5 người Việt Nam được trao giải thưởng Hellman/Hammett


2002.07.25

Lời giới thiệu: Theo bản thông cáo báo chí phổ biến ngày 24-7 tại New York, trong số 37 người thuộc 19 quốc gia được tổ chức Human Rights Watch trao Giải Nhân Quyền Hellman/Hammett có 5 người Việt Nam đã được chọn. Đó là các ông Lê Chí Quang, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Vũ Bình, Thích Quảng Độ, và Trần Văn Khuê (tức Trần Khuê)...

Giải Nhân Quyền Hellman/Hammett của tổ chức Human Rights Watch có từ năm 1989, được thực hiện với di sản của hai nhà văn quá cố Hoa Kỳ là Lillian Hellman và Dashiell Hammett nhằm hỗ trợ cho những nhà văn trên thế giới đang bị truy bức chính trị vì đã can đảm trình bày quan điểm của mình. Trị giá của giải thưởng này năm nay lên đến 175 ngàn Mỹ kim. Dưới đây là tóm lược tiểu sử của 5 người được trao giải này:

1.- Thượng Thích Quảng Độ, cũng là nhà thơ, dịch giả, từng là giảng sư tại Đại Học Vạn Hạnh trước tháng 4-1975. Ngài bị bắt lần đầu tiên vào năm 1977, biệt giam đến tháng 12-1978 và bị đưa ra tòa vế tội Ộphá hoại đoàn kết dân tộc và lợi dụng tôn giáo để phá rối trật tự công cộngỢ. Tháng 2/1982, Ngài bị bắt và đưa về quản thúc tại nơi sinh quán ở Vũ Đoài, tỉnh Thái Bình. Ngài được trả tự do vào năm 1992, rồi bị bắt lại vào tháng 11/1994 khi Ngài tổ chức cuộc ủy lạo đồng bào nạn nhân lũ lụt. Ngài rời khỏi nhà tù năm 1998, hiện nay bị quản thúc tại Thanh Minh Thiền Viện.

2.- Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người từng bị ở tù và không được phép hành nghề từ 25 năm qua, ông đã viết nhiều tác phẩm và bạch thư đòi hỏi Tự do bầu cử và đa nguyên chính trị. Ông đã bị giam 18 năm trong trại tù cải tạo, từ năm 1976 đến 1986 và từ 1990 đến 1998. Ông được trả tự do vào ngày 30/8/1998 nhưng bị quản thúc tại gia từ đó đến nay tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông không thể rời khỏi nhà nếu không có giấy phép của công an, và tất cả người đến viếng thăm ông đều bị tra hỏi. Ông đã viết nhiều tài liệu và phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước, trên các diễn đàn Internet và vào tháng 9/2000, ông đã bị cắt điện thoại, email, công an lục soát nhà cửa và bị đưa ra đấu tố.

3.- Ký giả Nguyễn Vũ Bình, 33 tuổi, sau 8 năm phục vụ cho Tạp Chí Công Sản đã bị ngưng việc từ tháng 12/2000 vì anh phản đối hệ thống độc đảng hiện nay. Anh đã từng nộp đơn xin thành lập đảng Tự Do Dân Chủ và viết nhiều tài liệu cổ võ cho những cải thiện về kinh tế và chính trị. Từ đó, anh thường xuyên bị sách nhiễu, điện thoại bị cắt, bị công an gọi lên thẩm vấn nhiều lần. Bạn bè của anh được thông báo là không được quyền đến thăm viếng, và không một cơ quan nào được phép thu nhận anh làm việc. Mới đây, vào ngày 20/7, Hà Nội đã cho bắt anh Nguyễn Vũ Bình đưa về đồn công an thẩm vấn. Công an cũng lục soát nhà anh và tịch thu nhiều tư liệu cá nhân. Mặc dù sau đó anh được cho về ngủ tại nhà, nhưng mỗi ngày đều bị gọi lên thẩm vấn và đang bị đe dọa truy tố với những tội danh rất nặng nề.

4.- Trần Văn Khuê, giáo sư và nghiên cứu gia về Hán học và chữ Nôm, về hưu từ năm 1996 và dấn thân vào con đường viết lách. Ông là sáng lập viên Trung Tâm Văn Hóa Đông Nam Á, một tổ chức phi chính phủ chống tệ nạn tham nhũng, việc này đã biến ông trở thành nạn nhân của những vụ sách nhiễu - điện thoại bị cắt, bạn bè không được phép tới thăm, và nhiều thư nặc danh tố cáo ông phản bội tổ quốc đã được gửi tới đồng nghiệp của ông. Tháng 9/2001, ông bị quản thúc tại gia trong vòng 2 năm. Ông từ chối tuân hành án lệnh này và thách thức nhà cầm quyền phải đưa ra tòa án xét xử.

5.- Ông Lê Chí Quang, 32 tuổi, là một nhân vật trẻ, tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ, được biết đến qua nhiều bài viết từ năm 2000, ngay sau khi anh tốt nghiệp Đại học Luật khoa Hà Nội. Tất cả các tài liệu của anh đều được viết tại Việt Nam nhưng được phổ biến rộng rãi trên diễn đàn quốc tế và trên mạng Internet. Anh bị bắt vào tháng 9 năm 2001 và sau đó bị quản thúc tại gia. Anh đã bị đưa ra Tòa Án Nhân Dân đấu tố vào tháng 10 và tháng 11/2001 và bị công an kết án là phản động và phá hoại. Công an còn đe dọa bố mẹ anh lã họ sẽ bị nhiều phiền phức khác nếu không ngăn cản những hành động của anh. Bạn bè và người thân của anh bị ngăn cấm không cho gặp. Trước đó, số điện thoại của anh đã bị cắt từ tháng 9/2001, anh không thể tìm việc làm vì không một cơ quan nào dám ngỏ lời mướn anh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.