Tường trình cuộc gặp giữa Đại sứ Michael Michalak với Cộng đồng người Việt ở Little Saigon


2007.10.17

Đằng Phong, thông tín viên đài RFA

Vào lúc 3 giờ chiều chủ nhật, ngày 14 tháng 10 mới đây, tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak đã đến Little Saigon để gặp gỡ với cộng đồng Việt Nam và lắng nghe những quan tâm của họ về tình hình Việt Nam. Cộng đồng người Việt tại Nam Cali đã gởi thông điệp gì đến ông tân đại sứ? Quan điểm của ông Michalak về mối quan hệ Mỹ-Việt là gì? Đằng Phong đã có mặt tại buổi sinh hoạt này và gửi về bài tường thuật sau đây.

MichaelMichalakInOrangeCounty200.jpg
Từ trái sang phải, DB Loretta Sanchez, DS Michael Michalak, DB Dana Rohrabacher, DB Ed Royce. Photo RFA/ Dang Phong >> Xem hình lớn hơn

Trước khi được chính thức chấp nhận làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Michalak đã hứa rằng nếu được nhậm chức, ông sẽ đến Little Saigon, thủ độ của cộng đồng người Việt tị nạn, để lắng nghe ý kiến của người Mỹ gốc Việt về mối quan hệ Việt-Mỹ.

Vào hôm 14 tháng 10, ông đã thực hiện lời hứa này và đến tham dự một buổi gặp gỡ với cộng đồng Việt Nam do nữ dân biểu Loretta Sanchez tổ chức cùng với sự yểm trợ của hai ông dân biểu Dana Rohrabacher và Ed Royce, là những người trách nhiệm các địa hạt có đông người Việt Nam.

Hơn 200 người đã đến trung tam Le-Jao Center tại trường đại học Coastline Community College để trao đổi với ông Michalak. Đại Sứ Michalak đã dành hai tiếng để tiếp xúc với đồng bào, và sau đó đã dành ba mươi phút để gặp riêng với giới truyền thông.

3 vấn đề ưu tiên

Thay vì đọc một diễn văn được chuẩn bị trước thì ông Michalak đã nói chuyện ứng khẩu trong khoảng 10 phút để trình bày ngắn gọn ba vấn đề mà ông sẽ đặt ưu tiên trong thời gian của ông tại Việt Nam. Thứ nhất là việc đẩy mạnh nhân quyền:

“Chúng tôi hiện nay đang làm việc để giải quyết các vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do truyền hình và truyền thanh, tự do nối vào mạng lưới internet, tự do hội họp, và tự do phát biểu những quan điểm chính trị một cách ôn hòa.”

20 năm sau, chúng ta sẽ không nói là Mỹ đã vào Việt Nam để làm tiền, mà chúng ta sẽ nói rằng hơn 75% của nội các Việt là những người đã đi sang Mỹ du học.

Việc thứ nhì được đặt ưu tiên là nâng cao quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trên mặt kinh tế:

“Thêm một điều làm cho mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam mạnh hơn và đậm đà hơn.”

Và điểm thứ ba được ông Đại Sứ Michalak ưu tiên là việc giúp Việt Nam cải thiện nền giáo dục và tạo điều kiện cho nhiều du sinh từ Việt Nam sang Mỹ hơn. Ông Michalak khoe rằng trong năm qua, số giấy phép mà Mỹ cung cấp cho sinh viên Việt Nam sang du học đã tăng 50% so với năm trước. Theo ông Michalak thì khi người Việt được làm công nhân trong một hãng Mỹ hay được sang Mỹ du học thì những kinh nghiệm đó sẽ làm nền tảng giúp cho người Việt Nam hiểu hơn về những lợi điểm của dân chủ.

Ông Michalak cho biết ông hy vọng rằng: “20 năm sau, chúng ta sẽ không nói là Mỹ đã vào Việt Nam để làm tiền, mà chúng ta sẽ nói rằng hơn 75% của nội các Việt là những người đã đi sang Mỹ du học.”

Những quan tâm của Cộng đồng người Việt

Sau khi trình bày ba điều vừa nêu, ông Michalak đã nhận câu hỏi của cộng đồng. Phần nhiều những câu hỏi này đã xoay quanh vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và tình trạng cũng những người đối kháng trong nước. Ông Michalak hứa rằng ông sẽ theo dõi từng trường hợp và mời mọi người liên lạc với ông nếu biết đến những trường hợp nào cần ông điều tra.

Riêng về vấn đề tự do tôn giáo, ông Michalak nhận xét: “Tôi tin rằng trong hai năm qua Việt Nam đã có tiến bộ về mặt tự do tôn giáo. Hiện nay tại Việt Nam có nhiều nhà thờ đông nghẹt, nhưng cũng có một vài nhà thờ chưa được như thế.”

