Hồ sơ Nhân quyền Bài I Tổng quan về bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 Thiên Trung-RFA


1998.12.14

Ngày 10 tháng 12 năm 1948, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, họp ở Paris đã biểu quyết thông qua bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, văn kiện lịch sử đã được ca ngợi là "Tuyên ngôn về đạo lý của một nhân loại có tổ chức". Nhân dịp văn kiện này ra đời tính đến nay đã được tròn 50 năm, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền đã cổ võ các nước trên thế giới kỷ niệm 50 năm bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được công bố. Đài Á châu Tự do giới thiệu một loạt bài với quý thính giả, trong đó Thiên Trung sẽ phân tích nội dung bản Tuyên Ngôn 1948, đồng thời nhận định về giá trị lịch sử, nhân văn mà tài liệu này đã có và còn có trong tương lai. Sau đây là bài viết thứ nhất của Thiên Trung dưới tựa đề "Tổng quan về bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948" ************ "Con người sinh ra tự do, mà nơi nào cũng bị xiềng xích". Do Jean Jacques Rousseau trình bày trong cuốn Khế ước Xã hội hơn hai trăm năm trước, ý kiến này hiện vẫn còn giá trị thời sự. Điều đó nói lên nỗi bi thảm thường trực của kiếp người: đó là thực chất nô lệ bất bình đẳng dưới mọi hình thức trong quan hệ giữa người với người. Bởi thế vấn đề sinh tử mà qua các thời đại con người không thể không giải quyết, là phải làm sao chuyển hóa thân phận nô lệ của mình thành một nhân phẩm được thực sự kính trọng, đầu tiên từ phía người cầm quyền. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết tại Paris ngày 10 tháng 12 năm 1948 là một dấu mốc quan trọng trong cuộc viễn trình gian khổ, xuyên qua các thế kỷ, của loài người, thôi thúc bởi ý chí không ngừng tiến thăng nhân quyền. Trước khi đi sâu vào nội dung bản Tuyên Ngôn Nhân quyền 1948, nên có một tổng quan, nghĩa là một cái nhìn chung tóm lược về văn kiêỉn lịch sử ấy qua hai trục suy nghĩ là sự đột xuất và giá trị của văn kiện. I. Sự đột xuất của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 Bà quả phụ Eleanor F.D. Roosevelt, nhân vật có công lớn trong việc khai sinh ra bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năn 1948, 50 năm trước đây, đánh giá văn kiện này như là bản Đại Hiến Chương (Magna Carta, Great Charter) của nhân loại. Magna Carter là một văn bản vua nước Anh ban hành năm 1215. Trong số 63 điều Hiến chương này quy định quyền của vua và quyền của thần dân, có điều khoản cấm bắt giam người mà không xét xử theo lụật pháp. Người Anh coi Đại Hiến Chương như bản Hiến pháp đầu tiên của họ. Khi gọi Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là bản Đại Hiến Chương của nhân loại, bà Eleanor F.D. Roosevelt muốn thấy văn kiện này trở thành Hiến pháp đầu tiên của cả loài người. Nhưng lịch sử nhân quyền không chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ thứ 13 với Đại Hiến Chương, mà có lẽ từ buổi rạng đông của lịch sử. Chỉ nói về châu Âu, cuối thế kỷ trước Công nguyên, ở La Mã, dân chúng đã lật đổ vua để thiết lập nền Cộng Hòa. Sau đó giới bình dân lại tranh chấp với giới quý tộc để đòi nâng cao mức dộ dân chủ. Tuy nhiên chế độ nô lệ chưa được bãi bỏ, mà chế độ quân chủ lại được phục hồi, khiến nhân quyền bị khinh miệt trở lại suốt hơn 10 thế kỷ. Cho nên hậu thế mới ghi khắc vào lịch sử nhân quyền năm 1215 là năm ra đời của bản Đại Hiến Chương. Rất tiếc còn phải đợi thêm bốn thế kỷ nữa mới thấy cuộc chinh phục nhân quyền triển khai được sức mạnh mới. Thực vậy, mãi đến thế kỷ 17 nước Anh mới có thêm Bản Thỉnh nguyện nhân quyền dân quyền 1628 (Petition of Rights) rồi Thủ tục bảo hộ nhân thân (Habeas corpus) năm 1679 bảo đảm an ninh về nhân thân cho người dân. Thủ tục này buộc người hay cơ quan bắt giam phải đem người bị bắt trình diện để người ta nhìn thấy "thân thể" người ấy không bị hành hạ. Kế tiếp, có Hiến chương nhân quyền 1689 (Bill of Rights) liệt kê các loại quyền của con người, của công dân, đã có ít nhiều được tôn trọng như quyền tự do tôn giáo, quyền tối thượng của luật pháp v.vẦ. Sau đó có Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Hoa Kỳ, Tuyên Ngôn nhân quyền và dân quyền 1789 của Pháp. Có thể nói các văn bản kể trên, trải qua hơn 5 thế kỷ từ 13 đến 18, đã được kết tinh và cập nhật hóa trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1948. Bản này gồm có một lời mở đầu xúc tích, xác định ý nghĩa nhân văn và lịch sử của Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1948 