh đã sụt, và nhiều doanh nghiệp lẫn ngân hàng đã chìm trong nợ. Có khi lên tới 20 lần số bốn pháp định, các khoản nợ này bị mất luôn vì cuộc khủng hoảng. Và hệ thống ngân hàng mới trở nên dè dặt khi cho vay vào đúng lúc kinh tế cần tài nguyên đầu tư để kích thích sản xuất. Khủng hoảng tài chánh đã suy đồi và lan rộng thành khủng hoảng kinh tế chính là vì nền kinh tế thiếu thanh khoản đầu tư. Nhưng, các nước bị khủng hoảng sớm tìm ra giải pháp tài trợ điền thế để kích thích số cầu, như vận động đầu tư nước ngoài, gia tăng thu nhập nhờ xuất cảng, hạ lãi suất ngân hàng và một loạt biện pháp tăng chi ngân sách quốc gia. Một yếu tố phụ trội khác cũng phải được nhắc tới, đó là Hoa Kỳ liên tục giảm lãi suất và mở của đón nhận hàng xuất khẩu của các nước bị khủng hoảng để kéo kinh tế Á Châu ra khỏi nạn suy thoái. Nhờ những biện pháp trên, kinh tế các nước bị khủng hoảng phục hồi sớm hơn sự dự đoán của đa số. Nhưng, chính là vì kinh tế phục hồi nhanh mà các xứ này không đánh giá cho đúng lý do cơ bản của khủng hoảng, và không xúc tiến những biện pháp cải cách. Trước hết là nạn xì bóng đầu tư. Không khí đầu tư lạc quan thời trước khiến trị giá tài sản đầu tư được thổi phồng như trái bóng, khi trái bóng đó xì thì nó để lại khoản nợ chất núi, cho tới nay vẫn chưa được thanh lý mà xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vẫn bơm tiền tài trợ sản xuất, giúp các nước phục hồi nhanh. Về cơ bản thì cái núi nợ đó chưa được thanh lý, và việc cải cách doanh nghiệp lẫn ngân hàng chưa được hoàn tất. Tuần qua, khi công nhân Nam Hàn biểu tình phản đối việc cải tổ các tập đoàn chaebols, ta hiểu vì sao mà việc cải cách đó bị đình hoãn. Đó là vì sợ thi hành biện pháp cải tổ thất nhân tâm nên khi thấy kinh tế có vẻ phục hồi, các chính quyền đều ngưng cải cách, nên không giải quyết vấn đề từ gốc. Một vấn đề thứ hai nữa cũng nghiêm trọng không kém, là các nước trong vùng, kể cả Nhật Bản, đều cùng theo đuổi một sách lược là lấy xuất khẩu làm đầu tầu phát triển. Trong giai đoạn thịnh mãn, các nước bán cho nhau và bán cho thị trường Mỹ để làm giàu. Khi kinh tế một xứ bị trì trệ và nhập cảng ít đi thì các xứ kia lâm nạn. Khủng hoảng dễ lây lan chính là vì sách lược xuất khẩu đó. Giờ này, có lẽ ngoại trừ Hoa lục với thị trường nội địa rất lớn, các nước trong khu vực vẫn còn theo đuổi sách lược đó và nếu khủng hoảng chính trị bùng nổ tại đây, hoặc kinh tế Mỹ bị suy trầm như mọi người dự đoán, suy sup về xuất khẩu sẽ làm kinh tế toàn khu vực bị ảnh hưởng nặng. Việc các ngành công nghệ tin học của Nam Hàn và Đài Loan đều bị thiệt hại khi các công ty trong ngành này của Mỹ cắt giảm nhập cảng có thể là thí dụ tiên báo cho giả thuyết bi quan nói trên. Vấn đề thứ ba nữa là nạn tham ô và cấu kết giữa chính trị và kinh doanh đã góp phần đưa tới khủng hoảng thì cũng chưa được các nước giải quyết. Việc quan chức nhà nước phê duyệt dự án đầu tư kém giá trị và nhiều rủi ro đã phần nào dẫn tới hiện tượng thổi phồng trị giá đầu tư và làm các công ty đổ giàn vỡ nợ. Những gì đang xảy ra tại Philippines, Indonesia, Thái Lan và cả Malaysia lẫn Việt Nam cho thấy là người ta tiếp tục dung dưỡng tình trạng cấu kết tai hại giữa lãnh đạo chính trị với kinh doanh. Ở các nước đang xây dựng dân chủ, như trường hợp Philippines hay Thái Lan hoặc Indonesia, lãnh đạo có thể bị Quốc hội hoặc luật pháp hay lá phiếu cử tri trừng phạt và truất bãi và người ta gọi đó là khủng hoảng chính trị. Ở các xứ còn lại, trong đó có Việt Nam, người ta chưa gặp khủng hoảng bùng nổ toàn diện thì lại gặp phản ứng nghi ngờ của giới đầu tư và kinh tế sẽ khó đạt mức tăng trưởng cần thiết để kéo xã hội ra khỏi sự lầm than. Vì vậy mà, dù có khó khăn chính trị hay không, các nước Á Châu vẫn phải thực thi cải cách nếu không muốn gặp một trận khủng hoảng mới./.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.