Ba yếu tố để Miến Điện tiến đến dân chủ

Những cải cách gần đây cũng như chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc bầu cử bổ sung cho thấy Miến Điện đang cởi mở hơn.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012.04.12
assk-naypyidaw-305.jpg Bà Aung San Suu Kyi (trái) trên đường đi gặp gỡ Tống Thống Thein Sein tại Naypyidaw, ngày 11 tháng 4 năm 2012.
AFP PHOTO


Tuy nhiên, nó chưa phải là một nền dân chủ thật sự. Để tiến đến dân chủ thật sự và phát triển đất nước toàn diện, một nước phải đi qua ba điểm. Ba điểm đó là gì?

Mời quý vị theo dõi cuộc trò chuyện của Quỳnh Chi cùng giáo sư David C. Williams, GĐ Trung tâm Dân chủ Lập hiến trường đại học Indiana. Ông là người nghiên cứu, tham gia thiết kế, tư vấn hiến pháp cho một số nước trên thế giới, trong đó có Miến Điện.

Một hiến pháp dân chủ

Quỳnh Chi: Thưa giáo sư, qua tra cứu thì tôi thấy rằng muốn phát triển một đất nước toàn diện bền vững thì phải có ba yếu tố. Đó là một nhà nước pháp quyền, một xã hội dân sự và một nền kinh tế thị trường. Ông nhận xét thế nào về nhận định này?

Hiến pháp là điều quan trọng nhất trên mọi thứ khác nhưng một xã hội dân sự, một nền kinh tế thị trường là những cái rất cần thiết để thực sự mang đến sự phát triển vững mạnh.

GS David C. Williams

David C. Williams: Tôi đồng ý ba điểm đó là ba điểm quan trọng nhất nhưng không phải là ba điểm duy nhất. Tôi cho rằng hiến pháp là điều quan trọng nhất trên mọi thứ khác nhưng một xã hội dân sự, một nền kinh tế thị trường là những cái rất cần thiết để thực sự mang đến sự phát triển vững mạnh cho đất nước.

Quỳnh Chi: Và cái gốc của một nhà nước pháp quyền là một hiến pháp dân chủ của toàn dân, nghĩa là phải được người dân tham gia kiến tạo và thông qua phải không ạ?

David C. Williams: Đúng là như thế. Hiến pháp là luật căn bản, luật gốc để kiểm soát tất cả mọi thứ. Trong một ý nghĩa, nếu mà một đất nước không có hiến pháp thì không phải là nhà nước pháp quyền mà chỉ là con người vận hành nhà nước. Nhà nước pháp quyền nghĩa là có một hệ thống luật cơ bản mà tất cả mọi thứ khác phải chiếu theo.

Quỳnh Chi: Chế độ tam quyền phân lập đóng vai trò như thế nào trong nhà nước pháp quyền?

David C. Williams: Cái căn bản của nhà nước pháp quyền là có những luật cơ bản và phải được áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả chính phủ. Luật lệ này được tạo ra bởi người dân nhằm kiểm soát hoạt động mà chính phủ được phép làm.

knu-talks-250.jpg
Các thành viên của Liên minh Quốc gia Karen (bên trái) và các thành viên chính phủ Miến Điện (bên phải) bắt tay sau các cuộc đàm phán hòa bình ở Rangoon hôm 06 tháng 4 năm 2012. AFP PHOTO.
Đó là lý do vì sao mà một quốc gia hoạt động dựa theo hiến pháp không có thể chế chuyên quyền bởi vì thể chế chuyên quyền làm cho chính phủ làm tất cả những gì họ muốn. Cho nên, người dân cần tạo ra giới hạn cho chính phủ để họ không lạm quyền. Một trong những cách để làm được điều này là hệ thống tam quyền phân lập. Quyền lực của chính phủ phải được phân ra. Và mỗi nhánh phải được vận hành bởi những thành phần khác nhau để họ có thể kiểm tra, giám sát, cân bằng lẫn nhau. Điều này sẽ giúp bảo đảm rằng đất nước không bị vận hành bởi chỉ một người hay một nhóm người.

Quỳnh Chi: Thưa giáo sư, ông thấy vấn đề của Miến Điện bắt nguồn từ đâu?

