Ban nhạc Bayadera và Nguyễn Đạt- người nhạc sĩ mù


2005.11.08

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Quí vị và các bạn vừa nghe một đoạn trong ca khúc Zarifa do Nguyễn Đạt, thuộc ban nhạc Bayadera- hiện rất nổi tiếng ở tiểu bang California- trình bày. Một trong những thành viên sáng lập nhóm Bayadera và viết những nhạc phẩm thật sống động là anh Nguyễn Đạt, người thanh niên con lai, bị mù. Trong chương trình hôm nay, Phương Anh mời quí vị nghe câu chuyện về ban nhạc này.

Bayadera200.jpg
Các thành viên ban nhạc Bayadera. Photo provided by Bayadera Band, website http://bayadera.com

Thưa quí vị và các bạn, vào năm 1999, ở vùng Nam California, một ban nhạc trẻ được thành lập. Khởi đầu chỉ có 3 thành viên với Nguyễn Đức Đạt, Chris Payne và Saatara. Cùng gặp nhau ở trường Đại học California State Fullerton, cả 3 đều có một ước mơ nho nhỏ: thành lập một ban nhạc để trình bày những ca khúc do chính mình sáng tác.

Năng khiếu bẩm sinh

Với năng khiếu bẩm sinh, chàng thanh niên Nguyễn Đạt, mang hai dòng máu Mỹ- Việt, tuy bị mù từ bẩm sinh, nhưng không có gì cản trở anh thực hiện giấc mơ của mình. Đến định cư ở Hoa Kỳ theo chương trình nhân đạo từ năm 1991, lúc đó anh vừa tròn 20 tuổi, và được gia đình bảo trợ ghi danh cho anh vào học trường trung học Anaheim.

Với niềm say mê cây đàn guitar, sau khi tốt nghiệp trung học, anh tiếp tục ghi danh đại học với ngành trình diễn guitar cổ điển. Khi được hỏi anh đã bắt đầu đến với những nốt nhạc từ khi nào, anh cho biết:

"Thời gian em học nhạc là lúc em còn ở Việt Nam, khoảng đầu thập niên 80…một người thầy trong một lớp nhạc nhỏ, lúc đó em khoảng 10 tuổi. Người này cũng là một phần trong cuộc đời của em để em có sự nghiệp trong ngày hôm nay, từ những bước nhỏ đó, mình từ từ mình đi lên, rồi qua Mỹ…ban nhạc của em bây giờ được nổi tiếng… đó cũng là nhờ những bước đầu tiên đó."

Thưa quí vị và các bạn, với những lời giản dị chân thành của nhạc sĩ Nguyễn Đạt, chúng ta khó có thể hình dung được cuộc đời của anh đã phải trải qua những khó khăn như thế nào. Thực vậy, mất mẹ từ lúc mới lên 5, cũng như bao người con lai Mỹ khác, anh đã trải qua những ngày tháng vô cùng cực khổ, vì anh còn thiệt thòi hơn: không nhìn thấy ánh sáng.

Thời gian em học nhạc là lúc em còn ở Việt Nam, khoảng đầu thập niên 80…một người thầy trong một lớp nhạc nhỏ, lúc đó em khoảng 10 tuổi. Người này cũng là một phần trong cuộc đời của em để em có sự nghiệp trong ngày hôm nay, từ những bước nhỏ đó, mình từ từ mình đi lên, rồi qua Mỹ…ban nhạc của em bây giờ được nổi tiếng… đó cũng là nhờ những bước đầu tiên đó.

Thành lập ban nhạc

Cho nên, khi được làm quen với những nốt nhạc, cây đàn guitar trở thành bạn tri kỷ của anh… Không những chỉ dừng lại ở đây, anh đã quyết chí khám phá thế giới của âm nhạc, và mong mỏi được thể hiện những ca khúc do chính mình sáng tác, thế là khi gặp Chris Payne, và Saatara, ban nhạc Bayadera ra đời. Chúng ta hãy nghe Chris kể:

"Lúc đầu, chỉ có 3 người chúng tôi là Đạt, Saatara và tôi. Khi đó, chúng tôi gặp nhau vì cùng thích chơi nhạc, thế thôi. Nhưng sau đó, thì chúng tôi cảm thấy rất hợp với nhau và thế là nhóm lại, rồi trình diễn ở trong trường, hoặc là ngồi ca hát cùng với nhau.

