Tổng kết về cuộc họp nội các Việt-Thái đầu tiên


2004.02.23

Bấm vào đây để nghe bài tường trình này
Rightclick to download this audio

Việt Hùng tường trình từ Bangkok Thưa quí thính giả, cuộc họp đầu tiên nội các hai chính phủ Việt Nam và Thái Lan đã kết thúc với nhiều hiệp ước được ký kết. Từ Nakhon Phanom, Thái Lan, Việt Hùng có bài tổng kết gửi về, mời quí vị theo dõi như sau.

Sau hai ngày gặp mặt, một tại Ðà Nẵng, một tại Nakhon Phanom, một tỉnh nằm về hướng đông bắc Thái Lan cách thủ đô Bangkok chừng hơn 700 cây số. Hai phái đoàn chính phủ Việt Nam & Thái lan đã chia tay nhau với một số hiệp định được ký kết, hoặc ký bổ xung. Trong buổi họp báo sau khi kết thúc phiên họp tại Thái Lan, Thủ tướng Thái Lan Thacksin Sinawatra đã thông báo về kết quả làm việc trong hai ngày: (audio clip) Related Stories - Cuộc gặp gỡ đầu tiên sau 28 năm thiết lập ngoại giao Việt-Thái

Thủ tướng Thacksin nói, sau hai ngay làm việc Việt Nam và Thái Lan đã thống nhất để đi đến một sự hợp tác vững vàng và gần gũi hơn giữa hai quốc gia. Những đề tài bàn thảo được chia làm 3 lĩnh vực chính: thứ nhất hợp tác về chính trị và an ninh, thứ hai là hợp tác về kinh tế và thứ ba là hợp tác về giáo dục, văn hóa và xã hội. Mỗi lĩnh vực đều do các phó thủ tướng có trọng trách của cả hai bên bàn thảo. (audio clip)

Hai chính phủ đã ký kết được 8 Hiệp định, trong đó 4 hiệp định được ký tại Ðà Nẵng đó là bản Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Thái Lan trong thập kỷ đầu thế kỷ 21 bao gồm những thỏa thuận về hợp tác khoa học-kỹ thuật; thỏa thuận hợp tác giáo dục; và Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định miễn thị thực với những công dân đi công tác hoặc mang hàm ngoại giao.

Sau ngày làm việc thứ hai, cả hai bên đã chính thức ký 4 hiệp định còn lại là Hiệp định khung về hợp tác kinh tế; thỏa thuận về việc áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật; tuyên bố chung về những thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường bộ và hiệp định về phòng chống các hoạt động tội phạm.

Cũng từ cuộc họp này, Thái Lan đã cam kết là sẽ ưu đãi mức thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Cả hai quốc gia đều muốn có những hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực nông nghiệp nhất là ngay trong lúc này, cả hai bên còn phải đối đầu với dịch cúm gà với 22 người tử vong, trong đó 15 người Việt và 7 người Thái.

Phía Việt Nam cũng yêu cầu Thái Lan nhập khẩu thêm một số nông sản Việt Nam, nhất là cà-fê và cao su. Trong lĩnh vực xuất khẩu hải thủy sản, Việt Nam và Thái Lan cũng muốn có tiếng nói đồng nhất khi cả hai chính phủ đều đứng trước vụ kiện bán phá giá tôm tại Hoa Kì.

Những thoả thuận về phát triển du lịch và giao thông cũng được hai chính phủ chú trọng mặc dù trước đó phía Thái lan đã tỏ ra chưa có chuẩn bị cho hiệp ước về giao thông đường bộ. Tuy vậy trong cuộc họp hai bên cũng bàn tới những vấn đề mở rộng đường hàng không, cũng như đường thủy trong khu vực sông Mê-kông. Về phía mình, chính phủ Việt Nam cũng đánh giá cao lời đề nghị của Thái Lan là muốn tham gia vào những chương trình dầu khí và khí đốt. Thủ tướng Thacksin nói rõ thêm về vấn đề này: (audio clip)

