Một số diễn tiến chung quanh bản HĐTM Mỹ-Việt


2000.07.27

Lời giới thiệu: bản hiệp định thương mại Việt-Mỹ đã được ký kết từ hồi giữa tháng này, nhưng đến nay, Tòa Bạch Ốc vẫn chưa chính thức gửi sang Quốc hội xin phê chuẩn, khiến cho nhiều người lo ngại là vào năm tới, có thể bản hiệp định sẽ phải thảo luận lại, cho đúng với đòi hỏi của chính phủ mới ở Washington. Vấn đề sẽ được Nguyễn Khanh trình bầy chi tiết hơn trong bài viết sau đây... Một viên thuộc tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội hôm qua lên tiếng nói là tất cả các điều khoản trong bản hiệp định thương mại Việt-Mỹ mới được ký kết cách đây hơn 2 tuần lễ sẽ được giữ nguyên, cho dù vào năm tới Tổng thống Clinton sẽ mãn nhiệm kỳ và một vị Tổng thống khác sẽ điều khiển quốc gia. Nhân vật mà hãng thông tấn Reuters từ chối không nêu danh tánh này còn nói tiếp là ông tin tưởng, người lãnh đạo Hoa Kỳ thay thế cho Tổng thống Clinton sẽ nhận thức được tầm quan trọng của bản hiệp định, công nhận đó là bản hiệp ước được ký kết giữa hai nước. Do đó, ông này nói tiếp là ông tin bản hiệp định sẽ được giữ nguyên như hiện nay. Nhận xét vừa nói được đưa ra vào lúc ở Washington, tin tức cho biết là Tòa Bạch Ốc không thể đưa bản hiệp định sang quốc hội yêu cầu phê chuẩn trong lúc này, vì các vị dân cử không có thì giờ để cứu xét trong năm nay. Trước đó có tin nói là bên hạ viện đồng ý thảo luận về bản hiệp định, nhưng phía Thượng Viện cho biết không có đủ thì giờ cho các vị Thượng nghị sĩ bàn thảo trước khi bỏ phiếu. Tin này ngay tức khắc đã tạo nên một luồng dư luận bất lợi, nói rằng những tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, cho quyền lao động và các tổ chức bảo vệ môi sinh sẽ vận động với cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, đòi hỏi ứng viên đại diện cho hai đảng này ra tranh cử Tổng Thống phải làm áp lực mạnh hơn với chính quyền Hà Nội, và một trong những đề nghị được nói tới là sửa đổi lại một số điều khoản trong bản hiệp định thương mại mà chính phủ Clinton mới ký kết với Việt Nam. Tổ chức công đoàn lớn nhất Hoa Kỳ là Công đoàn AFL-CIO cũng lên tiếng phản đối bản hiệp định ngay từ khi mới ký kết xong, nói là bản hiệp định không bảo vệ quyền lợi của công nhân, và cũng đòi hỏi Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền hay bảo vệ môi sinh nếu muốn được Hoa Kỳ cho hưởng những quyền lợi đặc biệt về thương mại. Một số các nhân vật tranh đấu cho dân chủ thì e rằng, Hoa Kỳ đã nhượng bộ Việt Nam khá nhiều khi kết bản hiệp định. Trước những lập luận chống đối này, các viên chức hành pháp Mỹ khi được hỏi đều đưa ra lời giải thích nói đây là bản hiệp định tốt nhất, có lợi cho cả hai phía Hoa Kỳ cũng như Việt Nam. Một viên chức có liên hệ chặt chẽ với cuộc đàm phán còn nói với Đài Á Châu Tự Do là nếu Hà Nội thực hiện những điều khoản đã được ký kết thì trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ đạt được những thành quả gấp chục lần thành quả đã thu hoạch được của 10 năm đổi mới. Hôm thứ Ba vừa qua, trong bài nói chuyện đọc tại Phòng Thương Mại Hoa Kỳ ở Hà Nội, ông Fred Burke, một luật sư của tổ hợp Baker &McKenzie nói là theo nhận xét của ông, tân chính phủ ở Washington có thể sẽ đòi phải thảo luận lại bản hiêp định. Do đó, ông đề nghị Tổng thống Clinton nên chuyển sang cho Quốc hội trước ngày mãn nhiệm kỳ, và quốc hội Việt Nam nên thông qua văn bản hiện giờ, để sau này chính quyền mới ở Washington có muốn thay đổi thì cũng khó khăn hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.