HỘI NGHỊ NHÓM TƯ VẤN CHO VIỆT NAM KÊU GỌI HÀ NỘI ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI


1998.12.08

Sau hai ngày thảo luận, Hội Nghị Tư Vấn Viện Trợ Cho Việt Nam Kỳ 6 do Ngân Hàng Thế Giới đã kết thúc ở Paris, với nhận định nói là Hà Nội có thể vượt qua được những khó khăn do cuộc khũng hoảng kinh tế tài chnah Châu Á gây ra, với điều kiện phải đẩy mạnh đổi mới. Các quốc gia và những tổ chức quốc tế viện trợ cho Việt Nam cũng báo động là tình trạng kinh tế của Việt Nam hiện đang ở trong giai đoạn rất đáng ngại, và nguyên nhân khiến cho mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm không phải chỉ vì các ảnh hưởng xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á, mà còn vì nhiều lý do khác nữa, trong đó, có lý do Việt Nam đã không đổi mới đúng mức, và không tận dụng đúng nguồn tài nguyên sẵn có. Tình trạng này sẽ còn nguy kịch hơn trong tương lai, chẳng hạn như mức người nghèo sẽ tăng, nếu Việt Nam không đưa ra được những biện pháp cứu nguy cấp thời. Đây không phải là điều mà chỉ có các nước và những tổ chức cấp viện nói tới, mà ngay chính trong lời phát biểu ở Hội Nghị, trưởng phái đoàn Việt Nam là Phó Thủ Tướng Ngô Xuân Lộc cũng lên tiếng nhìn nhận nhà nước rất quan tâm đến tình trạng xã hội hiện nay, và làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ người nghèo, nhất là phụ nữ và trẻ em. Các phương thức cần thực hiện để bảo vệ người nghèo đã được đem ra thảo luận tại hội nghị lần này. Hội Nghị cũng đã bàn tới tầm quan trọng của vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ủng hộ các kế hoạch nhằm nâng cao mức thu nhập của nông dân, xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội ở nông thôn, chú trọng vào các dự án phát triển thủy lợi mà nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh là Hà Nội phải đổi mới chính sách và đổi mới cơ chế nếu muốn thực hiện các dự án này. Các quốc gia cấp viện cũng kêu gọi Việt Nam phải quy định rõ rệt trách nhiệm của từng định chế khi thi hành các dự án phát triển nông thôn, và nhấn mạnh là nếu muốn thành công, Hà Nội phải bỏ chế độ trung ương tập quyền trong tiến trình sử dụng ngân khoản được trợ cấp, và thay vào đó là đưa hẳn những nguồn tài trợ về cho nông thôn, đồng thời cũng phải đẩy mạnh các kế hoạch giúp phát triển tiểu thương và nhưng cơ sở thương mãi bậc trung. Bên cạnh những cuộc thảo luận liên hệ đến xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn, Hội Nghị cũng đã thảo luận về chuyện Việt Nam phải cải tổ lại hệ thống quản trị. Theo nhận định của Hội Nghị, một nền quản trị tốt phải bao gồm các điều kiện căn bản là minh bạch, rõ rệt, tin tức được quảng bá sâu rộng, đồng thời phải quyết tâm bài từ tệ trạng tham nhũng, hối lộ, và các viên chức phải được huấn luyện kỹ càng, và phải chứng tỏ được khả năng phục vụ. Các nước và những tổ chức tham dự có mặt tại hội nghị cũng đồng ý là mức phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ giảm xuống chỉ còn từ 3,5 cho đến 4,5%, so với 8,8% thu hoạch được hồi năm ngoái. Tình trạng này xảy ra vì mức độ cải cách đang chậm lại, hệ thống hành chánh công quyền vẫn chưa được cải tiến. Đây cũng là những nguyên nhân khiến cho số vốn của người nước ngoài bỏ vào đầu tư ở Việt Nam đang giảm ở mức đáng lo ngại. Trong lãnh vực tài chánh ngân hàng, Hội Nghị nói là đã tới lúc, Hà Nội phải giảm bớt các luật lệ khắt khe đang được áp dụng liên quan đến vấn đề ngoại tệ, nhất là phải bãi bỏ càng sớm càng tốt luật bắt các công ty phải đổi 80% số ngoại tệ ký