THAM NHŨNG, MỘT NHỨC NHỐI KHÔNG NGUÔI: ỘTHUỶ CUNG THĂNG LONGỢ


1998.10.24

INTRO: Trong những ngày qua, chúng tôi đã có một loạt ba bài liên tục nói về hiện tượng tham nhũng, được xem như một Ộquốc nạnỢ ở trong nước, theo lời phát biểu của ba tổng bí thư liên tiếp của đảng Cộng sản Việt Nam. Hôm nay, xin quý thính giả đón nghe bài thứ tư trong loạt đề tài nghiêm trọng này. Thưa quý thính giả: Gần đây, một tổ chức thẩm lượng quốc tế đặt trụ sở tại Đức, có tên là Transparency International mà ta có thể dịch là ỘTrong Suốt, một cơ quan nghiên cứu quốc tếỢ, có ra báo cáo hàng năm của họ về mức độ tham nhũng do dư luận cảm nhận được, khi tới làm ăn ở các quốc gia trên thế giới. Cơ quan này mới chỉ có từ năm 93, và hàng năm họ dựa trên 12 loại vấn lục khác nhau để đo lường cảm quan của những người sinh sống hay làm ăn ở từng quốc gia. Từ kết quả khảo sát đó, họ công bố mức độ trong suốt, hay quang minh chính đại, của bộ máy hành chánh công quyền, tính từ cao tới thấp. Điều đáng buồn là trong danh mục 85 quốc gia được khảo sát, Việt Nam đứng hàng thứ 74, ngang bằng với Liên bang Nga, và riêng tại Châu Á thì chỉ hơn có Indonesia. Sự thiếu trong sáng của công quyền phản ảnh tình trạng lập lờ đánh lận con đen, là môi trường thuận lợi cho tệ nạn đục nước thả câu, móc ngoặc. Nói cho gọn thì ta gọi đó là tham nhũng. Trong mấy kỳ trước, chúng tôi đã nhắc tới lá Huyết tâm thư của 11 đảng viên kỳ cựu tại Hà Nội, rồi lá thư của ông Vũ Minh Ngọc nêu đích danh một số đảng viên cao cấp can tội tham nhũng, trong đó có người hiện là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, tức là một trong năm người quyền thế nhất nước. Kỳ này, Tâm Việt xin nêu một trường hợp cụ thể khác, là vụ ỘThủy cung Thăng Long,Ợ mà cả ngàn trang hồ sơ hiện đang ở trong tay chính phủ ở Hà Nội. Bài này sẽ do Phan Dũng và Thanh Trúc cùng trình bày. VOICE 1: Trước hết, vụ Thủy cung Thăng Long này có được nhắc tới trong lá Huyết tâm thư nói trên. Được viết vào ngày Lễ Lao động vừa qua, mùng 1 tháng 5 năm 98, lá Huyết tâm thư được gửi đến các giới chức cao cấp nhất trong đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Lá thư đó có dành nhiều đoạn đích danh tố cáo hai ông Phạm Thế Duyệt, là nhân vật thứ 5 trong Bộ Chính trị, và ông Đinh Hạnh, ủy viên Thường vụ của Thành ủy, kiêm phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, kiêm đại biểu Quốc hội khoá 10 của huyện Sóc Sơn. Ngoài năm vụ lớn được nêu trong bản cáo trạng, là các vụ Dương Ngọc Đỗ, vụ Đỗ Thanh Côn, vụ Ngô Văn Ngọc, vụ xử lý đất đai tại huyện Thanh Trì và vụ Tô Huy Rứa, lá Huyết tâm thư có nhắc tới nhiều vụ gọi là động trời khác, dù chỉ là sơ lược. Một trong những vụ động trời đó là dự án ỘLàng phong cảnhỢ tại làng Võng Thị, phường Bưởi, trong quận Tây Hồ của thủ đô Hà Nội. Chỉ qua hai dòng ngắn ngủi nói tới dự án này, ít ai mường tượng được mức độ gọi là động trời của tham nhũng. May mắn là dư luận vừa được cung cấp thêm nhiều chi tiết khác về vụ đó. VOICE 2: Chúng tôi muốn nói tới một lá thư tổng kết vụ tham nhũng này, do ông Hoàng Phúc Thắng đưa ra, dưới tiêu đề là ỘSự thật về những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án Thủy cung Thăng Long tại Hà NộiỢ. Tác giả lá thư quý báu đó là kiến trúc sư Hoàng Phúc Thắng, với tư cách ghi dưới tên mình là - chúng tôi xin được đọc nguyên văn - Ộkiến trúc sư chủ nhiệm đồ án hạng 1, ủy viên Hội đồng Tư vấn kiến trúc của Thủ tướng Chính phủ, ủy viên Đoàn chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Phó ban chỉ đạo bảo tồn cải tạo các di sản kiến trúc Hà Nội.