Sau 35 năm, nhìn lại thời kỳ đổi mới kinh tế VN

Trong loạt bài kỷ niệm 35 năm ngày thống nhất đất nước, chúng tôi xin giới thiệu bài viết thứ hai, 35 năm nhìn lại kinh tế Việt Nam do Mặc Lâm thực hiện.
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010.04.28
trien-lam-htx-305.jpg Tại cuộc triển lãm Thời bao cấp diễn ra ở Bảo tàng Dân tộc học VN năm 2006, một người đàn ông xem và hồi tưởng những ngày ông cũng phải xếp hàng đong gạo.
Photo courtesy of vietbao.vn

Những đề nghị của nhóm Thứ Sáu

Đây là bài tóm lược thời kỳ đổi mới với những đề nghị của nhóm Thứ Sáu. Gần đây,VietnamNet cho công bố bài viết về nhóm Thứ Sáu, với câu chuyện của những chuyên viên nhiều ngành nghề khác nhau của chế độ cũ đã góp sức để vực dậy nền kinh tế trong giai đoạn đầu sau ngày thống nhất đất nước.

Mỗi ngày Thứ Sáu trong tuần, nhóm chuyên viên này tụ họp nhau lại để hàn huyên trên nhiều lĩnh vực mà vần đề chính vẫn là kinh tế. Các thành viên trong nhóm gồm nhiều thành phần khác nhau, có người là chuyên viên giáo dục, có người là công chức chánh ngạch và có cả những người vừa đi cải tạo về vì là công chức cao cấp của chế độ Sài Gòn. Không phân biệt bằng cấp và tuổi tác, họ ngồi lại với nhau trong tinh thần chia sẻ kinh nghiệm và cùng tìm hướng đi cho đất nước.

Lúc đó tôi có đề nghị đổi cái danh xưng Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà Nước thành Thống Đốc Ngân Hàng. Riêng cái việc thay đổi danh xưng là thay đổi tư duy ghê lắm. Ô. Huỳnh Bửu Sơn

Dự án quan trọng nhất của nhóm Thứ Sáu là đề nghị thay đổi cách điều hành của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam. Ông Huỳnh Bửu Sơn, một thành viên trong nhóm Thứ Sáu kể lại:

“Hệ thống ngân hàng nhà nước có một cấp. Nó vừa là Ngân hàng trung ương, vừa là Ngân hàng thương mại. Tôi gọi nó là vừa quản lý vừa kinh doanh, vừa đá bóng vừa thổi còi. Ngoài ra nó còn làm thêm công việc quản lý ngân sách như là một kho bạc.

Cho nên khi tách nó ra thành hai cấp: một cấp quản lý, một cấp kinh doanh thì có những ý kiến rất là khác biệt, vì họ cảm thấy nếu mà tách ra như vậy thì vấn đề bảo đảm bí mật ngân hàng, rồi đáp ứng đúng cái định hướng thì rất lá khó. Nhưng dù sao thì cái chuyện tách quản lý và kinh doanh là nguyên tắc phải làm nên cứ tiếp tục đi tới thôi.”

Tuy được tiếng là cởi mở nhưng không phảỉ ai trong Hội đồng Bộ trưởng cũng ngay lập tức có tư duy đổi mới triệt để, ông Huỳnh Bửu Sơn kể lại:

“Lúc đó tôi có đề nghị đổi cái danh xưng, hồi đó gọi là Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà Nước, tôi đề nghị đổi giống như các nước là Thống Đốc Ngân Hàng. Riêng cái việc thay đổi danh xưng là thay đổi tư duy ghê lắm. Tôi còn nhớ ông Đồng Sỹ Nguyên, trong Hội đồng bộ trưởng ổng nói “gọi tên Thống đốc nghe sặc mùi đế quốc quá!”