Theo Thủ Tưóng Thái, cả hai bên đều đồng ý đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Phía Việt Nam bày tỏ sự vui mừng và tỏ ý hoan nghênh ý muốn của PDGEP, tức công ty năng lượng Thái Lan về hợp tác tìm kiếm dầu lửa và khí đốt tại miền nam và tây nam Việt Nam. (audio clip)

Ngược dòng thời gian, nếu nhìn lại vài năm đổ lại đây, những cuộc họp chính phủ song phương như thế này đều nằm trong chính sách ngoại giao, chính trị của Thái Lan là chủ yếu. Ðây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Thái có những cuộc họp giữa hai chính phủ mà trước kia, Thái Lan đã từng có những cuộc họp tương tự với Myanmar, Lào, Campuchia vv…

Tuyên bố với các phóng viên báo chí, Thủ tướng Thái đã xác nhận điều này và cho rằng đây là một chương trình trong kế hoạch ngoại giao của Thái Lan. Ông nói: (audio clip)

Ông Thacksin vừa nói, chính phủ Thái Lan rất coi trọng những quan hệ với các quốc gia láng giềng, nhất là quan hệ giữa giới lãnh đạo cũng như nhân dân vì điều này có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Thái Lan. Nó giúp cho cả hai bên ổn định tình hình trong khu vực. (audio clip)

Với tư cách là người đứng đầu chính phủ Thái, ông Thacksin cũng nhìn nhận, rằng vẫn còn có những bất đồng trong khối ASEAN, trong khi một số thành viên của khối tin tưởng Thái Lan thì một số khác lại thân thiện với Việt Nam nhiều hơn và nếu hai quốc gia Thái - Việt tìm được sự hợp tác chung thì bầu không khí căng thẳng trong ASEAN có thể sẽ dần hóa giải được.

Cũng về vấn đề này, tại hành lang Hội Nghị, người phát ngôn chính phủ Thái là ông Jarkapop Penkair trong cuộc tiếp xúc với báo giới nói, rằng một số thành viên trong khối vẫn còn mang tư tưởng thời chiến tranh lạnh, nghĩa là vẫn muốn xây dựng phe phái mặc dù ông không tiết lộ danh tánh những quốc gia đó là quốc gia nào. Vì vậy cuộc họp Thái - Việt này theo ông có khả năng mở ra một trang sử ngoại giao mới cho vùng Ðông Nam Á.

Về phần mình, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải trong cuộc họp báo cũng bày tỏ sự đồng tình với những nội dung theo thông báo của Thủ tướng Thacksin và cho rằng cuộc họp này rất quan trọng với Việt Nam.

Ông Khải cũng nói thêm là ông đã nói chuyện với ông Thacksin để tìm cách triển khai những hiệp định đã được ký kết: (audio clip)

Trong các văn kiện ngoại giao hẳn còn nhớ, trong quá khứ, hai bên Thái Lan & Việt Nam đã từng ký kết những hiệp định hay những bản ghi nhớ chung, nhưng trên thực tế nhiều khi không được đưa vào hoạt động, chẳng hạn như bản ký kết chung về hợp tác hai bên trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gạo, được ký kết từ năm 2000 nhưng cho đến nay vẫn chỉ là đề tài để họp bàn trong lần tới của hai chính phủ.

Tại cuộc họp báo, trong khi chính phủ Thái bày tỏ sự hài lòng với những hiệp định kinh tế ký được với Việt Nam, thì phía Việt Nam qua lời ông Khải lại bày tỏ niềm phấn khởi với sáng kiến lập làng hữu nghị Thái - Việt tại BannaChok nhiều hơn. Trong buổi họp báo, Thủ tướng Phan Văn Khải nhiều lần nhắc đến vấn đề này: (audio clip)

Ðiều mà nhiều người Thái gốc Việt chờ đợi nhất là sau cuộc họp hai chính phủ Thái - Việt, đó là việc thủ tướng Thái Thacksin Sinawatra, với sự tác động của Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải đã hứa hẹn cấp quốc tịch Thái cho những người gốc Việt di dân từ cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng chưa có giấy tờ định cư chính thức để họ có thể về thăm lại Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.