Một ngày kia, chúng tôi bảo nhau là tại sao chúng ta không thành lập một ban nhạc? Và từ đó, chúng tôi nghiêm túc hơn, tập dượt kỹ càng hơn, và chúng tôi đi tìm một ca sĩ. Chúng tôi đã tìm thật lâu. Đó chính là Gina."

Đến đây, mời quí vị nghe một đoạn trong bài Beautiful của ban nhạc Bayadera do ca sĩ Gina trình bày.

Thưa quí vị và các bạn, về phần Gina, ca sĩ chính trong nhóm cho biết thì nói: "Trước khi đến với ban nhạc, tôi chưa bao giờ hát cho ban nhạc nào cả. Khi tôi tìm đến ban nhạc Bayadera, lập tức tôi rất cảm phục về tài năng của họ, tôi rất muốn mình cũng được gia nhập với họ.

Khi họ sáng tác một ca khúc nào thì đưa cho tôi hát thử, sau đó, nếu có chỗ nào cần sửa lại cho phù hợp, thì tôi góp ý với họ để điều chỉnh lại…Làm việc chung với ban nhạc Bayadera, trong đó có Nguyễn Đạt thật là tuyệt vời."

Sự đa dạng của nhóm

Thưa quí vị và các bạn, cũng theo lời của anh Chris Payne, ban nhạc đã tham gia rất nhiều trong những sinh hoạt của cộng đồng, và rất thích thú khi làm việc với Nguyễn Đạt, anh nói:

"Chúng tôi đã trình diễn nhiều lần cho cộng đồng Việt Nam, ở trường học, cũng như những buổi giao lưu văn hoá. Theo tôi, sự khác biệt giữa màu da, chủng tộc không có gì là trở ngại cả. Khi chúng ta đã là bạn, thì tình bạn vượt qua biên giới…

DatNguyen150.jpg
Anh Nguyễn Đạt, thành viên ban nhạc Bayadera. Photo provided by Bayadera Band

Những người khác nhìn vào chúng tôi, thì thấy đó là một ban nhạc rất đa dạng và đây chính là điểm đặc thù của chúng tôi. Chúng tôi khác nhau về tiểu sử, bản thân, nhưng đến với nhau vì cùng một mục đích.

Về phần Đạt Nguyễn, phải nói anh là linh hồn của ban nhạc chúng tôi. Anh là một người rất tuyệt vời. Tôi đã làm bạn với anh ấy từ lâu lắm rồi. Những người tật nguyền, thường hay sợ hãi về điều đó, nhưng anh thì không. Anh đã cho tôi một tình bạn chân thành và chúng tôi đã cùng nhau viết những bản nhạc thật hay.

Khi cả nhóm chúng tôi chơi, thì không còn gì ngăn cách, không một tiếng nói, tất cả đều lắng nghe và hoà nhập vào những giai điệu nhạc mà thôi…Và đó là cách mà chúng tôi thông tin với nhau."

Ý nghĩa của "Bayadera"

Thưa quí vị, chắc quí vị và các bạn cũng như Phương Anh, rất muốn biết tại sao ban nhạc lại có tên Bayadera và cái tên này mang ý nghĩa gì? Anh Saatara cho biết:

"Chúng tôi nghĩ đến nhiều cái tên khác nhau,.. chúng tôi tìm tòi và nghiên cứu để chọn một cái tên cho thích hợp và cuối cùng là Bayadera, có nghĩa là nhảy múa với lửa. Từ ngữ này của thổ dân da đỏ ở Hoa Kỳ, cũng là của dân ở vùng Trung Mỹ, Bắc Mỹ. Từ ngữ này còn có ý nghĩa là sự khát khao được ca hát, nhảy muá… Vì thế, chúng tôi đã chọn nó cho ban nhạc của chúng tôi vì nó rất thích hợp với sự đa dạng của nhóm. "

Một thành viên mới gia nhập nhóm từ hơn một năm nay, tay trống Nathan, anh cho biết cảm tưởng:

"Một người trong nhóm đã liên lạc với tôi khi tôi đăng quảng cáo trên báo. Ban nhạc này thật là tuyệt diệu. Tôi đã chơi cho khá nhiều các ban nhạc khác… và hầu như các ban nhạc chỉ kết hợp với nhau chừng một thời gian ngắn, nhưng Bayadera thì khác.

Tôi nhận thấy họ liên kết với nhau thật chặt chẽ, như hoà làm một vậy, khó có thể tách ra được. Đạt Nguyễn là một người vô cùng tuyệt vời. Thật là thích thú khi làm việc chung với anh."

