Trung Quốc đấu dịu và cam kết sẽ tự đặt thuế dệt may xuất khẩu


2004.12.16

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Vào những ngày đầu năm mới, tức chỉ còn hơn mươi ngày, toàn thế giới lo lắng về hàng dệt may Trung Quốc sẽ không còn bị bó buộc về hạn ngạch nữa. Nhiều quốc gia và tổ chức đã nghĩ tới, nghiên cứu và tìm cách đối phó. Bắc Kinh cũng biết và cam kết sẽ tìm cách không đe dọa quá đáng.

Vào khi sự lo lắng đã đến cao trào, hôm Chủ nhật vừa qua bộ Thương mại Trung Quốc loan báo sẽ tự áp đặt thuế xuất khẩu lên một số mặt hàng dệt may của họ.

Nhượng bộ

Đây được xem là một bước đấu dịu để nhằm tránh một cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu, chắc chắn sẽ xảy ra một khi hàng dệt may xuất khẩu rẻ tiền cùa Hoa Lục ào ạt đổ vào những thị trường lớn này sau ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2005.

Trang Web của bộ Thương mại, là nơi xuất hiện lời loan báo này, không cho biết là mức thuế nào sẽ được tự áp đặt, và những loại hàng dệt may nào sẽ phải chịu thuế mới. Nếu mức thuế đó không đủ cao để giới hạn bớt sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc, thì chính phủ Bush chắc chắn sẽ xúc tiến thực hiện những lời đe dọa mà ông đưa ra gần đây nhằm giới hạn mức nhập khẩu hàng Hoa Lục.

Quyết định này của Bắc Kinh là dấu hiệu nhượng bộ đầu tiên và cũng là thắng lợi đầu tiên của chính phủ Bush. Hiện nay Washington đang chịu áp lực nặng nề của những doanh nghiệp dệt và may tại các bang miền Nam nước Mỹ, đe dọa về một cuộc tổng giải công hàng trăm ngàn công nhân liên hệ nếu chính phủ Bush không có biện pháp hữu hiệu nào để bảo vệ họ.

Tự áp đặt thuế

Theo Tân Hoa Xã giải thích thì mức thuế tự áp đặt sẽ giúp Trung Quốc chuyển hướng sản xuất một cách hài hòa hơn. Thí dụ mức thuế là 1 đôla cho một chiếc áo xuất khẩu, thì những loại hàng rẻ tiền như áo thun lót sẽ giảm vì không còn xuất khẩu được nữa. Trong khi đó thì những loại áo khóac bằng lụa thì vẫn không bị tác động nhiều.

Đúng ra thì Trung Quốc không phải là nước đầu tiên tự áp thuế cho mình. Hồi thập niên 80, Nhật Bản đã từng tự đặt thuế trên xe hơi xuất khẩu sang Mỹ sau khi ba đại gia ở Detroit tỏ ý lo ngại làn sóng xe rẻ tiền và tiết kiệm xăng của Nhật sẽ thống lãnh thị trường xe cộ Hoa Kỳ, nhất là lúc đó còn bị cuộc khủng hoảng xăng dầu cuối thập niên 70 đe dọa.

Theo quy luật của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO hiện nay cấm những hình thức tự giới hạn xuất khẩu như Nhật Bản làm hồi đó. Thế nhưng gần đây tại một hội nghị ở Hồng Kông, ông Jim Leonard, phó trợ lý bộ Thương mại Hoa Kỳ đặc trách dệt may, lên tiếng cho biết là Washington hết sức hoan nghênh bất cứ nỗ lực nào của Bắc Kinh nhằm êm dịu hóa ngày kết thúc chế độ hạn ngạch.

Sau này ông cho biết là các giới chức Thương mại Trung Quốc từ chối thảo luận thêm rằng họ sẽ làm gì. Nhưng trong thực tế thì họ cho biết là chẳng muốn dây dưa vào hàng trăm, hay hàng ngàn vụ kiện chống bán phá giá do vô số mặt hàng rẻ tiền của họ gây ra. Từ đôi tất, chiếc khăn tay, cho đến hàng trăm thứ hàng không tên khác.

Một bước lùi để có một bước tiến

Do đó, có lẽ kỳ này Trung Quốc muốn sử dụng lại chiêu thức cũ của Nhật, là tự giới hạn hàng rẻ tiền để chuyển sang sản xuất hàng đắt tiền, đặc hiệu.

Tokyo đã tự giới hạn xuất khẩu sang Mỹ hàng triệu chiếc xe nhỏ, rẻ tiền, để rồi chỉ mười năm sau, đưa sang những loại cao cấp như Lexus, Acura, Infiniti, lại càng gia tăng mối đe dọa cho kỹ nghệ xe hơi Mỹ.

Do đó bước lùi hôm nay có thể là bước tiến mai sau. Biết đâu rồi Trung Quốc sẽ chuyển sang gia tăng sản xuất hàng may mặc giá trị cao, đắt tiền. Gây thêm mối đe dọa mới cho ngành may mặc Hoa Kỳ mà ít lo phải đối phó với các vụ kiện bán phá giá.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.