David C. Williams: Vấn đề cơ bản của Miến Điện nằm ở hiến pháp. Thứ nhất, quân đội điều hành mọi thứ và nắm quyền. Thứ hai, các nhóm sắc tộc thiểu số cho rằng họ không có đủ quyền dưới hiến pháp 1947. Đó là lý do của những xung đột cho đến bây giờ chưa được giải quyết.

Quỳnh Chi: Không khó để chứng minh hiến pháp có quan hệ trực tiếp đến đời sống hằng ngày và nếu có một hiến pháp dân chủ thì ai lãnh đạo cũng không quan trọng vì họ phải theo hiến pháp. Còn vai trò của một xã hội dân sự thì có vẻ phức tạp hơn, đặc biệt đối với một nền dân chủ chưa phát triển? Ông có nghĩ như thế không?

Xã hội dân sự chắc chắn là một thách thức cho một chính phủ áp bức dân chúng, là những tổ chức không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chính phủ.

GS David C. Williams

David C. Williams: Vâng, đúng là như vậy. Xã hội dân sự là một khái niệm phức tạp và đã từ lâu người ta tranh luận về việc định nghĩa xã hội dân sự là gì. Tuy nhiên, dù cho người Miến Điện có không định nghĩa được xã hội dân sự là gì thì thực tế họ cũng có một số thành phần dân sự. Đó là những tổ chức làm theo lợi ích xã hội. Quân đội Miến Điện cũng tìm cách loại bỏ các thành phần dân sự trong xã hội nhưng cũng có vài thành phần. Và hy vọng là sẽ có thêm nhiều thành phần dân sự trong xã hội.

Sự thách thức đối với chính phủ

Quỳnh Chi: Vâng, nhưng cũng có những quan niệm cho rằng xã hội dân sự là mối đe dọa cho chính phủ. Điển hình là tại Việt Nam, GS.TS Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng Viện Các vấn đề Phát triển từng phát biểu là “...một số người sợ rằng nếu thúc đẩy xã hội dân sự sẽ có sự đối lập với chính quyền”. Ông có nghĩ xã hội dân sự là một sự thách thức đối với chính phủ?

David C. Williams: Xã hội dân sự chắc chắn là một thách thức cho một chính phủ áp bức dân chúng. Đây là những tổ chức không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chính phủ. Cho nên các tổ chức dân sự này luôn là một mối đe dọa cho một chính phủ xấu. Tuy nhiên, nó không bao giờ trở thành một thách thức đối với một chính phủ tốt. Thực tế thì một chính phủ tốt bởi vì chính phủ cần tổ chức xã hội thành những tổ chức khác nhau và các nhóm người, thành phần khác nhau để họ có thể thể hiện ý chí chính trị của họ.

Quỳnh Chi: Thưa ông, một xã hội dân sự phát triển cho thấy sự đề cao tự do cá nhân và sự bình đẳng giữa các tổ chức, kể cả tổ chức chính trị. Một số người có thể lập luận là nó mang đến sự xáo trộn xã hội vì sinh ra nhiều đảng phái, ông nghĩ sao?

David C. Williams: Để phát triển đất nước, người dân cần được tham gia vào xã hội. Xã hội dân sự không nhắm vào việc phát triển kinh tế. Cái nó làm là giúp cho người dân ngày càng tham gia vào công việc chung. Và nếu người dân càng tham gia, quan tâm đến chính trị, sẽ có nhiều điều xảy ra. Dĩ nhiên có một số chính phủ rất ngại xã hội dân sự vì đó là một chính phủ áp đặt. Tuy nhiên, tôi có thể nói là đất nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới là đất nước có một xã hội dân sự phát triển nhất.

Quỳnh Chi: Trở lại vấn đề ba yếu tố để phát triển đất nước, vai trò của một nền kinh tế thị trường đối với sự phát triển quốc gia là như thế nào thưa giáo sư?

David C. Williams: Dĩ nhiên là Miến Điện cần tiến đến một nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đây là một khái niệm rất rộng. Cái điểm chính của một nền kinh tế thị trường là nó được thực sự quản lý, vận hành theo qui luật kinh tế và tất cả mọi người đều phải chơi theo luật đó. Nói về Miến Điện thì tình trạng tham nhũng đã trở nên báo động từ lâu vì mọi người phải hối lộ để thực hiện mục đích kinh doanh của mình. Điều này phải được chấm dứt nếu tiến đến nền kinh tế thị trường. Tất cả mọi người phải có cơ hội tự do, công bằng và như nhau. Và khi nền kinh tế thị trường thực sự được mở ra, bạn sẽ thấy sự phát triển vượt bậc diễn ra.

