Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á

Trong vài năm trở lại đây, nhà nước Việt Nam cho ra đời đạo luật buộc mọi người điều khiển xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm an toàn.
Khoa Diễm, phóng viên RFA
2010.09.30
GT305.jpg Tất cả người dân lưu thông trên đường phố SG đều đội mũ bảo hiểm. Ảnh chụp hôm 15/7/2010.
RFA photo

Cùng lúc một người Mỹ sang Việt Nam lập ra một tổ chức để góp phần vào nỗ lực cho người Việt đội mũ an toàn.  Nhân dịp ông Greig Craft, người sáng lập và chủ tịch Qũy Phòng chống Thương vong châu Á, AIP, một tổ chức đã góp phần thay đổi bộ mặt giao thông của Việt Nam, đến New York, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn để tìm hiểu thêm về Qũy AIP và những dự tính cho tương lai.

Mục đích thành lập

Khoa Diễm: Xin chào ông Craft, rất hân hạnh được tiếp chuyện với ông tại Hoa Kỳ. Xin ông cho biết sơ về AIP và những gì tổ chức đã đạt được trong thời gian qua.

Greig Craft: Quỹ AIP được thành lập với mục đích giúp một tay trong những vấn đề liên quan đến an toàn giao thông mà Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực đang gặp phải. Chúng tôi chú trọng đến việc đội nón bảo hiểm cho người lái cũng như người ngồi trên xe gắn máy, đặc biệt là trẻ em, vì xe gắn máy là phương tiện đi lại chính của người dân.

Vào năm 1999, lúc đó Việt Nam có hơn 12 triệu xe gắn máy mà chỉ có 3% số người lái xe đội nón bảo hiểm. Với sự giúp đỡ của cựu Tổng thống Clinton, chúng tôi bắt đầu chương trình phòng chống thương vong châu Á vào tháng 11 năm 2000 và sau 10 năm hoạt động cùng với sự ủng hộ của chính phủ Việt Nam, hiện tại đã có hơn 80% số người chạy xe gắn máy đội mũ bảo hiểm.

Khoa Diễm: Ông nhắc đến trẻ em, AIP có những chương trình như thế nào để khuyến kích cha mẹ cho trẻ đội mũ bảo hiểm?

Quỹ AIP được thành lập với mục đích giúp một tay trong những vấn đề liên quan đến an toàn giao thông mà Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực đang gặp phải.

Ông Greig Craft

 

Greig Craft:  Vào năm 2007, có một lời đồn là khi cho trẻ em đội mũ bảo hiểm, dây chằng dưới cằm sẽ làm cho bé không thở được rồi chiếc nón nặng quá sẽ làm ảnh hưởng đến não của bé. Dù là tin đồn không có căn cứ khoa học, nhưng cô cũng biết đấy, tin đồn thì khi nào cũng như lửa rừng, cứ thế mà tiếp tục cháy lan. Từ đó đến nay chúng tôi đã có những chương trình chỉ dẫn và giải thích với các bậc phụ huynh rằng việc này hoàn toàn sai sự thật và các em cần phải được bảo vệ khi ngồi trên xe gắn máy.

Chúng tôi cũng đang cố gắng để nhà nước Việt Nam có những dự luật buộc cha mẹ phải chịu trách nhiệm cho con em mình bằng biện pháp như, nếu trẻ không đội mũ bảo hiểm và khi xe bị cảnh sát giao thông giữ lại thì người lái phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và bị phạt tiền nặng. Chúng tôi đang bắt tay vào một loạt những dự án mới, bắt đầu từ tháng Giêng năm 2011 và kéo dài 3 năm để con số trẻ em đội mũ bảo hiểm tăng cao hơn.

An toàn và phù hợp

Khoa Diễm: Chiếc mũ bảo hiểm ở Việt Nam rất đẹp, kiểu dáng rất bắt mắt nhưng khác xa với các loại mũ bảo hiểm thường thấy tại nước ngoài, vậy chiếc mũ nào an toàn hơn?

SG-250.jpg
Một cô gái trên đường phố SG hôm 15/7/2010 với chiếc mũ bảo hiểm gọn, nhẹ và đẹp mắt. RFA photo
Một cô gái trên đường phố SG hôm 15/7/2010 với chiếc mũ bảo hiểm gọn, nhẹ và đẹp mắt. RFA photo
Greig Craft: Trong quá trình làm việc chúng tôi đã nghiên cứu tại sao người dân không thích đội mũ bảo hiểm và câu trả lời là vì thời tiết. Các kiểu mũ mà chúng ta thường thấy ở nước ngoài theo đúng nghĩa mũ bảo hiểm cho người lái xe gắn máy là chiếc mũ rất nặng, che mặt, che đầu, bảo vệ từ cằm đến lỗ tai nhưng Việt Nam là một quốc gia thuộc vùng nóng, người dân không thể nào bưng bít cả mặt mũi như vậy khi chạy xe trên đường.

Từ phát hiện này chúng tôi đã chế tạo những chiếc mũ được gọi là mũ bảo hiểm cho vùng nhiệt đới, được làm bằng chất liệu nhẹ hơn, hình dáng thoáng hơn và có những chỗ thông hơi. Thêm vào đó thay vì dùng những màu thường thấy như màu đen hay nâu, chúng tôi có những màu sắc vui tươi và hình ảnh đẹp trên mũ, từ đó chiến dịch mũ bảo hiểm của chúng tôi được nhiều người dân quan tâm hơn.

Chúng tôi cảm thấy rằng những chiếc mũ này có thể bảo vệ được não, một phần quan trọng mà không có loại thuốc men nào chữa trị được nếu bị thương. Đúng là chúng không thể nào bảo vệ được tất cả các cơ quan trên đầu như quai hàm, nhưng để người dân nhận thấy được tác dụng và đồng ý đội lên đầu đã là một thành công lớn cho chúng tôi.

Khoa Diễm: Vậy hẳn là để đạt được thành công như hôm nay, AIP cũng đã phải trải qua nhiều khó khăn lúc ban đầu?

Global Helmet Vaccine Initiative là một dự án ví mũ bảo hiểm như là một loại vaccine, một loại vaccine hàng ngày mà người dân cần để bảo đảm an toàn khi ra đường.

Ông Greig Craft


Greig Craft:  Nếu có thể đi ngược thời gian thì tôi ước rằng chúng tôi sẽ làm việc tích cực hơn nữa trong giai đọan thuyết phục nhà nước Việt Nam yểm trợ chúng tôi. Như chị biết đó, dù ở Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia nào, để một dự án trở thành dự luật rồi thành luật chính thức là cả một vấn đề và tốn rất nhiều thời gian. Tuy nói là muộn nhưng có vẫn còn hơn không vì hơn 80% số người điều khiển xe gắn máy và người khách của họ đội mũ bảo hiểm là do luật của nhà nước. Chúng tôi dùng quá khứ để học hỏi và đang tích cực làm việc cho các chương trình trong tương lai.

Khoa Diễm: Trong cuộc hội thảo với nhóm Clinton Global Initiative, AIP đưa ra những chương trình gì cho tương lai?

Greig Craft: Chúng tôi trình bày Global Helmet Vaccine Initiative là một dự án ví mũ bảo hiểm như là một loại vaccine, một loại vaccine hàng ngày mà người dân cần để bảo đảm an toàn khi ra đường. Chúng tôi cũng phát triển mô hình Việt Nam cho các nước tại Phi châu, India và vùng Nam Mỹ. Hy vọng là những điều chúng tôi đang làm gặp kết quả tốt.  

Khoa Diễm: Cám ơn ông đã dành thì giờ cho RFA.   


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.