Ợ Với ngần ấy tư cách, ta tin rằng ông Thắng đã viết lá thư với tinh thần trách nhiệm cao về cả chuyên môn lẫn ý thức, vì ông không thể đốt cháy uy tín nghề nghiệp hoặc hy sinh địa vị nếu không có bằng chứng xác thực, và nhất là khi ông viết lá thư đó để gửi lên các bậc cao nhất trong chính quyền. Những ai ở Hà Nội hay Saigòn thì đều ít nhiều nghe tới Hoàng Phúc Thắng, một chuyên gia có lòng với di sản kiến trúc mỹ thuật của dân tộc, nhưng không mấy được quan chức ở trên ưa thích, vì hay nói thẳng, nói thực, mà chẳng sợ mất lòng. Dù ông Thắng đã hệ thống hóa và trình bày gãy gọn cho người đọc có thể hiểu, câu chuyện quá nhiêu khê phức tạp, chúng tôi xin tóm lược theo nguyên văn lá thư. Đó là một dự án nguyên thủy thì rất nhỏ, sau đó dự án được thổi phồng về mục tiêu và kích thước, trong ba lần liên tiếp và chỉ nội một năm thôi, để lớn gấp 30 lần. Lần nào cũng được các giới chức hữu quan chấp thuận, dù đã có ý kiến dè dặt của Văn phòng chính phủ. Ai là người đã hoá phép ra truyện Phù Đổng tân thời này? Chúng ta xin nghe lời dẫn giải của ông Thắng về từng bước của sự phù phép trên: VOICE 1: Đối với tôi, tức là ông Hoàng Phúc Thắng, vấn đề thật đơn giản dễ hiểu. Có một dự án 7.000 mét vuông và một dự án 70 ngàn mét vuông cho cùng một chủ đầu tư, trong cùng một thời điểm và cùng do một số công chức cố tình sắp đặt. Ông Thắng ghi thêm, rằng đây là điều rất ít người được biết, nhưng là sự thật. Về dự án 7.000 mét vuông, lá thư của ông Thắng cho biết những chi tiết sau đây: Ngày 10 tháng 3 năm 96, công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Thiện được lập theo diện công ty tư nhân, do ông Lê Tân Cương làm giám đốc. Tổng số vốn do Vạn Thiện tự khai ra chỉ có khoảng 4 tỷ hai, kể cả vật dụng linh tinh lẫn ngôi nhà 6-7 tầng đang xây dở và xây trái phép. Với năng lực đó, Vạn Thiện chỉ dám lập một dự án nhỏ, là làm khu vui chơi giải trí, với tên gọi là Thủy cung Thùy Dương. Công ty xin Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà nội cấp cho một diện tích gần 7.000 mét vuông, là diện tích thửa ao nằm sau ngôi nhà của công ty, tọa lạc tại số 16 đường Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ, với tổng mức đầu tư là 6 tỷ rưỡi. Ngày 6 tháng Tư năm 96, dự án Thủy cung Thùy Dương được trình Ủy ban Nhân dân, và ta hãy tạm gọi là dự án Thùy Dương cho dễ nhớ, và để khỏi lầm về sau. VOICE 2: Thế rồi dù dự án Thùy Dương 7000 mét này đang được thành phố xem xét và chưa được phê duyệt, thì không hiểu vì đâu hay do ai đó tư vấn, công ty Vạn Thiện phải nhận đứng tên là chủ đầu tư cho một dự án khác, mang tên Thủy cung Thăng Long. Địa điểm dự án được xác định trước tại khu đầm sen, một khu đất coi như thiêng liêng nhất bán đảo Quảng An, trên đường vào phủ Tây Hồ, cạnh khu nhà nghỉ của Trung ương. Tổng diện tích dự án là 7 vạn mét vuông, tức là lớn gấp 10 dự án Thùy Dương, tổng mức đầu tư lên tới 190 tỷ, tức là tốn kém gần gấp 30 lần dự án kia, vốn vẫn còn đang được Thành phố xem xét chưa phê duyệt. Điều kỳ lạ nữa là ngày 16 tháng 5, dự án Thủy cung Thăng Long này lại được Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội là Đinh Hạnh ra văn bản đề nghị các ban ngành của Thành phố tạo điều kiện giúp đỡ giải quyết nhanh chóng. Hai tuần sau, ngày mùng 1 tháng 6, Kiến trúc sư trưởng Thành phố là ông Nguyễn Lân đã mau mắn hoàn thành việc ra văn bản giới thiệu địa điểm, tư vấn và xác nhận cho dự án này là, xin đọc nguyên văn, Ộphù