thác trong ngân hàng sang tiền Việt Nam. Về khoản này, ông Trần Xuân Giá, bộ trưởng kế hoạch và đầu tư của Việt Nam đã biện minh bằng lời tuyên bố mà chúng tôi xin được trích dẫn nguyên văn như sau: đây là biện pháp của một nhà nước thông minh trong hoàn cảnh bất thường, nhưng chỉ tạm thời thôi và sẽ được chấm dứt. Cuối cùng, các nước và những tổ chức cấp viện đã đồng ý sẽ dành cho Việt Nam 2 tỷ 200 triệu, sẽ được dùng vào việc cải cách cấp bách và cứu đói, hơn là những chương trình hay dự án phát triển như đã từng làm trước đây. Đặc biệt nhất là hội nghị cũng thông qua một ngân khoản trị giá 500 triệu đô la, dành riêng cho việc đẩy mạnh cải cách theo ba đường hướng sau đây: thứ nhất là đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, thứ hai là sử dụng vào việc cải tổ cơ cấu ngân hàng, kể cả các ngân hàng của nhà nước, và thứ ba là thực thi chương trình giải tỏa mậu dịch trong 3 năm, với chỉ tiêu được ấn định từng năm một. Các quốc gia và những tổ chức cấp viện tham dự hội nghị Paris năm nay cũng đồng ý sẽ giải ngân nhanh chóng hơn cũng như giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam, để Việt Nam có thể thực hiện các kế hoạch, dự án đổi mới nhanh hơn. Các nhà phân tích nói là lời cam kết này được đưa ra với mục đích thúc đẩy Việt Nam phải thực hiện tiến trình đổi mới ở mức độ nhanh hơn nữa. Các giới chức thẩm quyền của Ngân Hàng Thế Giới cũng nhắc lại là trong vòng 6 năm qua, Việt Nam đã được hứa giúp 10 tỷ 900 triệu đô la, nhưng hiện nay, 7 tỷ vẫn chưa được giải ngân, chỉ vì đường lối hoạt động và việc chậm chạp thi hành các dự án cải cách của Hà Nội. Do đó, ngay sau khi hội nghị Paris kết thúc, ông Edouard Wattez, phối hợp viên của Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam đã lên tiếng nói là với lề lối làm việc của Hà Nội hiện nay, ông không nghĩ tất cả số tiền 2 tỷ 700 triệu mới được hứa sẽ được giải ngân trong tài khóa 1999. TRANH ĐẤU CHO NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM TỪ 90 NĂM TRƯỚC LỜI GIỚI THIỆU: Lễ kỷ niệm 50 năm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đang được tổ chức hết sức trọng thể ở khắp nơi trên thế giới. Sự kiện này cho thấy rõ ràng là cho ngày tới hôm nay tranh đấu cho Nhân Quyền đã trở nên một cuộc vận động toàn cầu. Cuộc vận động toàn cầu lần này chắc chắn sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp hơn trước cho cuộc sống của hàng tỷ người ở nhiều quốc gia mà ở đó Nhân Quyền còn bị coi rẻ, trong số đó có 80 triệu người Việt Nam chúng ta. Nhân dịp này Đài Á Châu Tự Do kiểm điểm lại cuộc tranh đấu cho Nhân Quyền ở Việt Nam từ 90 năm trước đây. Bài do Hai Trang viết riêng cho Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do. XXXXXXXXXXXXXXXXX Đầu Thế kỷ 20 này, sau khi người Pháp đặt vững được chế độ thống trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam, họ lập ra nền học chính Pháp-Việt, nói là để dẫn dắt người Việt Nam đi vào nền văn minh Aâu Tây. Người đi học thời đó chuyển dần từ Nho học sang Tây học, bắt đầu được biết đến lịch sử của nước Pháp. Ngoại trừ thành phần đi học theo Tây, chỉ nhằm mục đích chen chân vào hàng ngũ thống trị để tìm kiếm danh lợi cho bản thân, phần đông các bậc trí giả thời đó đều hết sức quan tâm tìm cái hay trong lịch sử văn minh của loài người đặng biết cách tranh đấu giải phóng cho dân tộc, giành lại độc lập tự do và hạnh phúc cho dân Việt Nam. Nhờ tinh thần cầu tiến đó mà các cụ đã sớm biết đến cuộc Cách Mạng Pháp hồi cuối Thế kỷ thứ 18, thường gọi