Được đón nhận nồng nhiệt

Về phần Đạt Nguyễn, phải nói anh là linh hồn của ban nhạc chúng tôi. Anh là một người rất tuyệt vời. Tôi đã làm bạn với anh ấy từ lâu lắm rồi. Những người tật nguyền, thường hay sợ hãi về điều đó, nhưng anh thì không. Anh đã cho tôi một tình bạn chân thành và chúng tôi đã cùng nhau viết những bản nhạc thật hay.

Thưa quí vị và các bạn, được biết, ban nhạc Bayadera đã từng đoạt rất nhiều giải thưởng ở tiểu bang California, được tạp chí Billboard vinh danh và hiện nay, đang được hãng Yamaha nổi tiếng bảo trợ.

Những ca khúc của Bayadera được mọi người đón nhận nồng nhiệt, cuốn album mới nhất, 90 Millions Miles ra đời đánh dấu bước nhảy vọt của Bayadera, cuốn thứ hai đang được tiến hành. Ngoài ra, còn được mời đi lưu diễn trên toàn nước Mỹ và có tên trong các website nổi tiếng. Khi hồi tưởng lại con đường đã qua, Nguyễn Đạt bồi hồi nói:

"Ở Việt Nam, em không có phát triển được, bởi vì những cái gì đó… ở nơi đó là cai trị bằng những sự độc tài. Tâm tính con người ở bên đó không tin người tàn tật, chính quyền thì không bao giờ cho cơ hội, em phải tự tạo cơ hội lấy, bị tàn tật thì bị kỳ thị...

Đến khi em qua Cali, được học hành đầy đủ, tài năng của mình được tôn trọng, thì giống như mình được sinh ra lại."

Quyết tâm thực hiện mộng ước

Thưa quí vị và các bạn, khi có được cơ hội định cư ở xứ người, Nguyễn Đạt, người thanh niên con lai mù loà này nhất quyết thực hiện cho bằng được ước mơ của mình… Với số tiền trợ cấp của chính phủ, anh dành dụm để mua thêm dụng cụ, tự học sáng tác nhạc.

Mời các bạn tham gia mục Câu chuyện Hàng tuần do Phương Anh phụ trách. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Đôi khi cũng có những người nghi ngờ, vì khó ai có thể tin được người thanh niên con lai, một đứa trẻ mù loà bán rong trên đường phố Sàigòn năm xưa, nay lại có thể trở thành nhạc sĩ và bước vào thế giới âm nhạc của Hoa Kỳ. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ấy, anh nói:

"Từ hồi nhỏ đến lớn, em đã chọn ngành này, nhưng cũng có người nói ra nói vào, gia đình thấy mình không có tiền thì nhiều khi cũng hơi lo. Từ hồi 6 tuổi là em biết em sẽ làm gì rồi…khi những đứa trẻ khác vui chơi thì em lo tập đàn. Đối với em, âm nhạc là ánh sáng, là sự nối tiếp giữa em và thế giới bên ngoài, giữa em và tất cả mọi người."

Khi hỏi anh có lời khuyên nào cho những người đồng cảnh ngộ, kém may mắn như anh, anh nói:

"Đừng bao giờ ngần ngại khi hỏi những gì đang xảy ra chung quanh, nếu mình muốn biết cái gì thì cứ nên hỏi. Thứ hai nữa là đừng thoả mãn với những gì mình đang có, tại vì có những cái hay hơn mà mình chưa biết…

Bên Mỹ này có những program của chính phủ hay tư nhân giúp đỡ, cho ngành nghề, cho nhà cửa hay cuộc sống riêng tư.. Điều quan trọng nhất là đừng bao giờ cho là mình đã biết đầy đủ thì mình mới tiến thân được.

Điều thứ ba là phải tin tưởng vào chính bản thân mình. Mình cũng có quyền sống như mọi người thôi, tàn tật hay không tàn tật, cũng có quyền sống như nhau… đôi khi mình phải lên tiếng mình la, thì người ta mới help mình, nếu mình không có nói, người ta không biết chỗ mình ngưá mà gãi…mình phải nói lên cái “cần” của mình, chứ đừng có ngại… Và có ý chí thì mình sẽ thành công thôi."

Vừa rồi là câu chuyện về Nguyễn Đạt và ban nhạc Bayadera. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin dừng nơi đây. Phương Anh tạm biệt và hẹn với quí vị.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.