hợp với quy hoạch chi tiết 1 phần 500 đã được duyệtỢ, và hợp pháp hóa cho chủ đầu tư tiến hành các bước tiếp theo. Để dễ nhớ và khỏi lầm về sau, xin gọi dự án 7 vạn mét này là Thăng Long 1. Sở dĩ có tên Thăng Long 1, rộng gấp 10 dự án Thùy Dương cũ, vì ta sẽ còn có dự án Thăng Long 2. VOICE 1: Vâng, theo lá thư tổng kết nội vụ của ông Hoàng Phúc Thắng, dự án Thủy cung Thăng Long này lại đột ngột gia tăng diện tích từ 70 ngàn lên 220 ngàn mét vuông, tức là lớn gấp ba dự án Thăng Long 1 và gấp 30 lần dự án Thùy Dương. Và trước sau cả ba dự án này đều do công ty Vạn Thiện đứng tên làm chủ đầu tư. Về dự án Thủy cung Thùy Dương ban đầu, thì ngày 16 tháng 10, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đinh Hạnh đã ký quyết định phê duyệt và cấp đất. Nhưng, vì đã có dự án Thăng Long sau đó, nên dự án Thùy Dương 7.000 mét này được đổi tên thành dự án gọi là ỘKhuôn viên ao cá cây cảnh Thùy DươngỢ. Còn dự án Thăng Long 1, cũng do công ty Vạn Thiện làm chủ đầu tư thì được ông Đinh Hạnh ký trình chính phủ 2 tuần sau đó, xin chính phủ cho thực hiện. Ông ta còn xin cho công ty chỉ phải làm dự án một bước, tức là không qua bước gọi là nghiên cứu tiền khả thi như quy định. Ngày 16 tháng 11 năm 1996, Văn phòng Chính phủ cho biết ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải là chính phủ không cho thực hiện ngay dự án Thăng Long 1 và cũng không cho làm dự án một bước, mà phải làm theo quy định. Theo quy định thì phải lấy ý kiến thẩm định của nhiều bộ và ban ngành trung ương khác, sau đó công ty Vạn Thiện phải làm lại dự án này từ bước nghiên cứu tiền khả thi trở đi. VOICE 2: Và, kính thưa quý thính giả, từ bước nghiên cứu dự án Thăng Long 1 đó, người ta đột ngột có dự án Thăng Long 2, lớn gấp ba dự án cũ. Theo sự chỉ dẫn của ông Hoàng Phúc Thắng, tới tháng 5 năm 1977, tức là 6 tháng sau khi bị Văn phòng chính phủ bác bỏ, công ty Vạn Thiện đã lập xong dự án tiền khả thi, nhờ điều mà ông Thắng gọi là sự giúp đỡ tận tình của nhiều công chức thuộc nhiều cấp khác nhau. Họ giúp đỡ tận tình đến nỗi, từ một công ty đầu tư với trách nhiệm hữu hạn trong khoản tài sản 6 tỷ rưỡi, và lại đang làm dự án Thùy Dương, Vạn Thiện làm thêm dự án Thăng Long, với quy mô đột ngột tăng từ 70 ngàn mét ghi vào tháng 5 năm 96 lên 220 ngàn mét vuông vào tháng 5 năm ngoái. Tổng mức đầu tư cũng tăng từ 190 tỷ lên 204 đồng. Phép lạ Phù Đổng ở đây không chỉ là khả năng lớn như thổi của dự án, mà là sự đồng tình của hai cơ quan quản lý nhà nước về kiến trúc là Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Thành phố và Vụ quản lý kiến trúc đô thị của bộ Xây dựng. Hai cơ quan trên xác nhận là dự án 22 vạn mét vuông này vẫn cứ là phù hợp với quy hoạch chi tiết 1 phần 500 đã được duyệt, thế mới thần tình. Chưa hết, cũng lại ông Đinh Hạnh, ngày 22 tháng 5 năm 97 đã xin chính phủ thông qua dự án tiền khả thi và còn xin chính phủ cho thành phố được ký phê duyệt dự án khả thi, tức là xin một điều sai với thủ tục. Ngày 4 tháng 7, ông Trần Đức Lương, khi đó là Phó thủ tướng, đã đồng ý thông qua dự án tiền khả thi, nhưng không cho thành phố tự phê duyệt dự án khả thi. Tức là chỉ đồng ý một nửa những đề nghị quá sốt sắng của ông Đinh Hạnh. Trong kỳ tới, ta sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm về dự án Thủy cung ba bước lớn như thổi này, với vai trò phù phép hỗ trợ quá mẫn cán của các quan chức hữu trách, để thấy là mọi sự đều thiếu trong sáng và đầy mờ ám./.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.