Cúm gia cầm tái phát ở vùng đồng bằng sông Cửu Long


2004.12.23

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Các ổ dịch cúm gia cầm bắt đầu bộc phát trở lại tại một số khu vực khác nhau ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng các giới chức thú y tiếp tục trấn an là có thể kiểm soát được tình hình, dù rằng thịt gia cầm sẽ không đủ cung cấp cho thị trường trong mùa lễ tết.

Một phụ nữ đang chở gà đến bán tại chợ địa phương ở Hà Nội. Photo: AFP.

Thông tin nhạy cảm

Cúm gà giờ đây trở thành loại thông tin nhạy cảm, khi Cục Thú Y chưa lên tiếng chính thức, các báo loan tin theo sự ghi nhận thực tế hoặc tìm hiểu của mình, các giới chức thú y cấp vùng hoặc địa phương thì dè dặt.

Bản tin VN Express khẳng định vịt chết hàng loạt ở Long Mỹ Hậu Giang là do H5N1, theo kết quả xét nghiệm ngày 20/12 của trung tâm thú y vùng.

Khi chúng tôi hỏi một giới chức thú y cấp vùng, liên quan tới các ổ dịch tái phát ở Cần Thơ, thì câu trả lời của ông có thể hiểu theo cách không xác nhận mà cũng không phủ nhận: “Cần Thơ gởi lên 2 mẫu xét nghiệm chúng tôi đã trả lời bằng fax…Các báo họ loan như thế là đúng…”

Tin tức VN và quốc tế đều loan tải rằng, trong thời gian từ ngày 9 tới ngày 20/12 đã xảy ra 3 ổ dịch cúm gà tái phát ở Cần Thơ và Hậu Giang tổng số số gà vịt trong đàn bị tiêu hủy để phòng lây lan lên tới gần 5 ngàn con.

Cụ thể là ngày 12/12 trại gà của ông Tào Văn Lợi ở Phường Trà Nóc quận Bình Thủy Cần Thơ hàng trăm con gà chết đồng loạt. Thú y địa phương chẩn đoán nhanh cho kết quả dương tính cúm H5, và đã gởi bệnh phẩm lên Trung Tâm Thú Y Vùng TP.HCM để xét nghiệm vi rút. Kết quả này thì như quí thính giả vừa nghe viên chức cấp vùng trả lời.

Ngoài ổ dịch tại trại gà công nghiệp ở Bình Thủy, vài hộ dân nuôi lẻ tẻ cũng có gà bị chết ít nhất là tại ba địa điểm khác nhau ở Cái Khế và Bình Thủy. Điều đáng nói là xét nghiệm nhanh của địa phương đều cho kết quả dương tính H5.

Trong khi đó tại huyện Long Mỹ tỉnh Hậu Giang, hàng trăm vịt nuôi bị chết hàng loạt với dấu hiệu bất thường trứơc đó, thú y địa phương đã tiêu hủy khỏang 600 con vịt của các hộ lân cận. Theo nguồn tin từ trong nước gà vịt ở huyện Phú Tân, Chợ Mới, Tân Châu, Tịnh Biên ở An Giang đều có tình trạng nhiễm cúm và chết hàng loạt.

Với các thông tin như vừa nói tình trạng cúm gia cầm tái phát trên thực tế đã diễn ra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuy rằng chưa thể biết là ở qui mô như thế nào.

Tái phát dịch là điều có thể

Giới chức thú y cấp vùng mà chúng tôi trích dẫn ở đầu bài, nhận định rằng không thể nói là đã tận diệt được vi rút H5N1, nên chuyện tái phát dịch là điều có thể, tuy nhiên ông trấn an rằng: "Với tình hình chống dịch như hiện nay rất khẩn trương, việc xác định bệnh cũng rất nhanh, những ổ dịch giả thử xảy ra người ta cũng có thể xử lý kịp thời, không để thành dịch lớn như trứơc, không thể lây lan rộng như trứơc đây được.

Với tình hình chống dịch như hiện nay rất khẩn trương, việc xác định bệnh cũng rất nhanh, những ổ dịch giả thử xảy ra người ta cũng có thể xử lý kịp thời, không để thành dịch lớn như trước, không thể lây lan rộng như trước đây được.

Nếu mà nói không có dịch thì không thể tuyên bố chắc chắn được vì mầm bệnh không phải nó hết ngay. Cho nên có thể có những ổ dịch bộc phát, nhưng trong vòng một ngày là chúng tôi có thể chẩn đoán và thông báo để xử lý ngay lập tức.”

Viên chức vừa nói xác nhận là nguồn cung cấp thực phẩm từ thịt gia cầm sẽ bị thiếu hụt trong dịp lễ tết từ Giáng Sinh qua Tết dương Lịch và Tết Nguyên Đán: "Thực tế nguồn gia cầm từ sau khi hết dịch đến nay, người ta phát triển nó cũng ở mức vừa phải chứ không phải là mức tối đa.

Một là nguồn giống không đủ cung cấp để phát triển tối đa. Hai là người ta cũng lo lắng trong vấn đề phát triển…họ không hiểu là vấn đề an toàn có đủ hay không nên chỉ phát triển cầm chừng. Theo tôi dự đoán, nguồn gia cầm cho dịp tết vẫn có, nhưng để thỏa mãn đầy đủ thì không thể như mọi năm được.”

Chưa thể phục hồi ngành chăn nuôi

Đồng quan điểm với ông, một giới chức thú y Cần Thơ xác nhận là chưa thể phục hồi ngành chăn nuôi gia cầm trong lúc này vì nhiều nguyên do: “Bây giờ cái nguồn giống tại chỗ thì không có, nguồn cung từ TP.HCM thì ít lắm…

Bản thân một số hộ chăn nuôi không nuôi lại…kiểm tra tình hình chung thì các hộ nuôi lại, sau khi bán hết thì để trống chuồng …tại vì con giống giá lên cao... nguồn cung ít…đa số họ để trống chuồng nhiều…có lẽ chờ qua hết cái đợt lạnh này thì mới nuôi lại…”

Cùng thông tin về vấn đề vừa nói, ngày 20/12 trung tâm khuyến nông quốc gia cho biết, tổng đàn gia cầm cả nước hiện nay mới hồi phục được 70% so với trứơc dịch hồi đầu năm tức khỏang hơn 100 triệu con, riêng đàn gia cầm giống chỉ phục hồi 60%.

Trong đại dịch gia cầm năm 2004, Việt Nam có 20 người tử vong vì bị lây cúm gà H5N1. Riêng đàn gia cầm bị thiệt hại khoảng 44 triệu con.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.