và một nội dung gồm 30 điều khoản chia thành 6 trọng điểm: thứ nhất, điều 1 và 2 nói về tự do, bình đẳng, bác ái; thứ nhì, từ điều 3 cho đến điều 11 nói về các quyền và các tự do nhân thân; thứ ba, từ điều 13 đến điều 18 nói về quyền của cá thể trong mối liên hệ đối nội, đối ngoại với cộng đồng mà cá thể đó thống thuộc; thứ tư, từ điều 18 đến điều 21, nói về các quyền tự do tinh thần, các quyền dân sự, chính trị; thứ năm, từ điều 22 đến điều 27 nói về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; thứ sáu, ba điều chót, 28, 29 và 30 nói về tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc và nghĩa vụ của cá thể đối với cộng đồng. Chỉ với hơn 2500 từ, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 chẳng những đã kết tinh được một cách cụ thể, đầy đủ và linh động các nguyên tắc, mục tiêu, nguyện vọng về nhân quyền của những văn bản đã được công bố từ mấy thế kỷ trước, mà còn mang lại được cho nhân quyền những kích thước mới, vượt lên trên kỳ thị chủng tộc, địa lý, ý hệ, tôn giáo, chính trị, xã hội để thăng hoa nhân phẩm thành một giá trị phổ cập của nhân loại. Trước đó, chưa có một văn bản nhân quyền nào đạt được thành tích ấy. Bởi thế, và nhất là từ thập niên 90, sau khi hệ thống chuyên chế toàn trị xã hội chủ nghĩa phi nhân ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, cả nhân loại đã chào đón bản Tuyên ngôn 1948 như một bông hoa tinh thần đại đóa, như tinh lý của luật loài người, đột nhiên xuất hiện để làm kỷ cương - một thứ Đại Hiến Chương - cho cuộc sống toàn cầu những năm 2000. II. Giá trị cưỡng hành của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1948 Không ai có thể phủ nhận nội dung nhân văn cao rộng. vượt thời gian và không gian của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1948. Ưu điểm này xuất phát từ việc Tuyên ngôn này đã ra đời trong khung cảnh lịch sử của một nhân loại - chưa hết kinh hoàng vì cuộc đệ nhị thế chiến tàn khốc - muốn vĩnh viễn xóa bỏ ý hệ độc tài toàn trị bằng bạo lực để thay thế bằng tư tưởng hòa bình , dân chủ, tự do được chế độ hóa. Như vậy liệu Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1948 có hiệu lực cưỡng hành của một đạo luật quốc tế không? Nghi vấn này cần nhiều giải đáp vì vấn đề hiệu lực ấy không đơn giản. Nhiều luật gia, những người trực tiếp soạn thảo bản bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1948, một số quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc có tiếng nói chung quyết về Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1948, trong đó có Mỹ, đã nhìn nhận rằng tự bản thân nó, Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1948 không có khả năng tạo ra loại hiệu lực cưỡng hành của luật quốc tế. Lý do là dù có uy lực tinh thần rất lớn, văn kiện này cũng không phải là luật quốc tế mà chỉ là văn kiện liệt kê những quyền đã được ghi trong những văn bản luật quốc tế mà thôi. Vào thời điểm công bố bản Tuyên Ngôn 1948 thì lối lý luận này đã có thế mạnh. Nhưng càng về sau thì cái thế áp đảo này càng suy giảm trước một loạt phản chứng của thực tế. Trong phiên họp của Đại Hội Đồng ngày 10-12-1948, Liên bang Nam Phi và Arabie Saudite là những nước đã không bỏ phiếu chấp thuận bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, có 6 nước đã bỏ phiếu trắng. Nhưng về sau phần lớn các nước này đã thay đổi hẳn thái độ trong nhiều cuộc đầu phiếu thông qua những nghị quyết hay lời tuyên bố buộc các quốc gia thành viên phải tôn trọng Tuyên Ngôn này. Chính Liên Hiệp Quốc và các cơ cấu chuyên môn, trong nhiều nghị quyết của mình, đã minh thị viện dẫn Tuyên Ngôn 1948. Một số quốc gia mới giành được độc lập nhờ chiến tranh giải phóng hay phong trào giải thực, còn hội nhập cả Tuyên Ngôn 1948 vào Hiến pháp của họ. Những sự kiện này đã hỗ trợ về lý luận cho nhiều luật gia quốc tế trong quan điểm theo đó vì luôn luôn được các tác nhân có tư cách quốc tế quy chiếu, Tuyên Ngôn 1948 phải được coi như một "tục lệ pháp" hay "luật tục" có hiệu lực buộc các quốc gia phải tôn trọng. Dù sao vấn đề hiệu lực pháp lý của Tiuyên Ngôn Nhân Quyền 1948 đã bớt gay gắt kể từ 1976, khi hai Công ước quốc tế về nhân quyền chính thức ra đời với những nghĩa vụ pháp lý rõ rệt ràng buộc các quốc gia đã ký kết hay tham gia. Nhất là văn minh tiến bộ những năm 2000 đã đặt cả nhân loại vào xu thế phải chấp nhận các quy phạm của bản Tuyên Ngôn 1948, dù những quy phạm ấy có hay không có hiệu lực pháp lý. THIÊN TRUNG

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.