Người tỵ nạn Karen với tình hình tại biên giới Thái-Miến


2000.02.01

Phan Dũng Suan Pung là một huyện lỵ hẻo lánh, nằm sát biên giới Thái-Miến thuộc tỉnh Rachabury và cách thủ đô Bang Kok 120 km về phía Tây. Đời sống ở đây êm đềm, nếu không muốn là đìu hiu, vì chung quanh toàn là cây rừng, và núi, chỉ có một con đường đất gập ghềnh mà hầu hết xe cộ di chuyển đều là xe quân đội. Người dân tại đây sống rải rác, dọc theo con đường độc đạo này và quen biết nhau trong tình thân chòm xóm láng giềng. Theo lời một người dân tại Suan Pung là anh Kai Pu Phong thì trước đây, người dân thuộc sắc tộc Karen bên đất Miến Điện vẫn thường vượt biên giới qua Thái Lan để mua hàng và kết bạn với dân làng. Chính phủ Bangkok không hề khó khăn với những trao đổi, liên lạc này. Nhưng anh Kai Pu Phong cho biết thêm, kể từ khi xẩy ra vụ 5 sinh viên thuộc phong trào dân chủ Miến Điện chiếm tòa đại sứ Rangoon tại Bangkok hồi đầu tháng 10 năm ngoái và mới đây là vụ 10 tay võ trang thuộc tổ chức mệnh danh là Đạo Quân Thượng Đế bắt cóc con tin tại một bệnh viện ở Ratchabury, cửa biên giới đã bị đóng lại và dân Karen không còn qua lại bên này nữa. Trả lời câu hỏi của phái viên Ban Việt Ngữ về tình hình hiện nay tại Sua Pung, anh Kai Pu Phong cho biết là anh rất lo sợ trước những diễn biến gần đây, nhất là những tiếng súng và tiếng đại bác vọng về từ biên giới. Anh và những thanh niên trong huyện được điều vào toán dân quân phòng vệ, có nhiệm vụ bảo vệ xóm làng vì ngại người Karen do thiếu thốn thực phẩm có thể liều lỉnh vựơt qua biên giới cướp thức ăn. Những vụ đụng độ tại biên giới, nhất là sau khi quân đội Miến tấn công vào cứ điểm của Đạo Quân Thượng Đế tuần qua nhằm tiêu diệt lực lượng này đã ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt thường ngày của người dân tại quận lỵ đìu hiu Suan Pung. Một người Việt nam duy nhất sinh ra và sống tại đây từ bé là chị Liễu. Chị Liễu có cha mẹ là người Việt, qua sinh sống trên đất Thái từ thời trước năm 1945. Cha chị đã mất, còn mẹ hiện ở Bangkok. Chị lấy chồng người Thái làm cảnh sát tại biên giới. Theo lời một sĩ quan cảnh sát không chịu cho nêu tên đang làm việc tại trạm biên giới, thì rạng sáng ngày 31 tháng Giêng vừa qua, khoảng 200 người tỵ nạn Karen đã vượt biên giới vào đất Thái và đang tạm trú tại làng Huay Su, trong lúc hơn 1.000 người khác vượt biên từ trước đang tỵ nạn tại trại Pawwi, nằm cách biên giới Miến 10 km. Mới đây nhất, khoảng 4 giờ chiều ngày hôm qua, theo tin của đài phát thanh Thái thì cảnh sát đã phát hiện một quả bom tại trung tâm tỉnh Ratchabury, ngay sát bệnh viện nơi từng xẩy ra vụ bắt giữ con tin với hậu quả là cả 10 tay du kích võ trang chủ mưu vụ bắt cóc bị quân đội Thái bắn chết. Do tình hình căng thẳng này, cảnh sát và quân đội Thái đã thiết lập nhiều trạm kiểm soát an ninh trên các ngã đường dẫn vào thủ đô Bangkok. Phan Dũng tường trình từ biên giới Thái-Miến.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.