50 năm hô khẩu hiệu


2000.12.29

Lời giới thiệu: Cuối năm nhìn lại thiết tưởng cũng không phải là một điều vô ích. Trong khi thế giới đang vù vù tiến mạnh vào tương lai thì đặc-điểm của Việt Nam trong năm 2000 lại là chững lại nếu không muốn nói là đi thụt lùi. Dù như Việt Nam đã ký hiệp ước thương mại với Mỹ, gần như liền sau khi ông Bill Clinton, tổng-thống Mỹ, sang viếng thăm Việt Nam, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đem bao nhiêu con ngoáo ộp ra đe dọa người dân, rồi còn cho sống lại cả một hình thức sinh hoạt tưởng đã chết từ lâu: đại hội thi đua toàn quốc. Rồi Đảng và Nhà nước tuyên bố sống chết với xã hội chủ nghĩa. Song chủ nghĩa đó là gì thì không ai biết nên mới có bài sau đây của bình-luận-gia Ngô Nhân Dụng... Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tin ông Lê Khả Phiêu đến thăm Khu phố 4 bên bờ kênh Nhiêu Lộc, thuộc phường 17 Quận Bình Thạnh với lời tuyên bố của ông dùng làm tựa đề "Đi lên Chủ nghĩa Xã hội chính là vì hạnh phúc của Nhân dân." Khu phố 4 đã được thưởng "Huân chương Lao động" hạng 3, và được mời đi báo cáo kinh nghiệm ở Đại hội Thi đua Toàn quốc lần thứ 6 ở Hà Nội. Lời nói khoa trương của ông Lê Khả Phiêu chắc làm cho nhiều người dân Kênh Nhiêu Lộc cảm động, mặc dù họ không biết "Đi lên Chủ nghĩa Xã hội" nghĩa là cái gì. Thật sự nó là cái gì? Không ai biết. Người ta chỉ có thể nhắc nhở Cộng Sản Việt Nam nên rút kinh nghiệm "đi lên Chủ nghĩa Xã hội" của những nước đàn anh đã đi trước. Cần "báo cáo kinh nghiệm" cho các đảng viên cộng sản hiểu rõ hơn lời ông Tổng Bí thư của họ nói có ý nghĩa gì. Hồ sơ các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc, v.v., tổng kết trong 70 năm tìm đường đi tới Chủ nghĩa Xã hội đã làm cho 100 triệu người chết. Trong đám sinh linh chết oan đó, riêng số người chết vì đói rét, do chính sách kinh tế của các đảng Cộng Sản gây ra khoảng 80 triệu ngườị Trong lúc 20 triệu dân Nga chết đói vì nông dân bỏ không vườn ruộng khi ông Stalin tập thể hóa nông nghiệp, ông Stalin vẫn tuyên bố ông làm gì cũng "vì hạnh phúc của nhân dân." Khi ông Mao Trạch Đông tung ra chiến dịch "Bước Nhảy vọt" ông cũng làm cho cả nền kinh tế Trung Hoa kiệt quệ, 30 triệu người chết đóị Nhưng ông Mao không bao giờ quên nhắc nhở ông là người chỉ muốn nâng cao "hạnh phúc của nhân dân." Bây giờ dân Nga đã rút kinh nghiệm, từ bỏ hẳn con đường dẫn tới Chủ nghĩa Xã hội rồi, còn đảng Cộng Sản Trung Hoa thì miệng vẫn nói theo Chủ nghĩa Xã hội nhưng đang tư bản hóa nền kinh tế nhanh chóng với những bước vững chắc không thể nào đi ngược lại. Nhưng nếu hỏi ông Lê Khả Phiêu "đi lên Chủ nghĩa Xã hội" nghĩa là gì, thì chắc ông sẽ không nhắc tới con đường mà Stalin hoặc Mao Trạch Đông đã dẫn dân Nga, dân Tàu đi qua. Ở các nước tự do, khi một chính trị gia hứa hẹn với dân thì không thể không trình bày các chương trình cụ thể: thuế má đóng ra sao, trường học, nhà thương, an sinh xã hội thế nào, và có các kế hoạch gì để có những xí nghiệp mở mang, người dân có công ăn việc làm thêm. Một nhà chính trị nói