Hòa nhập nền kinh tế thị trường

temphieu-250.jpg
Thời kỳ 1976-1982, do sản xuất kém phát triển, hàng hóa không đủ, nên việc phân phối bị kiểm soát bằng chế độ tem phiếu. Photo courtesy of wikipedia
Thời kỳ 1976-1982, do sản xuất kém phát triển, hàng hóa không đủ, nên việc phân phối bị kiểm soát bằng chế độ tem phiếu. Photo courtesy of wikipedia
Kết quả sơ khởi sau khi Ngân hàng Nhà Nước được phân cấp là nhiều biện pháp về tiền tệ được đưa ra bao gồm mạnh tay nới lỏng tỷ giá vào cuối năm 1988. Bước đột phá này là đòn bẩy làm cho nền kinh tế Việt Nam thấy ra được thế nào là nền kinh tế thị trường. Bước đầu tiên này cũng dẫn đến sự cạnh tranh và chấm dứt tình trạng bao cấp trên nhiều lĩnh vực, mở ra thời kỳ đổi mới và hội nhập sau này.

Bắt đầu giai đoạn đổi mới, nhà nước đã cố gắng điều chỉnh những tư duy từng dị ứng với chủ nghĩa tư bản để từng bước hòa nhập vào nền kinh tế thị trường đúng nghĩa của nó. Mặc dù trên nguyên tắc, lý luận bài xích chủ nghĩa tư bản của Mác Lê vẫn nằm trong các buổi họp chi bộ nhưng trên thực tế thì mọi kỹ thuật của kinh tế thị trường được mang ra áp dụng hàng ngày. Doanh nghiệp tư nhân được nới lỏng dần và chỉ trong vài năm con số doanh nghiệp chính thức hoạt động lên đến hàng triệu cơ sở.

Anh em có đề nghị là khi Việt Nam có chính sách đổi mới thì nên xây dựng một khu chế xuất. Lúc bấy giờ, cái đó nó thích hợp hơn những đề xuất khác. Trong bối cảnh như thế chúng tôi bắt tay vào làm một cách chính thức khu chế xuất Tân Thuận.
Ô. Phan Chánh Dưỡng

Thu hút đầu tư vẫn là mối lo hàng đầu nhà nước cần phải gấp rút tiến hành nếu muốn phát triển. Trong tình hình sơ khai của một nền kinh tế chập chững học theo lối tự do kinh doanh thì việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quả là vô vàn khó khăn. Nguyên Thủ tướng Võ văn Kiệt được nhìn nhận là người có công đầu với vấn đề nay khi chấp nhận lắng nghe tiếng nói của nhóm Thứ Sáu, nhóm của những chuyên viên chế độ cũ, ở lại Việt Nam trong những tháng ngày khó khăn nhất. Khu chế xuất Tân Thuận là đề xuất của nhóm được xem là bước nhảy đầu tiên vào thế giới tư bản nhằm mời gọi đầu tư nước ngoài để cải tạo và phát triển tiềm năng kinh tế tư doanh.

Khu chế xuất Tân Thuận mở đầu cho hàng loạt khu chế xuất sau này. Một thành viên trong nhóm là ông Phan Chánh Dưỡng kể lại:

“Trong nhóm anh em có những người đã từng đi du học nước ngoài, và có những người trong thời kỳ trước 75 đã từng tham gia xây dựng khu công nghiệp Biên Hòa, cũng có biết những khu chế xuất của thế giới, trong đó có Đài Loan, cho nên anh em có đề nghị là khi Việt Nam có chính sách đổi mới thì nên xây dựng một khu chế xuất. Với gợi ý đó, tôi mới nghiên cứu các vùng chung quanh và trên các cơ sở ý kiến của anh em viết một cái tiền khả thi để trình bày nội dung của một khu chế xuất là như thế nào, mục tiêu của khu chế xuất để giải quyết vấn đề gì.

Lúc bấy giờ, cái đó nó thích hợp hơn những đề xuất khác. Thành Phố Hồ Chí Minh cũng đánh giá rằng có thể đây là mô hình thích hợp nên cuối cùng trung ương cho làm thí điểm coi thử ra sao. Trong bối cảnh như thế chúng tôi bắt tay vào làm một cách chính thức khu chế xuất Tân Thuận.”

