Hàng triệu người Việt Nam bị ngộ độc thạch tín từ các nguồn nước bị ô nhiễm


2006.06.26

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Vừa qua, Bộ Y tế, Viện Y học Lao động và Vệ sinh Môi trường và Tổ chức Y Tế Thế giới WHO đã tổ chức một cuộc hội thảo về việc lọc nước để loại bỏ chất thạch tín hiện đang làm ô nhiễm nguồn nước dùng trong gia đình của các hộ dân vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như tại các tỉnh miền Nam. Ngộ độc thạch tín do bị nhiễm lâu ngày chất này có thể bị bệnh ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác.

giengnuoc200.jpg
Giếng nước làng quê Việt Nam. Photo courtesy of Vietnam Net

Việc các nguồn nước tại Việt Nam bị ô nhiễm vì chất thạch tín không phải là điều mới mẻ. Vào tháng 12 năm 2004, trong một buổi hội thảo do bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội về ô nhiễm thạch tín trong nước sinh hoạt tại Việt Nam, Viện công nghệ môi trường cho công bố một bản báo cáo theo đó qua kiểm tra 12 ngàn giếng khoan tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương đều thấy có sự hiện diện của thạch tín trong nước ngầm.

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cuộc điều tra cho biết, tỉnh Đồng Tháp bị ô nhiễm trầm trọng chất thạch tín. Tỉnh An Giang cũng bị ô nhiễm nhưng ít hơn. Riêng tỉnh Long An và thành phố Hồ Chí Minh chưa thấy dấu hiệu khả nghi.

Ảnh hưởng đến sức khoẻ

Gần đây nhất, sau khi báo chí phản ánh về tình trạng ô nhiễm thạch tín, công ty cổ phần Hóa chất và Công nghệ Nước Quốc tế, sau khi khảo sát nước ngầm tại thôn Thống Nhất, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây cho biết là nước dùng tại đây có hàm lượng thạch tín gấp từ 17 đến 29 lần lượng cho phép.

Riêng tại một số huyện thuộc tỉnh Hà Nam, quỹ Giáo Dục và Nhi Đồng của Liên Hiệp Quốc UNICEF đánh giá là mức ô nhiễm thạch tín tại Hà Nam cũng tương tự như Bangladesh tức là có độ ô nhiễm cao nhất thế giới.

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hoan thuộc Viện Hóa công nghiệp cho biết thì nhiễm độc do dùng nước uống chứa nồng độ thạch tín quá năm lầm mức cho phép sẽ gây ra ung thư, các chúng bệnh về thận, phổi, gan, tiểu, bạch huyết….

Bác sĩ Nguyễn Huy Nga, Phó Giám Đốc về Sức khỏe phòng ngừa và kiểm sóat HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế cho biết là bị nhiễm độc về thạch tín có thể phát sinh các bệnh ngoài da. Ngoài ra chất thạch tín cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh và hệ tim mạch.

Một giáo sư ngành Nha thành phố Hồ Chí Minh phát biểu về các công dụng cùng nguy hại do chất thạch tín gây ra. Ông cũng nhắc tới trường hợp ngộ độc thạch tín lừng danh thế giới là của Hoàng đế Pháp Nã Phá Luân đệ Nhất.

Phương pháp lọc nước

Các nhà khoa học cách đây 22 năm đã khám phá ra tại Bangladesh và vùng bang West Bengal của Ấn Độ, có khoảng 10 triệu người bị nhiễm thạch tín. Tuy nhiên sau một thời gian dài, các chuyên gia tuy cố gắng tìm kiếm nhưng vẫn chưa hiểu tại sao nguồn nước của những nơi này bị nhiễm thạch tín.

Vào khoảng tháng 6 năm 2004, trường đại học Manchester của Anh tuyên bố là họ tìm ra nguyên nhân tại sao thạch tín lại hiện diện trong nước ngầm tự nhiên. Họ đã khám phá ra một số vi khuẩn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chất thạch tín trong đất đá chuyển vào nước ngầm. Trong nước có ít oxy và nhiều thán khí thì vi khuẩn này càng hoạt động mạnh.

Do đó họ đề nghị thổi không khí vào nước ngầm để giảm nồng độ thạch tín. Tuy nhiên biện pháp này khó thực hiện và hiện nay, phương pháp thông dụng nhất vẫn là dùng hệ thống lọc để loại bớt chất thạch tín trong nước.

Tiến sĩ Phạm Xuân Sử thuộc Viện Khoa Học và Công Nghệ đề nghị nên lọc nước bằng cát, than hoạt tính và vải lọc.

Tiến sĩ Mai Tuấn Anh thuộc viện Môi Trường Tài nguyên, Đại Học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết có thể dùng các phương pháp lắng phèn như dùng vôi, nhôm hoạt tính và Cao lanh để lọc thạch tín.

Viện Hóa học Công Nghiệp và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra giải pháp dùng than gáo dừa để loại trừ thạch tín.

Hiện nay, với sự hỗ trợ của UNICEF, tỉnh Hà Nam đã lắp đặt bể lọc nước dùng cát vàng dày từ 40 đến 60 centimét để lọc thạch tín. Qua 90 ngày thử nghiệm, kết quả rất khả quan, nước lọc được có thể dùng được cho sinh hoạt thường ngày.

Thông tin trên mạng

- Arsenic in drinking water

- International Programme on Chemical Safety

- World directory of poisons centres (Yellow Tox) – In Vietnam

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.