sẽ có những nhà chính trị khác phê bình, phản bác, đưa ra các đề nghị khác và báo chí được tự do thông tin, bình luận, để dân biết mà lựa chọn. Nhưng các lãnh tụ cộng sản không bao giờ nói đến các chuyện cụ thể như vậy. Và họ cũng không bao giờ có can đảm để người khác phê bình, so sánh. Ông Phiêu và các lý thuyết gia của đảng không bao giờ giải thích được cái chương trình xã hội chủ nghĩa là gì, không dám để cho ai lên tiếng nhận xét, so sánh những khẩu hiệu mơ hồ của họ với các ý tưởng, chương trình cụ thể của những người bất đồng chính kiến. Bởi vì cái khẩu hiệu Chủ nghĩa Xã hội hoàn toàn trống rỗng. Các lãnh tụ cộng sản xưa nay vẫn quen sử dụng lối nói trống rỗng như vậy. Khi ông Hồ Chí Minh mới tái lập đảng Cộng Sản năm 1951 dưới nhãn hiệu Đảng Lao Động, ông ta họp các cán bộ hành chánh, quân sự để lên lớp về cái danh hiệu mới. Một cán bộ muốn tỏ ra mình tha thiết muốn học tập, đã hỏi ông Hồ, xin "giải nghĩa một cách đơn giản nhất Chủ nghĩa Cộng Sản là cái gì?" Ông Hồ nghe, ngẫm nghĩ một hồi lâu, rồi trả lời: "Những gì ích lợi cho dân, cho nước, đó là Chủ nghĩa Cộng Sản." Người đặt câu hỏi, và các cán bộ còn quen thói suy nghĩ của người có học, đi ra ngoài phòng họp chỉ biết lắc đầu: "Trả lời như vậy thì hỏi làm cái ... gì!" Bởi vì rõ ràng, một lời xác định kiểu Hồ Chí Minh không có ý nghĩa gì cả. Ai cũng có thể nói được những khẩu hiệu kiểu đó: "Những gì ích lợi cho dân, cho nước, v.v..", rồi nhận đó chính là đảng mình, là lý tưởng, là chủ trương của mình. Khi nói đến lý tưởng, mục đích, thì ai cũng có thể nói đến những điều tốt đẹp, cao quý nhất. Ai cũng nói rằng "Những gì ích lợi cho dân, cho nước, là tôi đây". Điều quan trọng nhất đối với người đặt câu hỏi, đối với tất cả mọi người khi nghe các chính trị gia tuyên truyền, không phải là muốn nghe về các mục đích đẹp đẽ nói ra, mà người ta muốn biết những phương cách làm sao đạt tới các lý tưởng đẹp đẽ đó. Mà những phương cách tiến tới Chủ nghĩa Xã hội đã thí nghiệm trên thế giới thì chỉ làm cho người dân khổ hơn mà thôi. Ông Stalin muốn tiến tới Chủ nghĩa Xã hộị Ông Fidel Castro cũng đang xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Ông Pol Pot cũng chỉ có lý tưởng thực hiện Chủ nghĩa Xã hội. Chưa một ông nào tự nhận họ đã đến nơi mà họ mơ ước đó, tất cả vẫn chỉ là các ước mơ, và trên con đường họ dẫn mọi người đi để tiến lên Chủ nghĩa Xã hội đó, rải rác 100 triệu xác người, phần lớn là chết đói. Ông Lê Khả Phiêu nói "Đi lên Chủ nghĩa Xã hội chính là vì hạnh phúc của Nhân dân" thì cũng không khác gì ông Hồ Chí Minh nói "Những gì ích lợi cho dân, cho nước, đó là Chủ nghĩa Cộng Sản." Bất cứ ai cũng có thể hô các khẩu hiệu như vậy. Tất cả chỉ là các khẩu hiệu trống rỗng. Một nửa thế kỷ mà các lãnh tụ cộng sản còn tiếp tục hô những khẩu hiệu trống rỗng như thế, nó chứng tỏ hai điềụ Thứ nhất, họ khinh dân, coi dân là một lũ ngu đần. Thứ hai, cái đầu của họ hoàn toàn bế tắc, chính họ cũng không biết gì hơn ngoài mấy khẩu hiệu rỗng tuếch.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.