Những khó khăn cơ bản

hangtet-200.jpg
Những mặt hàng chỉ được sắm sửa vào ngày Tết thời bao cấp. Photo courtesy of vietbao.vn
Những mặt hàng chỉ được sắm sửa vào ngày Tết thời bao cấp. Photo courtesy of vietbao.vn
Khu chế xuất Tân Thuận xuất hiện không phải là phép lạ để trong một thời gian ngắn kéo hẳn nền kinh tế lên cao. Bà Phạm Chi Lan, nguyên tư vấn cho văn phòng thủ tướng nhận xét giai đoạn đổi mới sau khi nhiều nỗ lực của doanh nhân cố gắng hội nhập vào thương trường với những háo hức lẫn khó khăn ban đầu:

“Những khó khăn của kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ vẫn là những khó khăn cơ bản của một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi từ hệ thống kế hoạch hóa tập trung sang hệ thống kinh tế thị trường, mà hệ thống kinh tế thị trường vẫn chưa hoàn thiện cần phải phát triển thêm nữa. Mặt khác trong giai đoạn đầu này thì nó vẫn còn có những cái chưa định hình thật rõ.

Một khó khăn khác là xuất phát từ một nước đang phát triển với một nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, muốn phát triển lên thì quá trình phát triển đòi hỏi rất nhiều đầu tư, rất nhiều nỗ lực. Vài chục năm đổi mới vừa qua chưa đủ để Việt Nam vượt lên hơn. Khó khăn nữa là Việt Nam mới hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tham gia ASEAN vào năm 95 nên còn rất mới.

Những khó khăn của kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ vẫn là những khó khăn cơ bản của một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi từ hệ thống kế hoạch hóa tập trung sang hệ thống kinh tế thị trường.
Bà Phạm Chi Lan

Hội nhập kinh tế toàn cầu là khẩu hiệu kéo dài hơn hai mươi năm nhưng mãi đến khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO thì Việt Nam mới hoàn toàn tự tin rằng mình đã chính thức bước vào cuộc chơi với đầy đủ hệ lụy lẫn lợi thế. Cuộc chơi này không đơn giản thắng thua mà còn là phát triển hay tụt hậu. Nói đến WTO là nói đến xuất khẩu và những trao đổi sòng phẳng trên thương trường quốc tế. Sau ba năm gia nhập WTO, nguyên bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam đàm phán với tổ chức này cho biết:

Việc gia nhập WTO một mặt tạo ra cơ hội đồng thời cũng tạo ra những thách thức. Điều quan trọng là tận dụng cơ hội thế nào và vận dụng thách thức thế nào. Hàng năm đều có đánh giá và hiện nay đang làm đánh giá 3 năm để chuẩn bị đầu tư trong những đơn vị kinh tế. Tất nhiên trong ba năm đó gặp những chuyện khó khăn như khủng hoảng, tuy nhiên cơ hội rõ nhất là vấn đề đầu tư. Đầu tư kể cả tư nhân và nước ngoài tăng rất rõ. Thứ hai là mở rộng thị trường xuất khẩu cũng, đó là hai cái mình thấy rõ nhất.

Chính vì vậy mà trong năm 2007 và 2008 gặp lạm phát không nói làm gì, năm 2007 tốc độ tăng trưởng đạt được rất cao, xuất khẩu cũng vậy. Thách thức thì vẫn còn khá nhiều. Áp lực cạnh tranh rất là lớn và tác động rất nhanh, rất mạnh đến Việt Nam, tuy nhiên, khả năng đối phó trước những biến động ấy của mình vẫn còn hạn chế.

Hạn chế mà bộ trưởng Trương Đình Tuyển đưa ra là một phần của những khó khăn mà Việt Nam cần phải giải quyết. Những khó khăn hạn chế khác đang từng lúc từng nơi vây quanh sức phát triển của Việt Nam sẽ là đề tài tìm hiểu của chúng tôi trong bài tới, mời quý vị tiếp tục đón theo dõi.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.