là Đai Cách Mạng Tư Sản Dân Quyền. Bản Tuyên ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Pháp công bố từ năm 1789 phải mất hơn một trăm năm mới đến được với một số rất ít người Việt Nam. Một trong số những người đó là Cụ Phan Châu Trinh. Cụ Phan Châu Trinh, hiệu là Tây Hồ, quê ở huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam vốn là một nhà Nho, đã thi đỗ, đã từng làm quan, nhưng đã từ bỏ phú quý vinh hoa để trở về với nhân dân, phát động công cuộc vận động đổi mới cho dân tộc. Thời đó cuộc vận động đổi mới của cụ Phan Châu Trinh được gọi là Phong trào Duy Tân. Ngày 15 tháng Tám năm 1906 cụ Phan Châu Trinh viết một lá thư gửi cho viên Toàn quyền của Pháp ở Đông Dương, đòi chính phủ phải đổi mới cách cai trị. Trong lá thư này, cụ Phan đã lên án rất nặng nề chính sách của người Pháp dùng cán bộ người Việt là đội ngũ quan lại tham nhũng để bóc lột hà hiếp nhân dân. Lá thư phản kháng của cụ Phan Châu Trinh viết bằng chữ nho đã được một vị thông thạo cả nho học và tây học là ông Nguyễn Văn Vĩnh ở Hà Nội dịch sang tiếng Pháp và sang quốc ngữ. Vì vậy mà tư tưởng và lập trường của cụ Phan được truyền bá rộng rãi ở cả ba miền, Bắc, Trung và Nam. Liền đó, giới sĩ phu hưởng ứng phong trào Duy Tân mau chóng dấy lên những cuộc tranh đấu giành lại quyền sống và quyền làm người cho nhân dân. Cuộc tranh đấu có quy mô lớn nhất và cũng là cuộc vận động quần chúng nổi dậy chống bóc lột và áp bức đầu tiên trong lịch sử cách mạng dân tộc là những cuộc biểu tình chống thuế của nhân dân các tỉnh ở miền Trung năm 1907. Hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn nông dân ở nhiều phủ huyện đã liên tục nổi dậy, tổ chức biểu tình kéo nhau tên tỉnh đòi giảm thuế và đòi nhà cầm quyền phải trừng trị bọn quan lại và cường hào đã hà hiếp và bóc lột nhân dân từ bấy lâu nay. Để biểu lộ tinh thần đổi mới do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng, dân chúng bảo nhau cùng cắt bỏ búi tóc, để tóc ngắn và gọi nhau là đồng bào. Tất cả những cuộc biểu tình đòi giảm thuế và chống áp bức của cường hào và quan lại cấp huyện và cấp tỉnh này đều là biểu tình không có bạo động. Nhưng nhà cầm quyền ở trung ương đã cương quyết bênh vực cho hàng ngũ quan chức và cán bộ của bộ máy thống trị và thẳng tay đàn áp nông dân rất tàn bạo. Theo tất cả các tài liệu lịch sử đang được giảng dạy tại các trường học ở Việt Nam hiện nay thì nhà cầm quyền thời đó đã giết chết hơn một ngàn người bị quy kết là đã cầm đầu các cuộc biểu tình chống thuế và hưởng ứng phong trào đòi đổi mới cách cai trị. Số người bị bắt lên tới hàng vạn khiến cho các nhà tù cấp huyện và cấp tỉnh không đủ chỗ để giam giữ người. Phủ Toàn quyền ở Hà Nội biết rõ rằng người khởi xướng phong trào Duy Tân, tức là đòi Đổi Mới, chính là cụ Phan Châu Trinh. Vì vậy, họ đã ra lệnh cho chính phủ Nam Triều ở Huế phải trừng phạt cụ Phan bằng một cái án nặng nhất. Thế là Triều đình Huế tuân theo chỉ thị của Hà Nội mà tuyên án tử hình cụ Phan. Ngay lập tức các môn đệ của cụ đã kịp thời mở cuộc vận động chống lại bản án tử hình của triều đình Huế. Người đi tiên phong trong cuộc vận động này là ông Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà báo, và cũng là một trong những vị sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục. Khi đó, ông Nguyễn Văn Vĩnh mới đi Pháp về, sau khi đã dự Hội chợ Đấu xảo tổ chức ở thành phố Marseille, miền Nam nước Pháp. Trong thời gian thăm viếng thủ đô Paris, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã có dịp