Quỳnh Chi: Trung Quốc và Việt Nam thực hiện đổi mới chỉ trên phương diện kinh tế và hai nước này cũng trở thành những nền kinh tế được chú ý. Vậy thì có cần thiết phải có đủ ba yếu tố nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự và nền kinh tế thị trường để mang đến sự phát triển cho đất nước?

David C. Williams: Sự đổi mới kinh tế tại Trung Quốc và Việt Nam cho thấy ít nhất hai điều. Thứ nhất, có người cho rằng nếu bạn mở cửa kinh tế, thì dân chủ cũng sẽ được mở ra. Và chúng ta có thể thấy đó không phải là những gì xảy ra với Trung Quốc hay Việt Nam. Hai nước này đã mở cửa kinh tế, nhưng mà nền dân chủ thì chưa phát triển. Điều thứ hai mà Việt Nam, Trung Quốc cho thấy là một nước mở cửa thị trường, và tạo ra sự phát triển kinh tế. Thậm chí không có dân chủ, kinh tế vẫn phát triển theo cách đó.

burma-ts-assk-250.jpg
Bà Aung San Suu Kyi (trái) gặp gỡ Tổng thống Thein Sein trong cuộc họp đầu tiên của họ tại Naypyidaw, ngày 19 tháng 8 năm 2011. AFP PHOTO.
Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta đang sống trong một thế giới mà quốc tế hoá, toàn cầu hóa đang là xu hướng. Cho nên, cộng đồng thế giới phải đặt câu hỏi là họ muốn hợp tác với ai? Với một nước mà có sự liên kết về chính trị hay là một nước chỉ có thể tạo ra tiền của? Cho nên, một đất nước giàu lên chưa chắc có nghĩa là từng người đều giàu lên. Đây là một tình huống không ổn định. Ví dụ, dưới một đất nước chuyên chế, mặc dù một công ty tư nhân có thể làm ra tiền nhưng họ không thể nào đảm bảo rằng các qui luật kinh tế sẽ công bằng và áp dụng cho tất cả. Nếu tôi là một tỷ phú Trung Quốc, tôi sẽ có một chút lo sợ là một ngày nào đó chính phủ có thể sẽ lấy hết tiền của tôi vì đó là cách mà chế độ chuyên chế vận hành.

Quỳnh Chi: Câu hỏi cuối thưa ông, bà Aung San Suu Kyi cũng nhiều lần tuyên bố là phải sửa đổi hiến pháp. Là một người nghiên cứu hiến pháp Miến Điện mười năm nay, theo ông những điểm chính cần sửa là gì?

David C. Williams: Dĩ nhiên là một mình bà Aung San Suu Kyi không thể đổi hiến pháp được mà bà ta chỉ cố gắng đẩy mạnh quá trình đó. Điều này rất quan trọng. Thứ nhất, thậm chí dưới hiến pháp mới, quân đội (mặc đồng phục) vẫn đang kiểm soát 25% số phiếu trong tất cả các ngành lập pháp. Và dĩ nhiên là họ đương nhiêm có 25 % quyền hành trong ngành lập pháp. Thứ hai, quân đội cho quyền mình có thể tuyên bố đặt trong tình trạng khẩn cấp và giải thể chính quyền dân sự. Thứ ba, đối với quân đội, ngành tư pháp không có quyền lực gì cả. Và thứ tư, chính quyền dân sự trên luật pháp không có quyền đối với quân đội và tôi nghĩ là trong thực tế nó là như vậy. Cho nên một nền dân chủ tại Miến Điện đòi hỏi quân đội phải được đặt dưới chính phủ.

Một điều nữa là như tôi đã nói ở trên, những nhóm sắc tộc thiểu số không thấy là họ có đủ quyền tự trị. Họ cảm thấy là họ khác hẳn với đa số dân Miến Điện, họ có văn hóa riêng và họ muốn quản lý sắc tộc của họ theo cách riêng. Điều này không có nghĩa là họ cần quyền lực trong quốc hội mà có nghĩa là họ muốn được quyền kiểm soát lãnh thổ của họ.

Quỳnh Chi: Cám ơn GS David C. Williams.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.