Tượng đài Điện Biên Phủ mới xây mà đã bị nứt và lún


2004.08.04

Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to download this audio

Gia Minh Báo chí Việt Nam vừa nêu ra thêm một điển hình về căn bệnh hình thức,chạy theo thành tích của nhà cầm quyền Hà Nội. Đó là phát hiện tình trạng nứt, lún ở tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, công trình chào mừng 50 năm đánh thắng lực lượng Pháp chiếm đóng.

"Tượng đài to, đẹp lắm." Đó là ý kiến của người dân sống tại Điện Biên về tượng đài mới được dựng tại thành phố quê huơng họ nhân dịp lễ hội rất hoành tráng mừng 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ hồi ngày 7 tháng năm vừa qua. Đây là một chiến thắng mà người dân Việt Nam rất tự hào vì nó chấm dứt ách đô hộ của người Pháp không chỉ tại Việt Nam mà cả vùng Đông Duơng- Việt, Miên, Lào.

Thế nhưng, gần đây báo chí trong nuớc như báo Tuổi Trẻ, Lao Động cho đăng nhiều bài phóng sự nêu lên hiện tượng nứt, lún tại công trình đó. Một người dân sống ngay nơi có tượng đài xác nhận về việc báo chí nêu lên cũng như đưa ra nhận xét về nguyên nhân của tình trạng nứt, lún đó: "Đúng là thế và có thể tượng nặng quá."

Vào chiều ngày 14 tháng 7 vừa qua, các cơ quan chức năng gồm Sở Văn hóa- Thông tin Điện Biên, các đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát, thi công họp tại văn phòng Ban quản lý dự án di tích Điện Biên.

Ông Luơng Phượng Các, phó giám đốc Sở Văn hóa Thông Tin Điện Biên với tư cách đại diện phía chủ đầu tư sau khi thừa nhận với Báo Lao Động là có hiện tượng nứt, lún, nghiêng tại công trình tượng đài, nói rằng công trình hiện vẫn còn trong giai đọan thi công, chưa được nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng, cho nên đặt vấn đề công trình xuống cấp là chưa thỏa đáng.

Tiếp đó, Báo Tuổi Trẻ phỏng vấn giám đốc Công ty Mỹ Thuật Trung uơng, đơn vị phụ trách thi công công trình, bà Võ Thị Hồng, thì được bà này cho biết là nền móng lún, phần kè nứt, lý do là do làm tạm. Bà nói truớc ngày khánh thành công trình chừng 15 ngày nhiều vị lãnh đạo Nhà Nuớc lên xem và cho rằng để kịp thời điểm khánh thành là ngày 30 tháng tư thì cố gắng làm tạm cho xong, và thế là đơn vị chọn phuơng án ốp gạch, ốp đá tạm và không đổ đất cho móng công trình. Bà Hồng nói là móng chưa đóng cọc và chưa rải đất rải cát nên lún. Theo lời bà Võ Thị Hồng thì lãnh đạo góp ý nên làm tạm, có văn bản hẳn hoi; và khi làm tạm thì xảy ra sự cố.

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, một người có tiếng trong ngành kiến trúc tại Việt Nam, phát biểu về nguyên nhân của sự cố tại tượng đài Điện Biên Phủ: "Làm gấp thì hậu quả như đã thấy vậy thôi."

Kiến trúc sư Lê Hiệp, người chủ trì phần thiết kế của tượng đài Điện Biên Phủ, trong trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ cũng thừa nhận là đã chọn phuơng án thiết kế sai, tức là móng kè sân hành lễ theo phuơng thức lệch tâm. Theo ông thì ở địa thế bình thường thì phuơng thức này chấp nhận được nhưng ở địa hình đồi núi như Điện Biên thì rất nguy hiểm. Kiến trúc sư Lê Hiệp còn nói may là sạt lở sớm như vậy chứ nói dại lỡ mà có chuyện đổ tường chết người thì không biết hậu quả đến đâu.

Ông Lê Hiệp còn cho biết chuyện ông cũng từng bị thúc ép phải hoàn thành sớm một công trình lớn đó là đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn nhằm cho kịp chào mừng Đại hội đảng lần thứ 8. Thế nhưng lúc đó ông đủ can đảm để từ chối lời động viên của ông cựu bộ trưởng xây dựng Ngô Xuân Lộc lúc bấy giờ, đại ý là làm gì mà kỹ tính thế, thời cơ có một không hai, làm gì có ai có công trình được cả bộ chính trị đến cắt băng khánh thành. Tuy vậy đến lần này thì ông Lê Hiệp không từ chối được vì theo ông có rất nhiều người cần đến sự đồng ý của ông để công việc được tiến hành, trong đó có kỹ sư, công nhân cần việc làm; mà nếu ông không nhận làm thì cũng có người khác nhận thiết kế.

Kiến trúc sư Vuơng Thừa Bình, trong bài đăng trên mục Sự Kiện & Dư Luận của báo Tuổi Trẻ, viết rằng tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành gấp gáp để kịp phục vụ lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Thời gian thi công giai đọan một lẽ ra cần hai năm thì chỉ được chưa đầy sáu tháng nên tình trạng lún nứt nghiêm trọng quanh chân tượng đài nếu không xảy ra mới là chuyện lạ.

Tác giả Bút Bi của Báo Tuổi Trẻ thì viết ‘cái kiểu làm tàm tạm để kịp chào mừng ngày lễ đâu phải bây giờ mới có. Lại nữa công trình bạc tỉ nhưng là tỉ của chung, có gì thì nhân dân cùng chịu. Căn phòng nhà anh, tiền túi bỏ ra, sức mấy mà dám làm tạm.

Xin phép được nhắc lại, tổng kinh phí cho giai đọan một công trình tượng đài chiến thắng Điện Biên phủ là 37 tỉ đồng. Tổng chi phí giai đọan hai là phần làm vườn hoa, đường đi dạo, đường lên tượng đài dự kiến từ 20 đến vài chục tỉ.

Tượng đài này được đánh giá là tượng bằng đồng lớn nhất nuớc Việt Nam. Tượng có chiều cao 12,6 mét, bệ cao 3,6 mét, nặng 220 tấn. Tượng được đặt trên đồi D1 ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên Phủ. Tác giả tượng là nhà điêu khắc Nguyễn Hải thuộc Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam. Việc đúc thực hiện tại xưởng của ông Nguyễn Trọng Hạnh ở Ý Yên Nam Định.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.