nghiên cứu nền báo chí rất tiến bộ của Pháp thời đó. Hơn thế nữa ông Vĩnh còn giành rất nhiều thời gian để gặp gỡ và thảo luận với các giới trí thức tiến bộ ở thủ đô ánh sáng, nhất là tiếp xúc với các nhà lãnh đạo của Liên Đoàn Nhân Quyền Pháp. Liên Đoàn Nhân Quyền này là một thế lực mạnh nhất trên thế giới của những người trí thức tiến bộ hồi đầu thế kỷ này. Các nhà lãnh đạo phong trào nhân quyền ở Pháp rất bất bình sau khi nghe ông Nguyễn Văn Vĩnh trình bày về nạn tham nhũng và áp bức do nền cai trị thực dân gây ra ở Việt Nam. Do đó ông Vĩnh được mời làm hội viên của Liên Đoàn Nhân Quyền. Từ tháng Bảy năm 1906, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên làm hội viên của Liên Đoàn Nhân Quyền Pháp. Cho nên, khi trở về nước ông Nguyễn Văn Vĩnh đã hết sức vận động giải cứu cho cụ Phan Châu Trinh thoát khỏi tội bị chặt đầu. Cuộc vận động này không những được giới sĩ phu trong nước hết lòng tham gia mà còn lôi cuốn được sự ủng hộ của các giới tiến bộ người Pháp. Kết quả là năm 1908, nhà cầm quyền Pháp ở Hà Nội đã bị bắt buộc phải nhượng bộ bước đầu là huỷ bỏ án tử hình của triều đình Huế và đem cụ Phan Châu Trinh đi đày ở Côn Đảo cùng với rất nhiều sĩ phu yêu nước khác. Nhưng các nhà tranh đấu cho Nhân Quyền vẫn coi sự nhượng bộ này là chưa đủ. Tất cả đều quyết liệt đòi hỏi nhà cầm quyền phải trả tự do cho cụ Phan Châu Trinh. Kết quả là ba năm sau, năm 1911, Hà Nội phải trả tự do cho nhà ái quốc vĩ đại này. Cụ Phan ra khỏi nơi tù đày ở Côn Đảo để về ở Mỹ Tho, nơi nhà của bạn hữu. Sau một thời gian ngắn, cụ Phan Châu Trinh nhận lời sang Pháp để nghiên cứu, và đi cùng chuyến tàu biển với viên Toàn quyền thời đó là KLO-BU-KOWS-KI. Người ta hiểu rằng đó là một cách để nhà cầm quyền trục xuất cụ Phan ra khỏi quê hương, không để cho cụ còn có điều kiện ở lại trong nước để lãnh đạo phong trào đòi đổi mới Cuộc tranh đấu cho Nhân Quyền ở Việt Nam trong hai năm 1907 và 1908 đã được ghi lại bằng những chữ vàng son chói lọi trong các tập kỷ yếu của Liên Đoàn Nhân Quyền Pháp quốc. Ngày 8 tháng Năm, 1936, tại Hà Nội, ông DELMAS, Chủ tịch Chi Hội Hà Nội của Liên Đoàn Nhân Quyền Pháp đã nhắc lại những sự kiện này tại lễ tang ông Nguyễn Văn Vĩnh. Trong bài điếu văn đọc trước khi hạ huyệt, vị Chủ tịch Chi Hội Hà Nội của Liên Đoàn Nhân Quyền Pháp quốc đã có đoạn như sau đây, chúng tôi xin trích dẫn trước khi chấm dứt bài này. "Liên Đoàn Nhân Quyền chúng tôi đến hôm nay vẫn còn đang rung động về những cuộc đấu tranh ban đầu, tiến hành lúc ông Nguyễn Văn Vĩnh chỉ mới có 25 tuổi đời, Liên Đoàn chúng tôi đã hân hoan đón nhận ông làm một đoàn viên. Người ta không thể nào kể lại một cách sơ lược vai trò của ông trong Liên Đoàn của chúng tôi, nếu không tôn ông lên thành một nhân vật lịch sử. Vì vậy mà tôi xin tự giới hạn trong việc kể lại cuộc vận động của ông trong năm 1908, cuộc vận động này đã đem lại kết quả là giải thoát được cho nhà trí thức nho học vĩ đại của Việt Nam là Phan Châu Trinh. Ông Phan đã bị toà án của triều đình Huế kết án tử hình, chỉ vì ông đã viết một bài kêu gọi nhân dân tố cáo những việc làm tham nhũng và lộng hành của bọn quan chức và bọn bộ trưởng của thời đó. Để đảm nhận trách nhiệm này, cần phải có lòng dũng cảm phi thường. Đây chính là một hành động cương quyết của Liên Đoàn Nhân Quyền mà ông Vĩnh là nguồn động lực, và kết quả là đã cứu nhà trí thức Phan Châu Trinh thoát khỏi cái án lệnh đáng phỉ nhổ là đem một con người đi chặt đầu."

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.