Ông Michalak phân biệt thêm: “Những khó khăn chúng ta đang gặp về tự do báo chí hay sự bắt bớ vô cớ của những nhà dân chủ bất bạo động như trường hợp của Cha Lý - những vụ này là riêng biệt và không dính líu đến danh sách Các Quốc Gia Cần Đặc Biệt Quan Tâm (CPC) hay vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam nói chung.”

Sang phần gặp riêng với giới truyền thông thì những câu hỏi đã nhắm nhiều hơn vào chính sách của Mỹ đối với Việt Nam và quan điểm cá nhân của ông Michalak.

Khi được họi rằng Mỹ có định hợp tác quân sự với Việt Nam trong tương lai hay không thì ông Michalak trả lời: “Mỹ và Việt Nam sẽ không hợp tác gần gũi với nhau trên mặt quân sự trong tương lai trước mặt.”

Dựa vào sự kiện hồi sang hôm đó ông Michalak có đến ăn trưa tại nhà của bác sĩ Nguyễn Trọng Việt, một ủy viên trung ương của đảng Việt Tân, một câu hỏi khác được đặt ra là có phải chăng điều này có nghĩa là Mỹ ủng hộ đảng Việt Tân?

MichaelMichalakInOrangeCounty200b.jpg
Bác Ngọc đặt câu hỏi với DS Michalak. Photo RFA/ Dang Phong >> Xem hình lớn hơn

Khi nghe câu hỏi thì ông Michalak có vẻ bất ngờ, và giải thích rằng ông không biết bác sĩ Nguyễn Trọng Việt là đại diện của Việt Tân:

“Tôi hoàn toàn không biết điều đó. Khi tôi đến đây, tôi muốn tiếp xúc với nhiều thành phần trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt để biết những quan điểm của họ… Hồi sáng nay tôi ăn trưa ở nhà BS Việt, ngày mai tôi cũng sẽ đi dự một buổi cơm chưa tương tự ơ một nơi khác… đừng suy diễn quá nhiều về việc này.”

Một số các ý kiến khác

Riêng cá nhân chúng tôi đã hỏi ông Michalak rằng nếu giúp Việt Nam phát triển theo cách ông đề nghị, có nghĩa là đem sự đầu tư từ nước ngoài về để người Việt có cơ hội làm việc trong những công ty ngoại quốc và học hỏi cách làm việc hữu hiệu hơn, thì sau 20 năm người Việt sẽ còn gì nữa để kinh doanh khi các nước ngoài đã làm chủ hết mọi thứ trên đất Việt, từ địa điểm làm ăn có lợi, tài nguyên, và ngay cả thị trường?

Ông Michalak ly luận như sau: “Chúng ta nên nhớ rằng là ngay cả nước Mỹ này trong thế kỷ 19 hầu như là bị người Anh và người Hoà Lan làm chủ. Họ là những người xây dựng những đường xe lửa, những ngân hàng, và những nhà chọc trời đầu tiên tại Mỹ. Nhưng đến hôm nay thì sự ảnh hưởng của họ trên thị trường Mỹ có thể nói là không còn nữa. Cho nên tôi tin rằng trong 20 năm nữa Việt Nam sẽ có một nền kinh tế của người Việt, do người Việt làm chủ.”

Dù sao thì mục đích của ông tân đại sứ đến Little Saigon không phải là để trình bày chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, nhưng là để lắng nghe ý kiến của người Mỹ gốc Việt tại đây. Hay nói cách khác là mục đích của ông đến là để ngoại giao với cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Thế thì những người tham dự buổi gặp gỡ đã đánh giá ông tân đại sứ ra sao?

Bác Ngọc, một khuôn mặt quen thuộc trong các sinh hoạt cộng đồng tại Little Saigon cho biết: “Bác chưa có hài lòng với những câu trả lời của ông Michalak. Tuy nhiên cái thiện chí của ông đến đây là mình rất cảm ơn ông Michalak.”

Ông Phan Minh đồng ý với bác Ngọc và giải thích thêm: “Tôi cảm thấy không được hài lòng lắm. Bởi vì đa số cộng đồng ở đây là không có hài lòng với chính phủ Việt Nam. Tự do cho Việt Nam là ưu tiên hạng đầu của cộng đồng ở đây. Nhưng mà tôi thấy qua buổi trao đổi thì những sự hứa hẹn của ông đại sứ chỉ có chung chung, chứ không cụ thể mấy.”

Nhưng đòi một ông đại sứ hứa hẹn cụ thể thì cũng là đòi hỏi hơi nhiều. Việc làm của một người đại sứ là để ngoại giao và gây cảm tình. Dù ông Michalak không thuyết phục được cộng đồng người Việt tại Little Saigon, ông đã đạt một thành công lớn là gây được cảm tình với cộng đồng người Việt tại đây.

Chúng tôi là Đằng Phong, tường thuật từ Little Saigon.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.