Dự báo niên vụ cà phê 2004-2005 không được lạc quan


2004.11.09

Hạn hán, giá phân bón xăng dầu cao khiến cho dự báo niên vụ cà phê 2004-2005 không được lạc quan. Tình hình này ảnh hưởng ra sao cho ngành cà phê Việt Nam? Niên vụ cà phê mỗi năm khởi sự vào tháng 10 và kết thúc cùng thời gian năm sau.

By line: Nam Nguyên

Niên vụ 2004-2005 đã bắt đầu hơn một tháng, tuy vậy tình hình thực tế làm thay đổi những dự báo về sản lượng gia tăng, mà các chuyên gia quốc tế cũng như Việt Nam từng đưa ra mấy tháng trước. Ngày 2/11 trên các báo trong nước ông Vân Thành Huy, chủ tịch Hiệp Hội Cà Phê Cao Cao Việt Nam đưa ra dự báo mới về tình hình cà phê, theo đó niên vụ 2004-2205 ngành cà phê Việt Nam sẽ chỉ đạt khoảng 750 ngàn tấn và giá cả sẽ tiếp tục đứng ở mức thấp.

Ông Huy nhận định là tình hình hiện nay sẽ ảnh hưởng xấu cho cả vụ mùa 2005-2006 tiếp theo. Hồi tháng 9 có lúc các chuyên gia nước ngoài ước tính rằng, sản lượng niên vụ 2004-2005 của Việt Nam gia tăng tới 950 ngàn tấn.

Phẩm chất kém

Theo tin địa phương, giá cà phê robusta nhân thu mua tại vườn ở Đắc Lắc duy trì ở mức thấp, chỉ có 7.500 đồng một kg. Mặc dù nhà vườn lúc này chưa có nhiều sản phẩm do mới vào đầu vụ. Một chủ vườn cà phê ở Lâm Đồng nói rằng với giá bảy ngàn rưởi một kg thì không có cách gì đầu tư cho vườn cây được: "Mười ngàn một kí thì đủ, người nông dân có cái ăn vào đó…"

Tình hình sản xuất cà phê ở Việt Nam nở rộ trong thập niên 1990, dẫn tới sự phát triển thiếu qui họach. Việt Nam đã gia tăng diện tích trồng cây cà phê robusta tới mười lần, trong trong khoảng chưa đầy mười năm và từng xuất khẩu lọai cà phê robusta nhiều nhất thế giới. Tuy vậy cà phê robusta của Việt Nam kém phẩm chất, tình trạng thừa cung khiến thị trường thế giới bị khủng hoảng vào năm 2001, cà phê robusta xoáng giá tới mức 380 đô la một tấn, thay vì thời kỳ đỉnh cao 2 ngàn đô la một tấn. Thời gian vừa qua cà phê robusta Việt Nam xuất khẩu có lúc đạt 850 đô la một tấn.

Thiếu nước tưới tiêu

Trở lại thực tế ở Đắc Lắc khu vực chuyên canh cây cà phê lớn nhất Việt Nam, mùa mưa năm nay đã kết thúc sớm cả tháng trời, so với thường lệ. Lượng mưa trong năm chỉ đạt 1.200mm, các nhà chuyên môn cho rằng chỉ bằng 6 phần 10 so với mọi năm. Tin cho biết các sông lớn trong vùng như Krông ana, Krông Knô, Sê rêpốc hạ thấp hơn 1 mét rưỡi so với năm ngoái. Lượng nước trong 580 hồ chứa đập thủy lợi chỉ còn 60% so với dung tích thiết kế.

Ngoài tình trạng thiếu nước, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng việc bơm tưới. Đợt tăng giá xăng lần thứ ba mới vừa diễn ra hôm 1 tháng 11. Xăng dầu còn ảnh hưởng giá cước vận chuyển nếu nhà vườn bán cà phê ở trạm thu mua, thay vì chờ thương lái đến cân tại vườn. Tình trạng nông dân bỏ mặc vườn cây cà phê không chăm sóc hay chặt bỏ cây cà phê sẽ có thể tái diễn. Một nhà kinh doanh cà phê nhiều kinh nghiệm bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với người nông dân.

Hạn hán năm nay đang xảy ra ở Đắc Lắc không chỉ làm thiệt hại cây cà phê, mà còn làm hỏng các lọai cây trồng khác như cây bông vải và hoa mầu khác. Đối với nông dân cà phê chưa thấy Hiệp Hội Cà Phê Cacao đưa ra biện pháp gì để giúp đỡ nông dân, những gì mà họ trông mong thực sự rất đơn giản, như tâm sự bộc bạch của một chủ vườn.

Cùng chịu hạn hán như nông dân cà phê, nhưng nông dân trồng bông vải, mà nhiều hộ là đồng bào dân tộc ít người được quan tâm hơn. Hiệp hội dệt may Việt Nam đã có tiếng nói, chủ tịch hiệp hội ông Lê Quốc ân trong những ngày đầu tháng 11 kiến nghị thủ tướng Phan Văn Khải, xin thành lập một quĩ bình ổn giá và trợ giá cho ngừơi trồng bông. Hạn hán hiện nay ở Đắc Lắc gây mất mùa cho 6 ngàn hécta bông trong vùng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.